PHỤ NỮ VIỆT NAM TRONG PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CÁCH MẠNG

Truyền thống “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” của phụ nữ Việt Nam được khởi nguồn từ thời Bà Trưng, Bà Triệu – những người phụ nữ đầu tiên đã vùng lên cùng toàn dân đánh đuổi quân xâm lược phương Bắc.

             Trong những ngày đầu đầy khó khăn thử thách của những năm 1930, ở bất kỳ đâu, những cán bộ của Đảng cũng được những người phụ nữ đùm bọc, che giấu trước sự truy lùng gắt gao của kẻ thù. Những năm 1939 – 1945, vấn đề giải phóng dân tộc được đặt lên hàng đầu. Để tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, một trong những nhiệm vụ cấp bách được đặt ra là phải xây dựng tổ chức lực lượng vũ trang làm nòng cốt cho phong trào đấu tranh, một số phụ nữ đã có mặt trong các tổ chức quân sự đầu tiên.

 Những ngày mùa thu tháng Tám năm 1945, hàng triệu phụ nữ đã có mặt trong các cuộc khởi nghĩa giành chính quyền, ở một số địa phương, phụ nữ là người chỉ huy khởi nghĩa. Thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Tám đã đưa phụ nữ từ người dân nô lệ thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Kháng chiến chống Pháp nổ ra, phụ nữ khắp nơi lại tham gia vào những công việc ở hậu phương cũng như tiền tuyến. Từ năm 1950 – 1954, cả nước có hàng triệu phụ nữ gia nhập dân quân du kích đánh giặc bằng mọi phương tiện có trong tay như “đòn gánh đánh càn” (ở miền Bắc), “tầm vông diệt giặc” (ở miền Nam). Có thể nói, trong chiến đấu, phụ nữ tỏ ra không hề thua kém nam giới, nhiều tấm gương tiêu biểu đã được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang như chị Nguyễn Thị Chiên, chị Hồ Thị Bi, nữ quân báo Lê Thị Tạo…

 Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ở miền Nam -nơi tuyến đầu của Tổ quốc, phụ nữ luôn là lực lượng đấu tranh hăng hái, dũng cảm và sáng tạo. Suốt 21 năm chiến đấu gian khổ, chị em đã vận dụng nhiều phương châm như đấu tranh hợp pháp, bất hợp pháp, xây dựng cơ sở trong lòng địch, bám đất bám dân, kiên cường chiến đấu. Đội quân tóc dài, các đội nữ du kích, nữ tự vệ, nữ biệt động luôn là nỗi kinh hoàng của quân xâm lược. Còn tại hậu phương lớn miền Bắc, phụ nữ sôi nổi hưởng ứng phong trào “Ba đảm đang” bảo vệ và xây dựng hậu phương vững mạnh, chi việc cao nhất sức người sức của cho tiền tuyến. Hàng vạn chị em đã tình nguyện tham gia TNXP, các đoàn dân công hoả tuyến. Khi giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, chị em có mặt nhiều hơn trong lực lượng dân quân trực tiếp chiến đấu, góp phần đáng kể vào thành tích bắn rơi 4000 máy bay địch, làm nên một trận “Điện Biên Phủ trên không” giữa bầu trời Hà Nội. Chiến thắng vĩ đại ngày 30/4/1975 có những đóng góp to lớn của phụ nữ miền Nam nói riêng và phụ nữ cả nước nói chung.

 Có thể nói, những đóng góp của phụ nữ Việt Nam trong các chặng đường đã qua sẽ là hành trang và kinh nghiệm đáng quý để chị em tiếp tục đem tài năng, trí tuệ góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước trong giai đoạn mới.

Trung tá, Th.S Hoàng Thị Thảo