NHỮNG NGƯỜI PHỤ NỮ LÃNH ĐẠO PHONG TRÀO KHỞI NGHĨA Ở NAM KỲ NGÀY 23/11/1940

Tháng 6/1940, nước Pháp bị quân đội Đức Quốc xã xâm lược và chiếm đóng. Nhân cơ hội này, tháng 9/1940, đế quốc Nhật Bản xâm lược bán đảo Đông Dương từ tay Pháp. Từ đây, Việt Nam bị hai thế lực cùng thống trị là thực dân Pháp và phát xít Nhật, nhân dân phải chịu cảnh “một cổ hai tròng”. Đảng Cộng sản Đông Dương nêu cao khẩu hiệu: “Không một tên lính, không một đồng xu cho chiến tranh đế quốc” và đã được nhân dân tích cực hưởng ứng nên phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ngày càng phát triển

                Ngày 20/11/1940, Ban Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ cho họp khẩn cấp, quyết định cho tất cả các nơi nổi dậy. Ngày 21/11/1940, Thường vụ Xứ ủy ra thông báo cho các cấp, cuộc khởi nghĩa sẽ bắt đầu vào lúc 24 giờ khuya ngày 22/11/1940, đó là ngày cuối tháng không trăng, trời tối, địch dễ lơ là, mất cảnh giác, có lợi cho ta khi nổi dậy. Cả Nam Bộ rạo rực không khí chuẩn bị. Nhiều cuộc biểu tình nổ ra giữa ban ngày. Có nơi, khi bọn mật thám kéo đến bắt cán bộ, nhân dân nổi trống, mõ uy hiếp, đánh tháo. Các đội tự vệ, du kích dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các đồng chí Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu phát triển ngay ở những xí nghiệp lớn ở Sài Gòn như Ba Son, nhà đèn Chợ Quán, trường Bách Nghệ… ở nông thôn phần lớn các xã đều có từ một tiểu đội đến một trung đội du kích. Làng nào cũng có lò rèn ngày đêm sản xuất vũ khí. Nhân dân góp nồi đồng, mâm thau, lư hương để du kích đúc đạn. Phong trào chống chiến tranh, chống bắt lính với khẩu hiệu không một người lính, không một đồng xu cho đế quốc diễn ra sôi nổi trong nhân dân và binh lính.

Cuộc khởi nghĩa đã nổ ra từng nơi trong các tỉnh: Biên Hòa, Gia Định, Chợ Lớn, Tân An, Mỹ Tho, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu… Ở những nơi nổ ra cuộc khởi nghĩa thì phụ nữ làm liên lạc, tiếp tế, cứu thương, tham gia lực lượng vũ trang cướp chính quyền. Nhiều chị em phụ nữ đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy các cuộc khởi nghĩa ở một số địa phương, cụ thể như sau:

1. Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Thị Bảy (1912-1941), Tỉnh ủy viên Tỉnh Chợ Lớn, Bí thư Huyện ủy Cần Giuộc, chỉ huy khởi nghĩa Nam Kỳ tại Cần Giuộc (Long An).

Bà sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, mồ côi mẹ, làm nghề đốn củi ở Rừng Sác để kiếm sống. Bà lập gia đình với người đàn ông tên Ớt, cũng là người đốn củi ở Rừng Sác. Cả hai đều tham gia cách mạng và được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Trong công tác, bà luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ nên đã được tín nhiệm vào công tác tại Quận ủy Cần Giuộc, Tỉnh ủy Chợ Lớn. Khi chuẩn bị khởi nghĩa, bà được phân công chỉ đạo các lực lượng cách mạng ở 3 xã: Phước Lai, Long Đức Đông, Long Hậu Tây. Lực lượng khởi nghĩa đã sẵn sàng, đến thời giờ khởi nghĩa bắt đầu, lực lượng cách mạng do Bà lãnh đạo đã xông vào chiếm đồn, lấy súng, phá tề, lập chính quyền cách mạng, đến ngày 26/11, lực lượng của ta đã làm chủ được tình hình.

Nhưng đến ngày 27/11 thì Pháp đưa lính lê dương xuống đàn áp, đốt nhà, bắt người, giết dân. Lực lượng du kích đã chống trả suốt 15 ngày nhưng sau đó phải rút về Rừng Sác để bảo tồn lực lượng. Ngày 26/12/1940, trong lúc đi công tác về đến bến đò Rạch Dừa, Bà đã bị giặc bắt và tra khảo rất dã man nhưng không khai thác được tin tức gì và Bà bị tòa án quân sự kết án tử hình. Đến ngày 5/4/4941, Pháp đã xử bắn Bà tại sân banh Cần Giuộc. Trước lúc mất, Bà đã nói với đồng bào Cần Giuộc “Đồng bào hãy tiếp tục đấu tranh đánh đế quốc Pháp giành lại độc lập dân tộc. Kỳ này khởi nghĩa thất bại, kỳ sau nhất định thành công”.

2. Bà Nguyễn Thị Thập (1908-1996) tham gia Ban Chấp Hành khởi nghĩa Nam Kỳ tại Mỹ Tho, chỉ đạo cánh quân đánh đồn Tam Hiệp tại xã Long Hưng (Tiền Giang).

Bà được phân công trong Ban chỉ huy khởi nghĩa, theo dõi chỉ đạo cánh quân đánh đồn Tam Hiệp. Ngay trong đêm, cánh quân đánh đồn Tam Hiệp xuất phát, trống mõ nổi lên đều khắp, đến 12 giờ trưa thì lực lượng khởi nghĩa đã hạ xong các đồn Tam Hiệp, Thạnh Phú, Chợ Giữa, Phước Thạnh, Cầu Đúc. Ủy ban khởi nghĩa cử Chính quyền cách mạng và cử Tòa án nhân dân, đồng thời chỉ định một đại đội du kích đi theo ủng hộ đồng bào đến kho thóc của một số nhà giàu chở thóc đi xay giã để cung cấp cho quân khởi nghĩa và phát chẩn cho đồng bào nghèo.

3. Bà Hà Thị Lan (1909-1992) Tỉnh ủy viên Vĩnh Long, Bí thư Huyện ủy Vũng Liêm, chỉ huy khởi nghĩa Nam Kỳ tại Vũng Liêm.

Bà Hà Thị Lan hay còn gọi là Nguyễn Thị Hồng đã trực tiếp chỉ huy 50 chiến sĩ xung kích và 300 dân làng tiến đánh quận Vũng Liêm. Kết thúc trận đánh, ta thu toàn bộ súng đạn, lập Chính quyền cách mạng và Tòa án cách mạng.

4. Bà Ngô Thị Huệ (sinh năm 1919)- Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, chỉ huy khởi nghĩa Nam Kỳ tại Vĩnh Long.

Kế hoạch chung của tỉnh Vĩnh Long là sẽ tiến hành khởi nghĩa ở quận Châu Thành và thị xã Vĩnh Long và Bà Ngô Thị Huệ đã được giao nhiệm vụ lãnh đạo cuộc khởi nghĩa. Tuy nhiên, kế hoạch khởi nghĩa tại thị xã bị bại lộ, địch đề phòng nghiêm ngặt nên Bà đã kịp thời chuyển hướng chiến thuật, điều nghĩa quân quay lại phía sau đánh chiếm các đồn bót lẻ và tuyên truyền vũ trang bao vây thị xã. Bà đã dẫn đầu một đội nghĩa quân đánh vào thị trấn Long Hồ, sau đó rút về Rừng Dơi.

Cuộc khởi nghĩa không đạt được thắng lợi như mong muốn nhưng khởi nghĩa Nam Kỳ là một tấm gương sáng chói về tinh thần kiên cường bất khuất của nhân dân Việt Nam. Qua trận thử lửa này, quần chúng càng gắn bó với Đảng, càng tôi luyện chí khí cách mạng, củng cố nhận thức: Con đường sống duy nhất của dân tộc là phải dùng bạo lực cách mạng đập tan bạo lực phản cách mạng của bọn đế quốc và phong kiến, giành lại độc lập tự do. Cũng từ cuộc khởi nghĩa này, hàng trăm cán bộ phụ nữ qua đấu tranh rèn luyện đã được cử vào các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền tỉnh, huyện, xã và từng bước khẳng định vai trò của phụ nữ trong công cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.

                                      Tp.Hồ Chí Minh, ngày 16 tháng 11 năm 2012

                                                               Phạm Thị Diệu