NHỮNG QUAN NIỆM TRONG HÔN NHÂN TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI VIỆT MIỀN TÂY NAM BỘ

Theo quan niệm truyền thống của người Việt Nam, hôn nhân không phải là việc hai người lấy nhau mà còn là việc của hai bên gia đình, dòng  tộc. Hôn nhân không chỉ là chuyện của hai cá nhân mà phải gắn với quyền lợi của gia tộc, tập thể cộng đồng. Quan niệm này rất thông dụng ở Bắc Bộ nhưng phai nhạt dần khi đến Trung Bộ và càng phai nhạt hơn trên vùng đất Nam Bộ. Đặc biệt là ở vùng đất Tây Nam Bộ, dù cha mẹ là người khởi xướng hôn nhân đi nữa thì thường vẫn hỏi ý kiến con mình, hoặc thuyết phục con mình trước khi quyết định và việc thuận tình của con cái ít khi bị cha mẹ cản trở. Bởi tại đây, điều kiện xã hội cho phép trai gái có điều kiện tìm hiểu, gần gũi nhau trước khi quyết định nên thanh niên nam nữ vẫn có thể lựa chọn người bạn đời theo khuôn mẫu lý tưởng riêng của mình .

Ảnh từ nguồn: internet

Hôn nhân là mốc đánh dấu sự chuyển đổi từ vị thế là người con trai, con gái thành người chồng, người vợ và chuẩn bị thành người cha người mẹ, từ đời sống cá nhân phụ thuộc vào cha mẹ sang cuộc sống độc lập, thành một gia đình mới. Hôn nhân là sự kiện đánh dấu sự trưởng thành của con người, là việc hệ trọng của một đời người. Hôn nhân trong buổi đầu khai phá vùng đất Tây Nam Bộ nhằm mục đích phát triển dân số nhanh chóng để khai phá đất đai, chinh phục thiên nhiên, biến cải thành một vùng đất trù phú, phục vụ cuộc sống con người hơn là việc quan tâm đến mục đích đáp ứng quyền lợi gia tộc, cộng đồng. Cũng như nhiều dân tộc khác, với người Việt, việc lấy vợ lấy chồng được xem như điều tất yếu. Việc dựng vợ gả chồng cho con trai, con gái đến tuổi trưởng thành là một việc không thể thiếu trong đời sống của mỗi người, là quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi người đối với gia đình, họ tộc, tổ tiên và cũng là hạnh phúc của chính đôi trai gái. Những người đàn bà không có chồng, đàn ông không có vợ được xem là những người không bình thường. Từ “lỡ thì”, “ế vợ” được dành cho những người phụ nữ, thanh niên đã “luống” tuổi mà chưa lập gia đình. Họ ít nhiều bị hàng xóm dị nghị, nhất là với nữ giới.

Việc duy trì dòng dõi là hết sức quan trọng, vì vậy về hình thể người xưa đã có câu: “Ðàn bà đáy thắt lưng cong, vừa khéo chiều chồng, vừa khéo nuôi con”, về gia tộc: “Ăn mày nơi cả thể, làm rể nơi nhiều con”.  Ngoài ra, kén vợ thì phải tìm được người phụ nữ đảm đang tháo vát để có thể làm ra của cải vật chất đem lại nguồn lợi cho nhà chồng. Kén chồng thì phải tìm được đấng nam nhi là người tài ba để đem lại vinh quang cho nhà vợ. Vì thế có câu “Trai khôn kén vợ chợ đông, gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân”.

Xưa kia, việc dựng vợ gả chồng hoàn toàn do cha mẹ định đoạt theo kiểu “môn đăng hộ đối” nhưng thực tế ở vùng đất Tây Nam Bộ, câu này chỉ đúng với những gia đình giàu có, quyền thế. Qua những trang viết của nhà văn Hồ Biểu Chánh, chúng ta có thể thấy được những cuộc hôn nhân dưới hình thức áp đặt như gả bán, đổi chác, hoàn toàn dựa vào công danh, địa vị, tiền bạc vẫn còn tồn tại trong những năm đầu thế kỷ XX. Nhiều gia đình còn lấy chuyện hôn nhân của con cái làm phương tiện kiếm tiền và coi tiền là yếu tố quyết định chuyện hôn nhân. Đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, giữa quyền lợi gia đình, dòng họ với quyền lợi của cá nhân diễn ra gay gắt. Người dân Nam Bộ đang phân vân giữa những nề nếp, ràng buộc cũ của phương Đông và luồng tư tưởng mới mẻ, tự do của phương Tây. Các nghi lễ trong một lễ cưới vẫn còn nhưng được rút gọn và đơn giản hóa đi rất nhiều.

Ảnh từ nguồn: internet

Bên cạnh đó, người dân Nam Bộ còn có câu “hôn nhân bất luận phú bần” vì thế chẳng nên chú trọng giàu nghèo, tuy nhiên nếu hai bên tương xứng sẽ dễ thông cảm, thấu hiểu nhau hơn. Xã hội sẽ kết án những cuộc hôn nhân chú trọng đến tiền bạc mà vợ chồng bất đồng tuổi tác, bất đồng văn hóa, ngôn ngữ. Trai gái có thể tự do yêu nhau nhưng sau khi tìm hiểu phải báo cho cha mẹ hai bên biết để tác hợp vì xã hội kết án việc trai gái giao tiếp phóng túng, quan hệ bất chính. Luật pháp cấm hôn nhân ba đời nhưng thực tế tại vùng đất Tây Nam Bộ có những dòng họ di cư từ miền Trung, miền Bắc vào vẫn chung sống quay quần cạnh nhau nhiều đời do đó có thể đến năm, sáu đời nhưng vẫn gần gũi, chưa thể kết hôn.

Ngày xưa, khi chưa có quy định tuổi con trai, con gái được phép xây dựng gia đình, các cụ thường nói “gái thập tam, nam thập lục” (nam mười sáu tuổi, nữ mười ba tuổi) được coi là đủ “tiêu chuẩn” để nên vợ, nên chồng. Vì theo đánh giá của các cụ ngày xưa gái 13, trai 16 là đúng tuổi dậy thì, vào lứa tuổi đó trai gái đã hiểu sự đời, bắt đầu có tinh – khí và biết giao cấu, cho nên người Việt có câu ca dao: “Em lấy anh từ thuở mười ba. Đến năm mười tám em đà năm con”. Ở vùng đất Tây Nam Bộ, tục tảo hôn không phổ biến. Khi chọn rể thường phải trên 18 tuổi, chọn dâu phải trên 16 tuổi. Thường thì “nhứt gái lớn hai nhì trai lớn một”.

Luật Gia Long cấm tổ chức hôn lễ trong giai đoạn ba năm tang chế nhưng thực tế ở vùng đất Tây Nam Bộ thì điều đó không được tuân thủ nghiêm ngặt. Thông thường, nếu hai bên gia đình đã định ngày cưới hỏi nhưng đột xuất ông bà cha mẹ qua đời bất ngờ thì hoãn lại 49 ngày hoặc 100 ngày. Đôi trai gái có thể làm lễ xả tang trước để tiến hành hỏi cưới bình thường. Đối với những phụ nữ góa chồng hoặc ly dị chồng nhưng đã làm đủ bổn phận thì cũng được phép tái hôn.

          Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 8 năm 2023

                                                    Phạm Thị Diệu

                                                Phòng Hành chánh – Tổng hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *