HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ GIẢI PHÓNG MIỀN NAM TRONG CUỘC TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY TẾT MẬU THÂN 1968

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 ở miền Nam Việt Nam là một loại hình chiến dịch hết sức độc đáo, chưa từng có trong lịch sử chiến tranh thế giới. Trên cơ sở đẩy mạnh công tác chuẩn bị về mọi mặt, tạo ra và triệt để sử dụng yếu tố bí mật, bất ngờ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân miền Nam đã đưa chiến tranh nhân dân lên đỉnh cao, đồng loạt tổng tiến công và nổi dậy từ Trị Thiên đến Cà Mau, nhằm hướng chủ yếu là các thành phố, thị xã, thị trấn trên toàn miền Nam, đánh thẳng vào các cơ quan đầu não của Mỹ và chính quyền Sài Gòn.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam đã động viên đông đảo lực lượng phụ nữ tham gia, từ công tác chuẩn bị đến tiến trình Tổng tiến công và nổi dậy, bằng ba mũi giáp công, trên cả ba vùng chiến lược, giáng đòn quyết liệt vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, tạo ra bước ngoặt có ý nghĩa chiến lược của chiến tranh.

  1. Quán triệt chủ trương của Đảng, động viên phụ nữ nỗ lực tham gia chuẩn bị tổng công kích, tổng khởi nghĩa

Trên cơ sở những thắng lợi trong hai năm 1965-1966, đầu năm 1967, Bộ Chính trị ra nghị quyết số 154-NQ/TW, chủ trương “cố gắng cao độ, tập trung lực lượng của cả hai miền giành thắng lợi quyết định trong thời gian tương đối ngắn trên chiến trường miền Nam”. Một trong những nội dung của thắng lợi quyết định là: “Đẩy mạnh đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh quân sự, thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa ở các đô thị và vùng nông thôn do địch kiểm soát, thành lập chính quyền liên hiệp dân tộc, dân chủ rộng rãi, mà nòng cốt là Mặt trận Dân tộc Giải phóng”[1].

Thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị, Hội nghị lần thứ sáu Khu uỷ V (mở rộng) (3/1967) chủ trương đẩy mạnh mọi hoạt động, “gấp rút tăng cường lực lượng võ trang, chính trị, kinh tế; nhanh chóng chuyển biến mạnh mẽ về tư tưởng và tổ chức, đẩy mạnh và phối hợp mọi mặt tấn công địch, tạo điều kiện và tranh thủ thời cơ phối hợp cùng toàn miền và cả nước tiến lên giành thắng lợi quyết định trong thời gian tương đối ngắn”[2].

Hội nghị lần thứ năm Trung ương Cục (5/1967) chủ trương đẩy mạnh đấu tranh quân sự, chính trị và binh vận trên cả ba vùng chiến lược. Hội nghị nhấn mạnh: “Công tác đô thị sắp tới có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đó là một trong những khâu công tác chủ yếu để đảm bảo thực hiện quyết tâm chiến lược của Trung ương”. Nhiệm vụ cụ thể sắp tới của công tác đô thị là: “Toàn bộ công tác của ta ở đô thị phải nhằm đẩy mạnh đấu tranh chính trị, ra sức xây dựng lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang, tích cực chuẩn bị về mọi mặt tư tưởng, chính trị, tổ chức và vật chất đặng kịp thời phối hợp với đấu tranh quân sự tiến lên tổng công kích, tổng khởi nghĩa khi thời cơ đến[3].

Tháng 1/1968, Hội nghị lần thứ 14 Ban chấp hành Trung ương Đảng nhận định: “những cố gắng của Mỹ ở Việt Nam (cùng với những thiệt hại nặng nề của chúng) đã tới đỉnh cao”. “Xu thế của tình hình cả năm 1968 là địch sẽ ngày càng chuyển vào phòng ngự một cách bị động hơn trước”. Về phía ta, đã đánh thắng địch cả về chiến lược và chiến thuật. Diễn biến cơ bản của tình hình là “ta đang ở thế thắng, thế chủ động và thuận lợi, địch đang ở thế thua, thế bị động và khó khăn. Tình hình ấy cho phép ta có thể chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kì mới, thời kỳ tiến công và nổi dậy, giành thắng lợi quyết định”. “Nhiệm vụ trọng đại và cấp bách của ta trong thời kỳ mới là động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên bước phát triển cao nhất, dùng phương pháp tổng công kích và tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định[4].

Trước khi bước vào cuộc tổng tiến công và nổi dậy ở miền Nam, cán bộ, hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam và quần chúng phụ nữ được tuyên truyền, giáo dục và học tập về tình hình mới, nhiệm vụ mới. Từ giữa tháng 12/1967, các cấp ủy Đảng ở miền Nam đã động viên cán bộ, đảng viên, các đoàn thể và lực lượng cốt cán quần chúng chuẩn bị sẵn sàng với quyết tâm tiến lên giành thắng lợi mới.

Hội Phụ nữ Giải phóng phát động phụ nữ học tập lời kêu gọi của Mặt trận Dân tộc giải phóng, thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào cả nước. Động viên phụ nữ tích cực tham gia phong trào: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Ở các cấp khu, tỉnh, huyện, Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng đều tập trung cán bộ để kiểm tra, sắp xếp, củng cố lại lực lượng đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang, chuẩn bị kế hoạch tiến vào các đô thị tham gia khởi nghĩa. Cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Hội trực tiếp xuống cơ sở, chỉ đạo chuẩn bị lực lượng tiến công và nổi dậy ở từng điểm cụ thể.

Ở các thành phố, một số cán bộ phụ nữ được bố trí hoạt động trong các cơ quan của chính quyền đối phương. Tại Sài Gòn – Gia Định, Ban phụ vận Thành ủy cử những cán bộ nữ có kinh nghiệm hoạt động lâu năm trong nội thành, được quần chúng tin yêu, phụ trách xây dựng cơ sở. Chỉ trong một thời gian ngắn, các chị đã gây dựng nhiều cơ sở chính trị trong quần chúng…

Quá trình chuẩn bị cho Tổng công kích, tổng khởi nghĩa là một quá trình tổ chức và đấu tranh. Thực hiện chủ trương của Hội, phong trào phụ nữ đấu tranh chống địch ngày càng phát triển, hướng vào các thành phố, thị xã, thị trấn, ấp chiến lược, dọc các đường giao thông và vùng ven. Mặc dù địch phản kích dữ dội, nhưng phong trào vẫn được duy trì liên tục; góp phần ngăn chặn, bẻ gãy nhiều cuộc hành quân của địch và gây cho chúng nhiều tổn thất. Chị em đánh bằng tất cả các loại vũ khí, từ chông tre, lựu đạn, mìn tự tạo, súng bộ binh, đến những vũ khí đòi hỏi kĩ thuật cao như pháo. Do nắm vững quy luật hoạt động của địch, nên chị em thường đánh bất ngờ, đánh vào chỗ sơ hở của địch, vừa đảm bảo hiệu quả chiến đấu cao, vừa bảo tồn lực lượng. Cách đánh rất phong phú, vừa đánh thật, vừa đánh giả, làm địch phải dàn mỏng lực lượng bị động đối phó khắp nơi. Chị em biết đánh độc lập từng người, hoặc phối hợp nhiều tổ với nhau, khi tập trung, lúc phân tán; kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh quân sự, kết hợp quân sự, chính trị và binh vận, vừa chặn địch phản kích, vừa phát động quần chúng nổi dậy phá thế kìm kẹp, xây dựng cơ sở chính trị trong các đô thị và vùng ven.

Cuối năm 1967, ở khắp nơi đều tổ chức hội nghị tổng kết đấu tranh quân sự, chính trị và binh vận, công tác đô thị; bàn và bố trí kế hoạch chuẩn bị tổng công kích, tổng khởi nghĩa.

Công tác đào tạo đội ngũ cán bộ Hội được tiến hành gấp rút bằng nhiều hình thức, như tổ chức các lớp học Nghị quyết, tập huấn dựa vào các tài liệu của Hội[5]. Trung ương Hội chú trọng hướng dẫn cho cán bộ Hội các cấp biết vận dụng linh hoạt, sáng tạo phương châm “hai chân”, “ba mũi”, học tập tinh thần đấu tranh theo gương phụ nữ xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh…[6]. Ngoài ra chị em còn được trao đổi về các công tác chính trị, tổ chức, làm cho cán bộ nhận thức rõ tình hình, nhiệm vụ chống Mỹ cứu nước, hiểu đầy đủ chức năng của Hội, củng cố tác phong đi sâu, đi sát cơ sở, phát huy tinh thần quyết tâm chiến đấu với kẻ thù, giữ vững ý chí chiến đấu, quyết vượt qua mọi khó khăn gian khổ và hy sinh ác liệt, đưa phong trào phụ nữ tiếp tục tiến lên. “Lực lượng đấn tranh chính trị thường trực cũng được trau dồi về chiến thuật, kỹ thuật đánh địch xa, đánh gần địch, đánh lớn, đánh nhỏ…”[7].

Công tác chuẩn bị chiến trường được tiến hành hết sức khẩn trương. Hội đã động viên hàng chục vạn phụ nữ tham gia các đội nữ dân công, nữ thanh niên xung phong; cấp dưỡng nuôi quân, tiếp tế đạn dược, lương thực, tải thương, xây dựng công sự…

Trên mặt trận giao thông vận tải, phụ nữ đóng vai trò chính. Các đơn vị nữ vận tải được thành lập ở khắp nơi, từ bưng biền, rừng núi, đến các vùng giáp ranh, vùng ven và trong đô thị, trên các tuyến vận tải chiến lược và chiến dịch; ngày đêm lội suối, vượt đèo, băng qua những cánh đồng nước, vượt lên mưa bom bão đạn, khôn khéo che mắt quân thù, đảm bảo bí mật, an toàn, vận chuyển một khối lượng hàng lớn phục vụ chiến trường. Trong các thành phố, nhiều phụ nữ đã nguỵ trang, dùng mọi phương tiện như xuồng, ghe, xe đò, xích lô chuyển vũ khí xuống từng cơ sở. Nhiều bà mẹ 50, 60 tuổi, các bé gái 11,12 tuổi cũng mang đạn, lội nước suốt đêm dưới làn bom pháo của địch để phục vụ cuộc chiến đấu sắp tới.

Ở các tỉnh Nam bộ, nhiều đơn vị vũ trang là phụ nữ được xây dựng và củng cố, tiêu biểu như đội nữ công binh Cần Thơ, các đội nữ pháo binh Vĩnh Thuận, Long An, Dầu Tiếng…, Tiểu đoàn tự vệ Lê Thị Riêng, đội thanh niên xung phong hoả tuyến Lộ Vòng Cung…

Trong lúc chờ lệnh tổng tiến công, chị em hăng hái tham gia mọi công tác, đẩy mạnh đấu tranh, có những em gái 12, 13 tuổi và các cháu 5, 6 tuổi cũng không chịu ở nhà. Các mẹ, các chị chuẩn bị gậy gộc, giáo mác, trống mõ, sẵn sàng nổi dậy. Lực lượng đấu tranh chính trị thường trực liên tục bao vây áp đảo đồn bốt, thị trấn, thị xã, hoặc phục vụ chiến đấu. Khí thế cách mạng ngày càng sôi sục.

Phong trào Hội mẹ chiến sĩ có bước phát triển mạnh. Phát huy truyền thống yêu nước, thương con, các mẹ đã làm nòng cốt, xung phong trên các mặt công tác, không kể ngày đêm vất vả hiểm nguy, vận động chị em đưa chồng con đi chiến đấu, khuyến khích con cháu đi tòng quân, vận tải tiếp tế chiến trường, ủng hộ bộ đội, nuôi dưỡng thương binh, giác ngộ và động viên các gia đình anh em binh sĩ trong quân đội Sài Gòn tham gia đội ngũ đấu tranh. Có những bà mẹ chẳng những cho con đi tòng quân, mà còn tự tay sắm vũ khí cho con, theo con ra phục vụ tận chiến trường.

Đến trước ngày Tổng công kích, tổng khởi nghĩa, đội quân tóc dài trên toàn miền Nam đều sẵn sàng. Khí thế cách mạng sôi sục chưa từng thấy.

  1. Phát huy cao độ truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm, động viên phụ nữ toàn miền tham gia Tổng tiến công và nổi dậy

Tết Mậu Thân năm 1968, bão táp cách mạng đồn dập nổi lên khắp miền Nam, đưa chiến tranh vào tận sào huyệt của kẻ thù. Đội ngũ cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng huy động hàng triệu phụ nữ xuống đường ngay trong những ngày đầu của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, tham gia đánh chiếm các công sở, bao vây cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn.

Ở các địa phương, đông đảo chị em tham bao vây đồn bốt giặc, bức rút, bức hàng, phá tan hàng loạt ấp chiến lược, vận động các gia đình binh sĩ trong quân đội Sài Gòn tham gia phong trào khởi nghĩa của quần chúng.

Ở miền Trung Nam Bộ, chỉ trong đợt I tổng tấn công đã có 455.377 lượt phụ nữ nổi dậy khởi nghĩa, tham gia bức phá 300 đồn bốt, giải phóng hơn nửa triệu phụ nữ trong các vùng trọng điểm địch đã bình định[8]. Trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 3/1968, tại các tỉnh Trung Nam Bộ có 1.700.000 lượt chị em tham gia đấu tranh chính trị và nổi dậy khởi nghĩa. Ở Trung Trung Bộ có 2 triệu 62 vạn lượt chị em tham gia 33.000 cuộc đấu tranh chính trị và 198.000 lượt phụ nữ nổi dậy đấu tranh diệt ác, phá kìm hỗ trợ lực lượng vũ trang, tiến công địch[9].

Từ những thành phố lớn như Sài Gòn, Huế, Đà nẵng, đến các thị xã, thị trấn và các vùng nông thôn, lực lượng phụ nữ, nhất là nữ thanh niên, luôn phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang, khi thì làm công tác vũ trang tuyên truyền, rải truyền đơn, treo khẩu hiệu, khi phục vụ chiến đấu hoặc trực tiếp cầm súng diệt ác ôn giữa ban ngày, làm cho đồng bào đô thị hết sức khâm phục. “Các đội tự vệ trong Tiểu đoàn Lê Thị Riêng dũng cảm thọc sâu vào trung tâm Sài Gòn, tham gia đánh tòa hành chính Quận 5, treo lá cờ dài ba thước lên cột cờ tòa hành chính, đánh vào Tổng tham mưu, sân bay Tân Sơn Nhất, các cơ quan đầu não quan trọng của địch…”[10].

Ở thành phố Huế, đông đảo phụ nữ cùng toàn dân nổi dây, kết hợp với lực lượng vũ trang nhân dân chiếm giữ các cơ quan bạo lực, hành chính, kinh tế, văn hóa của bộ máy chính quyền Sài Gòn, thiết lập chính quyền cách mạng. Chị em phụ nữ sát cánh cùng nam giới xây dựng các đội vận tải, cứu thương, nấu cơm, tiếp tế, làm giao thông liên lạc và tham gia chiến đấu, những cô “chiêu đãi viên” trong khách sạn cùng quân giải phóng tiến công cơ quan đầu não của địch. Những bà mẹ ở chợ Đông Ba len lỏi trong làn mưa đạn đem cơm nước đến từng tổ chiến đấu của Quân Giải phóng.

Từ trong phong trào nổi dậy của quần chúng, nhiều tổ chức yêu nước ra đời. Mặt trận thanh niên Huế được thành lập, bao gồm nam, nữ sinh viên sư phạm, y khoa, luật khoa, công nhân, phật tử… Trụ sở của họ đặt ở Bưu điện Đông Ba (đầu đường Mai Thúc Loan). Họ phát đi lời kêu gọi chống Mỹ và tay sai.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận thanh niên, Uỷ ban sinh viên được thành lập trước tiên ở khu phố 2, ban chấp hành gồm 5 người, tập hợp được 57 người, từ đó phát triển sang khu phố 3, đến chiều ngày 9/02/1968 đã tập hợp 300 người, đặt trụ sở ở Hội quán Quảng Trị (trên đường Huỳnh Thúc Kháng). Nam, nữ thanh niên hoạt động rất hăng hái, họ đi tìm gặp bạn bè và người thân là sĩ quan và binh lính trong quân đội Sài Gòn, vận động trở về với cách mạng, họ viết lên tường bốn câu thơ làm khẩu hiệu chiến đấu:

Tính mạng quí hơn vàng,

Tình yêu là vô giá.

Vì giải phóng miền Nam,

Thề hy sinh tất cả!

Trong Tổng tiến công và nổi dậy, cả miền Nam có hơn 2 triệu lượt phụ nữ vũ trang tham gia, giữ vị trí quan trọng trong chiến tranh du kích và tcích cực đấu tranh với ba mũi giáp công, trên cả ba vùng chiến lược. Phụ nữ các tỉnh Nam Bộ trực tiếp chiến đấu trong hầu hết các binh chủng: bộ binh, pháo binh, công binh, đặc công, biệt động. Hình thức biệt động cải trang rất phù hợp với khả năng và sở trường của phụ nữ, được phổ biến rộng rãi trong Tổng tiến công và nổi dậy. Ở Nam Bộ trong đợt 1 có 50 đội nữ du kích tham gia. Nổi bật và có nhiều kinh nghiệm chiến đấu là Trung đội nữ vũ trang Bến Tre, đã đánh gần 250 trận, giết và làm bị thương gần 300 tên ác ôn…[11].

Tháng 1/1968, trong trận tiến công chi khu Hiệp Hòa, hai khẩu đội nữ pháo binh Long An phối hợp với một tiểu đoàn Quân Giải phóng tiến công, giành quyền làm chủ chi khu. Có những đội nữ pháo binh dùng súng cối bắn cháy trực thăng của địch như đội nữ pháo binh Dầu Tiếng, hai lần pháo kích hai trực thăng địch…

Ở Tây Nam Bộ, nhiều đơn vị nữ vũ trang chiến đấu quả cảm, lập chiến công xuất sắc, tiêu biểu là đội công binh Cần Thơ, đội pháo binh Vĩnh Thuận, đội thanh niên xung phong hoả tuyến Lộ Vòng Cung…

Tiểu đội du kích xã Thiên Thủy (Hương Thủy – Thừa Thiên – Huế), gồm 11 cô gái thôn Vân Thê do Phạm Thị Liên chỉ huy, từ chỗ nhận nhiệm vụ bắc cầu tre qua sông Như Ý phục vụ bộ đội hành quân, đã phát triển lên Vân Dương, với khẩu hiệu: “Thà hy sinh, nhất định không rời trận địa!”, phối hợp cùng bộ đội K10 đánh lui một tiểu đoàn quân Mỹ thiện chiến, gây cho chúng nhiều thương vong. Chiến công vang dội của Tiểu đội 11 cô gái sông Hương được Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi:

“Dõng dạc tay cầm khẩu súng trường.

Khôn ngoan dàn trận khắp trong phường.

Bác khen các cháu dân quân gái

Đánh giặc Hoa Kỳ phải nát xương”[12].

Công tác phục vụ chiến trường của phụ nữ được đẩy mạnh hơn bao giờ hết, không lúc nào phụ nữ hoạt động sôi nổi bằng lúc này. Chị em nô nức đi dân công, chuyển vũ khí đạn dược, lương thực cho mặt trận và chuyển thương binh về phía sau.

Ở miền Tây Nam Bộ, trong những ngày chiến sự tiếp diễn, các mẹ luôn có mặt ở các trạm xá, bệnh viện, kể cả trạm quân y dã chiến. Ở các xã vùng ven, các mẹ tổ chức đưa chiến sĩ bị thương về nhà chăm sóc rồi lần lượt gửi về hậu phương. Có nơi, bất chấp địch thả bom, bắn phá liên tục, các mẹ vẫn bơi xuồng đi đón thương binh, hay mò dưới kênh rạch vớt xác tử sĩ. Cảm động nhất là ở những vùng không có cơ sở, thương binh lạc vào đó, trời sáng phải ẩn náu tại bờ ruộng, có mẹ trong ấp đi ra trông thấy, một lúc sau nhiều người trong ấp chiến lược lần lượt mang giỏ, vác cuốc giả đi làm đồng, đem sữa, đường, thức ăn, quần áo cho anh em, chờ đến khi trời tối mới tìm cơ sở đưa thương binh về nơi an toàn.

Ở huyện Hương Thủy (Thừa Thiên), mặc dầu địch ném bom, bắn pháo liên tục vào xóm làng, nhưng chị em vẫn không quản hiểm nguy, tổ chức lập nhà ăn phục vụ bộ đội đánh địch tại chỗ, tham gia lập bệnh viện dã chiến ở Thủy Xuân, Nguyên Thủy để cứu chữa thương binh. Tại La Chữ (Hương Trà), Hội phụ nữ vận động nhân dân đóng góp lương thực, thực phẩm, lập “quán cơm xã hội chủ nghĩa” phục vụ cán bộ, bộ đội trên đường ra vào thành phố Huế.

Tại Mặt trận Huế, ngay nhưng ngày đầu của cuộc tổng tiến công và nổi dậy, hàng nghìn quần chúng mít tinh tại trường trung học Gia Hội; các mẹ, các chị thành lập đội cứu thương, đội tiếp tế; tổ chức các bếp ăn phục vụ bộ đội ngay trên đường phố. Chị em tiểu thương, lao động hăng hái đi dân công, cáng thương binh về tuyến sau. Nhiều nữ bác sĩ, y tá, dược sĩ, dược tá… hăng hái tham gia cứu chữa thương binh ở các bệnh xá dã chiến trong thành phố. Tại các huyện Phú Vang, Hương Trà, Quảng Điền các mẹ, các chị là lực lượng nòng cốt nhận thương binh về nuôi dưỡng. Riêng các xã vùng giải phóng Quảng Ninh, Quảng Đại, Quảng Hòa (Quảng Điền) đã tiếp nhận chăm sóc 1.000 thương binh. Trong lúc bộ đội rút khỏi thành phố, địch phản kích dữ dội, hàng trăm thương binh còn ở lại đồng bằng được các bà, các mẹ, các chị che chở, nuôi dưỡng. Có những gia đình nuôi thương binh khi phải sơ tán đã đưa anh em đi theo, hoặc khi bị địch bắt vào khu tập trung đã đấu tranh đòi về quê làm ăn để nuôi thương binh đang ở hầm bí mật trong vườn. Nhiều chị đã tìm cách đưa thương bệnh binh lên chiến khu an toàn. Các nữ tu sĩ đạo phật trong các chùa cũng tham gia tiếp tế cho bộ đội, cứu chữa thương binh, nuôi 1800 người được giải phóng từ nhà lao Thừa Phủ.

Tình thương vô hạn của các mẹ, các chị đối với các chiến sĩ, thương binh đã động viên, cổ vũ bộ đội thêm quyết tâm chiến đấu. Các mẹ thật xứng đáng là những người mẹ của một dân tộc anh hùng.

Binh vận là một mũi tiến công sắc bén. Tại Sóc Trăng, phụ nữ phối hợp với ngành binh vận tuyên truyền, vận động được 3.000 gia đình binh sĩ, phân phát 57.600 truyền đơn các loại, lôi kéo được số đông binh sĩ của quân đội Sài Gòn bỏ đồn bốt về gia đình ăn tết[13]. Chỉ riêng hai huyện, và thị xã Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh), có 314 cuộc đấu tranh gồm 25.600 lượt người và có 6.000 gia đình chị em binh sĩ tham gia, 40 đồn bốt bị bức hàng bức rút trong đợt Tết Mậu Thân là nhờ công tác binh vận[14].

Ở Trị – Thiên – Huế, các mẹ, các chị tuyên truyền, vận động nhiều sĩ quan binh lính đứng về phía nhân dân, trực tiếp tham gia phục vụ chiến đấu. Tại Phong Điền, phụ nữ cùng với đông đảo quần chúng gồm 3.000 người đã bao vây quận lỵ, tuyên truyền chính sách cách mạng và đưa yêu sách buộc chúng án binh bất động. Tại Quảng Điền nhiều gia đình binh sĩ Sài Gòn kéo đến các đồn kêu gọi chồng con trở về. Ở Hương Thủy, Phú Lộc, công tác binh vận làm tan rã nhiều đơn vị phòng vệ dân sự, nghĩa quân.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968 là sự phát triển cao quá trình kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh quân sự, giữa tiến công và nổi dậy, trong đó mũi tiến công quân sự giữ vai trò quyết định. Thực hiện chủ trương của Đảng, phụ nữ miền Nam đẩy mạnh, kết hợp phong trào đấu tranh chính trị với vũ trang và công tác binh vận; lập nhiều chiến công xuất sắc. Đại hội phụ nữ toàn miền lần thứ hai (cuối năm 1969) đánh giá: “Phong trào phụ nữ miền Nam đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi lịch sử của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt Xuân Mậu Thân 1968, một cuộc chiến đấu hết sức quyết liệt của quá trình kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta”[15].

Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhận định : “Trong khi địch đưa “Chiến tranh cục bộ” lên đến mức cao, với những cố gắng trong chiến tranh, vượt xa mọi dự tính ban đầu, nhưng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của ta đã làm cho địch bị thất bại nặng nề và phải kết thúc giai đoạn phản công chiến lược, chuyển hẳn vào giai đoạn phòng ngự trên toàn chiến trường. Ý chí xâm lược của Mỹ đã bị lung lay rõ rệt. Từ thế tiến thoái lưỡng nan, Mỹ đã đi đến chỗ “phải mặc nhiên thừa nhận sự phá sản của chiến lược “chiến tranh cục bộ”và  phải từng bước xuống thang chiến tranh, chủ trương “phi Mỹ hóa”, “Việt Nam hóa” cuộc chiến tranh” tìm cách thoát ra khỏi cuộc chiến tranh này”[16].

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968, Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam đã tổ chức và động viên đông đảo phụ nữ, cùng toàn dân phất cao cờ tiến công, nổi dậy anh dũng kiên cường, góp phần làm cho bão táp cách mạng dồn dập nổi lên từ thành thị đến nông thôn, làm rung chuyển cả thế giới. Báo Lơ-Figarô của Pháp ngày 02/02/1968 viết: “Cuộc tấn công lừng danh của Việt Cộng cho ta thấy trước hết cái tài tình của những người chỉ huy trong việc hướng dẫn cuộc đấu tranh vừa chính trị, vừa quân sự… họ có thể đánh nơi nào và vào lúc nào cũng được hết. Họ làm cho chính phủ Sài Gòn và quân đội của chính phủ này trở thành một trò cười”.

Sự tham gia tổng tiến công và nổi dậy của mọi tầng lớp phụ nữ miền Nam thể hiện sức mạnh và năng lực sáng tạo của quần chúng được giác ngộ và tổ chức theo phương hướng cách mạng của Đảng. Báo Pháp “Thế giới” (Le Mond) ngày 01/02/1968 viết: “Người Mỹ từng khẳng định rằng dân chúng Nam Việt Nam chịu đựng hơn là ủng hộ Mặt trận dân tộc giải phóng, giờ đây liệu họ còn có thể nêu lên lý lẽ như thế nữa không sau khi đã xảy ra một cuộc biểu dương về sức mạnh và lòng dũng cảm đáng khâm phục của Việt cộng như vậy”[17].

Phong trào phụ nữ miền Nam trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1968 chứng tỏ hùng hồn rằng: “Chỉ có đông đảo quần chúng nhân dân giàu lòng yêu nước nồng nàn và giàu chí căm thù địch sâu sắc, có chí khí anh hùng, theo đường lối chính trị và đường lối quân sự đúng đắn; có kinh nghiệm kháng chiến chống ngoại xâm, lại có tổ chức chặt chẽ, thì mới thực hiện được một cuộc nổi dậy với quy mô to lớn và mạnh mẽ như vậy”[18].

Thắng lợi của cuộc tiến công và nổi dậy đã chứng tỏ sự vận dụng và kết hợp thành công cả hai quy luật khởi nghĩa và chiến tranh. Quần chúng nổi dậy khởi nghĩa làm cho địa bàn mở rộng, lực lượng chiến đấu được tăng cường, thúc đẩy chiến tranh phát triển với quy mô lớn hơn, thanh thế mạnh hơn; và ngược lại, tiến công mạnh mẽ lại có tác dụng làm cho những điều kiện của khởi nghĩa chín mùi, đưa quần chúng nổi dậy nhanh chóng.

Sự tham gia của phụ nữ miền Nam trong toàn bộ quá trình kết hợp nổi dậy và tiến công, tiến công và nổi dậy, kết hợp khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng là biểu hiện của quy luật bạo lực cách mạng ở Việt Nam; đáp ứng được yêu cầu quan trọng nhất trong nghệ thuật quân sự Việt Nam là “phát huy và phối hợp được tất cả sức mạnh của toàn quân và toàn dân để giành chiến thắng”[19].

 Cuộc chiến đấu của các mẹ, các chị đã cùng nhân dân vẽ nên một bức tranh tuyệt đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, một bản anh hùng ca vang dội núi sông trong cuộc chiến tranh nhân dân thần thánh.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 02 tháng 02 năm 2023

PGS, TS Vũ Quang Hiển

Trường Đại học KHXH & NV, ĐHQGHN

(Bài viết tham gia Toạ đàm khoa học năm 2013)

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, t. 28, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr. 146 và 147.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, t. 28, Sđd, tr. 570 và 571.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, t. 28, Sđd, tr. 534 và 535.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, t. 29, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 49 và 50.

[5] Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam: Báo cáo chung niên tổng kết tình hình phong trào và tổ chức Hội phụ nữ giải phóng năm 1968, tài liệu lưu tại Bảo tàng Phụ nữ  Việt Nam, tr. 10.

[6] Trong mùa khô 1965-1966, khi Mỹ đổ quân bằng trực thăng vận kết hợp với xe tăng vận tiến công vào xóm làng, càn lúa, đốt nhà, giết người, các mẹ các chị kéo nhau ra cản đầu xe tăng, làm dấu, ra điệu bộ, tranh thủ phiên dịch, đã làm chậm bước tiến của quân Mỹ, hạn chế một phần những hành động đánh phá của chúng, góp phần đẩy lùi cuộc hành quân càn quét ở vùng này.

[7] Bài trả lời phỏng vấn của bà Nguyễn Thị Định, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam với với phóng viên Đài Phát thanh Giải phóng nhân kỉ niệm 5 năm ngày thành lập Hội liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam (8-3-1966), tài liệu lưu tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

[8] Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam: Dự thảo Báo cáo chuyên đề về tình hình phong trào phụ nữ tham gia chống phá bình định nông thôn của địch từ năm 1954 đến năm 1974, Tài liệu lưu tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, tr. 26.

[9] Nguyễn Thị Thập: Lịch sử phong trào phụ nữ Việt Nam, t. 2, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 1981, tr. 152.

[10] Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam: Biên niên lịch sử Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, t. 1, Nxb. Phụ nữ, Hà Nội, tr. 248.

[11] Tổ Sử phụ nữ Nam Bộ: Truyền thống cách mạng của phụ nữ Nam Bộ thành đồng, tr. 346.

[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 12, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 334.

[13] Tỉnh ủy Bến Tre: Phụ nữ Bến Tre góp phần tham gia đánh đuổi giặc Mỹ xâm lược, Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng, 1996, tr. 316.

[14] Nguyễn Thị Thập:, Lịch sử phong trào phụ nữ Việt Nam, t. 2, Nxb. Phụ nữ, Hà Nội, 1981, tr. 163.

[15] Nguyễn Thị Định: Mười năm đấu tranh thắng lợi của phụ nữ miền Nam, Tài liệu lưu ở Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, tr. 4.

[16] Đảng Cộng Sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t. 28, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003,  tr. 103.

[17] Tin AFP ngày 2-2-1968. Theo báo Thống nhất ngày 12-4-1968.

[18] Tất cả đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, Tạp chí Học tập, 3.1968, tr. 3.

[19] Võ Nguyên Giáp: Chiến tranh giải phóng và chiến tranh giữ nước, t. 2. Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1975, tr. 177.