NỮ BIỆT ĐỘNG SÀI GÒN CÓ BIỆT DANH “CHIM SẮT”

Có thể nói, với rất nhiều thế hệ người Việt Nam, bốn chữ “Biệt động Sài Gòn” luôn có một sức thu hút đến kỳ lạ. Dường như trong nội hàm của bốn chữ ấy luôn có những tính từ: quả cảm, mưu trí, giàu lý tưởng… Từ sau ngày giải phóng, đã có nhiều người đi tìm hiểu về những chiến công của các nữ chiến sĩ biệt động, trong đó một “Nữ Biệt động Sài Gòn” có biệt danh “Chim Sắt”. Nhưng đặc trưng của Biệt động là hoạt động bí mật ngăn cách, giấu tên bịt mặt, thay tên đổi hiệu từng thời nên có dày công cũng khó tìm ra. Vốn khiêm nhường chất phác và còn nhiều điều ngại không muốn nói ra nên dù đã hòa bình nhưng một số chị vẫn không muốn để lộ tên tuổi, kể  công trạng.

“Chim sắt” Nguyễn Thị Thu Nguyệt (còn gọi là Mỹ Linh), sinh năm 1958 tại Phường 10, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1955, khi mới 11 tuổi, cô bé Lê Thị Thu Nguyệt đã phải sang ở nhà chú vì cha tập kết ra Bắc. Chú ruột Lê Văn Lý hành nghề cắt tóc, thực ra là vỏ bọc để hoạt động cách mạng. Chính cái nôi gia đình, cùng những điều được quan sát, trải nghiệm đã hun đúc trong bà ngọn lửa căm thù giặc và ý chí tham gia cách mạng bảo vệ quê hương, đồng bào. Là thành viên Đội biệt động 159 Biệt động Sài Gòn từ khi mới 14 tuổi, bà đã trực tiếp lập nên những chiến công hiển hách khi tuổi đời còn rất trẻ. Với tính cách hoạt bát, nhanh nhẹn và vô cùng gan dạ, dù bị địch bắt treo lủng lẳng trên cao, phía dưới là chó béc-giê hung hãn, nhưng bà vẫn tỉnh bơ, không hề run sơ. Bởi thế, bà được đồng đội đặt cho biệt danh “Chim sắt”.

Thực hiện theo tinh thần của Nghị quyết 15, tại Nam Bộ phong trào đấu tranh đã chuyển sang kết hợp đấu tranh võ trang với chính trị. Để đồng bào thành phố quen với tiếng nổ và cũng là để hù dọa địch, anh em Đội Biệt động 159 đã nhồi khí đá vào hủ sành nhỏ, đốt cho nổ, không gây sát thương gây thanh thế tiếng tăm uy hiếp đối phương. Bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt tham gia hoạt động cách mạng với nhiệm vụ giao liên, đưa người vào chiến khu, mang tài liệu công văn, vận chuyển vũ khí vào nội thành… và đã cùng đồng đội lập nhiều chiến công, gây hoang mang cho quân địch.

Nhắc đến “Chim sắt” Thu Nguyệt, người ta luôn nhớ đến chiến công làm phát nổ máy bay Boeing 707 của Mỹ năm 1963. Để có thể tiêu diệt máy bay địch, đội Biệt động 159 yêu cầu bà và cán bộ bí số E8 đóng giả làm tình nhân. E8 là nhân viên điều khiển không lưu trong sân bay. Bà Thu Nguyệt giả làm người tình E8 để dễ ra vào sân bay, nghiên cứu mục tiêu. Cả hai mất nhiều thời gian chuẩn bị, đi xem địa thế, nắm bắt quy luật hoạt động của một số máy bay và sân bay… chờ đến khi thời cơ thuận tiện để hành động.

Vai trò tình nhân khiến bà Thu Nguyệt gặp nhiều chuyện hiểu lầm. Bà bị trêu chọc, thậm chí bị vợ E8 đánh ghen… có lúc tưởng chừng bỏ cuộc. Để kế hoạch đưa mìn vào sân bay hoàn hảo, bà dàn dựng bụng mang dạ chữa, bị bà thím bắt gặp mách lại với chú. Người chú đau khổ khuyên: “Cha đã gửi con cho chú nuôi, mong con học hành cẩn thận, nếu con muốn lấy chồng thì về bảo chú, gả cho người ta đàng hàng đừng để ảnh hưởng đến danh dự gia đình”. Lúc ấy, bà chỉ  khóc và đáp lại: “Rồi có ngày con sẽ nói cho chú hiểu, con không bao giờ dám làm điều gì có lỗi với gia đình, với ba con và chú thím”.

Ngày 25/3/1963, bà mang cái bụng bầu chứa thuốc nổ C4 cài đồng hồ hẹn giờ vào sân bay, xách theo một chiếc túi du lịch, giống túi cố vấn Mỹ thường dùng. Sau đó, bà vào nhà vệ sinh, tráo “hàng” trong túi và trong bụng, rồi tiếp tục đánh tráo túi với một cố vấn Mỹ trong phòng đợi.

Theo kế hoạch, quả mìn sẽ nổ khi máy bay cất cánh 15 phút, dự kiến sẽ rơi ở Thái Bình Dương để không ảnh hưởng đến người dân ở dưới. Chiếc Boeing 707 hôm ấy chở 80 cố vấn Mỹ rời Sài Gòn sang San Francisco, quá cảnh sân bay Honolulu được 2 phút mìn mới phát nổ. Toàn bộ máy bay bị phá hỏng. Nếu như hôm ấy, chiếc đồng hồ hẹn giờ không bị trục trặc do máy bay lên độ cao 10.000 m, áp suất không khí khiến nó chạy chậm lại, thì 80 cố vấn Mỹ đã thiệt mạng.

Năm ấy do điều kiện kinh tế của cách mạng khó khăn nên khi đi mua đồng hồ bà chọn chiếc rẻ tiền nhất. Chính vì thế, kết quả đã không được như mong muốn. Tuy nhiên, trận đánh này vẫn được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi lời khen ngợi qua sóng của Đài tiếng nói Việt Nam: “Không chỉ đánh Mỹ ở Việt Nam mà chúng ta còn đánh Mỹ ở ngay nước Mỹ”. Trận này cũng đã mang lại kinh nghiệm rất lớn cho những đơn vị đánh bằng thuốc nổ hẹn giờ.

Còn rất nhiều chiến công mà bà Thu Nguyệt thực hiện cùng đồng đội, như vụ phá hỏng chiếc trực thăng HU1A, phá hỏng kế hoạch triển lãm trưng bày sức mạnh quân sự của chính quyền Sài Gòn vào tháng 10/1962 ngay trước tòa chánh đô Sài Gòn…

Nhiệm vụ chính của bà vẫn là trinh sát, giao liên, khi nào tham gia trận đánh thì lại kiêm cả vận chuyển vũ khí từ căn cứ vào thành. Bao nhiêu năm trời công việc cứ thế trôi chảy, nữ biệt động “Chim sắt” của Quân khu, Biệt động Sài Gòn đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, được cấp trên tuyệt đối tin tưởng.

Năm 1963, bà bị bắt khi đang làm nhiệm vụ giao liên. Suốt mười một năm ở trong nhà tù Mỹ – Ngụy, bao nhiêu cực hình tra tấn “Chim sắt” đều chịu đựng, trải qua. Ba lần bị giải ra Côn Đảo, cứ mỗi lần phong trào đấu tranh trong nhà tù mạnh là chúng nhốt bà trong Chuồng Cọp. “Chim sắt” Thu Nguyệt vẫn giữ vững bản lĩnh người chiến sĩ kiên trung bất khuất. Người con gái mảnh mai sống nơi “ địa ngục trần gian” ấy cùng với con chim nhỏ yếu ớt mà bà lén nuôi trong túi áo, vẫn thường an ủi động viên nhau phải sống đến ngày hòa bình, thống nhất đất nước để được gặp ba.

Cho đến năm 1974, trao trả tù binh, bà Thu Nguyệt trở về Lộc Ninh và được cấp trên trao bằng khen: Bảo vệ khí tiết của người Cộng sản. Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, niềm vui của bà được nhân đôi. Bao nhiêu chiến sĩ miền Bắc báo tin về quê cho gia đình là mình còn sống, còn bà trở ra ngay miền Bắc để được gặp ba.

Kết thúc chiến tranh, trở về đời thường, bà Thu Nguyệt tích cực tham gia công tác xã hội, đảm nhiệm các nhiệm vụ mà tổ chức, đoàn thể giao cho. Bà luôn tận tâm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được nhân dân tin yêu, quý mến. Trước hoàn cảnh khó khăn của đồng đội, gia đình bà đã hai lần từ chối nhận nhà theo tiêu chuẩn dành cho người có công mà tự nguyện nhường lại cho các đồng chí khác khó khăn hơn. Những năm gần đây, cứ vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập quân đội, Ngày giải phóng miền Nam 30/4 hoặc trước Ngày hội tòng quân…, bà thường được các nhà trường, Đoàn thanh niên mời kể chuyện truyền thống để bồi đắp lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ. Bà nói, ở cái tuổi xưa nay hiếm, đó cũng là một niềm vui, một cách để mình cống hiến cho xã hội. Anh hùng Lê Thị Thu Nguyệt cũng như những chiến sĩ Biệt động Sài Gòn đã viết nên huyền thoại đẹp về những người con bất tử, sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp giải phóng và trường tồn của dân tộc

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 13 tháng 10 năm 2022

Nguyễn Thị Kim Voanh

Phòng Truyền thông – Giáo dục – Quan hệ quốc tế

Tài liệu tham khảo:

  1. Mã Thiện Đồng ( 2015), Những Thiên thần đường phố, NXB Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, tr. 26.
  2. https://www.qdnd.vn/xa-hoi/chinh-sach/chien-cong-cua-nu-biet-dong-chim-sat-482062
  3. https://cadn.com.vn/chan-dung-cua-nguoi-nu-biet-dong-sai-gon–post116616.html