PHỤ NỮ VIỆT NAM XƯA VÀ NAY

Ngày Quốc tế Phụ nữ Tám tháng Ba được kỷ niệm cùng với Lễ Hai Bà Trưng ngày Sáu tháng Hai âm lịch. Nhân ngày này, Hội Liên hiệp Phụ nữ trung ương cũng như địa phương thường nhắc “truyền thống phụ nữ Việt Nam” để cổ động “Vì sự tiến bộ của phụ nữ” mà không cảm thấy mâu thuẫn chút nào. Thế nhưng, bất cứ ai quan tâm đến quyền lợi giới đều có thể nhắc chúng ta quả thật lạ lùng nếu, giữa “bảo tồn truyền thống” và “đấu tranh vì tiến bộ”, mục tiêu và vấn đề cần chú ý lại hoàn toàn thống nhất với nhau; huống nữa khi cuộc vận động tiến bộ cho phụ nữ diễn ra trong một xã hội thấm nhuần đạo lý Nho giáo tự lâu đời.

 Nghiên cứu phụ nữ Việt Nam là lãnh vực chưa có nhiều người đi sâu. Tuy nhiên, ở Việt Nam, cũng như trong toàn thế giới chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, người ta rất coi trọng “truyền thống lịch sử”, trong đó có”truyền thống phụ nữ” và “người phụ nữ truyền thống”. Từ khi mở cửa và bước đầu hội nhập thế giới hiện đại, người ta vẫn quan tâm, hay đúng ra lại càng quan tâm hơn đến truyền thống phụ nữ. Ngày Quốc tế Phụ nữ Tám tháng Ba được kỷ niệm cùng với Lễ Hai Bà Trưng ngày Sáu tháng Hai âm lịch. Nhân ngày này, Hội Liên hiệp Phụ nữ trung ương cũng như địa phương thường nhắc “truyền thống phụ nữ Việt Nam” để cổ động “Vì sự tiến bộ của phụ nữ” mà không cảm thấy mâu thuẫn chút nào. Thế nhưng, bất cứ ai quan tâm đến quyền lợi giới đều có thể nhắc chúng ta quả thật lạ lùng nếu, giữa “bảo tồn truyền thống” và “đấu tranh vì tiến bộ”, mục tiêu và vấn đề cần chú ý lại hoàn toàn thống nhất với nhau; huống nữa khi cuộc vận động tiến bộ cho phụ nữ diễn ra trong một xã hội thấm nhuần đạo lý Nho giáo tự lâu đời.

Trong bài viết mang tính đề dẫn cho một diễn đàn mong sẽ đón nhận đóng góp của nhiều nhà nghiên cứu, nhiều bạn đọc nữ cũng như nam, chúng tôi xin nêu vài suy nghĩ gợi mở để trao đổi ý kiến.

Truyền thống quý trọng và tôn vinh phụ nữ?

Có nhiều nguyên nhân lịch sử và văn hóa giải thích vai trò quan trọng của người phụ nữ trong xã hội Việt Nam truyền thống. Văn minh Đông Nam Á bản địa trước khi tiếp thu ảnh hưởng văn hóa Ấn-Hoa vốn có đặc trưng là văn minh nông nghiệp độc canh cây lúa, đặc biệt là lúa nước, giống cây đòi hỏi nhiều công sức lao động thủ công đến nỗi thành viên nữ khó bị gạt ra ngoài lề sản xuất. Đông Nam Á cũng có chế độ mẫu hệ phổ biến và dai dẳng; có nhiều nữ thần đến mức nữ hóa một số Phật và Bồ tát nam, mà trường hợp điển hình nhất là Phật bà Quan âm biến thái từ Quan (cũng đọc Quán) thế âm Bồ tát. Những yếu tố cổ đại này đến nay vẫn là thực tế xã hội, bảo đảm tính bền vững của truyền thống.

Một thực tế lịch sử khác là tập quán dùng đê điều ngăn lũ lụt – lâu đời như được ghi dấu trong truyền thuyết Sơn Tinh-Thủy Tinh – có tác dụng cố kết cộng đồng, huy động đông đảo người nam tham gia lao động công ích. Chiến tranh, kể cả chống ngoại xâm và nội chiến kéo dài nhiều tháng, nhiều năm, có khi nhiều chục hay đến mấy trăm năm, càng đặt người phụ nữ vào tình thế thường xuyên gánh vác việc nhà và cả việc làng, việc xóm. “Chàng ơi phải lính thì đi, Cửa nhà đơn chiếc đã thì có tôi.”

Các truyền thuyết thời Hùng Vương khắc sâu trong ký ức cộng đồng những giá trị cội nguồn dân tộc Việt. Mẹ Âu Cơ sinh trăm trứng nở trăm con, nhắc nhở “đồng bào” là một mẹ sinh ra, dẫu nòi Rồng giống Tiên là “tương khắc, bất đồng” mà vẫn dung nạp khác biệt, hòa hợp âm dương sinh sôi con đàn cháu đống. Ngôn ngữ Việt không “duy lý” mà đậm đà tình cảm, thậm chí là nhục cảm: cốt nhục, đồng bào, ruột thịt, rồi lòng mẹ, đất mẹ, tổ quốc thường ví với mẹ hiền… Người phụ nữ trong truyền thuyết thời sơ sử hồn nhiên mà quyết liệt, trong nghịch cảnh vẫn khẳng định mình như Tiên Dong, như người vợ của hai anh em song sinh trong tích Trầu Cau, như người đàn bà vọng phu ôm con hóa đá, như Mỵ Châu dẫu hai lần mang trọng tội vẫn được khoan dung nhìn nhận là trắng ngần, trong suốt ngọc trai.

Lịch sử Việt Nam có hơn nghìn năm Bắc thuộc trong hơn hai nghìn năm lịch sử biết tương đối rõ ràng. Mở đầu trang sử chống Bắc thuộc là chiến công của hai nữ tướng: “Đô kỳ đóng cõi Mê Linh, Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta.” Lời thề xuất quân của Hai Bà Trưng được ghi lại trong Thiên nam ngữ lục: “Một xin rửa sạch nước thù, Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng, Ba kẻo oan ức lòng chồng, Bốn xin vẹn vẹn sở công lênh này.” Nợ nước trước thù chồng, tham gia gánh vác việc chung là điều rất bình thường trong vô số nữ binh, nữ tướng hưởng ứng khởi nghĩa Mê Linh dưới trướng Hai Bà. Chỉ vài thế kỷ sau đó, người thiếu nữ Triệu Thị Trinh đã phải tự khẳng định mình vượt lên trên thường tình nhi nữ: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng kình ngoài biển Đông, quét sạch quân Ngô ra ngoài bờ cõi chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp người ta.” Lẫm liệt là như thế, một lý tưởng đời người, oai phong là như thế, Vua Bà làm kinh sợ đối phương. Nhưng suốt nhiều trăm năm tiếp theo, do trật tự nam trọng nữ khinh, nam ngoại nữ nội, phụ nữ hình như không có mặt hay không còn lưu dấu trong lịch sử chiến tranh, ngoại trừ hiếm hoi những ả Đào, những phụ nữ vô danh trong khởi nghĩa Lam Sơn, hay trong đội quân áo vải cờ đào của Quang Trung Nguyễn Huệ. Nữ tướng Bùi Thị Xuân, rồi vợ ba Cai Vàng, vợ ba Đề Thám, những danh xưng nhiều khi chưa lưu dấu tên người phụ nữ nhưng đủ minh chứng truyền thống quật cường của những người đàn bà không chỉ làm vợ và làm mẹ.

