NHỮNG BÔNG HOA TRÊN TUYẾN LỬA 1C

NHỮNG BÔNG HOA TRÊN TUYẾN LỬA 1C

Những ngày cuối tháng năm 2023 và đầu năm 2024, chúng ta nghe báo chí nhắc nhiều về tuyến đường 1C với các tiêu đề “Đường 1C huyền thoại: lưu giữ tuổi xuân của thanh niên xung phong miền Tây Nam Bộ”, “Đường 1C huyền thoại lịch sử không lãng quên” (báo Thanh niên ngày 14/10/2023 và 17/12/2023), “Nhớ mãi tuyến đường 1C huyền thoại của thế hệ Thanh niên xung phong” (báo Tuổi trẻ ngày 14/10/2023)… Bạn có thắc mắc vì sao tuyến đường 1C được nhắc nhiều vào thời điểm này? Vì sao gọi là đường 1C? và đường 1C nằm ở đâu?

Những ngày cận Tết Giáp Thìn 2024, viên chức Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tiếp tục hành trình đến các tỉnh Cần Thơ, Cà Mau và Kiên Giang để gặp gỡ các cô cựu nữ TNXP trên tuyến đường 1C chuẩn bị cho chương trình giao lưu.

Sau khi Hiệp định Genève 1954 về Đông Dương được ký kết, đánh giá phong trào đấu tranh cách mạng lúc bấy giờ, Đảng ta nhận định, lực lượng cách mạng miền Nam thay đổi không có lợi cho cách mạng miền Nam, vì bộ máy chính quyền Sài Gòn đang ráo riết thi hành chính sách “tố cộng, diệt cộng”, lập các khu trù mật, gây ra nhiều vụ thảm sát. Trước tình hình đó, tháng 1/1959 Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành trung ương Đảng (khóa II) đã thông qua nghị quyết về đường lối cách mạng của miền Nam. Tư tưởng chỉ đạo cực kỳ quan trọng, để chuyển cách mạng miền Nam sang bước chuyển biến mới có tính nhảy vọt, là nhân dân miền Nam phải dùng “con đường bạo lực” để tự giải phóng mình, ngoài ra không còn con đường nào khác.

Cuộc cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam đã bước vào giai đoạn mới ngày càng gay go, quyết liệt. Muốn cách mạng thắng lợi, miền Bắc phải chi viện cho chiến trường miền Nam. Nếu chỉ trông chờ vào lực lượng vận chuyển đường bộ, các tỉnh Nam Bộ sẽ rất thiếu vũ khí. Ngay lập tức, tháng 7/1959, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tham mưu quyết định thành lập Tiểu đoàn vận tải thủy 603, có nhiệm vụ vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. Để bảo đảm bí mật, Tiểu đoàn 603 ẩn dưới tên gọi là “Tập đoàn đánh cá sông Gianh”. Họ là những người đầu tiên làm nên con đường huyền thọai trên biển. Trong khi chờ để tìm ra một phương thức vận chuyển vũ khí bằng đường biển vào miền Nam, Trung ương Đảng chỉ thị cho các tỉnh Nam Bộ chuẩn bị bến bãi và cho tàu thuyền ra miền Bắc, vừa thăm dò vừa nghiên cứu mở đường.

Lúc bấy giờ, tại miền Nam thực hiện tinh thần của Nghị quyết 15 (Khoá II), nhân dân miền Nam và đặc biệt là “đội hình phụ nữ” đã sáng tạo ra phương châm “2 chân 3 mũi” và đã thể hiện nó trong từng đợt đấu tranh, trong từng chiến dịch, bẽ gãy nhiều cuộc càn quét của địch. Khởi đầu từ phong trào Đồng Khởi – Bến Tre (17/01/1960) và phát triển mạnh mẽ cao trào Đồng Khởi tại các tỉnh, thành Nam Bộ. Đồng bào miền Nam phải đánh giặc bằng các loại vũ khí thô sơ tự tạo như tầm vông, giáo mác, gậy, hầm chông…

Vì sao là tên gọi đường 1C (hay đường 1-C)

Trước tình hình đó, ngày 23/10/1961, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Đoàn vận tải thuỷ 759 có nhiệm vụ vận chuyển vũ khí chi viện chiến trường miền Nam bằng đường biển. Với phương thức vận chuyển là chủ động, bí mật, bất ngờ, lợi dụng sơ hở của địch để đưa hàng vào bến; đồng thời phải có sẵn phương án thật linh hoạt, mưu trí, đối phó với địch, khi bị lộ thì kiên quyết chiến đấu bảo vệ hàng, nếu cần có thể cho huỷ tàu để giữ bí mật con đường vận chuyển trên biển.

