PHỤ NỮ BẢO VỆ ĐỒNG TIỀN XƯƠNG MÁU CỦA NHÂN DÂN

Đối với bà Đặng Thị Diềm – nguyên Ủy viên Trung Ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung Ương hiện đang sống ở thị xã Tân An, những ngày thành lập Đoàn phụ nữ cứu quốc đầu tiên (sau này là Hội LHPN) đã để lại trong lòng bà những kỷ niệm khó phai.

KỶ NIỆM 68 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG 8 VÀ QUỐC KHÁNH 2/9

PHỤ NỮ BẢO VỆ ÐỒNG TIỀN XƯƠNG MÁU CỦA NHÂN DÂN

                  Đối với bà Đặng Thị Diềm- nguyên Ủy viên Trung Ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung Ương hiện đang sống ở thị xã Tân An, những ngày thành lập Đoàn phụ nữ cứu quốc đầu tiên (sau này là Hội LHPN) đã để lại trong lòng bà những kỷ niệm khó phai. Phụ nữ sau bao năm bị kềm kẹp dưới chế độ thực dân phong kiến, sau cách mạng tháng 8, trong tổng tuyển cử đầu tiên được quyền ứng cử và bầu cử. Phụ nữ còn được tập hợp thành Đoàn thể riêng của giới. Đoàn Phụ nữ cứu quốc được thành lập vừa là trung tâm đoàn kết, vừa bênh vực quyền lợi của nhân dân, phụ nữ. Đoàn phụ nữ cứu quốc lúc ấy ngoài những hoạt động thiết thực như tổ chức Hội mẹ, hội chị chiến sĩ, phát động phong trào hủ gạo nuôi quân, phong trào bình dân học vụ, sản xuất chống giặc đói… còn tham gia nhiều hoạt động thiết thực khác. Một trong những hành động thiết thực của tổ chức phụ nữ lúc ấy ở tân An là đấu tranh với lãnh đạo, quyết bảo vệ bằng được đồng tiền xương máu của nhân dân…

Bà Đặng Thị Diềm kể: “Bà con lớn tuổi ở Đồng Tháp Mười còn nhớ, kể từ sau Hiệp định Tôkiô vào ngày 6/5/1941, phía Pháp buộc phải thừa nhận địa vị đặc biệt ưu đãi của Nhật trong các quan hệ kinh tế với Đông Dương. Nhưng thực chất thị trường Đông Dương bị Nhật độc chiếm. Quân đội Nhật ở Đông Dương buộc Pháp phải để chúng sử dụng mọi phương tiện giao thông. Hệ thống đường sắt, tàu có trọng tải 200.000 cũng bị rơi vào tay quân Nhật. Ngoài ra, chính quyền thực dân mỗi năm phải nộp cho bọn Nhật một khoản tiền khá lớn. Trong 4 năm 6 tháng, chính quyền thực dân phải nộp cho bọn Nhật khoản tiền là 723.786.000 đồng.

