NHÂN NGÀY BÁO CHÍ VIỆT NAM ( 21/6/ 1925 – 21/6/ 2021) , CÙNG NHÌN LẠI HAI TỜ BÁO PHỤ NỮ ĐẦU TIÊN Ở VIỆT NAM

Báo Thanh niên số 1 ra ngày 21/6/1925, tại số nhà 13 đường Văn Minh, Quảng Châu, Trung Quốc, đánh dấu sự ra đời của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Ngôi nhà số 13 đường Văn Minh cũng chính là trụ sở Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội – tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tại đây, báo được chuyển về nước bằng nhiều con đường bí mật và được phổ biến rộng rãi trong nhân dân, tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam. Do ý nghĩa đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra Quyết định số 52 ngày 05/02/1985 lấy ngày 21.6 hằng năm làm Ngày báo chí Việt Nam nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí.

altTrước khi báo Thanh niên xuất bản số đầu tiên, có nhiều tờ báo đã ra đời và phải kể đến là báo Nữ Giới Chung. Đây là một trong 6 tờ báo xuất bản theo chủ thuyết của Toàn quyền Đông Dương A. Sarraut, thuộc dòng báo chí công khai hợp pháp. Báo Nữ Giới Chung là tờ báo phụ nữ đầu tiên ở Việt Nam. Vì thế, việc Nữ Giới Chung ra đời là một điểm mốc quan trọng trong lịch sử báo chí Việt Nam. Tuy nhiên, báo sống không lâu. Nữ Giới Chung là tờ tuần báo, xuất bản ngày thứ sáu, ra số đầu tiên vào thứ sáu, ngày 01/02/1918. Số cuối ra ngày 19/7/1918, nghĩa là tờ báo chỉ tồn tại được 5 tháng 19 ngày, ra được 22 số.

Xác định đối tượng là “chuyên về đờn bà” và tự nhận là “cơ quan chăm nom về việc quảng khai nữ trí”, Nữ Giới Chung chú trọng đưa ra những quan điểm về vấn đề phụ nữ, từ đó, lý giải, lập luận nhằm làm rõ khái niệm, nội dung nữ quyền – nam nữ bình đẳng; về vai trò của người phụ nữ; phụ nữ chức nghiệp; vấn đề phổ biến kiến thức khoa học cho phụ nữ… Bên cạnh đó, việc Nữ Giới Chung có đề cập đến một số vấn đề văn hóa – xã hội, những tin tức trong nước và thế giới… góp phần làm cho nội dung của tờ báo thêm phong phú và đa dạng hơn.

Nữ Giới Chung, với đối tượng chính là phụ nữ, ngay từ đầu những người sáng lập báo đã mong muốn tờ báo phải là “tiếng chuông thức tỉnh nữ giới”, khơi dậy ý thức dân tộc của người phụ nữ, nhắc nhở người phụ nữ quan tâm đến “vận nước”, “vận giang san”. Gợi lại truyền thống đấu tranh yêu nước của dân tộc, nhắc đến những gương sáng về lòng yêu nước của người xưa được các tác giả Nữ Giới Chung, đặc biệt là bà chủ bút Sương Nguyệt Anh coi như cách thức hữu hiệu phụ vụ cho chủ đích của mình.

Nữ Giới Chung ra đời khi các phong trào theo tư tưởng dân chủ tư sản của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lương Văn Can đã đi vào thoái trào, phong trào vô sản chưa được xác lập ở nước ta, những phong trào vũ trang kháng Pháp đều gặt hái không mấy thành công. Trong bối cảnh chính trị như vậy, với tư cách là một tờ báo của giới nữ, Nữ Giới Chung đã góp những tiếng nói đầu tiên nhằm thức tỉnh ý thức dân tộc cho người phụ nữ. Đó là một thành công đáng ghi nhận của báo Nữ Giới Chung.

Là tờ báo phụ nữ đầu tiên ở Việt Nam, sự xuất hiện của Nữ giới chung được đánh giá là một sự kiện quan trọng đối với dân chúng bấy giờ, đặc biệt là đối với phụ nữ. Nhưng vì lý do tài chính, rất tiếc Nữ giới chung không tồn tại được lâu với độc giả phụ nữ Việt Nam. Sau nửa năm ra mắt, báo phải tạm đình bản vào ngày 19/7/1918. Mặc dù tồn tại trong một thời gian rất ngắn, với vai trò của bà chủ bút Sương Nguyệt Anh, Nữ Giới Chung còn đăng nhiều ý thơ, văn thể hiện thái độ chống Pháp kín đáo của bản báo.

Sau khi Nữ Giới Chung – tờ báo phụ nữ đầu tiên ở Sài Gòn bị đình bản thì tờ Phụ Nữ Tân Văn ra đời. Đây là tờ báo thọ nhất thời kỳ Pháp thuộc (từ tháng 5/1929 đến tháng 4/1935), được phát hành rộng rãi khắp cả ba kỳ.

Tính từ tờ Nữ Giới Chung cho đến Cách mạng Tháng Tám 1945, trong cả nước có hơn 10 tờ báo phụ nữ ra đời, nhưng tất cả chỉ ra được trên dưới 10 số rồi tuyệt tích, như các tờ Phụ nữ Tân Tiến (Huế, 1934), Tân Nữ Lưu (Hà Nội 1935 – 1936), Việt Nữ (Hà Nội, 1937), Phụ nữ Hà Nội (1938 – 1939). Cũng tính đến Cách mạng Tháng Tám, Phụ nữ Tân Văn là tờ tuần báo duy nhất ở Sài Gòn được phát hành rộng rãi khắp cả nước và gặt hái thành công ngoạn mục.

altPhụ nữ Tân Văn có bộ biên tập đầy năng lực cùng những cộng tác viên có tên tuổi. Trong số cộng tác viên, có thể kể: nữ sĩ Vân Đài, Nguyễn Thị Kiêm (tức nữ sĩ Manh Manh), Thiếu Sơn, Quách Tấn, Thượng Tân Thị, Tản Đà, Trần Tuấn Khải, Trần Thanh Mại, Lưu Trọng Lư.

Trong ban biên tập, có 2 chủ bút (thay nhau từng lúc) nổi bật nhất là Đào Trinh Nhất và Phan Khôi. Quán xuyến mọi việc của tờ báo là ông bà Nguyễn Đức Nhuận. Bà (nhũ danh Cao Thị Khanh) là chủ nhân sáng lập, ông là chủ nhiệm. Từ thương trường chuyển sang làm báo, cả hai người đều sớm biết người, thạo việc, thành công trong nghề. Cả hai đều là những người yêu nước, tiến bộ, muốn có phần cống hiến cho đất nước, giúp ích cho đồng bào, đặc biệt là nữ giới, tiếp nối tinh thần truyền thống yêu nước của phong trào Duy Tân hồi đầu thế kỷ.

Trong những năm 1930 – 1935, ở Sài Gòn không có một tờ báo phụ nữ nào có nhiều sáng kiến hoạt động văn hóa xã hội hữu ích như Phụ nữ Tân Văn. Sáng kiến có cái đã được thực hiện, có cái chưa. Cũng có sáng kiến do báo khởi xướng, rồi nhà cầm quyền thuộc địa noi gương làm theo.

Trong hơn nửa thế kỷ ở Sài Gòn (tính đến năm 1975), không có một tờ tuần báo phụ nữ thứ hai nào có vai trò quan trọng và thành công vẻ vang như Phụ nữ Tân Văn. Tóm lại, với quan điểm chính trị, tinh thần tranh đấu cùng những đóng góp trong hoạt động xã hội và sinh hoạt văn học, báo Phụ nữ Tân Văn xứng đáng có vị trí quan trọng trong lịch sử văn học và báo chí miền Nam.

Có thể thấy, phụ nữ Việt Nam bắt đầu làm báo, viết báo từ năm 1918. “Nữ giới chung” là tờ báo đầu tiên minh chứng cho sự bình đẳng giới trên văn đàn Việt Nam. Đặc biệt, bộ “Phụ nữ Tân Văn” được Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ sưu tầm gần như trọn bộ. Từ số 1 ngày 02/05/1929, Phụ nữ Tân Văn đã mở cuộc “trưng cầu ý kiến” các danh nhân trong nước về vấn đề phụ nữ. Trong 14 số báo liên tiếp, mỗi số Phụ nữ Tân Văn đều dành 2 trang đăng bài tranh luận về các vấn đề phụ nữ và nữ quyền rất sôi nổi. Tất cả đều tán thành phụ nữ đi học, đi làm việc, đi hoạt động xã hội…

Ngày nay, Báo chí phụ nữ ở Việt Nam đã và đang tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh phòng, chống các tệ nạn xã hội, lên án các hành vi xâm phạm đến phụ nữ, trẻ em, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của hội viên. Báo chí phụ nữ có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy quyền của phụ nữ và bình đẳng giới. Báo chí phụ nữ sử dụng vai trò, vị thế của mình trong xã hội thông qua các sản phẩm báo chí trực tiếp tuyên truyền về bình đẳng giới làm giảm tình trạng bất bình đẳng giới, định kiến giới.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 16 tháng 6 năm 2021

Nguyễn Thị Kim Voanh

Phòng Truyền thông – Giáo dục – Quan hệ quốc tế

Tài liệu tham khảo

1. Bùi Thị Thanh Hương, Báo Phụ nữ Tân văn: Những việc làm và tư tưởng mới, Tạp chí Khoa học Việt Nam Trực tuyến, số 46 năm 2013

2. Nguyễn Thiên Thụ, Phụ nữ Tân Văn (1929-1939), trích từ Văn Học Quốc Ngữ