NỮ THANH NIÊN XUNG PHONG KIÊN CƯỜNG, ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VÕ TRANG NHÂN DÂN VÕ THỊ HỒNG LÁNG

Anh hùng Lực lượng võ trang nhân dân (AHLLVTND) Võ Thị Hồng Láng tên thật là Võ Thị Hồng (1950 – 1968), quê ở xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Cô Võ Thị Hồng Láng là con gái thứ tư trong gia đình có sáu anh chị em. Cha cô là ông Võ Văn Quý, do kiệt sức vì khai phá vùng đất mới, sinh bệnh nên mất sớm. Mẹ  cô đi bước nữa nên mấy anh chị em cô tự bảo bọc, chăm sóc lẫn nhau. Từ nhỏ, cô Hồng Láng vốn tháo vát, cấy lúa rất giỏi, tính tình cương nghị và do tự lập từ nhỏ cùng với việc không được ở gần mẹ nên gương mặt cô luôn phảng phất nét buồn.

Do gia đình không đến nỗi khó khăn nên cô Hồng Láng được học đến lớp 7 và được làm giáo viên ở xã Phong Lạc. Năm 16 tuổi, cô tham gia Thanh niên xung phong. Trong ký ức của người thân, cô Hồng Láng siêng năng, hiếu thảo, cương trực và kiên quyết. Cũng như bao thiếu nữ thời ấy, cô cũng có người yêu và hai gia đình đã hứa hôn. Nhưng vì quyết tâm và căm thù giặc đã dùng bom pháo tàn phá quê hương nên cô tạm gác lại chuyện tình cảm riêng tư và cuộc sống êm ấm bên gia đình, không ngại khó ngại khổ để tham gia lực lượng Thanh niên xung phong trên tuyến đường 1C. Trước quyết định của cô, cả nhà đều bất ngờ. Hai người đang yêu cùng hứa hẹn khi hoà bình, nếu còn sống sẽ lấy nhau. Và chiến tranh chia cắt, sự khốc liệt đã tàn nhẫn đã mang cả hai chiến sĩ cách mạng hy sinh, họ không thể thực hiện được ước nguyện như đã hứa.

Năm 1968, trong một chuyến vận chuyển hàng chiếc lược  từ Campuchia về miền Nam khi băng qua Giồng Cát kênh Vĩnh Tế, đến khu vực Tà Êm thì bất ngờ bị địch phục kích. Địch đông và mạnh hơn gấp nhiều lần về hỏa lực, chúng nổ súng, xối đạn vào đội hình đoàn Thanh niên xung phung. Nhưng lập tức, địch gặp phải sự chống trả quyết liệt, dũng cảm của các nữ Thanh niên xung phong. Sau những phút chống trả quyết liệt, toàn đội vượt vòng vây về đến trạm, tập trung toàn đơn vị kiểm tra quân số còn thiếu 2 người: đó là, cô Võ Thị Hồng Láng lúc này ở đội Nguyễn Việt Khái 2 cùng cô Tám Hoa. Cô Tám Hoa bị thương nhưng nhờ vào sự bình tĩnh và mưu trí đã lấy tro đồng cháy xoa khắp người và ém kỹ vào bụi cây nên địch không phát hiện được. Riêng cô Võ Thị Hồng Láng vì bị thương nặng nên đã hôn mê, địch phát hiện và đưa lên xe bò chở về đồn Vĩnh Điều. Địch muốn cô phải sống để khai ra kho đạn dược và nơi đóng quân của Liên đội TNXP, hòng dập tắt tuyến đường vận chuyển hàng chiến lược, nơi quyết định vận mạng của chiến trường miền Tây Nam Bộ.

Mặc dù, bị tra tấn, dụ dỗ, thuyết phục nhưng vẫn không mua chuộc được tấm lòng kiên trung của người con gái đất Mũi Cà Mau. Cô Hồng Láng đã dũng cảm cắn lưỡi quyên sinh (theo lời kể của đồng đội cô Đoàn Hồng Thắm) để bảo vệ đồng chí, đồng đội của mình và tuyến đường huyết mạch vào năm 1968. Những tên địch vô cùng kinh ngạc khi chứng kiến “cách” cô chọn cái chết cho mình, cho tự do, độc lập của dân tộc. Tấm gương nữ anh hùng Võ Thị Hồng Láng cỗ vũ đồng đội hoàn thành nhiệm vụ nơi tuyến đường 1C – nơi mà “sắt thép có thể bị nung chảy”.

Với gương chiến đấu dũng cảm và hy sinh cho tổ quốc quyết sinh, năm 2006 cô Võ Thị Hồng Láng được truy tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”. Đây là, một trong những “bông hoa” rực rỡ của những bông hoa đã phục vụ trên tuyến đường 1C huyền thoại, một trong những bông hoa không tàn phai theo dòng thời gian và lịch sử của TNXP tuyến đường 1C huyền thoại.

                                        Tp. Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 3 năm 2024

                                                      Nguyễn Thị Kim Voanh

                                    Phòng Truyền thông – Giáo dục – Quan hệ Quốc tế

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *