NHÀ VĂN LÊ VĂN THẢO VÀ HÀNH TRÌNH TÌM KIẾM NGƯỜI PHỤ NỮ ĐÍCH THỰC

Không hiểu sao, tôi luôn bị ám ảnh bởi những nhân vật phụ nữ trong các tác phẩm của nhà văn Lê Văn Thảo. Đặc biệt, trong tiểu thuyết “Cơn giông”, những người đàn bà của anh quá bí hiểm, vô tình, bạo liệt, thực dụng, cũng quá đỗi trong sáng, ngây thơ.Trầm Hương

Không hiểu sao, tôi luôn bị ám ảnh bởi những nhân vật phụ nữ trong các tác phẩm của nhà văn Lê Văn Thảo. Đặc biệt, trong tiểu thuyết “Cơn giông”, những người đàn bà của anh quá bí hiểm, vô tình, bạo liệt, thực dụng, cũng quá đỗi trong sáng, ngây thơ. Có quá nhiều người phụ nữ bất an, tính khí đồng bóng, nổi loạn trong truyện của anh. Là phụ nữ cầm bút, đôi lúc tôi tự lý giải: “Có lẽ anh là người luôn khao khát một người phụ nữ đích thực của đời mình. Anh khao khát, đi tìm nhưng quá cầu toàn. Và rồi anh thất vọng. Ẩn ức ấy được dồn chứa trong tác phẩm của anh”. Về mặt nào đó, độc giả được hưởng lợi từ cuộc đời không trọn vẹn của anh. Người đàn ông một mình nuôi con trong ngôi biệt thự tĩnh lặng gợi lên quá nhiều những suy diễn. Bất hạnh, cô đơn, trống trải, chông chênh, khát khao… Những cung bậc cảm xúc ấy nào đâu chỉ riêng anh mà những người cầm bút thường được ông trời chọn để trao cho báu vật cô đơn và tĩnh lặng. Những bông hoa sáng tạo thường được phát tích từ sự cô tĩnh. Tạng người nhà văn Lê Văn Thảo trông bề ngoài lạnh lùng, khó gần. Nhưng kỳ thực, anh rất tình cảm, đằm thắm. Con người bên trong của anh như than củi lưu niên, càng vùi càng nồng đượm.

Ấy là những cảm nhận của tôi về nhà văn Lê Văn Thảo sau này. Trước kia, tôi rất ngán vẻ lạnh lùng của anh. Ngán, nhưng khi đọc những quyển sách anh tặng, tôi lại khám phá thế giới bên trong của anh – một con người dào dạt tình cảm, nghĩa hiệp, phớt lờ mọi danh hiệu, hình thức. Một người đàn ông một mình trên chiếc xuồng để khám phá một vùng đất, khám phá bản thân mình, hờ hững những người đàn bà phản bội và thủy chung dành cho mình, lại đau đáu trước số phận những đứa trẻ trôi dạt miền cuối đất. Kiểu người đàn ông ấy ác thay lại rất quyến rủ phụ nữ. Anh có thể tàn nhẫn với mình, với những người đàn bà, không quan tâm đến cảm xúc của họ. Nhưng điều tôi ám ảnh về người đàn ông ấy là lòng tốt của anh dành cho những đứa trẻ cơ nhỡ, côi cút, bơ vơ luôn cần bàn tay nâng đỡ của người lớn…