Cuối thập niên 1960 và những năm đầu thập niên 1970, Khu Tây Nam Bộ phải tiếp nhận chi viện của Trung ương bằng con đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. Từ tháng 6/1967, con đường tiếp tế của Trung ương về chiến trường Khu Tây Nam Bộ bằng đường biển bị địch phát hiện, không còn được thuận lợi như trước. Trong tình hình đó, tuyến đường vận tải 1C được hình thành dưới sự chỉ đạo của Khu uỷ, Khu Đoàn Tây Nam Bộ và Bộ Tư lệnh Quân khu 9 thực hiện. Tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trên tuyến đường 1C là lực lượng Thanh niên xung phong.

Dưới sự chỉ đạo của Khu ủy, Khu Đoàn Thanh niên Khu 9 tập hợp 06 Tỉnh Đoàn nhanh chóng triển khai. Từng Tỉnh Đoàn lên khung vận động tổ chức, huấn luyện Thanh niên xung phong, lấy phiên hiệu riêng cho mình dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy. Cà Mau lấy phiên hiệu tên là Nguyễn Việt Khái I, II, III; Sóc Trăng lấy phiên hiệu tên là Mai Thanh Thế; Cần Thơ lấy phiên hiệu tên là Tây Đô; Rạch Giá lấy phiên hiệu tên là Hòn Đất; Vĩnh Long và Trà Vinh chưa kịp lấy phiên hiệu phải lên đường.

Những năm 1966-1967 cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở khu vực miền Tây Nam Bộ lên cao trào, cả nước tập trung chi viện cho chiến trường miền Nam và khu Tây Nam Bộ. Trong tình hình đó, yêu cầu về vũ khí đạn dược cho chiến trường cần nhiều hơn và để chớp lấy thời cơ khi cần thiết. Đường vận chuyển do Đoàn 962 (nay là Lữ Đoàn 962. Lữ Đoàn 962 cùng với Lữ Đoàn 125, Quân chủng Hải quân làm nên con đường huyền thoại “Đường Hồ Chí Minh trên biển) đảm trách.

Sau một thời gian hoạt động thuận lợi, địch bắt đầu để ý và phong toả, việc vận chuyển chi viện cho Khu 9 bằng đường biển gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, vũ khí và phương tiện chiến tranh chi viện cho miền Nam vận chuyển theo đường Hồ Chí Minh trên bộ (đường Trường Sơn) đã về đến miền Đông Nam Bộ. Việc nối liền đường vận chuyển từ miền Đông về tận mũi Cà Mau để tiếp nhận hàng chi viện là một vấn đề cấp thiết. Vì vậy, tuyến đường 1C ra đời.

Tuyến đường 1C trải dài qua các tỉnh, thành Tây Nam Bộ

Đường 1C nối tiếp đường Hồ Chí Minh trên bộ, từ Tây Ninh, đi trên đất bạn Campuchia, qua biên giới Việt Nam tại Vĩnh Điều (nay thuộc huyện Giang Thành), băng qua rừng tràm Hà Tiên, vượt kênh Tám Ngàn, Mốp Giăng, qua lộ Cái Sắn… về đến Cái Nứa, Ba Đình (huyện U Minh Thượng).

Tuyến đường vận tải từ miền Bắc vào miền Đông Nam Bộ gọi là 1A. Từ miền Đông Nam Bộ về biên giới trạm 195 (Đoàn 195) là 1B. Từ trạm 195 về đến Cà Mau bằng nhiều nhánh đi khác nhau là đường 1C. Tổng trạm 95 của Đoàn 195 đóng ở Sóc Chuốt, huyện Stucmía, tỉnh Kam Pốt (Campuchia).

Lực lượng Thanh niên xung phong trên Tuyến đường 1C huyền thoại trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngoài nhiệm vụ làm làm dân công hỏa tuyến, xây dựng các con đường phục vụ kháng chiến, giao liên dẫn đường cho bộ đội, vận chuyển thư từ, hàng hoá, vận chuyển thương binh về tuyến hậu cần để phục vụ cho tiền tuyến. Nhưng có ai biết được rằng, để hoàn thành được nhiệm vụ đó, những nam – nữ thanh niên xung phong ấy còn phải chiến đấu quyết liệt với địch để mở đường mà đi, bảo vệ người, bảo vệ hàng, quyết tâm bám trụ giữ vững đường 1C thông suốt. Ngày lo đánh địch, sát cánh chiến đấu cùng bộ đội. Đánh xong trận, bộ đội có thể rút đi, nhưng họ vẫn phải bám lại để bảo vệ tuyến đường, những trận mưa bom, đạn pháo dội xuống khốc liệt hơn trước. Khi đêm về, mỗi người một xuồng vận chuyển hàng suốt đêm theo dọc kênh rạch, sông ngòi.

Như vậy, địch chặn đường vận chuyển này thì ta mở đường vận chuyển khác. Đầu tháng 9/1967, Liên đội I được hình thành từ một Đại đội Nguyễn Việt Khái (Cà Mau), một Đại đội Tây Đô (Cần Thơ), một Đại đội Hòn Đất (Rạch Giá), cùng một Đại đội Mai Thanh Thế (Sóc Trăng) và gần 50 lực lượng của Vĩnh Long và Trà Vinh, quân số khoảng 500 người trong đó có 2/3 là nữ, tuổi đời từ 16 đến 20 với 500 TNXP, trong đó có 426 nữ, tuổi từ 15 – 20. Vận chuyển hàng bằng xuồng ba lá, loại xuồng dùng để đi rừng ở vùng Hà Tiên. Mỗi xuồng chở độ 400 -500 kg. Cứ 5 giờ chiều là bắt đầu nhận hàng; nhận hàng xong mỗi người một xuồng, xuất phát đến trạm. Đến nơi đổi xuồng cho người ở trạm rồi quay về liền trong đêm trước khi trời sáng. Trạm kế tiếp lại tiếp tục vận chuyển hàng. Liên đội nhận hàng từ Tổng trạm 95 qua kinh Vĩnh Tế đưa về mé lộ Cái Sắn. Phía Nam lộ Cái Sắn do hậu cần Quân khu huy động dân công dùng vỏ máy đưa về Cái Nứa. Tỉnh đội Rạch Giá, Huyện đội Tân Hiệp chịu trách nhiệm khống chế, tập trung các lô cốt địch trên lộ ở các đầu Kinh Năm, Kinh Sáu, Rọc Bà Ke… để vận chuyển hàng qua lộ.

Hầu hết, đội viên TNXP Liên đội I đều bị mắc những cơn bệnh trầm kha, do phải sinh hoạt vất vả, ăn uống thất thường, lao động nặng nhọc. Do đó, cả đơn vị đều bị lác ngoài da, ghẻ lở đầy mình, nhất là bàn tay, móng tay thì lần lượt rụng hết; chị em phụ nữ thì hầu như ai cũng mắc bệnh phụ khoa. Những vết cắt cứa da phồng rộp, làm mủ có khi cả tuần mới lành. Ban ngày các chị giăng võng ngủ, có người chưa kịp thay quần áo ướt sũng đã lăn ra ngủ ngon lành. Chiều đến, các chị lo tranh thủ nấu cơm ăn, tranh thủ chuẩn bị đầy đủ phương tiện, dụng cụ để đi vận tải. Cơm nước cho bữa ăn càng về sau càng khó nên phải chuẩn bị cơm vắt mang theo. Lâu ngày, nó trở thành nếp sinh hoạt của các anh chị TNXP.

Chiến trường Tây Nam Bộ cần nhiều súng đạn khẩn cấp nên hàng đêm Thanh niên xung phong phải chuẩn bị 120 xuồng (chở khoảng 40 tấn hàng) kiên trì qua kênh Vĩnh Tế; có khi một chuyến hàng phải đi đến lần thứ 23 mới qua được kênh Vĩnh Tế. Kênh xáng “Vĩnh Tế”, còn được mệnh danh là kênh “Vĩnh biệt” với đồn bót địch dầy đặc, cứ khoảng 2500m là có chốt đồn, bót.