Nhưng lịch sử nào phải chỉ có chiến tranh và khởi nghĩa. Ỷ Lan từ cô gái hái dâu trở thành nguyên phi, rồi Thái hậu; hai lần nhiếp chính thay chồng, thay con trị nước là hai lần để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng người. Được tôn xưng Phật bà Quan âm vì dân no ấm, khiến Thánh Tông không thể lui quân mà không giành chiến thắng; kiên quyết chống tệ nạn lạm sát trâu là sức kéo cho nông nghiệp; nhân hậu và thấu cận nhân tình khi xuất của kho chuộc gái nhà nghèo ở đợ đem gả cho trai nghèo không tiền cưới vợ với người ta, “đổi đời cho họ” như lời bình của sử thần Ngô Sĩ Liên. Đến nỗi thảm sát hơn bảy mươi mạng người vì tranh chấp quyền lực mà vẫn được sử gia nho sĩ khoan dung, ấy là bởi công lớn với đời hay bởi nhà nho thông cảm tâm hồn phụ nữ: “Ghen là thường tình của đàn bà”? Dương Vân Nga, hoàng hậu của hai vua; Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng rồi bị giáng làm công chúa vì cái “tội” oan khiên là không con nối dõi; Trần Thị Dung, hoàng phi triều Lý và Quốc mẫu triều Trần; nàng công chúa Trần Huyền Trân trở thành bà hoàng Chiêm quốc để đất nước thêm hai châu Ô, Rí; Trịnh Thị Ngọc Trúc với hai đời chồng ngang trái nhưng là tác giả những công trình nghiên cứu tâm huyết và uyên bác… Trần Thị Thái và Nguyễn Thị Lộ đóng vai trò nào trong cuộc đời danh nhân Nguyễn Trãi? Văn thơ hay danh phận được nhiều đời truyền tụng, nhưng hậu thế hiểu đến đâu tâm hồn phụ nữ của những Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Thị Hinh (mà người đời thường chỉ biết dưới danh xưng bà Huyện Thanh Quan), Hồ Xuân Hương, Lê Ngọc Hân hay gần hơn là những bà Từ Dũ, Từ Cung và cô Mariette Nguyễn Thị Lan được phong Nam Phương hoàng hậu?… Và bao nhiêu nữa những phụ nữ con vua cháu chúa hay lam lũ dân thường với những số phận, tâm tư còn chờ trang sử cũ được soi thêm quan điểm giới? Dẫu sao, chính sử Việt Nam tuy ít nói về phụ nữ song thường lưu dấu hình ảnh đẹp; cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng từ đầu công nguyên được trân trọng ghi chép và bình luận, tôn vinh kể cả trong những thời Nho giáo độc tôn cứng rắn nhất.

Anh hùng, bất khuất, không chỉ trong đấu tranh vũ trang; trung hậu, đảm đang, không chỉ trong cuộc sống gia đình; người phụ nữ Việt Nam đã khẳng định mình trong nhiều lãnh vực và hình như cũng được thừa nhận một cách đáng kể, khác biệt khá rõ so với láng giềng Á Đông như Trung quốc, Triều Tiên, Nhật Bản.

“Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng”, người cha nông dân nhìn nhận. Anh trai làng bức xúc: “Trăng lên đỉnh núi trăng tà, Em còn ở đó làm giàu cho cha?” Người vợ tự tin: “Một mai thiếp có xa chàng, Đôi bông thiếp trả đôi vàng thiếp xin” (đôi bông là sính lễ, đôi vàng là do “của chồng công vợ” mà sắm được). Người mẹ lo thầm thương trẻ cút côi, hay láng giềng so đo nhận xét: “Mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ liếm lá đầu đường.” Chế độ phụ quyền Nho giáo thiết lập nam tôn nữ ti từ luật pháp, lệ làng đến luân thường đạo lý. Nhưng tôn ti chính thống không hoàn toàn triệt tiêu thực tế ăn sâu từ cội nguồn gia đình, làng xã. Người phụ nữ Việt Nam tham gia lao động sản xuất làm ra của cải vật chất và thường là nguồn yêu thương chăm sóc chồng con, đỡ đần cha già mẹ yếu, là chỗ dựa cho gia đình về nhiều phương diện. Đảm đang, tần tảo là từ Hán Việt, có thể ngược về từ nguyên từ cổ đại Trung Hoa; nhưng mẹ hiền vợ đảm thì ai cũng hiểu là những người phụ nữ Việt lặn lội thân cò, chịu thương chịu khó, thức khuya dậy sớm, cùng lúc làm nhiều việc mà việc nào cũng chu tất, vẹn toàn, là người giỏi giang, hiệu quả mà thầm lặng hy sinh. Vô số ca dao hát về tình yêu đôi lứa trong đó phụ nữ là đối tượng yêu thương, mong nhớ, khát khao, cả giận hờn, oán trách hay thương cảm, xót xa. Cũng rất nhiều bài nói lên sự quý trọng đối với công lao “gánh vác giang sơn nhà chồng”, lòng biết ơn và tình cảm sâu sắc, thiết tha của con gái, con trai đối với công cha nghĩa mẹ. Người yêu, người vợ, người mẹ, nói chung là người phụ nữ được yêu thương chiếm vị trí rất lớn trong ca dao và trong tâm hồn người Việt.

Như vậy phải chăng truyền thống là hoàn toàn tốt đẹp, chỉ cần vun đắp, bảo tồn?

Người ta được phép nghi ngờ khi rất nhiều ca dao nói về những mối tình dang dở vì “lòng bác mẹ như rương khóa rồi”, vì “cha mẹ tham giàu ép uổng duyên con”, vì “xấu người mai chước, lỡ chừng đôi ta”, hay vì đường xa cách trở, vì phụ bạc, lỡ làng; biết bao lời than thở, hờn duyên trách phận vì tảo hôn, vì đa thê, vì hôn nhân không cân xứng; biết bao cơ cực nhọc nhằn từ bé gái đến đời mẹ, đời bà, bao cay đắng của phận làm vợ, làm dâu, của nghèo khổ, thất học và và đói rách… Truyện thơ và ngâm khúc được truyền tụng có tác giả hay khuyết danh đều chọn phụ nữ làm nhân vật trung tâm; để rồi thi hào Nguyễn Du hai lần thống trách: “Đau đớn thay phận đàn bà!” Người chinh phụ, người cung nữ, gái lầu xanh, người kỹ nữ cô đơn trong đêm lạnh Tầm dương hay người đàn bà thôn dã “em buồn như ngọn nhang tàn thắp khuya”; văn chương bác học hay bình dân đều có quá nhiều chân dung phụ nữ đau buồn. Và ngay cả khi ca ngợi những đức tính được xem là truyền thống, hình như người ta cũng quá đề cao sự chịu đựng, hy sinh, nhẫn nhục, quên mình, “nhịn ăn nhịn mặc nhịn lời mẹ cha”, “bên ướt mẹ nằm bên ráo phần con”… Đó là chưa nói đến những quan niệm lệch lạc về chữ hiếu, chữ trinh, chữ tình, chữ nghĩa khiến nhiều phụ nữ không dám làm chủ cuộc đời mình, đến hôn nhân gả bán, đến vợ lẽ, con nuôi như những quan hệ bán, đợ trá hình, đến nạn bạo hành trong gia đình nay vẫn còn phổ biến, đến quan hệ chồng chúa vợ tôi, hay “trai năm thê bảy thiếp” như một sự thường tình, đến thành kiến “con gái không cần học cao” khiến đường học vấn của nữ gián đoạn không chỉ vì lý do kinh tế…

Phụ nữ Việt Nam thời hiện đại, chuyển biến trong nhận thức về giới?

Trong xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc, bên cạnh vô vàn tội ác của thực dân, không thể không tính đến những chuyển biến theo hướng hiện đại hơn. Phu đồn điền, phu mỏ, công nhân nhà máy, tuy phụ nữ bị bóc lột tàn khốc hơn vì không có chuyên môn, vì chế độ lương phân biệt, song họ bước đầu biết thế nào là sự tự chủ kinh tế vì đi làm có lương. Trường học mở ra tuy nhằm mục đích đào tạo đội ngũ viên chức và nhân viên kỹ thuật không thể thiếu cho việc xác lập bộ máy cai trị thực dân và nền móng kinh tế tư bản song cũng tạo điều kiện cho nhiều trẻ em và thanh niên trai gái tiếp thu tri thức mới. Lần đầu tiên nữ học sinh đến lớp đến trường. Và trong phong trào cách mạng đầu thế kỷ 20, Đông kinh nghĩa thục cũng như các trường học cách mạng khác bắt đầu có vài cô giáo bên cạnh các thầy. Lê Thị Đàn được Phan Bội Châu tôn xưng Ấu Triệu, cô Bắc, cô Giang dưới ngọn cờ Việt Nam Quốc dân đảng của Nguyễn Thái Học, rồi Minh Khai và những nữ đảng viên cộng sản đầu tiên, những người phụ nữ cứ đông dần lên và được biết đến nhiều hơn cùng với sự phát triển của cuộc đấu tranh chống áp bức xã hội, chống chủ nghĩa thực dân.

Một dòng chảy không kém phần quan trọng của lịch sử, nhất là từ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất đến 1945, là sự hình thành trào lưu văn học và tư tưởng mới. Nền văn học chữ quốc ngữ ra đời và nhanh chóng thay thế văn học cổ điển Hán-Nôm. Về thể loại – thơ mới, truyện ngắn, tiểu thuyết và các thể loại báo chí như bản tin, phóng sự, phỏng vấn,… thay thế thơ phú, câu đối, văn tế cổ điển – cũng như về chủ đề, nội dung, người viết và người đọc, tất cả đều đổi mới và tự ý thức mình là mới mẻ, như những từ “tân thư, tân văn, thơ mới” mà họ dùng để chỉ sách báo và tác phẩm của mình. Phụ nữ, tuy số ít song đó thường là số chị em năng động nhất, bắt đầu theo đuổi việc học lên cao, có người đi học đại học ở Pháp, số đông hơn học trong nước và hành nghề tự do như dạy học, viết báo, trở thành văn, thi sĩ; cũng có người mở trường dạy nghề cho nữ, viết báo cổ động nữ quyền. Nữ học đường như Áo Tím ở Sài Gòn, Đồng Khánh ở Hà Nội, Huế được biết đến như là nơi đào tạo tầng lớp nữ trí thức tuyệt đại bộ phận là yêu nước và có ý thức về giới. Báo chí nữ, nhà xuất bản nữ ra đời với tôn chỉ rõ ràng là ủng hộ cuộc đấu tranh vì nam nữ bình quyền, vì nâng cao dân trí và khả năng đóng góp của nữ lưu cho dân tộc. Thơ mới, tiểu thuyết vượt ra ngoài phạm vi đơn thuần văn học để tham gia đặt lại các vấn đề về tự do, hạnh phúc cá nhân trong tình yêu và hôn nhân, về gia đình, về địa vị, vai trò phụ nữ. Xu thế ấy tạm lắng khi Cách mạng Tháng Tám 1945 huy động toàn dân vào cuộc đấu tranh giành độc lập.

Phong trào giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam cùng hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã thu hút nhiều thế hệ phụ nữ tham gia. Họ là học sinh, trí thức, là công nhân, nông dân, là thiếu nữ phơi phới tuổi xuân hay người vợ, người mẹ tiễn chồng rồi lại tiễn con, cháu lên đường chiến đấu. Trong chiến tranh vào loại khốc liệt nhất xưa nay, những người phụ nữ có mặt khắp hậu phương, tiền tuyến, là chiến sĩ hay tướng cầm quân, là người xoa dịu nỗi đau hay nạn nhân thầm lặng, vừa đánh giặc vừa làm trăm nghìn công việc khác, không ít người vì cuộc chiến kéo dài mà gác lại bao nhiêu sinh hoạt đời thường như yêu đương, lấy chồng, sinh con, nuôi dạy con khôn lớn, như học tập, hành nghề, lo cơm áo cho gia đình, thực hiện hoài bão, ước mơ riêng. Từ khắp mọi miền đất nước họ đã cùng dân tộc viết những trang đau thương, anh dũng của cuộc kháng chiến bền bỉ và rất đỗi anh hùng, vì độc lập tự do cho tổ quốc và vì nhân cách con người. Nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật, tranh tượng, phim ảnh đã khắc họa chân dung người phụ nữ trên nhiều mặt trận và mấy chục năm sau khi chấm dứt chiến tranh, đang bước đầu đi vào ngóc ngách tâm hồn giới nữ trong ngổn ngang tình cảm riêng tư, bộn bề cuộc sống muôn màu muôn vẻ.

Lịch sử đấu tranh cách mạng và hai cuộc kháng chiến, tuy đã có nhiều trang sách báo, thơ ca, nhiều tác phẩm đủ thể loại đề cập, song công chúng nhiều thế hệ trong và ngoài nước vẫn như còn khao khát được biết rõ hơn, chân xác hơn nhiều khía cạnh, trong đó những mảng chưa được soi sáng đầy đủ thường rơi vào số phận cá nhân, đặc biệt là người phụ nữ, dù họ đã được ngợi ca, xưng tụng khá nhiều. Lắng đọng sau lời ca ngợi tính cách anh hùng rất thực, người ta đang mong chờ lịch sử và nghệ thuật tái hiện sinh động hơn nữa, phân tích sâu sắc hơn nữa những thân phận con người, với biết bao thăng trầm, biến đổi, với những hoàn cảnh chung, riêng và vui buồn sướng khổ may rủi riêng tư, cá biệt, với những chọn lựa và quyết định cá nhân dù cùng hướng hay ngược chiều xu thế chủ đạo. Người ta cũng mong nhận dạng được, trong dòng chảy chung, những cộng đồng bộ phận – vùng miền, nghề nghiệp, thế hệ,… – trong đó không thể không tính đến phụ nữ, trẻ em. Một lần nữa, lịch sử giới, và quan điểm giới nói chung, chẳng những sẽ góp phần làm lịch sử chung toàn diện, đầy đủ hơn, mà chắc chắn sẽ phát hiện thêm nhiều mới mẻ còn tiềm ẩn. Ý thức đã có, và cũng có những thành tựu bước đầu, như Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, rồi Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam; như việc phong tặng “mẹ Việt Nam anh hùng”; như Khoa Phụ nữ học đã được thành lập ở một trường Đại học rồi đáng tiếc bị thay bằng một danh xưng khái quát chung chung. Mong sao ý thức giới trong nghiên cứu, giáo dục và đào tạo, đặc biệt là trong khoa học xã hội và nhân văn tiếp tục tự khẳng định mình và được hưởng ứng rộng rãi, hiệu quả hơn nữa.

Nhưng phụ nữ thời nay còn là tác nhân của hiện tại và tương lai, là người tham dự vào thực tiễn xã hội đang thay đổi nhanh chóng cùng thời đại. Một trong những thành tựu của cách mạng và kháng chiến là khẳng định năng lực và phẩm chất của phụ nữ trong mọi lãnh vực hoạt động, kể cả những lãnh vực “phi truyền thống” nhất. Không phải đã hết những định kiến, nghi ngại, thậm chí là kỳ thị; song nhìn toàn cục, người quan sát trong và ngoài nước dễ thống nhất nhận xét phụ nữ Việt Nam, cả về số lượng và chất lượng đóng góp, có vẻ gìn giữ và phát huy được vai trò của mình trong nhiều mặt sinh hoạt, cả trong gia đình và cộng đồng rộng lớn hơn, trong học tập, hoạt động nghề nghiệp hay hoạt động chính trị, xã hội. Truyền thống dân tộc và truyền thống cách mạng có phần đi cùng một hướng; việc kỷ niệm cùng lúc truyền thống Hai Bà Trưng và ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 vì thế, không phải là không có cơ sở.

Thực tế thuận lợi đó, tuy vậy, không nên làm chúng ta quên đi một số thực tế khác, không kém phần rõ nét.