Càng đọc, nhà văn Lê Văn Thảo càng bí ẩn với tôi. Nhưng cũng thật tình cờ, tôi tìm ra cho mình lời giải đáp về một ẩn số về anh. Ẩn số về những nhân vật phụ nữ trong tác phẩm của anh. Cuộc đời anh có nhiều người đàn bà đẹp. Đó là điều hẳn nhiên. Anh cũng đã có những năm tháng ngập tràn hạnh phúc. Đó là điều chắc chắn. Bởi chỉ có tình yêu nồng nàn của cha mẹ mới cho ra đời đứa con trai xinh đẹp. Những rồi giông tố nổi lên ngay trong cuộc đời thường ngỡ như quá viên mãn với anh. Anh không giữ nổi người phụ nữ tài hoa, xinh đẹp. Hạnh phúc gia đình tan vỡ và anh nhiều năm âm thầm chống đỡ với cơn giông tự trong tâm hồn mình. Anh đã trút bao trải nghiệm cuộc đời lên trang giấy, để cuộc đời có được một gia tài đáng kể về tác phẩm của anh. Cũng thật tình cờ, trong một lần đến thăm anh, tôi tự tìm ra lời giải đáp về một người phụ nữ đích thực trong cuộc đời anh.

Đó là mẹ anh. Bà đường bệ ngự trị trên bức tường phòng khách nhà anh. Phòng khách nhà văn không hề trưng bày Huân huy chương, chỉ có vài vật kỷ niệm và một bức ảnh chân dung của một người đàn bà đẹp, có gương mặt phúc hậu, trong chiếc áo dài màu đen, đôi mắt bà cũng đen và sâu thẳm. Quá ấn tượng về bức ảnh chân dung, tôi hỏi, anh tự hào trả lời: “Người phụ nữ trong bức ảnh này là mẹ anh đó!”. Tôi lặng nhìn bà, lòng vỡ ra nhiều điều… Trở về nhà, tôi gọi điện, xin anh bức ảnh của bà làm bộ sưu tập “Áo dài và những câu chuyện phụ nữ”. Anh không được khỏe nhưng ngay ngày hôm sau, tôi đã nhận được email của anh, với những dòng thông tin: “Hình bà Josephine (má của Lê Văn Thảo) sinh năm 1918, tại Long Xuyên, học sinh trường nữ Áo Tím ở Sài Gòn”. Dòng chú thích ngắn gọn của anh về mẹ gợi cho tôi nhiều điều, thôi thúc tôi đi tìm trở lại những bí ấn giấu trong từng nếp gấp tà áo dài tà áo dài quý phái bà đã mặc ngày xưa, những câu chuyện ẩn chứa trong đôi mắt đen sâu thẳm của bà… Tôi rất muốn được gặp anh, để nghe anh kể về người mẹ. Nhưng tiếp theo sau đó là những ngày anh phải vật lộn với phác đồ điều trị căn bệnh hiểm nghèo. Để đi tìm những ẩn số tiếp theo, tôi tìm gặp những người anh em của anh.

Chị Dương Cẩm Thúy – người em gái út của anh hiện nay là Chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM nói với tôi: “Thứ năm, ngày 14.5.2016 (tức ngày mùng 8 tháng 3 âm lịch) là ngày giỗ của mẹ chị, được tổ chức nhà ông anh ở Thủ Đức. Gặp ảnh, em sẽ biết thêm nhiều chuyện của mẹ anh”. Đúng như chị nói, tôi gặp anh Dương Quốc Đạt, một trong những người con trai của bà Josephine. Anh là người nắm giữ nhiều câu chuyện người mẹ, đơn giản vì bà Josephine sống với anh trong những ngày cuối đời. Bà xuất thân con gái nhà giàu, quê An Giang, đậu vào trường Áo Tím (nay là trường Nguyễn Thị Minh Khai), chỉ vì yêu anh con trai trường Pétrus Ký đi làm cộng sản mà phải ba chìm bảy nổi, chín cái lênh đênh. Bà có tất cả 7 người con. Năm trai, hai gái. Một người con gái của bà là Dương Lệ Chi, hy sinh trong căn cứ rừng miền Đông khi bảo vệ những đứa học trò thân yêu trường Nguyễn Văn Trỗi lúc máy bay Mỹ ném bom. Con trai đầu là Dương Văn Duy (sinh năm 1938), theo cha tập kết ra Bắc, đã mất vì một tai nạn ở Yên Bái. Con trai kế là Dương Ngọc Huy ( sinh năm 1939, sau là nhà văn Lê Văn Thảo.), con trai kế Dương Ngọc Trúc (sinh năm 1943, đạo diễn). Bà Josephine sống với con trai thứ tư Đương Quốc Đạt những năm cuối đời có lẽ vì mối đồng cảm anh cũng là thầy giáo, cùng nghề với bà. Cô con gái út Dương Cẩm Thúy, sinh năm 1954, sau cuộc chia tay, chồng bà đi tập kết ra Bắc. Chị kể: “Rất nhiều năm, chị không gặp lại ba…”.

