PHỤ NỮ LONG AN TRONG CHIẾN DỊCH MẬU THÂN 1968

PHỤ NỮ LONG AN TRONG CHIẾN DỊCH MẬU THÂN 1968

(Kỳ 2)

“Tổng công kích – tổng khởi nghĩa” diễn ra trong mùa xuân Mậu Thân 1968 khi địch còn trên 1 triệu quân và tiềm lực chiến tranh lớn. Sau cú choáng váng vì bị tập kích bất ngờ, địch tập trung toàn bộ sức mạnh phản công dữ dội. Do tương quan lực lượng chênh lệch quá lớn, nên các cánh quân dù tấn công vào nội đô với tinh thần quyết tử vẫn bị đẩy lùi dần ra vùng ven đô…

Vùng ven Sài Gòn suốt những tháng sau đợt 1 lúc nào cũng ầm ầm bom đạn. Mỹ đã sử dụng máy bay ném bom chiến lược B.52 để quét vòng quanh Sài Gòn. Phi vụ rải thảm đầu tiên trên đất Long An là Hựu Thạnh, Đức Hòa, sau đó là tất cả các vùng căn cứ ở Nam và Bắc lộ số 4. Khu vực dày đặc và ác liệt nhất là ven sông Vàm Cỏ Đông của Đức Hòa và Đức Huệ… Mặc dù vô cùng ác liệt nhưng đây cũng là thời kỳ sôi nổi nhất của vùng ven. Hòa trong tiếng sấm rền của bom B.52 và tiếng nổ đều đều của pháo địch là những tiếng hú dài của đạn pháo phản lực của quân giải phóng bắn vào các chốt Mỹ. Dưới ánh sáng đèn dù, từng đoàn dân công Long An ngược xuôi hối hả. Những đoàn đi vào mang theo súng đạn, những đoàn đi ra tải cáng thương binh. Đêm nào trên các cánh đồng vùng ven của hai phân khu Long An cũng có không dưới 500 dân công phục vụ bộ đội …

Giữa lúc đó, các phân khu được lệnh tấn công đợt 2 Mậu Thân vào nội đô Sài Gòn (diễn ra từ 5/5 đến 18/6/1968 với 2 cao điểm. Cao điểm 1 từ 5/5 đến 12/5, cao điểm 2 từ 25/5 đến 28/8);  với yêu cầu đưa lực lượng càng sâu vào nội đô càng nhiều càng tốt. Các mục tiêu chiến lược bên trong sẽ đánh bằng pháo kích vì không còn lực lượng biệt động Thành.Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận được, trước sự phản kích ác liệt của địch, trước sự tổn thất lực lượng quân giải phóng khi tấn công vào nội đô Sài Gòn, niềm tin mãnh liệt của nhân dân vào thắng lợi trận “dứt điểm” không còn như lúc ban đầu nữa. Bị vây chặt, bị phản công, bị đẩy lùi dần ra vùng ven, tinh thần của bộ đội ít nhiều có khác trước. Một số người không chịu đựng nổi sự ác liệt của chiến tranh đã bỏ ngũ, thậm chí ra hàng giặc. Có cả cán bộ cấp cao mang theo kế hoạch tấn công đợt 2 ra đầu hàng. Cuộc tấn công đợt 2 của Mậu Thân không còn thế bí mật và bất ngờ. Các đồng chí chỉ huy các phân khu một mặt phải chấp hành mệnh lệnh, vừa vô cùng lo lắng trước trách nhiệm nặng nề đối với cấp trên và sinh mệnh của bộ đội. Dù vậy, các tiểu đoàn của Long An bước vào đợt 2 Mậu Thân vẫn trong tư thế: “Là thanh niên phải cầm súng chiến đấu, nếu phải hy sinh, sẵn sàng hy sinh trên đường phố Sài Gòn…”. Vẫn còn đó những đội quân cảm tử trước giờ xuất quân đã để lại đồ dùng cá nhân để mang thêm được nhiều đạn. Đội nữ pháo binh Long An đã lập được nhiều thành tích trong Mậu thân 1968, dù không ít tổn thất (đó là một điểm son của lực lượng vũ trang Long An, đã được Hội LHPN Long An tổ chức viết riêng quyển lịch sử Nữ pháo binh Long An – Kiến Tường)

Để đối phó trận tấn công đợt 2 của ta, Mỹ – ngụy biến Sài Gòn thành một trại lính. Một trận địa phòng ngự khá chắc chắn gồm hàng mấy chục tiểu đoàn lính Mỹ và lính ngụy Sài Gòn triển khai bố trí nhiều tầng, vây quanh thành phố. Đêm 5 rạng ngày 6/5/1968, tiếng súng tấn công đợt 2 của quân giải phóng vẫn nổ ra ở  Sài Gòn nhưng chỉ có hướng Tây và hướng Nam, còn các hướng khác đã bị địch ngăn chặn từ vòng ngoài. Thị xã Tân An cũng được giao cho tiểu đoàn 504 tấn công nhưng các đơn vị cũng bị chặn lại ở phía Nam lộ 4, không sao vào được thị xã. Ở chiến trường Sài Gòn, nhiều trận đánh vô cùng ác liệt diễn ra trên cánh phía Tây Nam thành phố, kéo dài suốt từ sân bay Tân Sơn Nhứt đến cầu chữ Y…

Hướng phân khu 3, các đơn vị từ bàn đạp Cần Giuộc, Cần Đước, Đa Phước (Nhà Bè) hành quân vào cao điểm 1 của đợt 2 chiến dịch Mậu Thân. Ở cánh thứ nhất, tiểu đoàn 2 Long An hỗ trợ tiểu đoàn 1 Long An vào đến khu vực Cầu Mật-Phạm Thế Hiển trụ lại đánh địch suốt 1 tuần ở cầu Chữ Y, diệt nhiều Mỹ và xe bọc thép, đánh thiệt hại nặng 1 tiểu đoàn thuộc lữ đoàn 3 sư đoàn 9 Mỹ đến cứu viện. Cánh thứ hai đánh chiếm khu vực Chánh Hưng, giữ thế phía tây cho tiểu đoàn 1 Long An. Cánh thứ ba, tiểu đoàn 5 Nhà Bè vào đến Tân Qui, phần lớn trụ lại đánh địch phản kích tại đây. Một bộ phận nhỏ qua phía đông cầu Chữ Y diệt bót Mồ Côi. Đến ngày 12/5, các cánh đều lui trở ra vùng ven từ Đa Phước đến Phước Lại. Trong đợt 2 Mậu Thân, tuy phân khu 2, phân khu 3 tiến vào được nội đô Sài Gòn nhưng gặp tổn thất không nhỏ. Tiểu đoàn 265 Bến Tre được tăng cường cho phân khu 3 bị một lực lượng lớn quân Mỹ bao vây tại ấp Tây, xã Đông Thạnh, Cần Giuộc. Ta diệt 70 tên Mỹ nhưng bị thiệt hại nặng. Phần lớn các đơn vị làm nhiệm vụ đánh vào Sài Gòn đều phải hành quân từ xa. Khi xuất phát, mỗi tiểu đoàn có ba, bốn trăm, hành quân đến nơi chỉ còn một nửa. Một bộ phận nữ biệt động cánh phụ vận thuộc phân khu 3 lấy tên nghi binh “Tiểu đoàn Lê Thị Riêng”, do chị Lê Thị Bạch Cát (Sáu Xuân) chỉ huy đã nỗ lực tập hợp quân số nằm rải rác về quận 2 chiến đấu. Trong chiến dịch Mậu Thân, chị là chiến sĩ của phân khu 3, người con gái quê Cửa Lò, Nghệ An đã vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất Sài Gòn, để ngày nay, TP.HCM có con đường vinh dự mang tên chị.

Chị Võ Thị Tâm – chiến sĩ trinh sát của Tư lệnh tiền phương phân khu 2 đã tham gia suốt ba đợt tấn công của chiến dịch Mậu Thân là một nhân chứng sống động về tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân giải phóng. Chính chị là một trong những tấm gương kiên cường trong tổng công kích, tổng khởi nghĩa năm 1968 trên đường phố Sài Gòn.

Sau những đợt ta tấn công vào nội thành và bị đẩy ra vùng ven, một đơn vị của sư đoàn 9 quân giải phóng đóng quân trong một ấp bị địch phát hiện. Địch huy động hàng trăm xe bọc thép, xe tăng bao vây chặt, rồi dùng phi, pháo tiêu diệt. Cuộc chiến đấu không cân sức đã diễn ra trên một địa bàn nhỏ, hẹp liên tục trong suốt  4 ngày đêm. Năm cụm pháo từ Củ Chi, Đồng Dù, Trảng Bàng, Đức Hòa, Hậu Nghĩa cùng với hàng trăm chiếc máy bay trút bom đạn hủy diệt hoàn toàn cả ấp. Trận đánh này, lực lượng của ta tổn thất khá lớn. Ấp nhỏ phủ màu xanh hiền hòa trước đó ít lâu trong phút chốc trở thành bãi chiến trường. Thịt xương người trộn lẫn cùng đất, đá, nhà cháy… Mùi hôi thúi xông lên nồng nặc. Số bà con trong ấp còn sống sót đều tản cư đi nơi khác. Lực lượng nam giới lớp gia nhập bộ đội chiến đấu, số phục vụ chiến trường, lớp tản cư chẳng còn ai. Bãi chiến trường ấy chỉ còn lại những nữ đảng viên, nữ du kích cốt cán. Các chị đã đảm nhiệm việc giải quyết chiến trường suốt hơn một tháng. Ban ngày, các chị đi đào, bới xác anh em, nhặt từng lóng xương, mảnh tóc đem chôn cất. Mùi tử khí quyện với mùi mồ hôi thấm vào người. Đêm về, các chị tắm rửa, kỳ cọ mãi mà vẫn còn mùi hôi. Ngay cả hơi thở của các chị cũng có mùi hôi. Các chị phải đốt đèn dầu phộng lên xông cho cơ thể bớt mùi hôi. Các chị đã làm công việc nặng nhọc và độc hại ấy dưới làn đạn pháo, trong hoàn cảnh không có dụng cụ phòng hộ nên không ít người bị nhiễm trùng. Chị Tư, một nữ đảng viên vì bới tìm xác anh em suốt cả tháng trời khiến đôi bàn tay bị nhiễm trùng, nứt ra như quả dưa chín. Những người lớn lên sau chiến tranh khi gặp lại các chị không khỏi thốt lên: “Cái gì khiến các chị hành động được như vậy?”. Các chị nước mắt rưng rưng nói: “Anh em chiến sĩ mình, bộ đội mình, theo lời Đảng gọi, vào đây giải phóng cho đồng bào, cho quê hương miền Nam. Giờ anh em hy sinh, cái mạng anh em không tiếc, thì tại sao mình vì sợ thúi, sợ hôi mà bỏ xác anh em. Đây là chuyện đạo lý, là cái nghĩa ở đời phải đáp cho tròn”.

Chị Nguyễn Thị Cắt ở Tân Phú, trong chiến dịch Mậu Thân đã cùng bà con lo hàng tấn lương thực cho bộ đội. Chị còn góp phần tích cực tải thương bằng cách dùng chiến thuật binh vận tác động địch, không cho đoàn xe tăng địch chạy ra rừng tràm Tân Phú. Nơi đó có khoảng 60 anh em thương binh đang trú ẩn, chưa kịp  chuyển ra địa hình ngoài sông mà trời đã sáng. Làm sao cứu anh em? Trong tình huống nguy cấp đó, trong đầu chị chợt nảy ra sáng kiến. Sẵn có truyền đơn, chị khoát tay chận xe lại. Địch hỏi chị làm gì. Chị đưa truyền đơn cho chúng xem nói: “Cái này của “Việt cộng”. Đêm hôm họ về đây đông lắm, có cả súng lớn nữa. Các chú đi ra vùng không có dân ở mé bưng coi chừng đụng với mấy ông “Việt cộng”. Tôi biết vậy và thương mấy chú nên mới nói cho nghe”. Bọn địch nghe chị nói không ra mé xóm mà chạy vào giồng rồi về Hậu Nghĩa. Nhờ vậy, chị huy động xe bò, xe trâu tải hàng chục thương binh đi về hậu cứ của ta. Để qua mắt địch trong những chặng nguy hiểm, chị bỏ thương binh vào bao bố, đặt “những chiếc bao bố” ấy trong thùng xe, lấy rơm phủ lên nghi trang rồi cầm lấy dây dàm của con bò, quất roi vào đít nó lớn tiếng kêu “ ví , thá”. Cứ thế, chị lần lượt đưa thương binh về phía sau của ta một cách an toàn. Thật cảm động khi người mẹ thông minh, dũng cảm ấy tham gia chiến dịch trong hoàn cảnh chồng bị bắt vào tù, vừa ở nhà một nách nuôi năm con nhỏ. Chị hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân, trên đường làm nhiệm vụ lo lương thực cho bộ đội…

Trong ba đợt quân giải phóng tấn công vào nội đô, hàng ngàn lượt chị em Long An – Kiến Tường đã tham gia dân công hỏa tuyến. Chị em ở Đức Hòa có sáng kiến dùng xe bò đưa vũ khí, tải thương để giảm bớt sức dân công. Chị em dùng rơm ngụy trang để giấu chiến thương, dùng bao bố tời quấn bánh xe bò và chêm long đền cho xe không khua khi di chuyển, giữ được bí mật lộ trình tải đạn chuyển thương. Nhờ sáng kiến này mà hàng đêm, hàng chục chiếc xe bò, xe trâu cùng dân công lên đường phục vụ chiến dịch. Gian khổ nhất là việc tải đạn, tải thương qua quốc lộ 4 (nay là quốc lộ 1A). Đó là cung đường máu lửa. Chị em Bến Lức bất chấp bom rơi đạn nổ vượt qua cung đường máu lửa ấy. Đội nữ dân công lộ 4 đã được Hội liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam tặng cờ luân lưu. Hội mẹ chiến sĩ ở Tân Bửu đã nhiệt tình chăm sóc trên 30 chiến thương. Trong hoàn cảnh bị giặc càn quét, những bà mẹ vẫn tìm cách nuôi giấu, bảo vệ cán bộ… Ở Tân Trụ, hàng trăm ngàn lượt chị em  tham gia đào công sự  chiến đấu, trồng cây gây rừng tạo địa hình che chở cho anh em du kích võ trang… Các mẹ, các chị xem bộ đội miền Bắc như con ruột của mình. Có nhiều trận chiến đấu, anh em do không quen thuộc địa hình đi lạc. Các mẹ, các chị chia nhau đi tìm. Có mẹ vừa nhai trầu vừa nói: “Sao nó lại đi lạc được. Nó là con của tao. Nó đi từ Bắc vô đây còn được mà!”. Chị em ở xã Quê Mỹ Thạnh nuôi 6 chiến sĩ ở ngoài ruộng lúa. Lúc lúa không còn ngoài ruộng, chị em đưa anh em vô hầm trong cây rơm suốt 4, 5 tháng trời. Khi bắt được liên lạc, chị em mua sắm quần áo, cho tiền để các anh trở về đơn vị cũ. Cảm động biết bao trước tấm lòng của Má Hai ở Đức Hòa đã tận tình chăm sóc thương binh. Có anh em đi tiêu không được, má tìm mọi cách cho các anh mau hết bệnh để tiếp tục chiến đấu. Còn rất nhiều những tấm lòng của những người mẹ, người chị như thế… Chính những người phụ nữ bình thường, giản dị đã nêu cao những tấm gương quên mình cho sự an toàn của bộ đội…

Vào khoảng tháng 4 âm lịch 1968, công trường 9 (Sư đoàn 9 chủ lực của ta) hành quân về Đức Lập, chuẩn bị  làm nhiệm vụ tấn công Sài Gòn bị địch phát hiện. Chúng tập trung 2 chi đoàn xe bọc thép (mỗi chi 12 chiếc), nhiều cụm pháo, bộ binh dàn hàng ngang càn quét, trên trời máy bay gầm rú trút bom đạn vào tọa độ đóng quân của bộ đội. Chị Nguyễn Thị Ấm, chị Mười Thắng đã dũng cảm bám lại trận địa tải thương chuyển đạn, chôn cất tử sĩ. Ngay trận đầu tiên, các chị chôn cất hơn 100 tử sĩ. Trước tình hình bộ đội tổn thất quá lớn, chị Mười Thắng tìm đến gặp vị chỉ huy cánh quân “Công trường 9” với tinh thần trách nhiệm trước sự an toàn của bộ đội. Chị kể:

” Tôi  lao đến gặp đồng chí Trung đoàn trưởng:

  • Đã lộ, đề nghị đồng chí chuyển quân!

Người chỉ huy trung đoàn nghiêm mặt nói:

– Người chiến sĩ khi ra trận phải tuyệt đối phục tùng cấp trên. Đơn vị không thể rời vị trí khi chưa có lệnh!

Tôi sốt ruột hối thúc:

– Vậy đồng chí nhanh chóng liên lạc với lãnh đạo để xin ý kiến ngay đi. Đồng chí thấy đó, địch đang tập trung hỏa lực vào điểm đóng quân. Chẳng lẽ đồng chí cam lòng nhìn cả trung đoàn bị xóa sổ?!

     Không biết vị chỉ huy trung đoàn có liên lạc được cấp trên không nhưng ngày hôm sau, cuộc chiến tiếp tục diễn ra. Số chiến sĩ của ta hy sinh gấp mấy lần hôm trước… Việc đầu tiên của chúng tôi là chuyển thương binh đi. Chúng tôi vô nhà dân, mượn xe bò của bà con chuyển thương binh về tuyến sau… Số hy sinh rất nhiều. Có anh chỉ còn lại nhúm thịt, có khi chỉ tìm được một phần chi… Phần lớn, những tử sĩ ấy không tìm ra tên tuổi. Chúng tôi vừa nhặt xác các anh vừa khóc ròng, quên cả sợ hãi, quên cả mùi hôi thúi. Làm sao chúng tôi không khóc khi chứng kiến một chiến sĩ đang hấp hối. Anh ấy thèm thuốc lá quá, thì thào yêu cầu tôi giúp đỡ. Tôi vo tròn điếu thuốc, vừa đặt nó lên môi thì anh ấy đã… tắt thở !”

Nước mắt đầm đìa trên má, chị đến gặp người chỉ huy Trung đoàn, không kìm nén được sự phẫn nộ:

– Trong lúc này, đồng chí còn giữ quân lại đây là một việc làm tự sát!

Trung đoàn trưởng bối rối:

     – Tôi biết. Tôi biết… Nhưng chuyển quân bằng cách nào?! Đồng chí biết đó, địch đã bao vây tứ phía…

Chị dằn từng tiếng:

– Có một hướng mà địch không thể phát hiện. Đó là lòng dân. Chỉ cần đồng chí đồng ý chuyển quân là tôi sẽ có cách…

Tình thế vô cùng khẩn cấp, chị vội vã đi tìm giao liên. Chị băng qua trận địa, chạy ra triền bưng tìm gặp chị Nguyễn Thị Ấm… Suốt đời gắn bó với cánh đồng năn, thuộc từng ngóc ngách địa hình, Chị Ấm sẽ biết rõ hướng nào có thể đưa bộ đội đi an toàn. Từ khi chiến trận xảy ra, dù có con nhỏ, chị Ấm vẫn kiên quyết không tản cư. Sau khi nghe nữ cán bộ Mười Thắng truyền đạt mệnh lệnh, chị Ấm để lại đàn con nhỏ trong trẳng-xê (công sự- tranchée) chuẩn bị ra đi. Lúc đó chị Ấm nghĩ: “Anh em bộ đội sau chặng đường dài hành quân đã mỏi mệt, hầu hết từ miền Bắc vô, chiến trường mới lạ, mới có mấy ngày mà tổn thất quá lớn. Mình có hy sinh cũng chỉ một mình mình, còn số anh em bộ đội hy sinh sẽ mất mát hàng ngàn gia đình. Quan trọng hơn, sự an toàn của bộ đội là sự sống còn của cả dân tộc. Xác định như vậy, chị ém các con vào hầm. Chị ôm chặt đứa con út mới lên ba hôn đánh chụt lên đôi má bụ bẫm của bé, dặn dò đứa lớn nhất: “Con ở nhà trông các em, mẹ đi! Chờ mẹ dìa, nhớ không được đi đâu!”. Rồi chị Ấm cùng chị Mười Thắng bò trườn ra bàu, tìm đến nơi công trường 9 đóng quân. “Theo tôi, hướng này, hướng này!”.  Chị Ấm vạch cỏ năn, mở một con đường đưa bộ đội thoát khỏi vòng vây…

     Chị Mười Thắng nước mắt rưng rưng nói: “Sóng yên biển lặng rồi, ngẫm lại, càng thấy thấm thía lòng dân. Có vĩ đại không, khi một người mẹ như chị Nguyễn Thị Ấm dám bỏ con thơ lại trong bom rơi đạn nổ để dẫn đường cho bộ đội thoát khỏi tầm nguy hiểm. Những việc làm ấy chúng tôi xem như là chuyện bình thường, chẳng có gì để so đo, tính toán. Còn số thương binh… Đó là công việc chúng tôi ưu tiên giải quyết trước khi chôn cất tử sĩ. Thương binh nhiều quá, không đủ dân công. Chúng tôi kêu gọi thanh niên, nông dân, phụ nữ… cùng tham gia tải thương, huy động chủ xe bò, cả những chú bò. Gặp thương binh nhỏ con, nhẹ ký thì đỡ mệt. Anh nào to con, quá nặng thì ì ạch, vất vả lắm…. Khi phải mang vác nặng trong hoàn cảnh băng qua bom đạn, sống chết kề bên, người ta chọn cái nhẹ cũng là tâm lý tự nhiên. Lúc đó, chúng tôi không khỏi chạnh lòng nghĩ đến một điều trái khoáy. Khi tòng quân nhập ngũ, đơn vị tuyển quân nào cũng thích chọn những thanh niên cao to, khỏe mạnh. Còn khi lâm nạn, người tải thương lại mong tiếp nhận những thương binh có thể trọng “vừa với sức chịu đựng” của đôi vai mình. Nghĩ đến điều đó, dù khó nhọc đến đâu, chúng tôi cũng cố gắng làm hết sức mình!”

          Chủ những chiếc xe bò cũng sẵn lòng đánh xe vượt qua “tử lộ” đưa thương binh về tuyến sau. Ngay cả những con bò cũng không chịu được mùi hôi thúi bốc lên nồng nặc từ những thân người được đặt trong lòng xe. Chúng bướng bỉnh không chịu “liếc mình” vào ách. Chủ của chúng vừa động viên, vừa nắm dàm khớp nó vô… Những chiếc xe bò tải thương được nghi trang ở những chặng đường nguy hiểm. Nhẫn nại, gượng nhẹ từng chút một, những chiếc xe bò lọc cọc lăn bánh đi về phía  bờ sông Vàm Cỏ Đông… Chị Mười Thắng bộc bạch:

          “Đưa các anh đến nơi an toàn rồi, chúng tôi quay trở lại chôn xác tử sĩ. Có anh mất tay, anh mất đầu, anh mất chân, gan ruột còn vương trên cành cây… Chúng tôi  tìm kiếm, ráp lại. Còn mấy bác nông dân trước khi vào cuộc phải uống vài xị cho “ba ngù” mới đủ can đảm. Cô Mười Cũng ôm bụng ói tới mật xanh, vừa khóc vừa nói: “Chị Mười ơi, thấy ớn quá!”. Bảy Lập đập lên vai Mười Cũng, vừa để tự động viên mình: “Thôi, làm đi. Xương thịt của bộ đội thơm chớ không thúi!”. Tôi rất hiểu tâm trạng chị em, khi mới hôm nào xác con chuột cũng đủ làm chúng tôi xanh mặt.

Chúng tôi đã mò mẫm trong đêm tối để chôn xác tử sĩ. Vì thường rạng sáng là chiến trận lại bắt đầu… Không hiếm lần xác tử sĩ vừa về đến nơi thì trời đã sáng. Địch càn tới trước mặt. Chúng tôi đành phải vội vàng vùi tạm các anh xuống hố  rồi đợi đến đêm lại bò ra đào lên, chôn cất anh em mình tử tế trở lại. Có lần chúng tôi chuẩn bị chôn xác ba chiến sĩ. Vừa định đưa các anh xuống hố tôi thấy tấm đệm cục cựa … “Ơi Trời, Quỷ nhập tràng, ma!”. Tim chúng tôi như muốn nhảy khỏi lồng ngực! Thu hết can đảm, tôi từ từ giở tấm đệm ra. Đôi  môi xám ngắt của anh bộ đội khẽ động đậy. Anh thều thào: “Nước!”. Trời ơi, sống rồi! Thì ra anh chỉ bất tỉnh. Tôi mừng quá, làm mấy động tác cấp cứu. Chúng tôi cũng làm vậy với hai anh còn lại. Nhưng đôi môi các anh vẫn lạnh giá. Các anh chết thật rồi, đành phải gửi xương thịt các anh vào lòng đất mẹ! Đó là một công việc nặng nề không phải vì sự khó nhọc. Nó khủng khiếp vì chúng tôi phải đối mặt với cuộc chia ly vĩnh viễn!”

Suốt 3 lần tấn công vào nội đô Sài Gòn trong tổng công kích, tổng khởi nghĩa 1968, những người mẹ người chị Long An đã sát vai cùng lực lượng quân giải phóng, góp phần làm nên những trận đánh lớn, vang dội. Và cùng với sự tổn thất không sao tránh khỏi, lực lượng phụ nữ đã góp xương máu đúc kết nên nhiều bài học quý báu để bước sang thời kỳ cách mạng mới. Không sao kể hết những người con gái nằm lại trên các cung đường trong quá trình chuyển thương, tải đạn,  trong lúc làm nhiệm vụ phục vụ chiến trường. Và cũng không sao kể hết sự đóng góp lớn lao của những người mẹ, người chị nơi hậu phương về sức người, sức của, đã hết lòng cưu mang, nuôi giấu cán bộ, bộ đội. Những người mẹ, người chị Long An trong tổng công kích, tổng khởi nghĩa đã phối hợp nhịp nhàng ba mũi giáp công, góp phần đánh bại chiến lược chiến tranh cục bộ của địch. Và cũng từ sau chiến dịch Mậu Thân 1968, những người mẹ, người chị nơi vùng đất phía Tây Nam Sài Gòn bước vào một thời kỳ đầy khó khăn, căng thẳng không kém phần khốc liệt như những năm “tố cộng, diệt cộng”. Nhưng một lần nữa, vũ khí tối tân hiện đại của kẻ thù không chế ngự nổi sức mạnh khôn cùng của đội quân tóc dài trên vùng đất “Long An trung dũng kiên cường – Toàn dân đánh giặc”.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 6 tháng 3 năm 2013

ThS Bùi Thị Thủy

(Nhà vănTrầm Hương)

(Bài viết tham gia Toạ đàm khoa học năm 2017)