Trước hết, Việt Nam vẫn là một nước nghèo; hậu quả chiến tranh và thời đầu hậu chiến chưa phải đã được hoàn toàn khắc phục; biểu hiện là sự chậm và kém phát triển về giáo dục, kinh tế, về khoa học và kỹ thuật cũng như tổ chức quản lý tài nguyên thiên nhiên, quản lý tài chính và nhân lực. Những tổn thất về sinh mạng, những di chứng chiến tranh đã khiến số lượng gia đình đơn thân, trẻ mồ côi, thương bệnh binh và người khuyết tật, số lượng người thiệt thòi về học vấn, đào tạo nghề và do đó về cơ hội cải thiện mức sống đông hơn tình trạng chung của các quốc gia kém phát triển. Phụ nữ vừa là nạn nhân trực tiếp vừa thuộc số đông gánh chịu hậu quả gián tiếp của các bất hạnh trên. Trong cơn lốc của phát triển kinh tế thị trường mà chính quyền dù quyết tâm và thiện chí đến đâu cũng khó lòng kiểm soát mọi tác động tiêu cực, những người có nhiều nguy cơ bị gạt ra bên lề cũng lại vẫn là phụ nữ, trẻ em, khó thoát khỏi vòng xoáy đi xuống của đói nghèo, thất học, rơi vào tệ nạn xã hội. Mua bán dâm, bạo hành, hôn nhân không tự nguyện và không bình đẳng, phụ nữ, trẻ em mất nhân cách và bị biến thành hàng hóa hay thành nô lệ thời hiện đại, những thảm cảnh quá phổ biến từ xa xưa không chỉ là những bóng ma của quá khứ mà đang tiếp tục hoành hành như những tai họa xuyên quốc gia.

Những vấn đề nóng bỏng ấy, tuy nhiên, lại là thực tế hiển nhiên. Chúng ta không khó nhận thức và cũng có cơ hội tranh thủ sự hỗ trợ từ quốc tế góp sức cùng chúng ta chống đỡ. Có một loại nguy cơ khác, tiềm ẩn và khó phát hiện hơn, khó nhận dạng hơn; và cũng khó có ai góp sức giải quyết ngòai chính chúng ta, người Việt Nam và trước hết là phụ nữ Việt Nam.

Sức mạnh của truyền thống, kể cả truyền thống tích cực như phân tích ở trên có khi lại có mặt trái là không thôi thúc chúng ta đổi mới, thậm chí không cho phép chúng ta thoát khỏi lối mòn trong nhận thức, tư duy. Người phụ nữ Việt Nam từng trải hàng nghìn năm đảm đang và chịu đựng, hy sinh. “Đảm đang” là từ Hán Việt, mà nghĩa từ nguyên là đảm nhiệm, gánh vác trách nhiệm; khái niệm đó vốn dĩ không có gì quy định nó phải thuộc về “nữ tính”. Nhưng đối với phụ nữ Việt Nam, đó đã là truyền thống ăn sâu; từ cô bé còn ở tuổi ham ngủ ham chơi đến người chị, người vợ, người mẹ, người dì, cô, thím, mợ, cả đến tuổi bà, tuổi cụ, người phụ nữ Việt thấm nhuần giá trị “đảm đang” đến nỗi không ai không ngại ngùng, xấu hổ nếu phải thừa nhận hay bị đánh giá không phải là gái đảm. Vấn đề là hiểu nghĩa từ “đảm đang” như thế nào để tránh xơ cứng và thể hiện quan tâm chia sẻ nhọc nhằn, áp lực với người vợ, người mẹ đảm. Còn “chịu đựng, hy sinh” thì hình như giới nữ trong xã hội phụ quyền Đông Tây kim cổ đều đã được giáo dục đức tính ấy thuộc về “nữ tính”. Đó là chưa nói đến “tam tòng, tứ đức” của Tống Nho mà nhiều người vẫn chưa muốn gột bỏ khỏi “truyền thống dân tộc”; để rồi, tuy “tam tòng” là rất khó bảo vệ thời nay song “tứ đức” vẫn còn không ít người lưu luyến tìm cách đổ rượu mới vào bình cũ. Thật đáng tiếc khi cứ phải dùng bình cũ, trong lúc đã có những tổng kết tuyệt vời như tám chữ vàng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh ban tặng phụ nữ Việt Nam: “anh hùng, bất khuất – theo chúng tôi hiểu, không chỉ trong chiến đấu vũ trang hay đấu tranh cách mạng – trung hậu, đảm đang (thay vì “nhẫn nhục, hy sinh” hay “tòng, tùy” ai đó)!