Trong những năm tháng chồng tập kết ra Bắc, bà Josephine ở lại miền Nam, một mình nuôi đàn con thơ dại 6 đứa, bằng tiền lương nghề giáo bậc tiểu học huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Bà phải chèo chống với bao khó khăn, nhiễu nhương thời cuộc. Khi ấy bà còn xuân sắc, nhiều người đàn ông quyền thế đeo đuổi nhưng bà vẫn kiên tâm, bền gan vững chí chờ chồng. Năm 1962, ông Dương Văn Diêu, chồng bà Josephine vượt Trường Sơn vào Nam, công tác ở Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, phụ trách tiểu ban giáo dục. Bà được móc nối thăm chồng, mang theo hai đứa con trai là Lê Văn Thảo, Lê Văn Duy vào chiến khu. Hai năm sau, bà giao luôn bốn đứa con cho cách mạng. Bà cũng vào luôn căn cứ, công tác ở tiểu ban giáo dục. Thật khó hình dung một người phụ nữ đài các trường áo tím năm xưa sẵn sàng chấp nhận gian khổ, đi cùng chồng con đến cuối cuộc kháng chiến. Hòa bình, bà tham gia Hội nhà giáo yêu nước, sống cùng con trai Dương Văn Đạt cho đến khi qua đời. Ngày giỗ bà, những người con tề tựu trong ngôi biệt thự của anh Đạt ở Thủ Đức. Trong hương khói tưởng niệm, anh Đạt trầm ngâm nói: “Mẹ tôi gốc gia đình không phải nghèo khổ, nhưng do chồng là tham gia cách mạng, bà phải hứng chịu gian khổ, hy sinh. Con đông, chồng đi kháng chiến, bà dốc lòng, bằng mọi giá nuôi con ăn học, nên các con ghi tạc công lao!”.

Có một người mẹ như vậy, tôi hiểu vì sao nhà văn Lê Văn Thảo luôn phải đi tìm kiếm hình mẫu một người phụ nữ hoàn thiện của mình. Người phụ nữ ấy phải mảnh mai, xinh đẹp, dịu dàng, kiên định, tháo vát, nhân hậu như mẹ anh. Nhưng trong đường đời và tiểu thuyết anh gặp quá nhiều người phụ nữ bất an. Đó là một người vợ sẵn sàng bứn anh ra khỏi giềng mối yêu thương; là một phụ nữ nồng nhiệt, tốt bụng nhưng dâm đãng; là một người đàn bà đẹp nhưng toan tính, mưu mô… Tóm lại, những người đàn bà trong đời anh hay tiểu thuyết đều quá bất an. Chỉ có mẹ anh là một chân dung phụ nữ đích thực. May mắn thay, nhà văn Lê Văn Thảo còn giữ được hình mẫu của một người phụ nữ khả kính trong cuộc đời mình! Chắc chắn, những người phụ nữ là một phần quan trọng làm nên những tác phẩm của anh. Cho đến những ngày cuối đời, anh vẫn chưa nguôi nỗi ám ảnh về họ, cả vẻ đẹp lấp lánh phía sau những sần sùi, gai góc. Tôi xác thực điều đó, bởi mấy tháng trước, tôi cùng nhà văn Kim Quyên đến thăm anh ở ngôi biệt thự 162/5 khu dân cư Bình Lợi, anh còn kể nhiều về bí ẩn những người phụ nữ mà anh được gặp.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 9 tháng 01 năm 2017

Trầm Hương