PHỤ NỮ LONG AN TRONG CHIẾN DỊCH MẬU THÂN 1968

PHỤ NỮ LONG AN TRONG CHIẾN DỊCH MẬU THÂN 1968

(Kỳ 3 và Hết)

Ở các huyện Đức Huệ, Đức Hòa, chưa bao giờ bộ đội chủ lực tập trung về huyện đông đến vậy. Đêm đêm từng đoàn quân ngược xuôi từ làng này sang làng khác. Từng đoàn dân công hối hả khiêng vác đi về phía Sài Gòn… Các mẹ, các chị đi vận động từng nhà xin nếp để gói thật nhiều bánh tét cho bộ đội ăn tết. Có nơi làm thịt, cá chà bông, bò khô cho bộ đội mang theo. Những bà mẹ tích cực vận động con cháu tòng quân giết giặc…

Cuộc tổng tấn công và nổi dậy của quân dân ta được mở đầu bằng cuộc tập kích chiến lược bất ngờ của quân chủ lực giải phóng vào hầu hết các đô thị, ngay trong đêm giao thừa tết Mậu Thân. Đó cũng là thời điểm địch chủ quan, sơ hở nhất. Đêm giao thừa tết Mậu Thân 1968, Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam phát đi bài thơ chúc tết của Hồ Chủ tịch :

“ … Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua

Thắng trận tin vui khắp nước nhà

Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ

Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta”

Bài thơ ấy được phát đi như một mệnh lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh đích thân phát động tổng công kích. Giờ tổng tiến công vào kẻ thù cướp nước và tay sai đã đến. Cuộc tổng tấn công và nổi dậy được diễn ra qua ba đợt với quy mô rộng lớn (30/01 đến 25/02 ; 5/5 đến 15/6; 17/8 đến 30/9/1968). Lực lượng Quân giải phóng đã tiến công và nổi dậy đồng loạt ở hầu khắp các thành phố, thị xã, thị trấn, các “ấp chiến lược”, các vùng nông thôn bị địch kiểm soát. Quân chủ lực của ta đã  nổ súng tấn công vào các cơ quan đầu não, các sở chỉ huy, tiến công hàng loạt các căn cứ, các tuyến phòng thủ, các hệ thống giao thông, thủy bộ, kho tàng, làm tê liệt mọi hoạt động liên lạc, vận chuyển của địch.

Ngày N giờ G đã đến. Đó là lúc 2 giờ sáng ngày mồng 2 tết Mậu Thân. Do sự điều chỉnh lịch của Nha khí tượng thủy văn nên tết nguyên đán năm ấy giữa Hà Nội và Sài Gòn chênh nhau một ngày. Ở miền Trung do nhận được điện điều chỉnh nên ngày nổ súng tấn công là mồng 1 rạng mùng 2 tết. Mệnh lệnh chiến đấu quá bất ngờ, chỉ không đầy 20 tiếng, các phân khu phải gom đủ số cán bộ, chiến sĩ đang ăn tết của hàng chục đơn vị nằm rải rác khắp các huyện cũng là một việc làm phi thường. Tiếp theo đó, còn hàng núi công việc cần phải giải quyết khi phương án hành quân thay đổi  như huy động dân công cần phải  tải đạn sẵn sàng đến các điểm để phục vụ chiến đấu kịp lúc, các phương tiện vượt sông, dẫn đường, chọn địa điểm đột phá vào thành phố… Nhưng ngày N giờ G là của toàn miền, dân quân Long An đã dốc hết sức cố gắng để chấp hành ngày “Tổng công kích-tổng khởi nghĩa”.