Chúng tôi không hề cho rằng những truyền thống có thật ấy là đã lạc hậu, cần loại bỏ. Truyền thống đã từng là nguồn suối vô tận nuôi dưỡng ý chí, nghị lực để hàng chục triệu phụ nữ Việt Nam nhiều thế hệ làm nên kỳ tích trong chiến đấu hay nuôi lớn và tu tâm dưỡng tính con em mình trong gian khó, đói nghèo. Sẽ càng nguy hiểm hơn nếu chúng ta vội vàng đánh mất giá trị cũ trong khi giá trị mới chưa thực sự định hình và còn nhiều vàng thau lẫn lộn.

Chỉ ước mong sao chúng ta tôn trọng truyền thống mà biết đề phòng những biểu hiện cực đoan; cả người quan sát Việt Nam và ngoại quốc từng cảnh báo: xu hướng ít nhiều quá ôm đồm, bảo bọc, bao che, khiến con trẻ không còn cơ hội trưởng thành, và cả chồng, cha cũng trở nên quá “vô tư”. “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”; câu tục ngữ ấy chắc chẳng phải do nhà nho trọng nam khinh nữ nào phát biểu mà đúng hơn là tiếng nói “lý trí” trước sự nuông chiều quá cảm tính của số đông trong phái nữ. Hay một bài báo gần đây mượn lại lời một ca khúc nổi tiếng từng lay động nhiều thế hệ để nhắc nhở nguy cơ “chết đuối trong biển Thái Bình” của con, nhất là con trai trong lòng mẹ bao la.

Mong cơ quan và Công Đoàn bớt cứng nhắc trong yêu cầu sự thành công toàn diện với phong trào “hai giỏi”; mong đông đảo những người đàn ông đang vô cùng yêu quý bạn gái, người yêu, vợ và nhất là mẹ của mình sẽ lưu tâm tránh “thiêng liêng hóa”, “thần tượng hóa” người phụ nữ được yêu, tránh trông cậy quá nhiều ở mẹ hiền, vợ đảm. Mong các chị tự giải phóng mình khỏi những định kiến dù là “tích cực” về “truyền thống phụ nữ” hay “người phụ nữ truyền thống”. Trước hết là để tránh khắc nghiệt trong nhìn nhận lẫn nhau, để cởi mở và hợp tác hơn trong làm việc nhóm. “Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng”, chẳng phải phụ nữ vẫn vừa là nạn nhân vừa là đao phủ trong những bi kịch ghen tuông, mẹ ghẻ con chồng, mẹ chồng nàng dâu, và hay “mang tiếng” chi li đến thành nhỏ mọn khi nắm trách nhiệm quản lý, được quý trọng vì sự tận tụy nhưng cũng làm người ta mệt mỏi vì tính so đo và “bệnh” kể công…? Cũng để cho phép phát huy nhiều nét đẹp mới của “nữ tính”; để đông đảo phụ nữ được quan tâm tạo điều kiện học hành, có nghề nghiệp mưu sinh; để từ sự tự chủ về tri thức, về tư duy, về tài chính, vươn lên sự tự chủ đích thực mà nếu chưa có nó thì chưa thể xem là một nhân cách trưởng thành và tự do.

Truyền thống có thể là quả núi có nguy cơ đè bẹp hiện tại và che khuất tương lai; cũng có thể là suối nguồn nuôi sức sống mãnh liệt của thực tiễn cuộc sống không ngừng đâm chồi nảy lộc. Bài viết này mong góp phần nhỏ làm tươi nguồn cội và khơi dòng hướng đến ngày mai.

Bùi Trân Phượng – Hiệu trưởng trường CĐ Bán Công Hoa Sen (11/2004)