Với “địa bàn này hoang dã, đồng trũng lung bào với các khu rừng tràm chỗ dày, chỗ thưa, nhà dân rải rác, mùa nước ngập lụt, mùa hạn khô cháy, đáy đìa xì phèn: Đó là nơi không phải để cho con người tồn tại, nơi xa vắng, lãng quên, u tịch nghìn năm của địa giới biên thuỳ(1). Nhưng tuổi trẻ miền Tây Nam Bộ với các Đại đội Thanh niên xung phong đã chọn làm nơi lý tưởng, bám chắc từng tấc đất, từng gốc cây, bụi cỏ, hang núi, bờ kinh… biến nơi hoang thiêng thành đất sống để làm nhiệm vụ vận chuyển “hàng” quân sự và đưa rước cán bộ, bộ đội, thương bệnh binh ở tuyến đường huyết mạch “chăm lo” cả chiến trường miền Tây Nam Bộ nói riêng và vùng đồng bằng nói chung.

Đền thờ các anh chị thanh niên xung phong hy sinh trên tuyến đường 1C

Lịch sử và truyền thống của TNXP tuyến đường 1C gắn với kênh Vĩnh Tế và những địa danh được tô điểm bằng máu của tuổi trẻ miền Tây Nam Bộ như Hòn Đất, Mo So (Kiên Giang), Cô Tô (An Giang)… Trong suốt những năm tháng hoạt động trên Tuyến đường máu lửa 1C cho đến khi tuyến đường chấm dứt hoạt động đã có 327 TNXP bị thương tật, hy sinh 399 TNXP và 50 anh chị TNXP vẫn chưa tìm được hài cốt. Những con số chỉ nói lên một phần nào đó sự hy sinh, mất mát. Chỉ những người trực tiếp tham gia và chứng kiến mới thấm cái cảnh, đồng đội hy sinh ngay mùa nước lũ dâng cao, không thể chôn cất liền, phải mang những thân xác loang lỗ vết thương, không còn nguyên vẹn, cuộn tròn trong chiếc chiếu, gác tạm trên những cây tràm, đợi nước rút mới chôn cất. Vì thế, mộ của các anh chị TNXP nằm rải rác hình thành 03 cụm nghĩa trang chính ở vàm kinh Chiến Thắng, Gộc Xây nhỏ và bờ đìa, gò cát trong rừng – nơi các anh chị từng sống, từng đi qua và rồi gửi tấm thân lại đó mãi mãi trên đất mẹ.

  • Nhận định của các đồng chí nguyên là Ban lãnh đạo Khu Đoàn Tây Nam Bộ Lê Văn Bình, Nguyễn Duy Quờn, Huỳnh Trọng Nghĩa

Sau 49 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 08/01/2024, Uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên Giang tổ chức lễ khởi công xây dựng “Đền thờ lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong hy sinh trên tuyến đường 1C”  tại huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang. Vậy là sau bao năm chờ đợi các anh chị Thanh niên xung phong trên tuyến đường 1C nói riêng và Lực lượng TNXP có nơi để tưởng nhớ đồng đội mình.

Năm 2007, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ thực hiện nghiên cứu, sưu tầm tư liệu và gặp gỡ các nữ TNXP tuyến đường 1C tại các tỉnh Tây Nam Bộ. Dưới ngòi bút sắc sảo của mình, nhà văn Trầm Hương, lúc bấy giờ là viên chức phòng Tuyên truyền – Thuyết minh – Thư viện của Bảo tàng đã có những bài viết chạm đến trái tim. Sau chuyến thực địa nghiên cứu ấy, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã nhận được sự tin yêu, uỷ quyền của doanh nghiệp Golf Long Thành thực hiện trao tặng 100 căn nhà tình nghĩa cho các cô, chị Thanh niên xung phong ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, với tổng trị giá 5 tỷ đồng. Đây là một trong những hoạt động có ý nghĩa của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ nhằm tri ân, thể hiện sự biết ơn với các cô, các chị nữ TNXP trong kháng chiến nói chung và những nữ TNXP truyến đường 1C nói riêng.

Nhân sự kiện này, góp vào công tác tuyên truyền giáo dục, giúp các bạn hiểu hơn về Tuyến đường 1C, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tổ chức chương trình giao lưu, gặp mặt các cô TNXP làm nhiệm vụ trên đường 1C, với chủ đề “Những bông hoa trên tuyến lửa 1C” vào lúc 8g00 ngày 22 tháng 3 năm 2024 tại Bảo tàng.

 

                                                            Tp. Hồ Chí Minh, ngày 21 tháng 3 năm 2024

                                                                    Nguyễn Thị Thắm

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *