Phụ nữ miền Nam đã phát huy ưu thế của giới mình trong cả 3 mũi giáp công

Ba mũi giáp công được vận dụng một cách nhuần nhuyễn trong từng cuộc chiến đấu, trong từng chiến dịch và suốt cả một thời kỳ vận động cách mạng, được xem là bửu bối, là chiến thuật, chiến pháp, là vũ khí lợi hại của lực lượng cách mạng, mà chị em phụ nữ sử dụng có hiệu quả nhất.

            Trong từng cuộc, kết hợp với hoạt động của lực lượng vũ trang, phụ nữ đã chuẩn bị gậy gộc, dao mác, dây, súng bập dừa, mõ, trống, phèng la, đốt ống lói, ban đêm áp đảo tinh thần kẻ địch, ban ngày kéo nhau thành đoàn biểu tình tiến thẳng vào các công sở, đồn bốt vừa đấu tranh trực diện, vừa lôi kéo, làm tan rã các lực lượng kìm kẹp của địch. Hình thức “tản cư ngược” của chị em khi địch tổ chức càn quét lớn vào các vùng nông thôn giải phóng, mở đầu từ trận chống càn Định Thủy tháng 1 -1960, đã trở thành bài học kinh nghiệm cho các tỉnh, các vùng nông thôn khác ở miền Nam trong suốt thời kỳ chiến tranh đặc biệt của Mỹ và chính quyền Sài Gòn (1960 – 1965). Sự ra đời của “đội quân tóc dài” là sự sáng tạo độc đáo của đường lối đấu tranh chính trị kết hợp vũ trang trong cách mạng miền Nam, làm cho sức mạnh của phong trào phụ nữ miền Nam được nhân lên gấp nhiều lần, đủ sức đảm bảo cho phong trào đấu tranh thắng lợi.

Đối với binh lính, các chị lôi kéo chồng, con, em mình bỏ ngũ, giải thích chính nghĩa cho binh lính, hù dọa làm cho chúng hạ súng, bỏ đồn, cao hơn là giác ngộ cách mạng, xây dựng tổ chức ngay trong lòng địch. Khả năng binh vận của chị em đã đạt hiệu quả rất cao vì đó là tiếng nói từ đáy lòng người mẹ, người vợ, đã giải phóõng chồng, con, em mình ra khỏi cảnh chết chóc, làm bia đỡ đạn thay cho bọn cướp nước và bán nước.

Phụ nữ miền Nam với chiến tranh cục bộ và Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ (1966 -1975)

Trong chiến tranh cục bộ, nhân dân miền Nam phải đương đầu trực tiếp với đội quân viễn chinh Mỹ và chư hầu mà tính chất, cường độ của chiến tranh cực kỳ ác liệt. Thế nhưng, phong trào đấu tranh chính trị của phụ nữ vẫn phát triển cả ở nông thôn và thành thị.

Ở nông thôn có thêm các khẩu hiệu, hình thức và hành động mới như: các mẹ, các chị cản đầu xe M113 không cho xe cán lúa, cán hoa màu, cản xe ủi đất không cho ủi nhà, bịt nòng súng không cho bắn vào xóm làng, níu kéo lính Mỹ khi chúng đốt nhà, chống lính Mỹ hiếp phụ nữ, chống bắt thanh niên đi lính để làm bia đỡ đạn cho giặc Mỹ. Mặt khác, đồng bào và chị em đã khéo léo khai thác những mâu thuẫn sâu sắc giữa quân Mỹ và quân đội Sài Gòn, khêu gợi tinh thần dân tộc chống Mỹ xâm lược, chống bọn bán nước, chống lệnh đi càn, đòi giải ngũ, đòi hòa bình, độc lập. Đối với lính Mỹ và quân các nước chư hầu, phong trào đấu tranh chính trị ở khắp miền Nam chống chiến tranh xâm lược đã khơi sâu tâm trạng hoang mang, chán nản, bất mãn chống cuộc chiến tranh phi nghĩa, khuyến khích những hành động phản kháng chống đốt phá, giết người, cướp của, đòi về nước…

Ở các thành thị, nhiều phong trào mở đầu do lực lượng phụ nữ, như phong trào Bảo vệ nhân phẩm và quyền lợi phụ nữ, Bảo vệồ văn hóa dân tộc, bài trừ văn hóa ngoại lai đồi trụy, đã lôi kéo đông đảo các tầng lớp, từ công nhân lao động, đến thanh niên trí thức, nhân sĩ, các nhà tư sản dân tộc, các chức sắc trong các tôn giáo… tham gia.

Trong phong trào thanh niên học sinh, sinh viên những năm chống chiến tranh cục bộ và Việt Nam hóa chiến tranh, vai trò của nữ sinh viên nổi bật bên cạnh nam thanh niên chiến đấu trên đường phố chống bom cay, dùi cui của cảnh sát dã chiến, làm đầu mối xung kích tiếp tế cho lực lượng thanh niên chiếm tòa đại sứ Lonnon phản đối việc tàn sát Việt kiều ở Camphuchia, trong đó nổi bật vai trò của các ni cô Tịnh xá Ngọc Phương dưới sự lãnh đạo của ni sư Huỳnh Liên, đặt biệt chiến dịch đốt xe Mỹ do chính một nữ sinh viên chỉ huy.

Từ năm 1965 đến năm 1975, ở thành thị nhiều tổ chức phụ nữ đã hình thành và tham gia đấu tranh như: Hội bảo vệ nhân phẩm và quyền sống, Giáo hội khất sĩ nữ giới Việt Nam, Đoàn nữ phật tử Long Hoa, Hội nữ phật tử Việt Nam, Đoàn nữ phật tử giáo chức, Nghiệp đoàn tiểu thương 36 chợ đô thành, Hội các bà mẹ có con ở tù, v.v… Nhiều cuộc đấu tranh với các hình thức độc đáo do các chị tổ chức như cuộc biểu tình ngồi của ni sư và phụ nữ ở ngay trung tâm thành phố. Suốt năm 1974, các cuộc đấu tranh của chị em tiểu thương 36 chợ Sài Gòn lôi cuốn cả chị em tiểu thương ở các tỉnh Bến Tre, Cần Thơ. Sau khi Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris và rút quân, phong trào đấu tranh chính trị ở thành thị, nông thôn kết hợp với hoạt động vũ trang càng sôi nổi, nhất là vào những năm tháng cuối của cuộc chiến tranh.

Thời gian này tinh thần của binh lính và sĩ quan quân đội Sài Gòn ngày càng rệu rã; hoạt động binh vận của các mẹ, các chị đối với những người thân đã có tác dụng thật to lớn khi cuộc chiến sắp đến ngày kết thúc. Chỉ tính riêng ở một số tỉnh Nam Bộ trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 4 -1975 đã có trên 50.000 binh sĩ, sĩ quan địch đào ngũ. Và hiện tượng tan rã đồng loạt của 40 vạn quân địch trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, không phải không có công lao tác động về tinh thần của những người mẹ, người vợ, người chị… miền Nam.

Có phải chiến tranh không mang gương mặt phụ nữ?

Bản chất của người phụ nữ bất kể thuộc dân tộc nào, thời đại nào, đều yêu hòa bình, sản sinh và nuôi dưỡng những con người của các thế hệ nối tiếp nhau, và hầu như đều có chung một nguyện ước: loài người sống bình an bên nhau. Chiến tranh đã đem đến cho người phụ nữ ở bất cứ đất nước nào, những đau khổ lớn hơn nam giới gấp nhiều lần. Việt Nam có câu “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”. Khi người phụ nữ bắt buộc phải cầm vũ khí thì ý nghĩa của cuộc chiến đấu đó thật là sâu sắc, vì họ cầm vũ khí chính là để bảo vệ hòa bình, giữ gìn sự sống cho những con người chân chính mà họ đã sinh ra, chống lại những thế lực phi nhân muốn hủy hoại con người.

Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt nam, phụ nữ miền Nam là lực lượng xung kích, là “đội quân tóc dài” trên mặt trận đấu tranh chính trị; trong đấu tranh vũ trang, phụ nữ miền Nam cũng không kém nam giới về mưu trí và lòng dũng cảm. Chị Nguyễn Thị Định, Hội trưởng Hội Liên Hiệp Phụ Nữ giải phóng miền Nam Việt Nam, vừa là Phó tư lệnh Lực lượng vũ trang Giải phóng miền Nam, cùng với hàng trăm nữ anh hùng lực lượng vũ trang sản sinh ra từ cuộc kháng chiến chống Mỹ (chỉ riêng Nam Bộ đã có 51 nữ anh hùng được tuyên dương) là những minh chứng. “Người mẹ cầm súng”, đó là một biểu tượng dường như nghịch lý, nhưng rất chân thực, thể hiện sự hòa hợp của tính chất rất anh hùng mà cũng rất mực nhân hậu trong người phụ nữ Việt Nam.

Phụ nữ miền Nam ở chiến trường đô thị

Ở thành thị, các đội đặc công, biệt động nữ cũng đã thực hiện nhiều trận đánh vào cơ quan đầu não của địch; nữ biệt động Sài Gòn cùng với một số đơn vị bạn đánh vào nơi ở của số sĩ quan, binh lính Mỹ như khách sạn Brink, Caravelle….Trong chiến dịch Mậu Thân 1968 biệt động nữ đã lọt vào được nhiều cứ điểm quan trọng như bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn, tòa Đại sứ Mỹ. Tiểu đoàn Lê Thị Riêng trước đó thường hoạt động ở vùng Bến Cảng, Vĩnh Hội, Xóm Củi, do chi Lê Thị Bạch Cát làm tiểu đoàn trưởng, trong chiến dịch Mậu Thân 1968 đã trực tiếp đánh vào trại Quyết Tiến và sân bay Tân Sơn Nhất. Đội nữ dũng sĩ thành phố Đà Nẵng đã đương đầu với hàng tiểu đoàn hiến binh và cảnh sát địch bằng mọi thứ vũ khí có trong tay. Tiểu đội nữ tự vệ Huế gồm 11 người đã đánh bại cả một tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ diệt hơn 100 tên.

Trong những năm sau Mậu Thân, phụ nữ thành phố vẫn tiếp tục phát huy ưu thế của mình, đánh địch trong nội thành Sài Gòn, như tiến công cư xá sĩ quan Mỹ đường Trần Hưng Đạo, khách sạn Kỳ Sơn, tòa hành chính Gia Định, nhà hàng Mỹ Phụng, khách sạn Tự Do. Nữ biệt động các thành phố Cần Thơ, Đà Nẵng, Huế, Đà Lạt và nhiều thị xã như Bến Tre, Cà Mau, Tây Ninh, Đồng Nai… cũng đã lập được nhiều chiến công.

Cũng phải kể đến chiến dịch đốt xe Mỹ của phong trào học sinh, sinh viên Sài gòn trong những năm Mậu Thân do nữ dinh viên Võ Thị Bạch Tuyết làm thủ lĩnh. Đây là một hoạt động đánh địch sáng tạo ngay trong thành phố trung tâm đầu não địch. Lực lượng chiến đấu thiên biến vạn hóa, bằng các đội xung kích “Sao Băng”, “Sao Chổi”, “Trường Sơn”, “Ký Con”,v.v… xuất hiện khắp nơi khiến lính Mỹ phải khiếp sợ, xe Mỹ co rút. Khi chị Võ Thị Bạch Tuyết bị địch bắt, chúng tịch thu một cuốn sổ tay ghi số liệu tổng kết: 117 xe Mỹ bị sinh viên học sinh đốt trong chiến dịch này.

Phụ nữ miền Nam trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975

Khí thế tiến công mãnh liệt, thần tốc của lực lượng vũ trang cách mạng trên khắp các chiến trường đã làm cho tinh thần binh sĩ, sĩ quân địch hoang mang tan rã. Phụ nữ miền Nam phát huy sở trường của mình làm công tác binh vận rất có hiệu quả. Nổi bật nhất vẫn là việc chị em đã tiếp tục phát huy thế tiến công bằng ba mũi giáp công để chiếm đồn bốt địch ở sơ sở, tiến lên khởi nghĩa chiếm tiểu khu, chi khu, công sở, buộc địch phải đầu hàng, giải phóõng nhiều vùng nông thôn giành chính quyền ở khóm, phường nhiều thành phố, thị xã, thị trấn. Ở ngay nội thành Sài Gòn, lực lượng phụ nữ đã làm nòng cốt trong nhiều cuộc khởi nghĩa như ở Phú Nhuận, Bảy Hiền, Khánh Hội, Bàn Cờ, Xí nghiệp Liên Phương, Sicovina, Vimytex, Vinatexco, bệnh viện Đồn Đất v.v…

Ngày 30-4-1975 khi đại quân tiến vào Sài Gòn, người dẫn đường cho bộ đội là nữ giao liên Nguyễn Trung Kiên đã dẫn đầu xe tăng của Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập.

Phụ nữ miền Nam “giỏi việc nước, đảm việc nhà”

Trong những năm đen tối ở miền Nam, phụ nữ phải gánh chịu nhiều đau khổ do các chính sách hà khắc, man rợ của địch, là người đấu tranh ngoan cường, chẳng những trên lĩnh vực đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang, đồng thời còn giữ vai trò quan trọng trên tất cả các lĩnh vực âm thầm khác trong cuộc đấu tranh trường kỳ.

        Che giấu, nuôi dưỡng cán bộ:

Vào những năm đầu dưới chính quyền Ngô Đình Diệm, nhân dân miền Nam sống trong không khí ngột ngạt bởi chính sách khủng bố đàn áp, truy lùng Việt cộng. Chúng muốn biến nhân dân miền Nam thành lực lượng chống đối cách mạng. Nhưng nhân dân, nhất là phụ nữ, chị em đã dùng trăm phương nghìn kế để bảo vệ cán bộ, bảo vệ cách mạng. Giặc bắt chị em đi truy cán bộ, khi gặp cán bộ, chị em không tri hô, không chỉ giặc bắt mà còn tìm mọi các để chỉ đường cho cán bộ chạy trốn, ẩn nấp. Trong nhà tù, giặc đánh đập, tra tấn bắt khai báo, chị em thề chết không khai, không nhìn mặt. Trong thôn, ấp phường, khóm, lợi dụng thế công khai hợp pháp, chị em vận động tổ chức những đội dân canh chống cướp bảo vệ xóm làng, thực chất là tổ chức bảo vệ che giấu cán bộ, trừng trị bọn đi lùng sục tìm bắt cán bộ. Khắp miền Nam, không nơi nào lại không có những hình ảnh người phụ nữ, dù bị địch thường xuyên bao vây, rình mò, vẫn ngụy trang đón cán bộ vào nhà, đào hầm bí mật trong nhà, ngoài vườn nuôi dưỡng, che giấu hoặc tiếp tế lương thực, thực phẩm cho lực lượng cách mạng ở khu du kích. Có biết bao nnhiêu tấm gương chói lọi trong lĩnh vực này như mẹ Huỳnh Thị Lục dân tộc Châu Mạ (Tây Ninh), mẹ Nguyễn Thị Rành ở Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh), mẹ Nhu, mẹ Cộng (Quảng Nam – Đà Nẵng), mẹ Thạch Thị Thanh (Trà Vinh), má Nguyễn Thị Nhâm người mang mật danh JB4 (Đồng Nai).v.v…

         Phục vụ chiến trường:

Khi chiến tranh mở rộng, chiến trường đòi hỏi một đội ngũ dân công đông đảo để phục vụ chiến đấu. Số đông dân công đó là phụ nữ, nhất là nữ thanh niên, được tổ chức trong các đội: nữ dân công, nữ thanh niên xung phong. Chị em làm các việc cấp dưỡng, nuôi quân, tiếp tế đạn dược, tiếp tế lương thực, tải thương, xây dựng công sự chuẩn bị chiến trường… Ưu điểm nổi bật của các đội nữ dân công, nữ thanh niên xung phonglà bám sát tiền duyên, nhanh chóng đưa thương binh, tử sĩ về tuyến sau, biểu lộ một tình yêu thắm thiết và tinh thần trách nhiệm cao.

Về nữ dân công không thể không nhắc đến đội xe đạp thồ gồm 22 chị em ở Sông Bé, hoạt động từ năm 1967 đến năm 1971, vượt qua bom đạn và muôn vàn khó khăn thiếu thốn đã đưa từ hỏa tuyến về phía sau an toàn trên 100 thương binh, vận chuyển hàng trăm tấn vũ khí, lương thực, đạn dược cho chiến trường. Các đội nữ dân công thường trực của từng xã thuộc các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Bà Rịa… các đơn vị nữ ở các tiểu đoàn vận tải thuộc Khu 8, Khu 9; các đội nữ thanh niên xung phong miền Tây đi phục vụ chiến trường với khẩu hiệu: “xung phong đi trước, vượt mọi gian nguy, đâu cần cũng đi, tiến lên hoàn thành nhiệm vụ”. Đặc biệt các đội nữ dân công phục vụ trên tuyến đường Trường Sơn đảm bảo chi viện của miền Bắc cho miền Nam, trong đó tấm gương của chị em người Thượng thật đáng kính và xúc động: Có chị em trước ngực địu con, sau lưng cõng hàng mà vẫn tháng ngày thoăn thoắt trên đường rừng núi như những chiến sĩ chân đồng vai sắt. Nhiều chị em vận tải hàng với khối lượng của mình mà vẫn đảm bảo đi đến nơi đến chốn, lập nên những kỷ lục kỳ diệu.

Trên các đường dây giao liên, đặc biệt là giao liên công khai trên chiến trường đô thị, vai trò đặc biệt của phụ nữ không thể nào thay thế được.

         Chăm lo công tác hậu phương:

Trong khi nhân dân miền Nam dồn sức cho tiền tuyến đánh địch, phụ nữ miền Nam là lực lượng sản xuất chủ yếu ở nông thôn, gánh vác công việc đồng áng dưới bom đạn và chất độc hóa học của địch, đảm bảo cung cấp lương thực, vừa nuôi gia đình, vừa đóng góp cho cách mạng. Khi cách mạng mở rộng vùng giải phóng, đông đảo phụ nữ đã tham gia công tác xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, quản lý xóm làng. Tỷ lệ phụ nữ trong nhiều hội đồng nhân dân và ủy ban giải phóng là 40%. Các chị vừa lo việc nước vừa gách vác việc nhà thay chồng nuôi con, làm tròn thiên chức làm mẹ với con cái, thủy chung với chồng thoát ly đánh giặc.

         Trên mặt trận ngoại giao:

Cùng với uy tín của Mặt trận Dân tộc giải phóng, của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, vai trò của phụ nữ miền Nam ngày càng quan trọng trong quan hệ quốc tế. Nhiều cán bộ ngoại giao của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam là nữ, như các chị: Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Thị Chơn, Đỗ Duy Liên, Nguyễn Ngọc Dung, Phạm Thanh Vân (bà Ngô Bá Thành); nhiều cán bộ nữ đứng đầu đoàn đại biểu của chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đi công tác ở nước ngoài. Trong các đoàn đại biểu phụ nữ miền Nam ra hoạt động ở nước ngoài, ở các hội nghị quốc tế có nhiều chị em là nhân chứng sống tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ. Chị em còn tranh thủ mời nhiều nhà báo nữ tiến bộ như chị Madelène Riffaud (Pháp), chị Monica (Ba Lan), chị Marta (Cu Ba)… vào thăm vùng giải phóng miền Nam, tổ chức được đại hội phụ nữ quốc tế ngay tại Sài Gòn… Với phong thái ung dung, bản chất dịu dàng, tình cảm hữu nghị, lý lẽ sắc bén, các chị đã thuyết phục có hiệu quả nhiều người trong giới cầm quyền ở một số nước thân Mỹ còn hoài nghi Việt Nam, làm cho họ thay đổi thái độ, các chị còn kết hợp linh hoạt việc tranh thủ các nhân vật trong chính giới với việc tạo điều kiện cho nhân dân nước đó hiểu rõ và ngày càng có cảm tình với cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam, mở rộng mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống Mỹ.

Phụ nữ Việt Nam giỏi việc nước, đảm việc nhà thật xứng đáng với tám chữ vàng: “Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang”.

Phong trào phụ nữ miền Nam trong những năm chống Mỹ cứu nước thực chất là một cuộc vận động cách mạng sâu sắc và rộng lớn nhất của giới nữ, thể hiện được sự kết hợp hài hòa giữa ba mặt: dân tộc, giai cấp và giới; là một bộ phận khắng khít của phong trào cách mạng rộng lớn của nhân dân miền Nam, nhân dân Việt Nam nói chung, đấu tranh cho mục tiêu thống nhất nước nhà, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, phồn vinh, hạnh phúc.

Nhân dân ta đời đời biết ơn những bà mẹ Việt Nam chẳng những “đã sản sinh ra và cống hiến cho Tổ quốc những người con ưu tú đã và đang chiến đấu anh dũng, bảo vệ non sông gấm vóc do tổ tiên ta để lại” mà tự mình đã cống hiến cho Tổ quốc tài năng, trí tuệ và lòng dũng cảm tuyệt vời để đánh đuổi bọn giặc ngoại xâm giải phóng đất nước, bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc, nêu những gương sáng cho con cháu mai sau.

(“Chung một bóng cờ” – NXB Chính trị quốc gia)