Vào lúc 2 giờ sáng đêm mùng 2 tết Mậu Thân 1968, tiếng súng tổng công kích của lực lượng quân giải phóng vào nội đô Sài Gòn rền vang khắp các vị trí chiến lược của Mỹ – ngụy. Tin quân ta đánh vào sân bay Tân Sơn Nhứt, Dinh Độc Lập, tòa Đại sứ Mỹ, Tổng nha cảnh sát… theo chân các đoàn dân công đưa về khắp vùng ngoại vi phía Tây Nam Sài Gòn. Niềm phấn khởi ấy nhanh chóng lan lên các huyện Đức Hòa, Đức Huệ… Khắp các huyện phía Bắc, phía Nam lộ 4 của Long An, phong trào đi dân công hỏa tuyến và phong trào tòng quân lên mạnh chưa từng có. Ở Đức Huệ, suốt dải hậu cứ từ biên giới Tà Nôi xuống Giồng Két tưng bừng như những ngày hội…

Trong lúc các cánh quân của phân khu 2, phân khu 3 Long An đang nổ súng quyết liệt đánh vào các căn cứ của sào huyệt địch, thì tại các địa phương, dưới sự lãnh đạo của các chi bộ, lực lượng tại chỗ cũng tấn công vào các cứ điểm địch. Ở các vùng nông thôn phía sau các phân khu, các thị trấn, thị xã Tân An và hàng loạt đồn bót đều bị ta tấn công. Góp phần làm nên sức mạnh tổng công kích là đội quân tóc dài thầm lặng.

Chị Trần Thị Hỏi – nữ  dũng sĩ diệt Mỹ, vốn là cán bộ phụ nữ xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa trong chiến dịch Mậu Thân luôn sát cánh bên bộ đội tải thương, luôn có mặt và đi đầu  trong các cuộc đấu tranh trực diện với kẻ thù. Đồng bào Lộc Giang rất khâm phục sự can đảm của chị trong trận đánh vào bót La-cua – Hiệp Hòa. Một mình chị đã tải hàng chục chiến thương ra khỏi trận địa bằng cách cõng từng anh xuyên qua lưới đạn. Bằng tấm lòng đôn hậu, cách nói thấu lý đạt tình, chị đã thuyết phục rất nhiều binh sĩ địch đào ngũ. Chiến dịch Mậu Thân, chị trong đoàn hậu cần của huyện, luôn có mặt ở những điểm nóng, hết cấp phát lương thực lại chuyển thương, tải đạn. Người cán bộ hội phụ nữ ấy của Đức Hòa một lòng trung kiên với cách mạng đã hy sinh trên đường làm nhiệm vụ tại rạch Gừa trong chiến dịch Mậu Thân 1968…

Những “đội quân tóc dài” ngoài việc góp phần làm tan rã từng mảng lớn bộ máy chính quyền ở địa phương, còn là hậu phương vững mạnh, là lực lượng hậu cần đầy sáng tạo, chịu thương, chịu khó; là lực lượng dân công hỏa tuyến sẵn sàng có mặt ở chiến trường. Chị em đảm nhận, phục vụ kịp thời tất cả, từ thuốc men, văn phòng phẩm, vải dù, máy đánh chữ, pin, dây điện, gạo, thực phẩm… Bất cứ thứ gì chiến trường cần, qua tấm lòng, bàn tay phụ nữ là có đủ, cho dù giặc canh gác, xét gắt gao mọi trạm gác, cung đường. Chiến dịch Mậu Thân, một lần nữa, những người mẹ, người chị Long An càng tỏ rõ năng lực hậu cần phục vụ chiến trường. Nhiệm vụ đó được thực thi bằng cả tấm lòng của nhân dân đối với cách mạng…

Tết Mậu Thân, mỗi gia đình ở Long An – Kiến Tường xay lúa giả gạo để sẵn, có gia đình chia đôi  tài sản cho bộ đội, không ít nhà góp bò, heo, hàng tấn lúa phục vụ cho chiến dịch Mậu Thân. Khi yếu tố bất ngờ đêm nổ súng không còn nữa, trước hỏa lực địch phản công, quân ta bị đẩy lùi dần khỏi vùng ven đô Sài Gòn, các huyện giáp biên giới Campuchia như Đức Hòa, Đức Huệ là tuyến sau đón nhận mỗi đêm hàng trăm thương binh. Quân y phân khu chưa kịp xây dựng lán trại để đón thương binh thì đã có những người mẹ, người chị chiến sĩ sẵn sàng cưu mang, giúp đỡ. Hầu hết mỗi gia đình trong các xã đều đào sẵn 1-2 hầm bí mật, chuẩn bị rước thương binh về chăm sóc, nuôi dưỡng… Được sống trong tình thương mến tràn ngập của các mẹ, các chị vùng giải phóng, nhiều thương binh vừa lành vết thương đã xung phong ra phía trước đánh giặc…

Hội Phụ nữ Giải phóng đóng vai trò tích cực trong công tác vận động, quyên góp lương thực, thực phẩm nuôi quân. Gia đình chị Nguyễn Thị Nờ ở Đức Hòa năm 1967 có một người con hy sinh. Trong chiến dịch Mậu Thân, Chị Nờ lại giúp 100 giạ lúa cho bộ đội Đoàn 12. Chị Trần Thị Ngời ở thị trấn Hậu Nghĩa đóng góp cho chiến dịch 15.000 đồng. Chị Trần Thị Bảo giúp cho cách mạng dụng cụ chế tạo vũ khí  trị giá 20.000 đồng…Số tiền ấy đối với những người phụ nữ nghèo vùng ven đô là cả tấm lòng thơm thảo dành cho cách mạng. Những ngày ấy, đại bộ phận nam giới đã ra chiến trường, số còn lại bị địch bắt quân dịch hoặc đi tránh né, công việc sản xuất ở địa phương phần lớn do chị em đảm nhận. Các chị vừa tham gia sản xuất lương thực, thực phẩm, nuôi chồng con ở chiến khu, nuôi cán bộ địa phương, nuôi con nhỏ… Các chị là lực lượng hậu cần quan trọng, sẵn sàng ủng hộ vật lực, cả chồng con cho kháng chiến. Như chị Nguyễn Thị Quyến ở xã Hựu Thạnh, chồng thoát ly hoạt động chống Pháp rồi chống Mỹ, bị địch bắt, bị đày ra Côn Đảo hy sinh. Một mình, chị nuôi đàn con 7 đứa, vừa nuôi giấu cán bộ. Bốn người con chị lớn lên thoát ly theo cách mạng. Có biết bao những người phụ nữ lặng lẽ như chị Quyến ở Đức Hòa…

Bà Phan Thị Hứ (sinh năm 1907) ở Bàu Trai Thượng đã đóng góp hết sức mình trong “Tổng công kích – tổng khởi nghĩa”. Bà con nói: “Mỗi khi bộ đội tấn công là bà chạy “chân không bén đất”, hết đưa cán bộ qua đường lại đi vận động tiếp tế lương thực cho bộ đội. Cứ chiều xuống, bà cùng với nhiều bà má khác đi chăm sóc,  tải thương binh tới 3 giờ khuya mới về nhà. Chồng bà sợ quá nói: “Lỡ có chuyện gì, tôi không khiêng thây bà về, liệu mà làm, con còn nhỏ đó!”. Bà vẫn mải miết đi công tác, khiến ông chồng cũng phải theo giúp bà. Bà lại đưa người con kế đi thoát ly. Trong lúc chiến đấu, anh bị một vết thương ở đầu, để lại di chứng thần kinh không ổn định. Bà vừa công tác vừa nuôi con là thương binh, vừa nuôi đứa cháu ngoại mới vài tháng tuổi. Gánh nặng việc nước, việc nhà, bà Hứ kiệt sức, trở bệnh luôn. Bà chết sau ngày giải phóng ít lâu, để lại niềm thương tiếc vô hạn trong bà con ở địa phương. Bà nổi tiếng là một người con dâu hiếu thảo, nuôi mẹ chồng đến gần 100 tuổi… Công việc chuyển thương, tải đạn phần lớn do chị em phụ nữ đảm nhiệm. Nếu như trong những ngày khẩn trương chuẩn bị cho trận “dứt điểm”, chị em dân công hỏa tuyến phải uống nước phèn, ăn cơm vắt với muối tiêu, vượt qua bom, pháo, chất độc hóa học… để tải đạn về nội đô, thì sau Mậu Thân, các đoàn dân công cũng chia sẻ mức độ ác liệt của chiến trường gấp nhiều lần so với trước ngày nổ ra chiến dịch. Vậy mà phong trào đi dân công vẫn rầm rộ. Chiến trường gọi là có lời đáp. Cả những bà mẹ ở tuổi 60-70 cho đến những em thiếu nhi 13-14 tuổi cũng xung phong đi tải đạn…

Ở Đức Hòa, hơn 1.000 phụ nữ đã tham gia phục vụ cán thương tải đạn. Mỗi chị đi nhiều lượt, trong tư thế sẵn sàng. Các chị như những bông hoa nội đồng bên bờ sông Vàm Cỏ Đông bền bỉ, nhẫn nại, kiên cường vượt qua bom đạn, biệt kích, máy ghi tiếng động, những cánh đồng nhiễm đầy chất hóa học để tải đạn kịp lúc đến chiến trường. Các chị ăn cơm vắt, muối tiêu, băng qua những cánh đồng nhiễm phèn, nắng cháy trong cơn khát cháy cổ. Mùa khô ở Long An không dễ tìm nước ngọt. Hơn nữa, nước từ những cánh đồng vùng ven bị địch rải đầy chất độc hóa học phát quang. Có chị đi dân công hàng tháng trời. Những viên đạn đến được với chiến trường hầu như đều được tải bằng đôi vai mảnh mai của những người phụ nữ. Có biết bao những tấm gương, những số phận đầy cảm động của những người mẹ, người chị đã đi dân công hỏa tuyến, đóng góp hết sức mình cho chiến dịch Mậu Thân. Và không ít người đã ngã xuống lặng lẽ trên đường làm nhiệm vụ…

Lực lượng Thanh niên xung phong tại chỗ đã được chuẩn bị tinh thần cho tổng công kích, tổng khởi nghĩa từ cuối năm 1967.  Do yêu cầu phát triển của chiến trường, theo sự chỉ đạo của cấp trên, Quân khu Sài Gòn-Gia Định và các tỉnh ven thành phố được tổ chức thành 5 phân khu. Tổ chức Đoàn Thanh niên của Long An cũng hình thành hai phân khu Đoàn. Để phục vụ “Tổng công kích Mậu Thân”, Phân khu ủy, Bộ Tư lệnh phân khu 2 chủ trương thành lập các đại đội Thanh niên xung phong tập trung, trực thuộc hội đồng cung cấp tiền phương. Ngày 9/12/1967, đại đội 1 Thanh niên xung phong (C1) được thành lập với quân số 120 đội viên. Tiếp theo đó là C2. Nhiệm vụ chủ yếu của C1, C2 là phục vụ cho lực lượng vũ trang tập kích chiến lược đánh vào Sài Gòn. Lực lượng nữ Thanh niên xung phong của các đại đội đều dũng cảm hoàn thành nhiệm vụ…

Các đơn vị Thanh niên xung phong tập trung và cơ sở của Phân khu 2 bất chấp hiểm nguy đã vận chuyển trên 52 tấn vũ khí đưa vào trận địa, chuyển 165 thương binh từ nội thành ra tuyến sau và phối hợp với Liên đội 9 Thanh niên xung phong Miền phục vụ  sư đoàn 9 (nhân dân quen  gọi là “Công trường 9”) đánh diệt hơn 100 xe tăng, xe bọc thép địch ở Mỹ Hạnh (huyện Đức Hòa) và cùng chuyển 300 thương binh vượt sông Vàm Cỏ Đông ra phía sau an toàn. Thanh niên xung phong luôn là mũi nhọn xung kích trong phục vụ chiến đấu. Cùng với nhiều  gương hy sinh dũng cảm, kiên cường trong nhiệm vụ của nam giới, lực lượng Thanh niên xung phong cơ sở phần lớn là chị em phụ nữ cũng không ít tổn thất. Cùng với những cô gái dân công tải đạn ở Vinh Lộc- Bình Chánh, phần lớn là nữ Thanh niên xung phong tải đạn từ Đức Hòa Đông (Đức Hòa) qua cánh đồng bưng Vinh Lộc bị địch phát hiện ném bom. 32 chị vĩnh viễn nằm lại trên cánh đồng bưng Vinh Lộc. Nữ du kích và Thanh niên xung phong Cần Giuộc đã  tự nguyện cắt bỏ mái tóc dài cho gọn để tiện đẩy bè, chống xuồng vận chuyển vũ khí, thương binh trên sông rạch khỏi  bị vướng víu, ướt át…

Chị Mai Thị Hồng (Mai Thị Hai, Mai Thị Bảy) vào cuối năm 1967 và đầu năm 1968 được Đảng điều từ trạm thương binh sang phụ đơn vị dân công của tỉnh (trên 400 người). Đơn vị của chị nhận nhiệm vụ tải đạn từ biên giới Campuchia về các huyện Đức Hòa, Bến Lức… và từ đó tổ chức bằng các phương tiện đi công khai như xe lam, xuồng, ghe ngụy trang qua mắt địch. Bản thân chị được phân công liên lạc cơ sở trong vùng địch đưa vũ khí về nội đô Sài Gòn. Mấy tháng liền chị tổ chức đưa hàng chục tấn vũ khí ở biên giới về và tổ chức hàng chục chuyến xe, xuồng đi công khai vào thành phố. Chị cải trang làm người đi qua xã Mỹ Hạnh mua rau cải, nghi trang súng trong giỏ, sọt, bội đựng rau cải, gạo, lúa, củi… Bằng cách ấy, chị đưa cả tấn vũ khí vào nội đô, chuẩn bị cho chiến dịch tết Mậu Thân 1968.

Vào chiến dịch Mậu Thân, chị nhận nhiệm vụ làm chiến sĩ biệt động dẫn đường cho lực lượng vũ trang đánh vào các mục tiêu quy định. Trong chiến đấu và dẫn đường, chị đối mặt với nhiều tình huống hết sức gay go, quyết liệt. Với 1 cây AK, chị đã cùng đơn vị diệt hàng trăm tên địch. Các đồng chí lãnh đạo ở nội đô đã nhiều lần biểu dương chị về tinh thần chiến đấu, vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Vào đợt 2 Mậu Thân, chị Mai Thị Hồng bị địch bắt. Trong tù, chị giữ được khí tiết của một đảng viên…

Còn rất nhiều hình ảnh tiêu biểu của Thanh niên xung phong đã dũng cảm phục vụ chiến đấu và chiến đấu. Đại đội 1 của Thanh niên xung phong đã vinh dự được tặng thưởng huân chương giải phóng hạng 3. Đại đội được thưởng huy chương Giải phóng hạng 1. Cùng thi đua lập thành tích với Thanh niên xung phong quê nhà, cán bộ đội viên Thanh niên xung phong là con em của Long An hoạt động trên chiến trường miền Đông làm rạng danh truyền thống đấu tranh của quê hương bằng nhiều gương chiến đấu vô cùng dũng cảm. Đó là chị Hoàng Anh (Nguyễn Thị Bé) trong lúc làm nhiệm vụ bị địch bao vây. Chúng cho máy bay, xe tăng uy hiếp tinh thần để bắt sống chị. Chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, chỉ còn trái lựu đạn, chị chờ địch đến gần… Chúng xông vào định bắt sống nhưng chị đã kịp cho lựu đạn nổ, diệt 4 tên Mỹ và dũng cảm hy sinh. Chị Hồ Thị Ánh Tuyết trên đường chuyển thương, bị địch phục kích đã cùng đồng đội chiến đấu bảo vệ thương binh. Địch đông, ta ít, chị Ánh Tuyết trụ lại chặn địch để đồng đội khiêng thương binh vượt vòng vây. Hồ Thị Ánh Tuyết đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và hy sinh…

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 6 tháng 3 năm 2013

ThS Bùi Thị Thủy

 (Nhà vănTrầm Hương)

(Bài viết tham gia Toạ đàm khoa học năm 2017)