PHỤ NỮ LONG AN TRONG CHIẾN DỊCH MẬU THÂN 1968

PHỤ NỮ LONG AN TRONG CHIẾN DỊCH MẬU THÂN

(Kỳ 1)

Với vị trí chiến lược đặc biệt, Long An được xem là “yết hầu”, “cuống họng” của thủ đô chính quyền Sài Gòn, trong Mậu Thân 1968, phụ nữ Long An đã góp phần xương máu làm nên cột mốc lịch sử quan trọng của cách mạng miền Nam. Những gì tôi được gặp, ghi nhận trong quá trình tham gia viết “Phụ nữ Long An-lịch sử và truyền thống” quá bé nhỏ, chưa sao nói hết được với sự đóng góp to lớn của nhân dân Long An, đặc biệt là giới phụ nữ.

Tinh thần Nghị quyết Quang Trung về đến Long An, hình thành các phân khu

Chấp hành Nghị quyết Trung ương Đảng, Trung ương Cục do đồng chí Phạm Hùng làm bí thư ra nghị quyết “Tổng công kích- tổng khởi nghĩa”, lấy vùng Đông Nam bộ và  Sài Gòn – Gia Định làm trọng điểm, hướng tiến công chủ yếu của quân dân ta là Sài Gòn. Nghị quyết này mang mật danh “Nghị quyết Quang Trung”.

Đến cuối năm 1967, những tinh thần cơ bản của nghị quyết mới được đưa vào Nam Bộ và đầu tháng 11/1967, được quán triệt và cụ thể hóa thành các công tác chuẩn bị ở Long An và các địa phương khác. Ngày 25/10/1967, Trung ương Cục quyết định giải thể Quân khu 7 và Quận khu Sài Gòn – Gia Định để tổ chức khu trọng điểm gồm 5 phân khu theo năm hướng tiến công vào Sài Gòn và một phân khu nội đô (phân khu 6). Công việc phân chia và  tổ chức phân khu ở Long An đến cuối tháng 11 mới hoàn tất:

Phân khu 2 gồm các huyện phía Bắc lộ số 4 của Long An như Đức Hòa, Đức Huệ, Bến Lức, Thủ Thừa, được nối liền với các quận, huyện nội ngoại thành phía Tây Sài Gòn là Tân Bình, Bình Chánh, quận 5, quận 6, quận 3 và Phú Thọ Hòa, Tân Sơn Hòa. Lực lượng của phân khu 2 có 6 tiểu đoàn gồm tiểu đoàn 267, 269, 6, 16 bộ binh, tiểu đoàn 12 đặc công và 1 tiểu đoàn pháo binh mang vác. Phân khu 2 có nhiệm vụ hiệp đồng chiến đấu cùng 4 phân khu bạn, đánh chiếm các mục tiêu quan trọng trong thành phố như sân bay Tân Sơn Nhứt, Bộ tổng tham mưu ngụy, Biệt khu thủ đô và phát triển vào điểm hội quân ở dinh Độc Lập. Phân khu 2 do đồng chí Võ Trần Chí làm bí thư phân khu ủy.

Phân khu 3 gồm các huyện phía Nam lộ 4 của Long An là Châu Thành,Tân Trụ, Cần Đước, Cần Giuộc, nối với các huyện nội ngoại thành phía Nam Sài Gòn là Nam Bình Chánh, Nhà Bè, quận 4, quận 7, quận 8, quận 2 (nay là quận 1); được đặt dưới quyền chỉ huy của đồng chí Nguyễn Văn Chính (tức Chín Cần) – Bí thư phân khu ủy, đồng chí Huỳnh Công Thân – tư lệnh phân khu. Lực lượng phân khu 3 có 7 tiểu đoàn gồm tiểu đoàn 1, 2 Long An, tiểu đoàn 5 Nhà Bè, tiểu đoàn Đồng Nai, tiểu đoàn Phú Lợi, tiểu đoàn đặc công và tiểu đoàn pháo binh… Phân khu 3 có nhiệm vụ đánh chiếm các quận phía Nam Sài Gòn và các mục tiêu quan trọng như Tổng nha cảnh sát, dinh Độc Lập, Bộ tư lệnh hải quân… Phân khu 3 gồm các vùng phía Nam lộ 4 là chiến trường gian khổ, ác liệt hơn nhiều so với phía Bắc vì nó vừa trống trải, lầy lội vừa bị chia cắt bởi nhiều sông rạch lớn, không có được một  hậu phương trực tiếp như vùng biên giới Ba Thu ở các huyện phía Bắc Long An mà chỉ có những lõm căn cứ, hậu phương tại chỗ như vùng hạ Cần Giuộc, thượng Cần Đước…