Khi bị Nhật “chia sẻ” quyền kiểm soát Đông Dương, để đáp ứng nhu cầu vật chất cho quân Nhật, Pháp cho in giấy bạc 100 đồng “giấy xăng đỏ” để nuôi quân Nhật năm 1943. Sau khi Cách mạng tháng 8 thành công, tiền này tập trung vào nội cứ Long An nhiều nhứt, vì ta chưa in bạc Cụ Hồ, nên phải tạm xài bạc ấy. Quân khu Đông Thành (Quân khu 7) cắt hai bạc ấy ra xài, đóng dấu Quân khu Đông Thành cho nhân dân xài trong chiến khu, xem như tiền độc lập của việt Minh, còn nội thành, Pháp in bạc khác, không thừa nhận “giấy xăng đỏ” ấy. Đến khi đồng bạc Cụ Hồ ra đời, Ủy Ban Kháng chiến Hành Chánh Nam Bộ không thừa nhận, không chịu đổi bạc ấy bằng tiền Cụ Hồ. Dân quân Đông Thành chết đứng, chết ngồi vì Quân khu 7 đã thừa nhận “giấy xăng đỏ” như đồng bạc Cụ Hồ, giờ Ủy Ban Kháng Chiến hành chánh Nam Bộ không chịu thừa nhận bạc JAEO (giấy xăng đỏ), nên không chịu đổi. Vậy là đồng tiền đổi bằng xương máu có được chỉ còn là mớ giấy lộn, có nước đem đốt thì làm sao mà sống nổi. Chị em Ban chấp hành Phụ nữ quân khu Đông Thành xuống bàn với chúng tôi, nhờ can thiệp với ngân khố tỉnh và ngân khố Nam Bộ cho đổi bằng bạc Cụ Hồ, vì đó là mồ hôi nước mắt của bà con. Chúng tôi chạy qua Tỉnh ủy bàn. Tỉnh ủy không dám cho đổi vì phải đợi sự thương lượng với Ủy Ban Kháng chiến hành chánh Nam bộ. Chúng tôi bèn đi tìm anh Hà Huy Giáp, lúc ấy là chủ nhiệm Kỳ bộ Việt Minh, cũng không quên gặp anh Bảy Chiếm ở Sở Công An Nam bộ, lại nhờ anh Ung Văn Khiêm- ủy viên nội vụ Nam bộ. Chúng tôi cắt nghĩa cho ba anh nghe là Pháp đã giựt của dân. Trước sự bức xúc lưu thông tiền tệ, Quân khu 7 đã đóng dấu lên bạc JDEO, thừa nhận đồng “giấy xăng đỏ” như đồng bạc Cụ Hồ, nay Ủy Ban Kháng chiến hành chánh Nam bộ không thừa nhận đồng tiền này thì ta thất tín với dân và dân sẽ nói: “Việt Minh cũng như Pháp thôi, cũng hại dân chớ không giúp dân” thì ta nghĩ sao về mặt uy thế chính trị. Chúng tôi khẩn khoản yêu cầu Ủy Ban Kháng Chiến hành chánh Nam bộ giải quyết thỏa đáng cho dân và báo cáo rõ về Trung Ương. Ba anh suy nghĩ lâu lắm, cùng chúng tôi kéo qua Sở tài chánh Nam bộ. Ông Kha Vạn Cân lúc ấy đang nắm giữ Sở tài chánh Nam bộ cũng không dám tự quyết định, mà phải điện hỏi ý kiến của Xứ ủy Nam bộ trước vấn đề trọng đại này.

Chúng tôi cùng chờ ý kiến Xứ ủy. Tới chiều, Xứ ủy liên hệ với Quân khu 7 và Tân An nên quyết định cho Tân An xuất ngân khố, đổi liền số bạc mà Quân khu Đông Thành đã đóng dấu lên tờ giấy JDEO cắt làm hai là 50 đồng, còn bạc nguyên, bạc mới không đổi vì sợ giặc lợi dụng sơ hở của ta, lòn tiền vào phá hoại ngân khố cách mạng. Các cơ quan của Tân An hiệp với Sở Công An Nam bộ kiểm tra, lập biên bản kiểm kê toàn bộ “giấy xăng đỏ” ở Quân khu Đông Thành, ở Đồng Tháp Mười. Trên cơ sở đó, Sở Tài Chánh Nam bộ cùng kho bạc Tân An mới xuất tiền xuống tận xóm ấp để đổi cho dân. Qua việc đó, nhân dân rất vui mừng, phấn khởi, càng có thêm niềm tin vào Ủy ban Kháng chiến hành chánh Nam bộ. Được đứng trong hàng ngủ của Đảng, lúc ấy chúng tôi càng thấm thía “dân muốn là trời muốn. Cái gì hợp với quyền lợi của dân là cách mạng phải làm”.

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 26 tháng 8 năm 2013

Trầm Hương