PHONG TRÀO PHỤ VẬN VÙNG BÀN CỜ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ

NHÂN HỘI THẢO “VÙNG LÕM CHÍNH TRỊ CĂN CỨ CÁCH MẠNG BÀN CỜ”

PHONG TRÀO PHỤ VẬN VÙNG BÀN CỜ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ

Â

NHÂN HỘI THẢO “VÙNG LÕM CHÍNH TRỊ CĂN CỨ CÁCH MẠNG BÀN CỜ”

PHONG TRÀO PHỤ VẬN VÙNG BÀN CỜ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ

Năm 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, theo đó thực dân Pháp buộc phải rút quân khỏi Việt Nam, công nhận chủ quyền, độc lập thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam. Đế quốc Mỹ trước đây đã tiếp sức cho thực dân Pháp tàn sát đồng bào, nay lại âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta với một chế độ thuộc địa trá hình, biến miền Nam thành căn cứ quân sự chuẩn bị chiến tranh xâm lược các nước Đông Nam Á. Chúng đưa Ngô Đình Diệm, tay sai lên nắm chính quyền với chiêu bài quốc gia độc lập giả hiệu, dùng chính sách viện trợ và bộ máy cố vấn để nắm tất cả các ngành kinh tế, chính trị, văn hóa ở miền Nam. Tuy nhiên, chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 đã làm nức lòng nhân dân cả nước. Người dân Sài Gòn, từ các mẹ, các chị ở nhà máy, chợ, xóm lao động, các tầng lớp đồng bào đang theo dõi diễn biến chiến sự qua báo chí công khai mặc dù thực dân Pháp ra sức bưng bít sự thật. Bên cạnh niềm vui chung là miền Bắc được giải phóng, nhân dân miền Nam lại phải đối đầu với kẻ thù mới, đó là đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, “Phong trào bảo vệ hòa bình khu Sài Gòn – Chợ Lớn” đã ra đời, đấu tranh cho quyền tự do dân chủ, bảo vệ hòa bình và tổ chức tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Hưởng ứng lời kêu gọi của Ban chấp hành “Phong trào bảo vệ hòa bình khu Sài Gòn- Chợ Lớn”, chỉ trong một thời gian ngắn, phong trào đã phát triển rộng và mạnh ở khắp nơi trong nội thành. Đầu năm 1955, Khu ủy Sài Gòn-Gia Định thành lập Ban Phụ Vận Khu do đồng chí Ngô Thị Huệ làm trưởng ban, có nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo phong trào phụ nữ thành phố đấu tranh đòi thi hành hiệp định Giơ-ne-vơ, đồng thời bảo vệ các quyền dân sinh dân chủ cho phụ nữ các giới. Cán bộ phụ vận đã xây dựng các tổ chức bí mật làm nòng cốt, sử dụng các tổ chức công khai hợp pháp sẵn có, tập hợp đông đảo chị em tham gia vào các nghiệp đoàn, Hội Phụ Nữ Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động, Tổng Hội sinh viên – học sinh…. Dưới sự chỉ đạo của Ban phụ vận Khu, tại vùng Bàn Cờ, Chi hội Phụ nữ Bàn Cờ được thành lập và do Bà Nguyễn Thị Thảo làm Hội trưởng đã thu hút được đông đảo hội viên và có ảnh hưởng sâu rộng trong giới phụ nữ. Chi hội đã mở nhiều lớp truyền bá chữ quốc ngữ, lớp nữ công, phòng khám thai miễn phí, nhà mẫu giáo, lấy trường Phan Đình Phùng làm nơi tiếp nhận các vật phẩm cứu tế. Chi hội cũng thành lập Ban cứu tế để chăm sóc sức khỏe cho những người bị nạn. Hàng tuần cứ đến ngày chủ nhật, đông đảo các tổ chức đoàn thể mang theo cuốc xẻng đến khu vực hỏa hoạn giúp đồng bào dọn nhà, đắp nền.

Bên cạnh Chi hội Phụ nữ, tại vùng Bàn Cờ còn có sự ra đời của nghiệp đoàn chợ Bàn Cờ do đồng chí Nguyễn Thị Phương phụ trách, là một trong những nghiệp đoàn qui tụ đông đảo quần chúng lao động mà chị em bạn hàng là lực lượng tương đối mạnh. Vốn biết các khu vực Bàn Cờ, Vườn Chuối, Nguyễn Thông là nơi bà con lao động luôn che chở, nuôi giấu cán bộ cách mạng nên địch tìm cách phá hoại, đuổi nhà, giải tỏa các khu vực này. Nhiều khẩu hiệu đấu tranh đã được căng lên như: không được đuổi nhà, đuổi đất; Nhân dân lao động nhất định không ra khỏi Sài Gòn; Yêu cầu chính quyền hoãn lệnh đuổi nhà. Nghiệp đoàn chợ Bàn Cờ quy tụ được đông đảo bà con lao động liên tục đấu tranh chống tăng tiền điện nước, đòi giảm thuế, chống phạt vạ. Nhân dịp sửa chợ, Đô trưởng Sài Gòn cho xây hẹp các sạp để có thêm số sạp mới (bà con gọi là sạp ma) bán cho tư thương kiếm lời. Việc làm gian dối này đã châm ngòi cho cuộc đấu tranh vào ngày 5/5/1956 của chị em bạn hàng. Hai khẩu hiệu được căng ngay trước chợ: “Không được cấp sạp ma”, “Trả lại sạp ma cho bạn hàng chợ”. Bọn cảnh sát đến hạ khẩu hiệu, chị em giằng co, chúng đàn áp, chị em chống trả quyết liệt bằng đòn gánh, gạch đá buộc chúng phải rút lui

Vùng Lý Thái Tổ – Ngã Bảy và vùng Bàn Cờ-Vườn Chuối là những nơi đồng bào lao động, chị em tiểu thương có truyền thống đấu tranh rất kiên cường, kết hợp rất khéo léo những khẩu hiệu dân sinh dân chủ với nhiều hình thức linh hoạt, kể cả dùng bạo lực quần chúng. Năm 1956, Diệm-Nhu ra lệnh giải tỏa chợ Lý Thái Tổ-Ngã Bảy. Một mặt dựa vào nghiệp đoàn buôn bán chợ, ta thu thập chữ ký của toàn thể bà con tiểu thương và cử đại diện lên gặp Đô trưởng Sài Gòn. Mặt khác, chị em tổ chức mitting, căng băng-rôn…. Được sự hưởng ứng của các nghiệp đoàn bạn, sau 2 ngày đấu tranh căng thẳng, chị em đã giành thắng lợi, buộc địch phải hoãn đuổi chợ cho đến khi hoàn tất chợ Trần Quốc Toản để bà con tiếp tục có chỗ buôn bán.

Năm 1965, sau Đại hội Phụ nữ toàn miền Nam (3/1965), Ban Phụ Vận Thành ủy Sài Gòn-Gia Định được thành lập do chị Lê Thị Riêng làm trưởng ban. Chị Nguyễn Thị Tấn, phó ban phụ trách phụ nữ vùng nông thôn. Chị Nguyễn Thị Chơn, ủy viên phụ trách công tác mặt trận phụ nữ. Chị Đỗ Duy Liên, ủy viên phụ trách công tác phụ nữ 36 chợ. Nhiệm vụ của Ban phụ vận là tạo ra một trung tâm chính trị để hiệu triệu công khai các tầng lớp phụ nữ thành phố, xây dựng và củng cố cơ sở, đưa phong trào phụ nữ ở các xóm lao động, các chợ đô thành lên đều, phối hợp với phong trào các giới tiến công mạnh mẽ vào đế quốc Mỹ xâm lược. Theo đó, phong trào đấu tranh của công nhân và nhân dân lao động phát triển với hàng loạt cuộc biểu tình bãi công trên qui mô lớn và rất quyết liệt với khẩu hiệu đòi dân sinh, dân chủ. Trong các cuộc xuống đường liên tiếp của Phật giáo, sinh viên, học sinh, chị em tiểu thương ở các chợ Vườn Chuối, Bàn Cờ,… bãi thị kéo nhau tới chùa, danh nghĩa là nghe thuyết pháp nhưng thực chất là đi dự hội thảo, đi biểu tình tuần hành chống Diệm-Nhu, chống Nguyễn Khánh. Dọc đường đi của đoàn biểu tình, các mẹ, các chị còn mang theo nước uống, bánh mì, chuyền tay nhau tiếp tế cho những người đi đấu tranh. Sự chăm sóc đầy nghĩa tình của các mẹ, các chị đã động viên cổ vũ tinh thần đoàn biểu tình. Khi cảnh sát dã chiến đàn áp, anh chị em tản vào nhà dân, các chị sẵn sàng mở cửa, che giấu, đùm bọc.

Đầu năm 1967, Liên đoàn nữ Phật tử – một tổ chức công khai của Ban Phụ vận được thành lập do đồng chí Nguyễn Thị Hoan là Liên đoàn trưởng với mục tiêu vận động phụ nữ đấu tranh đòi hòa bình, bảo vệ nhân phẩm phụ nữ, chống văn hóa đồi trụy lai căng. Liên đoàn đã tổ chức được các chi đoàn trong thành phố Sài Gòn – Gia Định mà nhiều nhất là ở Quận 3 gồm các chi đoàn trong đó có chợ Bàn Cờ. Liên đoàn đã huy động được nhiều tầng lớp phụ nữ tham gia hưởng ứng. Đến ngày 26/6/1967, Hội bảo vệ nhân phẩm và quyền lợi phụ nữ ra đời. Hội đã thu hút, tập hợp được đông đảo quần chúng phụ nữ, từ chị em công nhân các xí nghiệp, lao động các ngành nghề, học sinh sinh viên, trí thức… Chị em bạn hàng buôn bán ở các chợ Bàn Cờ, Vườn Chuối, Bến Thành, Tân Định … đấu tranh liên tục chống đuổi chỗ, chống phạt vạ, chống cảnh sát ngụy quyền lăng nhục chị em.

Trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, ngay sau khi được Quận ủy triển khai Nghị quyết “Tổng tấn công”, đoàn thể phụ nữ đã khẩn trương chuẩn bị tài chính, thuốc men, vũ khí, may cờ, khẩu hiệu, truyền đơn và xây dựng các tổ chức nòng cốt chờ nổi dậy. Cánh phụ vận chuẩn bị hầm vũ khí tại nhà chị Trần Thị Ngọc Sương tại số 51/10/14 Cao Thắng và là nơi gặp gỡ hội họp của Ban phụ vận Thành phố. Chị em phụ nữ vùng Bàn Cờ đã sử dụng trường Phan Đình Phùng (số 491/7 Nguyễn Đình Chiểu) làm trạm cứu thương cho bộ đội và dân tỵ nạn, dưới danh nghĩa là trại tiếp cư. Chị Trần Thị Kiêm, Trần Hữu Hạnh, Đoàn Thị Bờ… là những người đã trực tiếp chỉ đạo việc chăm sóc thương binh và quyên góp thuốc men gửi về trạm cấp cứu của ta ở Linh Xuân, Thủ Đức. Bất chấp lệnh giới nghiêm, đồng bào khu vực cư xá Đô Thành, Nguyễn Thiện Thuật ủng hộ cách mạng, ngăn chặn bước tiến của địch bằng cách lăn thùng phuy, cây cối, bàn ghế ra đường làm chướng ngại vật. Chị em phụ nữ khu vực Bàn cờ tổ chức nấu xôi, bánh tét để trước nhà, bề ngoài là để ăn Tết nhưng thực sự là để tiếp tế lương thực cho các mũi tấn công. Nhiều chị còn đưa con em mình gia nhập quân giải phóng. Qua cuộc tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã thể hiện rõ tấm lòng của người dân thành phố, đặc biệt là chị em phụ nữ vùng Bàn Cờ đối với cách mạng. Các chị vừa trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, tạo điều kiện cho các lực lượng vũ trang tấn công vào các mục tiêu của địch.

Trong năm 1968, để phát huy thanh thế cho cách mạng, Ban phụ vận đã chủ trương phối hợp với các đơn vị mở cuộc tuyên truyền xung phong đột xuất. Trong vòng 2 tuần lễ, đơn vị được phân công đã phân phát 30.000 truyền đơn, 3.500 thơ chúc tết của Hồ Chủ Tịch. Thiệp chúc Tết đã được đưa tận tay bà con các chợ Hòa Bình, Bàn Cờ, Vườn Chuối… làm nức lòng các má, các chị. Trong phong trào đấu tranh đòi dân sinh dân chủ diễn ra liên tục thời kỳ này, bên cạnh các cuộc đấu tranh tập trung và quy mô của công nhân, lao động dựa trên danh nghĩa nghiệp đoàn đòi tăng lương, giảm giờ làm là các cuộc đấu tranh hàng ngày của chị em phụ nữ tiểu thương các chợ đòi giảm tiền chỗ, chống phạt vạ, chống những tên cảnh sát ngược đãi, hành hung bạn hàng chợ, đảm bảo các điều kiện về điện, nước, vệ sinh. Ngoài việc trực tiếp đấu tranh với các cấp ngụy quyền để bảo vệ, giành lại các quyền lợi thiết thân, chị em tiểu thương luôn hỗ trợ đắc lực về mặt tinh thần, vật chất cho phong trào đấu tranh của các giới công nhân lao động, học sinh, sinh viên và phong trào Phật giáo.

Thắng lợi của quân và dân ta trong đợt tổng tiến công và nổi dậy năm 1968 đã đánh lùi ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Chúng điên cuồng phản kích, thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, “thay màu da trên xác chết”. Mỹ-Thiệu ráo riết bắt lính đôn quân, ra sức vơ vét bóc lột. Để nuôi guồng máy chiến tranh đồ sộ, ngoài viện trợ Mỹ, ngụy quyền đã tăng thuế ồ ạt. Hàng loạt các sắc thuế được đặt ra để vơ vét nhân dân như thuế kiệm ước, thuế trị giá gia tăng với các biện pháp gắt gao như tăng thâu, tận thâu, truy thâu làm cho đời sống người dân càng ngày càng kiệt quệ. Bước vào cuộc đấu tranh mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào phụ nữ vùng Bàn Cờ tiếp tục được xây dựng và củng cố. Đêm 20/4/1970, sau khi đồng bào làm lễ truy điệu các Việt kiều Campuchia bị bọn Lonnol, Sirik, Matak sát hại, thả xác trôi trên sông Mêkông tại Đại học Khoa học (đường Nguyễn Văn Cừ), 126 học sinh, sinh viên đã bí mật tổ chức biểu tình, bất ngờ ập vào chiếm tòa Đại sứ của Lonnol (góc Lê Văn Duyệt – Phan Đình Phùng), yêu cầu ngụy quyền phải can thiệp với Đại sứ Lonnol chấm dứt ngay việc khủng bố, sát hại Việt Kiều. Ngay lập tức, cảnh sát, mật vụ tràn vào bao vây tòa Đại sứ bằng những hàng rào kẽm gai dày đặc, quyết tâm cô lập cả khu vực, cắt đứt sự chi viện từ bên ngoài nhằm làm nhụt ý chí đấu tranh của sinh viên, học sinh yêu nước. Nhận được tin, những người mẹ Bàn Cờ, Vườn Chuối đã nấu cơm, nấu nước và tỏa đi các nơi huy động trong đồng bào, chị em phụ nữ bán hàng ở các chợ để chuẩn bị thức ăn, bánh trái. Các mẹ bí mật vận động các gia đình có nhà sát vách tòa đại sứ đục tường chuyền từng nắm cơm. Những nắm cơm, lon nước của các mẹ đã tiếp thêm cho những học sinh, sinh viên đang bị giam cầm nguồn sức mạnh, lòng can đảm. Đã có biết bao nhiêu người  mẹ, người chị, người em bất chấp hiểm nguy, nhận sinh viên tranh đấu là con, là chồng, là người thân để cứu đồng đội. Có thể nói, những người mẹ, người chị Bàn Cờ trong cuộc chiến đấu giữa lòng Sài Gòn đã trở thành những anh hùng bất tử với non sông đất nước mà bài thơ “Bà Mẹ Bàn Cờ” của nhà thơ Nguyễn Kim Ngân thực sự là một tượng đài về những nữ anh hùng ấy.

Trong những năm 1970-1971, phong trào đấu tranh võ trang ở nội đô có giảm đi vì ta chủ trương xây dựng và củng cố cơ sở, chuẩn bị lực lượng cho lâu dài. Bất chấp sự truy lùng gắt gao của kẻ thù, phụ nữ vùng Bàn Cờ ra sức xây dựng cơ sở, trực tiếp lãnh đạo quần chúng đấu tranh. Các chị đi vào các chợ, xây dựng nòng cốt đưa chị em trong chợ ra đấu tranh chống tăng thuế, chống đuổi chợ. Các cuộc đấu tranh nhằm phục vụ thiết thực quyền lợi của chị em tiểu thương nên được đông đảo chị em tiểu thương hưởng ứng tham gia.

Năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết, quân Mỹ và chư hầu phải rút khỏi miền Nam, chấm dứt hoàn toàn ném bom phá hoại miền Bắc. Tuy nhiên, “Mỹ đã cút” nhưng “ngụy chưa nhào”, chính quyền Thiệu vẫn còn đó. Với hơn một triệu quân và hàng chục tấn vũ khí Mỹ để lại và còn đổ thêm ào ạt, chúng ngoan cố, trắng trợn vi phạm hiệp định, tiếp tục kéo dài chiến tranh. Phụ nữ vùng Bàn Cờ tham gia biểu tình đòi thi hành hiệp định Paris, đòi Thiệu phải từ chức, Mỹ chấm dứt viện trợ cho ngụy quyền, đòi hòa bình, thả tù chính trị… Các đoàn thể phụ nữ tích cực tham gia giáo dục binh lính ngụy, vận động đào, rã ngũ, vận động các gia đình không cho chồng con đi lính hoặc bỏ ngũ về với gia đình. Chị em phụ nữ ở các chợ, các xóm lao động tích cực ủng hộ bản cáo trạng của 23 tổ chức đấu tranh chống Thiệu, thực hiện hòa hợp và hòa giải dân tộc, đòi đối thoại với Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Với khí thế tiến công cả về chính trị, binh vận và võ trang, phong trào nối tiếp phong trào cùng chĩa mũi nhọn vào Thiệu, giáng những đòn tới tấp, khiến cho bè lũ ngụy quyền rơi vào thế khủng hoảng, thời cơ cách mạng đã đến. Để chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, chị em phụ nữ vùng Bàn cờ vận động bà con may cờ, chuẩn bị chu đáo lương thực, thực phẩm, thuốc men… đón bộ đội vào giải phóng thành phố. Ngày 30/04/1975, quân và dân ta đã đồng loạt nổi dậy chiến đấu giành chính quyền về tay nhân dân, kết thúc sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Thắng lợi trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta có sự đóng góp rất lớn của quân và dân thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định, trong đó có phần đáng kể các mẹ, các chị phụ nữ vùng Bàn Cờ. Các mẹ, các chị đã thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác vận động phụ nữ, tập hợp quần chúng, đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, bảo vệ nhân phẩm và quyền sống của phụ nữ, đấu tranh chống đuổi nhà, dỡ chợ, phối hợp và hỗ trợ các phong trào đấu tranh của công nhân, học sinh, sinh viên, đồng bào Phật tử. Qua những cuộc đấu tranh của các mẹ, các chị mà địa danh Bàn Cờ, Vườn Chuối, cư xá Đô Thành… đã đi vào trang sử vẻ vang của dân tộc cùng nhiều tấm gương chiến đấu ngoan cường bất khuất của những người phụ nữ, người mẹ vùng Bàn Cờ.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 14 tháng 7 năm 2014

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1.Phong trào phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng (1954-1985), Nxb. TP.HCM, 1987, 458tr.

2.Truyền thống cách mạng của phụ nữ Nam Bộ thành đồng, Tổ sử Phụ nữ Nam Bộ, 1989, 542tr.

3.Nghị quyết công tác phụ vận của Đảng lao động Việt Nam, Nxb Phụ nữ, tháng 3/161, 56tr.

4.Lược sử truyền thống đấu tranh cách mạng của phụ nữ Quận 3 (1930-1985), Hội Liên hiệp phụ nữ Quận 3, tháng 7/1985, 96tr.

5.Nghị quyết của Hội nghị tổng kết công tác phụ vận họp từ ngày 8/2 đến 11/2/1971, 20tr