NỮ SINH NGOẠI THÀNH MÙA THU NĂM ẤY …

Đêm 22 rạng ngày 23/9/1945, Pháp xua quân chiếm Sài Gòn. Đáp lời hiệu triệu của Ủy ban kháng chiến Nam bộ, đồng bào miền Nam đứng lên chống giặc. Bên trong thành phố, các chiến sĩ tự vệ lập ra các ổ chiến đấu, không ngừng tấn công địch. Trong khi đó, các lực lượng vũ trang hình thành một vòng vây ven Sài Gòn, chặn đánh địch hành quân ra ngoại thành và các tỉnh lân cận.

Đêm 22 rạng ngày 23/9/1945, Pháp xua quân chiếm Sài Gòn. Đáp lời hiệu triệu của Ủy ban kháng chiến Nam bộ, đồng bào miền Nam đứng lên chống giặc. Bên trong thành phố, các chiến sĩ tự vệ lập ra các ổ chiến đấu, không ngừng tấn công địch. Trong khi đó, các lực lượng vũ trang hình thành một vòng vây ven Sài Gòn, chặn đánh địch hành quân ra ngoại thành và các tỉnh lân cận. Bầu không khí thi đua, giết giặc cứu nước ở ngoại thành Sài Gòn vô cùng sôi nổi. Hầu như không một ai đứng ngoài cuộc khi quân Pháp rắp tâm cướp nước ta lần nữa. Trong số đó, có cả những nữ sinh ngoại thành là những cô gái chân yếu tay mềm, con gái cưng trong những gia đình khá giả sẵn sàng “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”. Các cô Tám Phượng, Thanh Thuyền, Tám Cúc… nhanh chóng hòa nhập vào cuộc chiến đấu gian khổ của đồng bào, trở thành những nhân tố tích cực trong phong trào phụ nữ của Trung Huyện (nay là huyện Bình Chánh).

Cô Hai Thanh Thuyền

Năm 1945, cô Hai Thanh Thuyền đang chuẩn bị kỳ thi “Diplom”. Là con gái duy nhứt trong một gia đình khá giả ở Tân Kiên, cô được cha mẹ cho đi học, được cưng chìu rất mực. Những ngày tiền khởi nghĩa, cô tham gia phong trào Thanh niên Tiền phong (TNTP). Trút bỏ bộ quần áo dài trắng, vận âu phục gọn gàng, chiếc nón bàng rộng vành không che nổi gương mặt ửng đỏ vì rám nắng, cô tập súng, tập võ, đi tước vũ khí Nhật. Cô sôi nổi, hòa vào biển quần chúng ngày cướp chính quyền trong Cách mạng tháng 8. Khi chính quyền được thành lập, cô lao vào phong trào dạy bình dân học vụ, vận động nếp sống mới, tắm em bé…. Giặc Pháp quay trở lại, cô xin cha mẹ đi kháng chiến. Sự “thoát ly” của một cô gái trong sự ràng buộc của một gia đình vốn bị đè nặng tư tưởng phong kiến không dễ dàng chút nào. Mẹ cô vì quá cưng con gái nên không muốn cho con ra đi. Trăm nỗi sợ đè lên tình thương của người mẹ. Sợ mẹ đau lòng, Thanh Thuyền đã trốn nhà ra đi …

Mặt trận Chợ Đệm bị vỡ. Các cơ quan đầu não của ta lần lượt dời vào Vườn Thơm – Bà Vụ. Thanh Thuyền được cử vào Ban chấp hành Đoàn Phụ nữ Cứu quốc Trung Huyện. Cô được dự một khóa học chính trị về Mặt trận Việt Minh ở Láng Le. Hơn nửa thể kỷ đã trôi qua, cô vẫn nhớ rất rõ bài học vỡ lòng của công tác vận động quần chúng gồm những bước tuần tự: Điều tra- Thâm nhập- Tuyên truyền- Kết nạp- Giao nhiệm vụ. Cô nói: “Bài học ấy đã giúp cô tiếp cận với quần chúng rất đắc lực, không chỉ những năm chống Pháp, mà ngay cả thời chống Mỹ”.

Tình yêu đến, cô lấy chồng, sớm làm mẹ. Giặc liên tục càn vào Vườn Thơm, cô đành gửi con về bên ngoại để tiếp tục công tác. “Gửi con đi rồi, đêm trong chiến khu dài dằng dặc, giấc ngủ cứ trằn trọc, day dứt vì nhớ thương con. Ngực căng cứng vì đọng sữa. Bao nhiêu sữa vắt ra là bao nhiêu nước mắt… ”. Bền bĩ, nhẫn nại, cô đã đi suốt cuộc kháng chiến chống Pháp chín năm gian khổ, bám lại vành đai ngoại thành để hoàn thành nhiệm vụ của một cán bộ Hội Phụ nữ. Năm 1954, cô được tổ chức phân công ở lại hoạt động hợp pháp ở Tân Tạo. Năm 1955-1956, chồng bị bắt vào tù, cô vừa hoạt động, vừa nuôi con, vừa chăm sóc gia đình chồng bằng nghề thêu may. Năm 1959, cô bị bắt vào tù, bị khai báo vì “tội danh hoạt động bí mật với vai trò phó bí thư xã”. Biết cô có mang, chúng tra tấn cô rất dữ, hòng ép buộc cô vì đứa con trong bụng mà cung khai. Nhưng cô đã vượt qua những trận đòn, bình thản nhận án 3 năm tù. Trong đề lao Gia Định, lòng cô đau xé khi gặp lại chồng. Ông bị đánh đập tàn nhẫn, người sưng vù, bầm tím trong bộ quần áo tù rách nát, tả tơi. Trở về phòng giam, cô cắt hai ống quần dài đang mặc trên người, may thành chiếc quần đùi gửi cho chồng. Rồi cô sinh con trong nhà tù. Đứa bé trai ấy chào đời trong sự đùm bọc của bạn tù. Cô đặt tên con là Ngô Thanh Khiết, với niềm kỳ vọng vào một tương lai tươi sáng, tốt đẹp cho con; bất chấp hiện thực phũ phàng mà mẹ con cô đang nếm trãi giữa bốn bức tường lao lý. Cậu bé ấy được bảo vệ, nâng niu trong bầu không khí đầy nữ tính của các bạn tù. Cô nói: “Mỗi khi bước vào đợt đấu tranh, bị lấy đi giỏ thăm nuôi, bà xếp khám thấy thằng nhỏ dễ thương tìm cách nhét bánh mì vô song sắt cho nó. Cả tù thường phạm cũng không mất đi tình người, tìm cách chuyển thức ăn cho các cháu bé”.

