NỮ TƯỚNG THÀNH NAM ĐÃ RA ĐI

Tin bà Trương Thị Thu mất mà chúng tôi quen gọi thân mật là dì Hai Thu đến với chúng tôi không đột ngột, vì trước đó chúng tôi đã biết được tình trạng sức khỏe của dì ngày càng yếu.

Tin bà Trương Thị Thu mất mà chúng tôi quen gọi thân mật là dì Hai Thu đến với chúng tôi không đột ngột, vì trước đó chúng tôi đã biết được tình trạng sức khỏe của dì ngày càng yếu. Nhưng trong lòng những người làm việc ở Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, đó là một tổn thất lớn lao, bởi thêm một thành viên trong 13 người có công sáng lập Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ lại ra đi. Và hơn thế nữa, người chấp bút viết sử cho Phụ nữ miền Nam cũng đã bắt đầu vĩnh biệt cháu con, về với thế giới vĩnh hằng. Tôi ngậm ngùi khi gõ vào Google: “Trương Thị Thu- nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Nam Định”, không một dòng hiển thị về bà. Cho đến khi bà ra đi, thế hệ cháu con mới nhận ra mình đã có một khoảng trống quá lớn về cuộc đời những người gần gũi với mình nhất!

Khi tôi về Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ công tác, dì Hai Thu thuộc 13 cán bộ cách mạng lão thành, đoàn kết quanh bà Nguyễn Thị Thập- nguyên chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, vượt qua nhiều khó khăn, đi đến nhiều miền đất xa xôi, thu thập tư liệu, xây dựng nên Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ và viết quyển lịch sử Phụ nữ Nam bộ. Dì tuy khó tính, thẳng thắn, bộc trực; hay la rầy chúng tôi nhưng rất thương con cháu và biết lắng nghe, công tâm để giải quyết những vấn đề khó trong ứng xử con người, đòi hỏi tấm lòng và sự trải nghiệm. Dì tỏ ra vui mừng thực sự trước sự thành đạt của lớp trẻ. Môt khi đã thông, dì nhiệt tình ủng hộ những kế hoạch hoạt động của chúng tôi và quyết liệt bảo vệ, chia sẻ những khó khăn cùng chúng tôi. Mười năm trước, tôi có dịp làm việc cùng dì, khi tham gia viết chuyên đề “Phụ nữ Miền Nam” cho công trình lịch sử Nam Bộ kháng chiến. Dù lúc đó dì đã ở tuổi bát thập, vẫn cặm cụi ngồi viết tay từng con chữ. Chuyên đề được sửa chữa, góp ý năm lần bảy lượt, dì vẫn kiên trì cùng tôi viết đi viết lại. Tôi còn nhớ, lần cuối, dì nói: “Lần này mà hỏng được thì thôi luôn cho rồi”. Nhưng rồi dì vẫn tiếp tục cặm cụi, động viên tôi tiếp tục sửa chữa, để chuyên đề được hoàn thành, mà dì là nhân tố quyết định. Gương lao động quên mình, tình yêu tha thiết dành cho phong trào phụ nữ, lịch sử phụ nữ Nam bộ của dì đã truyền dẫn đến thế hệ con cháu…

Tôi biết, đằng sau dáng vẻ mạnh mẽ, thẳng thắn, vững chãi; dì Hai Thu là người phụ nữ rất giàu tình cảm. Tôi còn nhớ, có lần dì kể lúc ra Bắc, được giao nhiệm vụ làm Bí thư Thành ủy Nam Định, nhiều người không tâm phục khẩu phục dì. Phụ nữ làm lãnh đạo đã khó, lại người Nam Kỳ, quê tận Sóc Trăng về làm Bí thư Thành ủy một thành phố lớn, nổi tiếng phía Bắc. Khỏi phải nói, dì Hai Thu gặp muôn vàn khó khăn. Dì chân thành nói: “Lúc đầu dì cũng thấy tự ái, muốn bỏ cuộc nhưng nghĩ lại, có thể người ta chưa có điều kiện hiểu mình nên không tin mình. Vậy là dì lăn vào phong trào, quyết tỏ rõ bản lĩnh, năng lực của mình. Dì tập đi xe đạp, không biết thắng phải lấy chân trước chặn bánh xe để thắng. Dì lao vào công tác cứu ngập úng. Rồi chiến tranh phá hoại miền Bắc, dì vừa nuôi con nhỏ, vừa đi thực tế xuống trận địa để có chỉ đạo kịp thời. Vừa lo ổn định đời sống cho người dân, bám nhà máy sản xuất, vừa kêu gọi thanh niên nhập ngủ, động viên tinh thần của nhân dân… Việc nào cũng khó nhưng người phụ nữ miền Nam trong vai trò Bí thư Thành ủy thành phố Nam Định đã làm tròn, làm tốt trách nhiệm một lãnh đạo, vừa là người mẹ tốt của những đứa con còn nhỏ dại. Dì Hai kể chuyện rất bình thản, tự nhiên nhưng tôi nghĩ không hề đơn giản như vậy, dì đã phải nỗ lực, giằng xé vượt lên chính mình, những trăn trở, riêng chung. Vào thời ấy, một phụ nữ vừa có trình độ lý luận vừa có kinh nghiệm thực tiễn, nói đi đôi với làm như dì Hai Thu là một vốn quý của nguồn nhân lực cao cấp. Trước năng lực và bản lĩnh công tác của người phụ nữ Nam Kỳ ở “Thành Nam”, dì được Ban Tổ chức Trung ương đưa về Hà Nội, giữ vai trò Bí thư Đảng Đoàn Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Khi hiểu thêm cuộc đời dì Hai Thu với uẩn khúc và ngang trái; tôi mới thấu hiểu vì sao những trang viết về lịch sử phụ nữ của dì rất sắc xảo, có hồn. Dì luôn nhấn mạnh phẩm chất cao quý của người phụ nữ trong hai cuộc kháng chiến. Phẩm chất ấy khiến phụ nữ kiên cường, bất khuất, dũng cảm trước kẻ thù nhưng rất đỗi nhân hậu, dịu dàng, bao dung, đảm đang, hết mực yêu chồng thương con, với hy sinh, thầm lặng. Dì vẫn thường nói với tôi: “Nếu chúng ta viết lịch sử phụ nữ mà không tô đậm, lột tả được chất phụ nữ thì những trang sử sẽ khô khan, đơn điệu, chung chung, không có hồn”. Tôi rất thấm thía những lời của dì, càng thương dì vì những nỗi đau dì Hai cố khỏa lấp, kềm nén, cố làm ra vẻ mạnh mẽ để những người đồng chí không phải bận tâm về mình. Làm sao dì không buồn khi người chồng mình yêu thương, được tổ chức cưới hỏi ở Sóc Trăng cuối cùng vì hoàn cảnh riêng phải sống xa cách dì cho đến cuối đời. Hạnh phúc không trọn vẹn nhưng dì vẫn lấy tình thương yêu của người mẹ đối đãi với những đứa con của mình, của chồng; để cuối cùng dì có được kết thúc rất có hậu. Trước khi qua đời, theo di nguyện của trung tướng Nguyễn Chánh- nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Chính phủ Lâm Thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, trước khi mất (năm 2001), miếng đất được Nhà nước cấp, ông chia làm ba phần. Hai phần ông chuyển đến hai gia đình (do người vợ đầu của trung tướng Nguyễn Chánh bị kẹt ở Thái Lan trong kháng chiến chống Pháp. Sau khi lấy người vợ miền Nam, ông mới hay tin người vợ đầu của mình vẫn còn sống); một phần ông hiến cho quân khu xây Bảo tàng. Dì Hai vui không phải vì giá trị tài sản các con nhận được mà chính vì thấu cảm được tình yêu của người chồng dành cho dì, cho đến giây phút cuối đời. Vâng, dù không có được hạnh phúc trọn vẹn nhưng tình yêu của dì Hai Thu dành cho tướng Nguyễn Chánh là duy nhất, là tất cả. Dì Hai Kim Anh- nguyên Phó giám đốc, thành viên tổ sử Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ nói: “Tội nghiệp dì Hai lắm. Khi về Trung ương Hội, dì Hai phải đối mặt với nhiều dư luận vì hoàn cảnh riêng của mình. Nhưng Dì Hai đã vượt qua, rất bản lĩnh và kiên định, làm rất tốt công tác Đảng”.

Có những điều khi dì không còn, chúng tôi mới được biết thêm cuộc đời dài, rộng, sâu thẳm của dì. Tôi biết dì ra đi, vẫn còn rất tâm huyết những công trình lịch sử phụ nữ, vì cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân rất phong phú và giới phụ nữ làm được nhiều việc hay, phi thường vẫn chưa được nói hết, dì nói chắc là dì không thể dự nổi lễ kỷ niệm ba mươi năm ngày thành lập Bảo tàng phụ nữ Nam Bộ. Dì muốn nói thêm nhiều điều nhưng sức yếu, dù dì nhận ra từng khuôn mặt của chúng tôi. Dì Hai thanh thản ra đi vì biết quy luật của sinh tử, bởi dì đã sống hết mình cho những người thân yêu, cho đồng bào, hết lòng với những trang lịch sử…