Về phía ta, chuẩn bị cho chiến dịch, tỉnh Long An  được phân ra làm hai, nằm trong đội hình của phân khu 2 và phân khu 3, cùng hợp đồng chiến đấu với các phân khu bạn, đánh chiếm các mục tiêu quan trọng trong thành phố. Trước tình hình chỉ có hơn 2 tháng để  tổ chức lại chiến trường, nhu cầu tăng quân của các phân khu rất lớn. Dòng chảy ngầm của công tác chuẩn bị “tổng công kích-tổng khởi nghĩa” diễn ra trong bí mật nhưng vô cùng khẩn trương. Quân dân Long An với truyền thống “toàn dân đánh giặc”, với không khí sôi nổi, hào hứng chưa từng có, đã đẩy lùi hai đợt phản công liên tiếp của quân Mỹ vào hai mùa khô 1966-1967, làm tê liệt tinh thần chiến đấu của Sư đoàn 25 ngụy. Do phải giữ bí mật, quân dân Long An cũng như toàn miền không được phổ biến đầy đủ Nghị quyết “Tổng  công kích- tổng khởi nghĩa”  nhưng hầu như ai cũng ngầm hiểu “lần này là dứt điểm”. Vì lẽ đó, quân dân Long An dồn sức vào “trận dứt điểm” này với khí thế hừng hực.

Lòng dân một lần nữa lại thể hiện sức mạnh, là hậu phương vững chắc cho các lực lượng của phân khu. Tất cả các đơn vị bộ đội huyện và du kích đều được tăng cường cho các phân khu nhằm đảm bảo đủ quân số cho các tiểu đoàn mũi nhọn. Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, những người mẹ, người chị Long An đã tiễn hàng ngàn người con nhập ngũ…

Vận động con em tòng quân- Tham gia hậu cần quân đội.

Những người mẹ, người chị Long An có thể chưa hình dung hết thế nào là “Tổng tiến công và nổi dậy” nhưng chỉ cần   nghe vận động đây là “trận dứt điểm” là sẵn sàng cống hiến tất cả, trong đó có những đứa con yêu quý của mình. Công tác vận động tòng quân và chuẩn bị hậu cần cho chiến trường trong những ngày này diễn ra rầm rộ, đầy khí thế.

Trong “Tổng công kích-tổng khởi nghĩa” 1968, để phục vụ các cánh quân tấn công vào nội đô, bộ phận hậu cần phải đảm nhiệm một khối công việc vô cùng to lớn. Trước tiên, 200 tấn đạn từ vùng biên giới Ba Thu cần phải được đưa về các điểm cất giữ tạm, sát Sài Gòn. Và cũng không ai ngờ, chính những bờ vai con gái đã sát cánh cùng nhân dân gùi đạn trên vai mình, đi đường bộ, theo từng cung trạm. Từ biên giới Ba Thu, số lượng khổng lồ đạn và trái ấy đã theo những cô gái, chàng trai tỏa xuống phân khu 2, phân khu 3. Sức mạnh của nhân dân được huy động vào công tác vận chuyển, mà phụ nữ góp phần hơn phân nửa lực lượng. Đáp lời kêu gọi của chiến dịch về một trận “dứt điểm”, hàng đêm, trên các tuyến đường vận chuyển của Long An ngoài lực lượng Thanh niên xung phong tại chỗ, còn có đội ngũ dân công hùng hậu từ quần chúng. Chỉ cần được Hội Phụ nữ phát động, kêu gọi là chiến trường có lời đáp. Có chị tham gia dân công đường dài, đi suốt từ biên giới xuống đến Nam lộ số 4. Có chị đi dân công tải đạn theo từng cung trạm. Để phục vụ hậu cần cho cánh quân phân khu 3, có nhiều xã ở Cần Giuộc, trước tết Mậu Thân, hàng đêm, có từ 200-300 nữ dân công được huy động, mang vác đạn từ ấp Long Đức, Phước Hưng về miễu Bà Trưng. Ở Phước Lâm mỗi đêm có từ 100 nữ dân công tham gia tải đạn từ Phước Long về Quy Đức. Các chị còn  tham gia đào hầm cất giấu vũ khí. Xã Mỹ Lộc (Cần Giuộc) được chọn làm địa bàn đóng quân của tiểu đoàn Phú Lợi và tiểu đoàn Đồng Nai – hai đơn vị của Phân khu 3 được giao nhiệm vụ tấn công nội đô Sài Gòn vào ngày mồng một tết Mậu Thân 1968. Riêng để phục vụ cho các đơn vị phân khu 3 làm nhiệm vụ thọc sâu vào thành phố, đoàn dân công đã hoàn thành nhiệm vụ đưa hơn 100 tấn đạn theo hai hướng: Tân Đông, Chợ Gạo… Vườn Thơm, Bà Vụ, Long Cang, Long Định, qua Cần Giuộc, vào Sài Gòn… Đêm đêm, hàng ngàn dân công, bộ đội gồng gánh vũ khí, lương thực qua Hưng Long phục vụ cho bộ đội chiến đấu. Trong lúc chiến trận xảy ra, giữa mưa bom bão đạn, chị em dân công vẫn làm nhiệm vụ tải đạn, chuyển thương từ Mỹ Lộc qua Hưng Long…

Ở Đức Hòa, Đức Huệ, hàng trăm ngàn lượt chị em phụ nữ và các cơ quan tỉnh tham gia vào lực lượng dân công đã phục vụ suốt tuyến đường biên giới Campuchia, liên tục chuyển 200 tấn đạn dược từ biên giới Campuchia, xuống vùng Nam lộ 4, sát Sài Gòn để chuyển về nội đô. Lộ trình giao liên của ta từ Ba Thu  xuống vùng Nam lộ 4, do địch nắm khá rõ nên liên tục tăng cường bắn phá. Đó là cung đường ác liệt dày đặc biệt kích, bị pháo địch bắn phá ác liệt suốt ngày đêm, nhất là vào mùa khô. Những cô gái tuổi 18, 20 trên đường phục vụ chiến dịch, có lúc phải chịu đựng cơn khát đến cháy cổ vì mùa khô cũng là mùa nước phèn của Đồng Tháp Mười và các vùng ven. Cơm vắt, muối tiêu, đương đầu với cái chết, tù đày, các đoàn dân công vẫn tấp nập lên đường. Toàn thể quân dân ta đều hăng hái, phấn khởi, tin tưởng vào thắng lợi.

Các cơ sở hậu cần cách mạng còn nghĩ ra cách vận chuyển  hàng bằng ghe hai đáy. Khi chưa có súng đạn, chị em chở hàng nhẹ như gà, vịt giả đi mua bán. Đến lượt về, các chị chở đá, cát, giả cách làm cho “ghe khẳm” để qua mắt địch. Khi ghe cặp bến, những tấn hàng được các chị chuyển đi một cách chớp nhoáng. Mỗi cung đường vận chuyển của đoàn dân công càng về phía ven đô càng gặp nhiều nguy hiểm. Những dân công hỏa tuyến phục vụ chiến đấu cung đường này chịu đựng sự khốc liệt của chiến tranh không khác gì các chiến sĩ cầm súng ngoài mặt trận. Nhiều chị hy sinh, nhiều chị bị địch bắt, bị giam cầm trên đường làm nhiệm vụ…

Chưa bao giờ tình quân dân được thể hiện thắm thiết, cảm động như trong trận “dứt điểm” này. Trước không khí chuẩn  bị khẩn trương cho chiến dịch Mậu Thân, Ban Chấp hành Hội Phụ nữ giải phóng tỉnh Long An lúc đó đã kịp thời chỉ đạo  lực lượng phụ nữ các xã trong tinh thần sẵn sàng giúp đỡ bộ đội về mặt hậu cần, chuẩn bị thức ăn, nước uống, thuốc men…, tất cả những gì có thể làm được để phục vụ chiến trường. Vào những ngày ấy, ở vùng ven đô, dường như toàn bộ tâm lực của nhân dân sẵn sàng dành cho “Tổng công kích- tổng khởi nghĩa” …

Ở ấp Bình Thủy xã Đức Hòa Đông, Đức Hòa, cả họ hàng gia đình chị Năm Ánh (chị Năm Ánh trong Ban Chấp hành Hội Phụ nữ Giải phóng, cùng chị Chín Đen, Hai Liêm, Ba Loan sát cánh chỉ đạo phong trào phụ nữ xã thời gian này) đều tham gia cất giấu, nuôi dưỡng anh em cán bộ, nhất là chuyển đạn qua lại giữa ranh giới quận Tân Bình vào thành phố. Các chị làm giao liên đưa đón, nuôi giấu cán bộ trong nhà suốt thời chiến tranh, mà cao điểm là thời gian trước và sau Mậu Thân. Các chị còn tham gia tải đạn, tải thương binh, chôn cất liệt sĩ. Bếp nhà các chị luôn đỏ lửa nấu bánh tét, nấu cơm vắt liên tục, tiếp tế lương thực cho bộ đội, cán bộ  đánh vào Sài Gòn. Mẹ Phạm Thị Phới được kết nạp Đảng năm 1948, đã từng tham gia Đoàn Phụ nữ cứu quốc ở Đức Lập, Ban Chấp hành huyện, chồng hy sinh lúc còn rất trẻ, một nách nuôi hai con thơ vẫn là nhân tố tích cực trong  phong trào phụ nữ ở địa phương. Chiến dịch Mậu Thân, mẹ ủng hộ nuôi quân 50 giạ lúa, vừa củng cố, tổ chức lại Ban Chấp Hành xã, Ban cán sự ấp, vận động đồng bào gửi lương thực ra vùng căn cứ cho anh em. Mẹ Phới cùng với chị  em tải gạo từ Rạch Nhum, Gò Sao đến Bàu Công; tải đạn từ Trâm Tròn về Tân Mỹ; vừa làm giao liên đón rước cán bộ hoạt động ở thành ra vùng căn cứ. Chị còn đào hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, trong đó có chị Huỳnh Thị Ngọc (Ba Ngọc) – Hội trưởng Phụ nữ Giải phóng huyện Đức Hòa…

Ở vùng ven thị trấn Hậu Nghĩa, có hơn 30 chị em đã khéo léo nghi trang gánh đạn đến các điểm Tân Bình, kênh số 3, Rạch Nhum, Hiệp Hòa, chùa Cây Dương… Mẹ Võ Thị Bèn năm ấy đã 75 tuổi, nhà ở khu A thị trấn Hậu Nghĩa nhận chuyển một gánh đạn (địch không bao giờ ngờ tới những bà mẹ quá già hay những phụ nữ ốm yếu tham gia phục vụ chiến dịch) từ khu A đến ấp Hòa Thuận, xã Hiệp Hòa. Mẹ để đạn trong hai cái thúng, rồi đổ lúa lên nghi trang. Cứ thế, mẹ cứ gánh lúa đi “chà gạo” ngang qua mặt kẻ thù. Có khi mẹ bỏ đạn vào bao bố Mỹ vác trên vai, thản nhiên đi qua những trạm gác…

Ở các xã vùng ven địa hình bị chia cắt bởi nhiều kênh rạch (thuộc phân khu 3), nhiều gia đình sẵn lòng cung cấp phương tiện di chuyển và sức người cho cuộc hành quân khẩn trương “vừa chạy vừa xếp hàng” của quân giải phóng. Riêng ở xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc, đồng bào tự nguyện cho mượn hàng trăm xuồng, ghe, 300 dân công lên đường phục vụ hoả tuyến. Ở các vùng giáp Bình Chánh như Tân Nhựt, Tân Kiên, chi bộ xã đã lãnh đạo thực hiện  tốt công tác chuẩn bị 18 ghe làm cầu nổi cho bộ đội qua sông và tổ chức đoàn dân công tải đạn phục vụ cho chiến dịch gồm hơn 150 người, hầu hết là phụ nữ… Đó là những chiếc xuồng chở nặng lòng dân, nhất là tấm lòng của những người mẹ, người chị ven đô…

Trong Tết Mậu Thân, Vườn Thơm trở thành hậu cứ có nhiều kho vũ khí, lương thực cung cấp cho Phân khu 3 và phân khu 2, nơi xuất phát của tiểu đoàn 5 và 6 Bình Tân, tiểu đoàn 12 đặc công, bộ đội Long An, các đơn vị  của Sư đoàn 9 chủ lực miền (bà con quen gọi là công trường 9), trạm quân y, các bộ phận thu dụng. Những cán bộ, đảng viên bất chấp sự khủng bố, càn quét, bom pháo hủy diệt đã bám trụ để phục hồi cơ sở, trở thành hậu cứ lớn cho chiến dịch. Cũng tại Vườn Thơm, ngày 31/01/1968,  nhiều đơn vị lực lượng vũ trang của ta xuất phát  tấn công vào khu ngã bảy Vườn Lài, Phú Thọ Hòa, Biệt khu Thủ Đô…

Hàng ngàn tấn gạo nếp, bông băng, hàng trăm con gà vịt, võng cho bộ đội nằm, võng để tải thương  được những người mẹ, người chị Bến Lức – Vườn Thơm – Bà Vụ đáp ứng sẵn sàng cho chiến dịch. Phần lớn việc chuyển thương, tải đạn, phục vụ hậu cần đều do phụ nữ đảm nhận, bởi nam giới  hầu hết phải lao ra mặt trận. Những người mẹ, người chị Tân Bửu, Tân Nhựt… huy động trong thời gian ngắn 120 chiếc xuồng, ghe và 16 máy đuôi tôm sẵn sàng đưa đón bộ đội, cán bộ bất kể ngày đêm. Hàng trăm công sự chiến đấu và nhiều hầm bí mật đã được các má, các chị  xây dựng. Hội phụ nữ giải phóng của các xã thuộc căn cứ Vườn Thơm – Bà Vụ đã vận động, kêu gọi hàng trăm dân công, lực lượng phần lớn là phụ nữ, phân thành 4 trung đội túc trực đáp ứng chuyển thương tải đạn cho chiến dịch…

6 giờ chiều ngày 31/01/1968, đồng bào vùng ven Sài Gòn gồm các xã bắc Bến Lức như Tân Bửu, Tân Nhựt bơi xuồng đưa tiểu đoàn 6 Bình Tân vượt sông tấn công vào nội đô (phần lớn những chiến sĩ tiểu đoàn 6 Bình Tân là con em  địa phương). Các má, các chị bịn rịn, lo lắng cho số phận của con em mình, không cầm được nước mắt…

Có biết bao người con gái trên vùng đất phía Tây Nam Sài Gòn vừa là nhân chứng, vừa góp phần làm nên chiến dịch Mậu Thân lịch sử. Mùa xuân năm ấy, không ít những đôi trai gái yêu nhau phải gác lại tình riêng lao vào chiến dịch.

Lực lượng dân quân các huyện của Long An nhận nhiệm vụ phục vụ các tiểu đoàn mũi nhọn của phân khu chiến đấu như dẫn đường, vận tải phối hợp chiến đấu, khi có điều kiện, thời cơ thì tấn công đồn bót tự giải phóng địa phương. Mùa xuân Mậu Thân năm 1968, quân dân Long An chuẩn bị đón tết cổ truyền trong không khí rất đặt biệt. Bà Huỳnh Thị Thinh – nguyên Bí thư huyện ủy Cần Giuộc, Hội trưởng Hội Phụ nữ Giải phóng Khu 8 trong chiến dịch Mậu Thân được Khu ủy giao nhiệm vụ đi xuống các tỉnh phổ biến nghị quyết kể lại những khoảnh khắc sôi động trước “giờ G” tổng tiến công – tổng công kích nổ ra:

“ Hôm đó, tôi được công điện của các đồng chí mật mã đưa về. Trong lúc chúng tôi chuẩn bị về tết, có mời một số quân lại bàn bạc để tổ chức. Cuộc míttinh mời đồng bào trong thị xã ra. Các đồng chí trong Tỉnh ủy đi lại “điểm” hết, còn tôi ở lại sau, vì hôm đó tôi chịu trách nhiệm đồng chí mật mã đưa công điện đến. Tôi xé ra, thấy ngày giờ G tôi run quá, vừa mừng, vừa phấn khởi, vừa lo. Tôi lấy công điện đó chạy ngay lại “điểm”. Các đồng chí Tỉnh ủy rất ngạc nhiên vì từ trước đến nay thấy tôi chưa bao giờ chạy. Tôi đem công điện lại cho đồng chí Mười Hà (Bí thơ Thành ủy Mỹ Tho). Đồng chí Mười Hà cũng run, chuyền cho các đồng chí Thành ủy. Các đồng chí ấy đọc xong cũng run lên vì xúc động. Chúng tôi chuyển  cuộc họp đó, thảo luận nghị quyết của trên về ngày N giờ G của tết Mậu Thân…”

Ở các huyện Đức Huệ, Đức Hòa, chưa bao giờ bộ đội chủ lực tập trung về huyện đông đến vậy. Đêm đêm từng đoàn quân ngược xuôi từ làng này sang làng khác. Từng đoàn dân công hối hả khiêng vác đi về phía Sài Gòn… Các mẹ, các chị đi vận động từng nhà xin nếp để gói thật nhiều bánh tét cho bộ đội ăn tết. Có nơi làm thịt, cá chà bông, bò khô cho bộ đội mang theo. Những bà mẹ tích cực vận động con cháu tòng quân giết giặc…

Cuộc tổng tấn công và nổi dậy của quân dân ta được mở đầu bằng cuộc tập kích chiến lược bất ngờ của quân chủ lực giải phóng vào hầu hết các đô thị, ngay trong đêm giao thừa tết Mậu Thân. Đó cũng là thời điểm địch chủ quan, sơ hở nhất. Đêm giao thừa tết Mậu Thân 1968, Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam phát đi bài thơ chúc tết của Hồ Chủ tịch :

“ … Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua

Thắng trận tin vui khắp nước nhà

Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ

Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta”

Bài thơ ấy được phát đi như một mệnh lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh đích thân phát động tổng công kích. Giờ tổng tiến công vào kẻ thù cướp nước và tay sai đã đến. Cuộc tổng tấn công và nổi dậy được diễn ra qua ba đợt với quy mô rộng lớn (30/01 đến 25/02 ; 5/5 đến 15/6; 17/8 đến 30/9/1968). Lực lượng Quân giải phóng đã tiến công và nổi dậy đồng loạt ở hầu khắp các thành phố, thị xã, thị trấn, các “ấp chiến lược”, các vùng nông thôn bị địch kiểm soát. Quân chủ lực của ta đã  nổ súng tấn công vào các cơ quan đầu não, các sở chỉ huy, tiến công hàng loạt các căn cứ, các tuyến phòng thủ, các hệ thống giao thông, thủy bộ, kho tàng, làm tê liệt mọi hoạt động liên lạc, vận chuyển của địch.

Ngày N giờ G đã đến. Đó là lúc 2 giờ sáng ngày mồng 2 tết Mậu Thân. Do sự điều chỉnh lịch của Nha khí tượng thủy văn nên tết nguyên đán năm ấy giữa Hà Nội và Sài Gòn chênh nhau một ngày. Ở miền Trung do nhận được điện điều chỉnh nên ngày nổ súng tấn công là mồng 1 rạng mùng 2 tết. Mệnh lệnh chiến đấu quá bất ngờ, chỉ không đầy 20 tiếng, các phân khu phải gom đủ số cán bộ, chiến sĩ đang ăn tết của hàng chục đơn vị nằm rải rác khắp các huyện cũng là một việc làm phi thường. Tiếp theo đó, còn hàng núi công việc cần phải giải quyết khi phương án hành quân thay đổi  như huy động dân công cần phải  tải đạn sẵn sàng đến các điểm để phục vụ chiến đấu kịp lúc, các phương tiện vượt sông, dẫn đường, chọn địa điểm đột phá vào thành phố… Nhưng ngày N giờ G là của toàn miền, dân quân Long An đã dốc hết sức cố gắng để chấp hành ngày “Tổng công kích-tổng khởi nghĩa”.

Vào lúc 2 giờ sáng đêm mùng 2 tết Mậu Thân 1968, tiếng súng tổng công kích của lực lượng quân giải phóng vào nội đô Sài Gòn rền vang khắp các vị trí chiến lược của Mỹ – ngụy. Tin quân ta đánh vào sân bay Tân Sơn Nhứt, Dinh Độc Lập, tòa Đại sứ Mỹ, Tổng nha cảnh sát… theo chân các đoàn dân công đưa về khắp vùng ngoại vi phía Tây Nam Sài Gòn. Niềm phấn khởi ấy nhanh chóng lan lên các huyện Đức Hòa, Đức Huệ… Khắp các huyện phía Bắc, phía Nam lộ 4 của Long An, phong trào đi dân công hỏa tuyến và phong trào tòng quân lên mạnh chưa từng có. Ở Đức Huệ, suốt dải hậu cứ từ biên giới Tà Nôi xuống Giồng Két tưng bừng như những ngày hội…

Trong lúc các cánh quân của phân khu 2, phân khu 3 Long An đang nổ súng quyết liệt đánh vào các căn cứ của sào huyệt địch, thì tại các địa phương, dưới sự lãnh đạo của các chi bộ, lực lượng tại chỗ cũng tấn công vào các cứ điểm địch. Ở các vùng nông thôn phía sau các phân khu, các thị trấn, thị xã Tân An và hàng loạt đồn bót đều bị ta tấn công. Góp phần làm nên sức mạnh tổng công kích là đội quân tóc dài thầm lặng.

Chị Trần Thị Hỏi – nữ  dũng sĩ diệt Mỹ, vốn là cán bộ phụ nữ xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa trong chiến dịch Mậu Thân luôn sát cánh bên bộ đội tải thương, luôn có mặt và đi đầu  trong các cuộc đấu tranh trực diện với kẻ thù. Đồng bào Lộc Giang rất khâm phục sự can đảm của chị trong trận đánh vào bót La-cua – Hiệp Hòa. Một mình chị đã tải hàng chục chiến thương ra khỏi trận địa bằng cách cõng từng anh xuyên qua lưới đạn. Bằng tấm lòng đôn hậu, cách nói thấu lý đạt tình, chị đã thuyết phục rất nhiều binh sĩ địch đào ngũ. Chiến dịch Mậu Thân, chị trong đoàn hậu cần của huyện, luôn có mặt ở những điểm nóng, hết cấp phát lương thực lại chuyển thương, tải đạn. Người cán bộ hội phụ nữ ấy của Đức Hòa một lòng trung kiên với cách mạng đã hy sinh trên đường làm nhiệm vụ tại rạch Gừa trong chiến dịch Mậu Thân 1968…

Những “đội quân tóc dài” ngoài việc góp phần làm tan rã từng mảng lớn bộ máy chính quyền ở địa phương, còn là hậu phương vững mạnh, là lực lượng hậu cần đầy sáng tạo, chịu thương, chịu khó; là lực lượng dân công hỏa tuyến sẵn sàng có mặt ở chiến trường. Chị em đảm nhận, phục vụ kịp thời tất cả, từ thuốc men, văn phòng phẩm, vải dù, máy đánh chữ, pin, dây điện, gạo, thực phẩm… Bất cứ thứ gì chiến trường cần, qua tấm lòng, bàn tay phụ nữ là có đủ, cho dù giặc canh gác, xét gắt gao mọi trạm gác, cung đường. Chiến dịch Mậu Thân, một lần nữa, những người mẹ, người chị Long An càng tỏ rõ năng lực hậu cần phục vụ chiến trường. Nhiệm vụ đó được thực thi bằng cả tấm lòng của nhân dân đối với cách mạng…

Tết Mậu Thân, mỗi gia đình ở Long An – Kiến Tường xay lúa giả gạo để sẵn, có gia đình chia đôi  tài sản cho bộ đội, không ít nhà góp bò, heo, hàng tấn lúa phục vụ cho chiến dịch Mậu Thân. Khi yếu tố bất ngờ đêm nổ súng không còn nữa, trước hỏa lực địch phản công, quân ta bị đẩy lùi dần khỏi vùng ven đô Sài Gòn, các huyện giáp biên giới Campuchia như Đức Hòa, Đức Huệ là tuyến sau đón nhận mỗi đêm hàng trăm thương binh. Quân y phân khu chưa kịp xây dựng lán trại để đón thương binh thì đã có những người mẹ, người chị chiến sĩ sẵn sàng cưu mang, giúp đỡ. Hầu hết mỗi gia đình trong các xã đều đào sẵn 1-2 hầm bí mật, chuẩn bị rước thương binh về chăm sóc, nuôi dưỡng… Được sống trong tình thương mến tràn ngập của các mẹ, các chị vùng giải phóng, nhiều thương binh vừa lành vết thương đã xung phong ra phía trước đánh giặc…

Hội Phụ nữ Giải phóng đóng vai trò tích cực trong công tác vận động, quyên góp lương thực, thực phẩm nuôi quân. Gia đình chị Nguyễn Thị Nờ ở Đức Hòa năm 1967 có một người con hy sinh. Trong chiến dịch Mậu Thân, Chị Nờ lại giúp 100 giạ lúa cho bộ đội Đoàn 12. Chị Trần Thị Ngời ở thị trấn Hậu Nghĩa đóng góp cho chiến dịch 15.000 đồng. Chị Trần Thị Bảo giúp cho cách mạng dụng cụ chế tạo vũ khí  trị giá 20.000 đồng…Số tiền ấy đối với những người phụ nữ nghèo vùng ven đô là cả tấm lòng thơm thảo dành cho cách mạng. Những ngày ấy, đại bộ phận nam giới đã ra chiến trường, số còn lại bị địch bắt quân dịch hoặc đi tránh né, công việc sản xuất ở địa phương phần lớn do chị em đảm nhận. Các chị vừa tham gia sản xuất lương thực, thực phẩm, nuôi chồng con ở chiến khu, nuôi cán bộ địa phương, nuôi con nhỏ… Các chị là lực lượng hậu cần quan trọng, sẵn sàng ủng hộ vật lực, cả chồng con cho kháng chiến. Như chị Nguyễn Thị Quyến ở xã Hựu Thạnh, chồng thoát ly hoạt động chống Pháp rồi chống Mỹ, bị địch bắt, bị đày ra Côn Đảo hy sinh. Một mình, chị nuôi đàn con 7 đứa, vừa nuôi giấu cán bộ. Bốn người con chị lớn lên thoát ly theo cách mạng. Có biết bao những người phụ nữ lặng lẽ như chị Quyến ở Đức Hòa…

Bà Phan Thị Hứ (sinh năm 1907) ở Bàu Trai Thượng đã đóng góp hết sức mình trong “Tổng công kích – tổng khởi nghĩa”. Bà con nói: “Mỗi khi bộ đội tấn công là bà chạy “chân không bén đất”, hết đưa cán bộ qua đường lại đi vận động tiếp tế lương thực cho bộ đội. Cứ chiều xuống, bà cùng với nhiều bà má khác đi chăm sóc,  tải thương binh tới 3 giờ khuya mới về nhà. Chồng bà sợ quá nói: “Lỡ có chuyện gì, tôi không khiêng thây bà về, liệu mà làm, con còn nhỏ đó!”. Bà vẫn mải miết đi công tác, khiến ông chồng cũng phải theo giúp bà. Bà lại đưa người con kế đi thoát ly. Trong lúc chiến đấu, anh bị một vết thương ở đầu, để lại di chứng thần kinh không ổn định. Bà vừa công tác vừa nuôi con là thương binh, vừa nuôi đứa cháu ngoại mới vài tháng tuổi. Gánh nặng việc nước, việc nhà, bà Hứ kiệt sức, trở bệnh luôn. Bà chết sau ngày giải phóng ít lâu, để lại niềm thương tiếc vô hạn trong bà con ở địa phương. Bà nổi tiếng là một người con dâu hiếu thảo, nuôi mẹ chồng đến gần 100 tuổi…

(Mời bạn đọc theo dõi tiếp bài viết kỳ 2 đăng ngày 15/02/2023)

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 26 tháng 3 năm 2023

ThS Bùi Thị Thủy

(Nhà vănTrầm Hương)