NỮ TRINH SÁT, TÌNH BÁO MIỀN NAM TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ

Nhân kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2023) và 34 năm Ngày Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2023), chúng ta luôn ghi nhớ công lao của các chiến sĩ, các lực lượng của Quân đội nhân dân Việt Nam với tinh thần quyết chiến quyết thắng đã góp công cùng toàn quân và dân ta đi đến thắng lợi lịch sử năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trong đó, có lực lược chiến sĩ tình báo quả cảm, kiên trung.

Sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời đã phải căng mình đối phó với cả thù trong, giặc ngoài. Để kịp thời nắm âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng thù địch, phục vụ công cuộc bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ và cuộc kháng chiến, kiến quốc lâu dài của toàn dân, ngày 25/10/1945, Trung ương Đảng quyết định thành lập Tình báo Quốc phòng Việt Nam. Quyết định đó thể hiện tư duy sắc sảo, tầm nhìn chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với công tác đặc biệt quan trọng của Quân đội, của Đảng và Nhà nước. Đây là tổ chức Tình báo đầu tiên của Việt Nam và là tiền thân của Tổng cục Tình báo Quốc phòng Việt Nam (Tổng cục 2) ngày nay.

Từ những ngày đầu mới thành lập, lực lượng tình báo đã phát triển rộng khắp trên các chiến trường, nhất là các lĩnh vực, địa bàn chiến lược, đưa được cán bộ vào các cơ quan đầu não, trọng yếu của địch. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mặc dù lực lượng mỏng, kinh nghiệm công tác chưa nhiều, phương tiện làm việc còn thô sơ,… nhưng Tình báo Quốc phòng đã tích cực, chủ động triển khai nhiều biện pháp  nắm địch, thu tin một cách linh hoạt, sáng tạo. Đặc biệt là những nữ tình báo, điệp báo đã anh dũng, gan dạ không ngại khó khăn, gian khổ hoàn thành tốt nhiệm vụ mà đơn vị giao phó.

Để bảo vệ thành quả cách mạng đã giành được, phụ nữ đã tham gia tích cực vào các công tác để vừa ngăn chặn bước tiến của quân Pháp, vừa chuẩn bị lực lượng kháng chiến chống Pháp lâu dài. Ngay từ những ngày đầu kháng chiến, phụ nữ trở thành hậu phương vững chắc nhất cho tiền tuyến đánh giặc. Không những thế, phụ nữ còn tham gia trực tiếp kháng chiến và giữ vững chính quyền cách mạng trên nhiều lĩnh vực quan trọng.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trước đối tượng tác chiến có tiềm lực kinh tế, quân sự, với nhiều thủ đoạn và biện pháp chiến tranh mới, tinh vi, xảo quyệt, đòi hỏi Tình báo Quốc phòng Việt Nam vừa phải phục vụ công tác chỉ đạo tác chiến ở chiến trường miền Nam, vừa phục vụ yêu cầu bảo vệ vững chắc hậu phương lớn – miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Để thực hiện tốt yêu cầu đó, Tình báo Quốc phòng đã tập trung củng cố, phát triển lực lượng, hình thành các lực lượng và phương thức nắm địch phong phú, đa dạng, như: điệp báo chiến lược, trinh sát kỹ thuật và trinh sát bộ đội.

Các tổ điệp báo chiến lược đã chủ động xây dựng mạng lưới hoạt động vững chắc, hiệu quả ngay trong các cơ quan đầu não của Mỹ – ngụy; đồng thời, phát huy trí thông minh, lòng dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, đã nắm và cung cấp nhiều tin tức có giá trị, nhất là các kế hoạch chiến lược, chiến dịch tuyệt mật của địch về tác chiến, bình định trên các chiến trường và các bước leo thang chiến tranh, đánh phá miền Bắc,… góp phần cùng quân và dân cả nước lần lượt đánh bại các biện pháp, chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ.

Khi tham gia công tác tình báo – biệt động, phụ nữ không chỉ sẵn sàng hy sinh mà còn chấp nhận những nghịch cảnh vô cùng trớ trêu; để qua mặt địch các mẹ, các chị sẵn sàng “vào vai với những thân phận khác nhau”; có khi trong vai trò là nhân viên phục vụ quán phở, cũng có khi trong vai một người giúp việc nhà, có lúc lại là người yêu, là phu nhân của những người bên kia chiến tuyến, là những người phụ nữ ngược xuôi sông nước để mưu sinh… và dù ở vị trí nào, những nữ tình báo cũng cố gắng qua được cặp mắt tinh tường của địch.

Rất nhiều cán bộ tình báo đã phải xa hậu phương, gia đình, gác lại tình riêng để đi làm nhiệm vụ, phải chịu đựng sự căng thẳng tinh thần, hiểm nguy rình rập khi hoạt động trong hàng ngũ của địch, dẫn đường cho bộ đội tác chiến. Những nữ chiến sĩ không chỉ tham gia vận chuyển vũ khí mà còn làm công tác đưa quân vượt qua vòng tuyến địch để vào nội đô một cách an toàn; xác định “ra đi là không có ngày trở về”- những chiến sĩ tình báo lặng thầm bám sát địch, theo dõi, điều tra, thu thập, tổng hợp thông tin để báo cáo về cấp trên và thậm chí chấp nhận hy sinh thân mình trong khi làm nhiệm vụ.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Thị Bời (Tư A) tham gia cách mạng từ năm 1949, khi được tuyên dương anh hùng là trung úy, tổ trưởng tổ giao liên tình báo, thuộc Bộ Tham mưu quân khu 7. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, Tư A làm tổ trưởng binh vận của Trung đoàn 300, vận động được nhiều binh lính địch trở về với nhân dân, nắm địch tình, góp phần quan trọng cho đơn vị diệt và bắt toàn bộ địch ở đồn Hưng Long. Trong kháng chiến chống Mỹ, Tư A là cán bộ tình báo, vừa làm nhiệm vụ chuyển tài liệu, tin tức ra căn cứ và truyền đạt chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên tới các cơ sở của ta vào trong thành phố Sài Gòn. Bà đã có hơn 600 chuyến liên lạc bí mật, an toàn; đã dũng cảm, mưu trí, vượt qua khó khăn, nguy hiểm, xây dựng được nhiều cơ sở và mạng giao liên ở ngay nơi địch canh phòng, lùng sục; xây dựng được mạng lưới tình báo quan trọng từ Sài Gòn đi Châu Đốc, Mỹ Tho, Tây Ninh… Trước chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, dù được trên cho nghỉ điều trị bệnh nhưng Tư A kiên quyết đi làm nhiệm vụ. Bà đảm đương công tác chuyển tài liệu, chỉ thị cấp trên vào Sài Gòn và lấy được bản đồ thành phố có ghi rõ các khu vực địch đóng quân, phục vụ kịp thời chiến dịch. Sau chiến tranh, dù cuộc sống có lúc vô cùng khó khăn, bà vẫn kiên định, dũng cảm vượt qua, giữ vững phẩm chất của người anh hùng.

Nữ chiến sĩ công an Nguyễn Thị Hồng Châu ở châu Thành, Bến Tre hoạt động trong sào huyệt địch, trong đội trinh sát an ninh tỉnh từ năm 1969-1971 lập thành tích trực tiếp đánh 17 trận, diệt và làm bị thương 174 tên địch với phương châm bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân; trong đó có trận đánh vào ban ngày ngay sào huyệt địch tại thị xã Cà Mau, chị đã kịp thời tháo gỡ mìn trước giờ nổ để bảo vệ tính mạng cho hàng trăm đồng bào.

Tin tức về cô bé Lê Thị Hồng trút bỏ bộ  bà ba đen thay bằng những bộ đồ soa đắc tiền, uốc tóc quăn, mang giày cao gót, phấn son loè loẹt trở thành cô bé ăn chơi nổi tiếng ở thị xã Bến Tre đã khiến cha mẹ rơi nước mắt, cả thị xã dèm pha và thị phi; cắn chặt răng  và vượt qua sự mềm yếu của bản thân mình, chị đã tham gia đánh 8 trận và diệt 89 tên địch. Ba lần bị địch bắt và trải qua nhiều đòn tra tấn dã man, tàn độc của địch. Không đủ chứng cứ buộc tội, chị bị hai tên lính điều tra thay nhau hãm hiếp đến ngất xỉu. Trốn khỏi bệnh viên, trở về với đồng đội trong thân hình tiều tuỵ và với  nhiệm vụ Phân đội trưởng, chị đã vạch ra nhiều phương án tác chiến mới, gây cho địch nhiều tổn thất, làm chúng mất ăn mất ngủ ngay nơi được phòng vệ tốt nhất.

Nữ y tá, chiến sĩ quân báo Nguyễn Thị Đoàn (còn gọi là Đoàn Thị E) ở Giồng Trôm, Bến Tre luôn đi sát các đơn vị chiến đấu. Từ năm 1969 đến năm 1973, chị phụ trách trạm thu dung thương binh. Nhiều lần, địch tràn vào khu vực trạm, chị đã cùng đồng đội kịp thời chuyển thương binh đến nơi an toàn. Tận tuỵ với công việc, đi sâu sát với quần chúng nên chị rất giỏi trong công tác binh vận, đã vận động được 25 gia đình binh sĩ nguỵ gọi chồng con bỏ hàng ngũ địch về nhà làm ăn. Ở Xẻo Rô, tỉnh Kiện Giang có một bà mẹ mua bán trái khóm, dùng ghe của mình trong 2 tháng chở 50 lính nguỵ đào ngũ về quê

Với vai trò là “tai mắt của Đảng, của Quân đội”, các chiến sĩ tình báo đã cung cấp nhiều thông tin vô cùng giá trị, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước với đỉnh cao là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Xuân năm 1975. Đây là thắng lợi của sức mạnh tổng hợp với nhiều yếu tố, trong đó có sự đóng góp rất quan trọng của lực lượng tình báo, quân báo. Họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Quân đội giao phó, đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước, viết nên trang sử hào hùng của ngành Tình báo Quốc phòng Việt Nam.

Từ ngày thành lập đến nay, 78 năm một chặng đường gian lao mà anh dũng, vinh quang và trách nhiệm với những chiến công xuất sắc trên mặt trận thầm lặng; lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ ngành Tình báo Quốc phòng Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử cách mạng, mỗi bước đi mỗi thăng trầm, mỗi bi thương và hùng tráng để viết nên những trang sử riêng của thời đại mình, giàu sự tích và mang đậm chất huyền thoại. Những câu chuyện có thật, những nhiệm vụ khó khăn mà các má, các chị dũng cảm vượt qua.

                                   Tp. Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 12 năm 2023

                                                       Nguyễn Thị Thắm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *