PHỤ NỮ – NÉT ĐẸP VĂN HÓA TRÊN GỐM BIÊN HÒA

Phụ nữ hay còn gọi là phái đẹp không những có vẻ đẹp bên ngoài, mà ẩn sâu vào trong tâm hồn họ là cái đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam: vẻ đẹp về lòng yêu nước, tinh thần bất khuất, đức hy sinh, sự chung thủy…Tất cả vẻ đẹp ấy, đã được nghệ nhân gốm Biên Hòa sử dụng khả năng tài khéo, trình độ cách điệu hóa và kỹ thuật điêu luyện của người nghệ sĩ khắc họa trên gốm một cách sinh động đa dạng, nhiều vẻ nhưng thấm đượm tâm hồn Việt, giàu sức sống đi sâu vào tình cảm của mọi người dân.

Gốm Biên Hòa vào đầu thế kỷ XX  đa phần thuộc dòng gốm gia dụng (hũ, đĩa), gốm trang trí (bình, phù điêu), gốm dùng trong tôn giáo, tín ngưỡng (bình, tượng, tranh) khá đa dạng và đặc sắc thể hiện vẻ đẹp trong sáng và những phẩm chất quý giá của người phụ nữ trong cuộc sống lao động hằng ngày. Ngoài kỹ thuật, những yếu tố mang đậm truyền thống, văn hóa nghề nghiệp được thể hiện rõ nét trong hình dáng, kiểu cách, loại hình, hoa văn trang trí trên gốm Biên Hòa. Tất cả được bố trí và phối hợp màu sắc hết sức hài hòa tạo cho sản phẩm một sự trang trọng, tinh tế nhưng cũng rất gần gũi.

Tác phẩm “Mẹ bồng con” thể hiện trên dĩa gốm tròn với cách tạo dáng thanh thoát, mềm mại, khoe vẻ đẹp bởi sự phối hợp nhuần nhị, khéo léo giữa dáng và màu men đã nói lên tình mẫu tử thiêng liêng không gì có thể thay thế, Mẹ – chỉ có một trên đời. Bên cạnh chiếc đĩa độc đáo ấy thì hũ “Tiễn chàng ra trận” lại ăn ý với cách trang trí hoa văn trải kín, trau chuốt, tạo nên ngôn ngữ nghệ thuật riêng. Trên cổ và đáy hũ trang trí hình hoa sen cách điệu, thân hũ trang trí hình ảnh cha mẹ, người vợ bồng con tiễn chồng lên đường giữ nước, họ chờ mong tin chồng, tin con thắng trận trở về. Đó là hình ảnh hòn vọng phu, một biểu tượng đẹp về sự chung thủy của người phụ nữ Việt Nam ví như những câu thơ trong tác phẩm “Chinh phụ ngâm khúc” của tác giả Đoàn Thị Điểm, nguyên tác Đặng Trần Côn:

 “…. Ðưa chàng lòng dặc dặc buồn/ … Bước đi một bước lại vin áo chàng

…Dấu chàng theo lớp mây đưa/ Thiếp nhìn rặng núi ngẩn ngơ nỗi nhà…”

Hay hũ “Gặt lúa” với hình ảnh giản dị thanh tao, hoa văn gần gũi với cuộc sống con người, gốm Biên Hòa đã thốt lên tất cả tính cách, vẻ đẹp của người phụ nữ ở nông thôn cùng với tình cảm, lối sinh hoạt hàng ngày của họ. Đó chính là quang cảnh những người phụ nữ trên đồng gặt lúa trong không khí rộn ràng tươi vui của mùa thu hoạch. Người phụ nữ với tinh thần cần cù, chịu khó, hăng hái lao động, tăng gia sản xuất đã được tác giả khắc họa sinh động hơn qua những đường nét tinh xảo trên gốm, một lần nữa cho thấy vẻ đẹp rất đổi trong sáng bình dị của người phụ nữ Việt Nam

Nếu như các tác phẩm gốm Biên Hòa trên gợi mở cảm xúc sâu xa về dáng, màu sắc, đường nét, cái đẹp thuần túy chân chất thì bình gốm “Bắc – Trung – Nam” lại thể hiện nét vẽ tinh tế mà hồn nhiên, không rườm rà tạo ra cho người thưởng thức và sử dụng cảm giác vui tươi, thanh thoát, sảng khoái, nhẹ nhàng. Vẻ đẹp của nó toát lên sự giản dị, đơn sắc và có chiều sâu, cách sử dụng men rạn, cổ và đáy trang trí hoa văn hình thoi màu đỏ viền xanh, tay cầm giả đắp nổi hình lân, thân bình trang trí một bên là mai, một bên là trúc, chính giữa là hình ảnh ba cô gái với trang phục truyền thống của phụ nữ 3 miền Bắc – Trung – Nam: áo tứ thân, áo dài và áo bà ba đã thể hiện bản sắc văn hóa đặc trưng cho từng vùng miền và tượng trưng cho vẻ đẹp thuần khiết của người phụ nữ Việt Nam như những búp sen mà họ cùng nhau giữ lấy.

Chỉ một vài tác phẩm được mô tả nêu trên đã cho ta thấy gốm Biên Hòa với nét đẹp hồn nhiên, giản dị, đậm chất dân gian đã khắc họa thành công vẻ đẹp tươi sáng, nhân phẩm quý giá của người phụ nữ Việt Nam. Bất cứ ai trong chúng ta đều có thể tìm thấy ở những người phụ nữ, người vợ, người mẹ sự yên tĩnh trong tâm hồn và sự cân bằng bình yên trong cuộc sống. Đây chính là nguồn cảm hứng mà các nghệ nhân gốm Biên Hòa, Lái Thiêu, hay nhà điêu khắc, hội họa…dùng để sáng tác ra các tác phẩm giá trị nghệ thuật tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam – những con người luôn khát vọng cuộc sống tự do, yên bình, lạc quan, yêu đời, yêu thiên nhiên và hăng say lao động.

Để nhìn thấy vẻ đẹp của người phụ nữ có sức thu hút và đậm chất dân gian truyền thống trong lòng thành phố năng động và đầy nắng, hãy đến Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ chiêm ngưỡng và thưởng ngoạn nét đẹp của gốm và hồn người hòa quyện qua các tác phẩm được trưng bày tại phòng chuyên đề “Hình tượng phụ nữ trong mỹ thuật Việt Nam”.

                          Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 01 tháng 11 năm 2012

                                                     Kim Loan (Phòng TT)

alt

alt

alt

alt