Ra tù, người mẹ ôm con về Tân Tạo, tiếp tục hoạt động, nuôi giấu cán bộ. Cô Thanh Thuyền hiện nay đang sống với người con trai út Ngô Thanh Khiết ở Tân Tạo. Anh Khiết sau khi đi bộ đội, tiếp tục học đại học và hiện nay là kỹ sư ngành điện lực. Cô nói: “Ở Trung Huyện này có rất nhiều chị em cùng lứa với tôi. Rất nhiều nữ sinh đã ra đi từ mùa thu năm ấy, đã trưởng thành cùng đất nước”.

Cô Tám Cúc

Cô Tám Cúc (Nguyễn Thị Cúc)- một nữ sinh cùng cô Thanh Thuyền hưởng ứng phong trào “xếp bút nghiên”, năm 2000 dù đã 73 tuổi, vẫn kể về những ngày mùa thu lịch sử bằng giọng sôi nổi: “Đang học trung học, năm 18 tuổi, tôi tham gia Thanh niên Tiền Phong. Mẹ không cho đi thoát ly, tôi trốn trong một đám lá rồi men trong rừng lá dừa nước mà đi. May giữa đường gặp đồng chí Nguyễn Văn Tuôi (Bí thư huyện ủy Trung Huyện năm ấy), tôi bày tỏ nguyện vọng được tham gia chiến đấu. Tôi được đồng chí Tuôi giới thiệu qua công tác ở Đoàn Phụ nữ Cứu Quốc. Thực tế cuộc chiến tranh gian khổ khiến một cô gái trẻ vốn được sống trong một gia đình sung túc như tôi không khỏi ngỡ ngàng. Hành trang cho cán bộ đi công tác của chúng tôi lúc đó vỏn vẹn: một hộp quẹt, một cái mền, quần xà lỏn… Tất cả những thứ ấy được đựng trong một cái bòng, sang hơn được may thành chiếc ba lô. Lộ trình công tác phải băng qua những cánh đồng bưng sình lầy nên ai nấy đều mặc quần xà lỏn cho gọn, đến nơi nào đông dân mới lấy quần dài ra ra mặc. Ở Vườn Thơm, nước phèn không uống được, sáng phải lấy trái điều súc miệng. Có những lúc trên đường công tác, phải xắn cao quần đi qua cầu tàu vào ban đêm. Tôi phải lấy bùn tô lên đôi chân trắng nõn cho đen, để địch không phát hiện. Mẹ nhắn về gả chồng cho yên thân nhưng tôi kiên quyết ở lại…”.

Cô nữ sinh năm ấy đã chọn lựa con đường kháng chiến, thích nghi dần với khó khăn, gian khổ như biết cách buộc túm hai ống quần cho đĩa không chun vào “chỗ kín”, biết ăn trầu, ăn khổ qua sống, biết ẳm trẻ con trà trộn vào dân khi có giặc càn… Địch càn vào cơ quan phụ nữ đóng ở Vườn Thơm- Bà Vụ, đốt cháy tan hoang. Cô không bao giờ quên hình ảnh sau trận càn trở về… cô chạy trên đống tro tàn đổ nát, xác bộ đội ngổn ngang, dẫm phải đầu các anh thì chân bật lên, dẫm phải chân thì đầu tử thi bật lên. Cô vừa chạy, vừa gom xác bộ đội vừa khóc…Tình đồng đội, dân quân những năm ấy rất thắm thiết. Cô nhớ có lần đi hành quân cùng bộ đội, qua cánh rừng bị tràm móc, quần áo rách tơi tả. Mấy anh bộ đội nhường khăn cho mấy cô che chỗ rách. Anh bộ đội tên Khai cột quần lên cổ băng qua cánh đồng bưng sình lầy chạy càn cho dễ. Đến khi thoát hiểm, định lấy cái quần xuống ra mắt chị em cho đàng hoàng, nào ngờ cái quần… rơi mất dọc đường từ lúc nào, bí quá, anh chạy lên cơ quan phụ nữ xin cái quần xà lỏn…

Những “nữ sinh” con nhà giàu, hết mực được gia đình nâng niu, cưng chìu, da trắng như bông bưởi, môi đỏ như son từng làm ngẩn ngơ bao chiến sĩ anh hùng năm ấy đã sớm hòa nhập với đồng bào, đồng cam cộng khổ đi suốt hai cuộc trường chinh giữ nước của dân tộc. Trên chặng đường ấy, có những khúc quanh của lịch sử, đời người; nhưng những kỷ niệm của những ngày “ mùa thu năm ấy” vẫn sáng đẹp vô ngần.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 9 tháng 9 năm 2015

Trầm Hương