PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CỦA HỌC SINH – SINH VIÊN

Trần Văn Ơn – người thanh niên tiêu biểu cho lòng yêu nước và ý chí đấu tranh bất khuất của học sinh, sinh viên, sau khi đã dũng cảm hứng chịu những xô đẩy và dùi cui để che chở cho các em học sinh nhỏ tuổi hơn, anh đã bị trúng đạn. Anh hy sinh vào lúc 15 giờ 30 phút chiều ngày 09/01/1950 khi chưa tròn 19 tuổi.

Từ giữa năm 1949 đến đầu năm 1950 phong trào đấu tranh của thanh niên học sinh, sinh viên chống chủ nghĩa thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ, chống độc lập giả hiệu, chống khủng bố đàn áp, đòi thả các học sinh bị bắt, đòi đảm bảo an ninh cho học sinh, đòi được học tiếng mẹ đẻ… đã diễn ra rầm rộ, liên tục và rộng khắp từ Nam chí Bắc. Tại Sài Gòn, các tầng lớp đồng bào cũng tích cực hưởng ứng dưới nhiều hình thức như biểu tình chống sưu thuế, chống bắt lính… đã góp phần tiếp thêm sinh lực cho phong trào học sinh, sinh viên.

Ngày 9/01/1950, Đoàn Thanh Niên cứu quốc và Đoàn học sinh Sài Gòn – Chợ Lớn đã vận động và tổ chức cho hơn 2.000 học sinh, sinh viên các trường Pétrus Ký, Gia Long, Nguyễn Văn Khuê, Huỳnh Khương Ninh, trường Đại học Y Dược, Pháp Lý, các trường chuyên nghiệp vô tuyến điện, công chính, kỹ thuật, khoa học,… cùng nhiều giáo viên và 7.000 nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn biểu tình đòi bảo đảm an ninh cho học sinh, sinh viên học tập và trả tự do cho những học sinh, sinh viên bị bắt – trong đó có Ban lãnh đạo học sinh cứu quốc Sài Gòn. Đoàn biểu tình kéo đến Nha học chính và Dinh thủ hiến bù altnhìn đưa yêu sách nhưng đã bị địch đàn áp dã man, 30 học sinh bị thương, 500 bị bắt. Trần Văn Ơn – người thanh niên tiêu biểu cho lòng yêu nước và ý chí đấu tranh bất khuất của học sinh, sinh viên, sau khi đã dũng cảm hứng chịu những xô đẩy và dùi cui để che chở cho các em học sinh nhỏ tuổi hơn, anh đã bị trúng đạn. Anh hy sinh vào lúc 15 giờ 30 phút chiều ngày 09/01/1950 khi chưa tròn 19 tuổi.

Tin học sinh Trần Văn Ơn chết lan truyền rất nhanh làm náo động cả Sài Gòn. Căm thù sôi sục, từ đường phố lớn đến các ngõ hẻm, các hãng xưởng… mọi người đều uất hận; các phương tiện vận tải không chở khách mà chỉ phục vụ chở người già yếu cùng xuống đường. Cả rừng người với rừng biểu ngữ, băng reo cầm tay hô vang khẩu hiệu xông lên ầm ầm như bão nổi khắp phố phường. Đám tang Trần Văn Ơn ngày 12/01/1950 đã trở thành một cuộc biểu dương lực lượng lôi cuốn trên nửa triệu người đủ mọi tầng lớp tham gia, lên án bọn cướp nước và bán nước. Với sự kiện lịch sử ngày 9/01/1950, để ghi nhận tinh thần đấu tranh bất khuất của học sinh Trần Văn Ơn và đông đảo học sinh – sinh viên trong những ngày đầu kháng chiến, Đại hội toàn quốc Liên đoàn Thanh niên Việt Nam lần thứ nhất tháng 2 năm 1950 tại Việt Bắc đã quyết định lấy ngày 09/01 hàng năm là Ngày truyền thống học sinh – sinh viên.

Tiếp theo cuộc đấu tranh này là cuộc đấu tranh của học sinh người Hoa ở Chợ Lớn. Ngày 5/5/1950, nhà cầm quyền thực dân ra lệnh giải thể các lớp cấp 3 trường Phước Kiến (nay là trường Trần Bội Cơ ở phường 3, Quận 5) nên phụ huynh cùng với học sinh đứng ra phản đối lệnh giải thể này. Trước làn sóng đấu tranh của phụ huynh và học sinh, địch huy động cảnh sát đến đàn áp cuộc đấu tranh, bắt đi 100 học sinh, trong đó có nữ học sinh Trần Bội Cơ là người đứng đầu cuộc đấu tranh này. Tại bốt cảnh sát quận 4 (nay là Quận 5), chúng dùng đủ mọi cực hình để tra tấn Trần Bội Cơ, hòng khai thác tổ chức cách mạng trong học sinh người Hoa và cũng là để trấn áp phong trào đấu tranh sôi sục trong giới học sinh Sài Gòn. Nhưng mọi thủ đoạn của địch đều thất bại trước ý chí ngoan cường, dũng cảm của người nữ học sinh trẻ, với tuổi đời chưa altđầy 20. Ngày 12/5/1950, Trần Bội Cơ đã anh dũng hy sinh sau một tuần bị tra tấn. Cuộc míttinh truy điệu nữ sinh Trần Bội Cơ được đông đảo các giới đồng bào và các học sinh Sài Gòn – Chợ Lớn tổ chức trọng thể, lôi cuốn hàng ngàn người tham dự. Sự kiện Trần Bội Cơ đã có tác động mạnh mẽ đến bà con người Hoa ở các tỉnh Nam Bộ, nhiều nơi cũng đã tổ chức trọng thể lễ truy điệu.

Sự dũng cảm hy sinh của Trần Văn Ơn cùng nhiều học sinh, sinh viên lúc bấy giờ đã để lại bao nỗi tiếc thương và tự hào cho các thế hệ tuổi trẻ Việt Nam; trở thành biểu tượng đẹp của tuổi trẻ Việt Nam. Trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống học sinh – sinh viên Việt Nam (9/01/1950 – 9/01/2000), cùng với các liệt sĩ Thành đoàn TNCS TP Hồ Chí Minh như Trần Bội Cơ, Đỗ Ngọc Thạnh, liệt sĩ Trần Văn Ơn đã được truy tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trải qua 66 năm thành lập, các thế hệ học sinh – sinh viên Việt Nam luôn kế thừa và phát huy những truyền thống vẻ vang của các thế hệ cha anh, xứng đáng là tổ chức chính trị- xã hội của học sinh – sinh viên Việt Nam, là nhịp cầu gắn bó giữa học sinh, sinh viên với Đảng, Nhà nước; là một lực lượng giáo dục quan trọng trong nhà trường.

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 06 tháng 01 năm 2016

Phạm Thị Diệu