NHÀ THIẾT KẾ ĐINH VĂN THƠ TRAO TẶNG ÁO DÀI CHO BẢO TÀNG PHỤ NỮ NAM BỘ

Vào sáng ngày 4/4/2019, tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã diễn ra vòng chung khảo cuộc thi “Thiết kế và may áo dài cho người big size năm 2019”. Nhân sự kiện này, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã tiếp nhận 3 bộ Áo dài ( Non nước hữu tình, Xuôi dòng Việt Nam và Hà Nội xưa) do Nhà thiết kế Đinh Văn Thơ – chủ doanh nghiệp Áo dài ABC trao tặng. Đây là ba bộ áo dài có những nét độc đáo, lộng lẫy khi tham gia các cuộc thi trên đấu trường nhan sắc trong nước và quốc tế.

Bộ áo dài “Non nước hữu tình” là một trong những trang phục cũng như tác phẩm mà Nhà Thiết Kế Đinh Văn Thơ rất tâm đắc và đặt khá nhiều tâm huyết tình cảm cho trang phục. Với ý tưởng ngẫu hứng khi đi đến các vùng miền và trải nghiệm hòa mình cùng với con người cùng những hình ảnh mộc mạc của Việt Nam. NTK muốn lưu khắc lại những hình ảnh quê hương và lối sống giá trị trong tâm hồn Việt.

alt

Trên chất liệu đũi thô được thiết kế dệt riêng và cắt phối cùng những gam màu ngọt ngào tươi sáng. Kết hợp với lối vẽ tay chạm khắc mộc mạc và điêu luyện, cách bỏ màu loang chuyển sáng tối chuyên nghiệp bằng cả tâm huyết và tình cảm. NTK cùng với hai họa sĩ cựu cội đã mất khoảng hai tháng để cùng nhau tạo nên tác phẩm nghệ thuật ghi ấn lại một hình ảnh rất Việt Nam. Bên ngoài là hình ảnh đô thị cổ của Hội An với những góc phố lồng đèn hay những khu phố cổ cùng lối sống sinh hoạt bình dị, đời thường của những con người mộc mạc chân chất trong những chiếc áo dài nón lá truyền thống, những chiếc áo bà ba bên những gánh hàng rong. Xoay quanh một vùng trời Việt Nam thấp thoáng đâu đó với những mái nhà tranh, nhà sàn siêu vẹo ngã nghiêng mờ ảo trên những bến sông, bến đò. Hình ảnh con người lam lũ, mưu sinh trong những cảnh chợ trên sông, những hình ảnh đánh bắt cá quen thuộc trong lối sinh hoạt hàng ngày đều được NTK cảm nhận rất thơ và rất mộc.

Bộ áo dài “Xuôi dòng Việt Nam” nói về giấc mơ và mong muốn một Việt Nam yên bình, liên kết giao thoa giữa các vùng miền trên cả nước với nhau từ danh lam thắng cảnh, cuộc sống và con người với nhau. Những nhịp cầu nối tiếp chung cùng một dòng chảy và chung một bầu trời, xâu chuỗi sự gắng kết giữa các vùng miền Bắc – Trung – Nam một cách chặt chẽ và rõ nét.

alt

Vẫn chiếc áo dài gấm họa tiết hoa văn nổi màu kem nhẹ nhàng và tinh tế kết hợp cùng áo choàng đen huyền bí. Áo choàng được chọn lọc kĩ lưỡng bằng chất liệu lụa mỏng và organza bóng để may. Bên ngoài trên chất liệu lụa của áo choàng được bao phủ thiết kế theo lối vẽ bột và phun sơn cùng gam màu tối giản loang chuyển màu sắc theo dòng thời gian. Thấp thoáng bên trong là những cánh hồng hạc đang nghiêng mình nhảy múa bên phong cảnh hữu tình của thiên nhiên ban tặng trong lành và thanh mát thể hiện rõ sự bình yên. Phía trên nền trời là bộ ngọc trai được sâu chuỗi và đính kết cầu kỳ, để tô điểm cho trang phục thêm lộng lẫy là chiếc mấn được bọc chỉ tơ kim tuyến vàng và đính kết hạt trai cùng màu với bộ dây rất hài hòa và bắt mắt. Trang phục được thực hiện khoảng hai tháng với ước tính tổng giá trị của trang phục trên 100 triệu đồng. Được biết trang phục cũng được NTK lựa chọn làm trang phục chính tài trợ cho ngươ mẫu Phan Thị Mơ đến với cuộc thi Đại Sứ du lịch thế giới 2018 đã giúp cô tỏa sáng và đăng quang.

Bộ áo dài “Hà Nội xưa” được thiết kế bằng chất liệu lụa đen mờ mang đậm nét hình ảnh phụ nữ Bắc bộ theo form dáng hiện đại, nhưng lại lưu giữ những âm hưởng của Hà Nội thời xưa, một Hà Nội hoài cổ trong tim những người con dân đất Bắc. Trang phục đã từng xuất hiện trong bộ sưu tập “Mộc” của nhà thiết kế Đinh Văn Thơ gửi đến tuần lễ thời trang “Việt Nam International Fashion Week 2016” tại Hà Nội và cũng nhận được rất nhiều lời tán thưởng.

Trên chất liệu lụa đen cùng gam màu trắng xám đen hoài cổ, một khung chợ sầm uất với những hoạt động mưu sinh thường ngày. Hình ảnh con người trong những chiếc áo dài ngũ thân kết hợp với những chiếc khăn mỏ quạ và nón quai thao bên những gánh hàng rong rất mộc mạc và chân chất. Tác phẩm được thêu dệt bởi những nghệ nhân lành nghề họ luôn mày mò chăm chút cho từng đường kim mũi chỉ của mình để tạo nên những hình ảnh thật nhất cùng lối vẽ mây che hiện đại. Phần cổ áo cũng được thêu khắc dấu ấn của Hà Nội 1975 tạo điểm nhấn ấn tượng cho người phụ nữ Việt đương thời hay hiện đại khi khoác lên mình chiếc áo dài Hà Nội cổ, giúp người phụ nữ Việt toát lên được sự dịu dàng thanh thoát, trang trọng nhưng rất huyền bí và hoài cổ.

Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ rất vinh dự là nơi thường xuyên tiếp nhận những bộ sưu tập áo dài do các nhà thiết kế trao tặng. Có thể nói, không nơi đâu có thể làm tốt bằng bảo tàng công việc lưu giữ, trưng bày và giới thiệu đến công chúng những nét độc đáo, lộng lẫy của chiếc Áo dài Việt Nam khiến ai khi đến chiêm ngưỡng cũng sẽ đọng lại chút gì đó trong tâm hồn. Dù thời gian có trôi đi như thế nào sau khi chiêm ngưỡng và nhìn ngắm những bộ áo dài sẽ làm cho chúng ta gợi nhớ lại hình ảnh quê hương Việt Nam đương thời, bình dị, những hình ảnh đậm nét hoài niệm của người dân Việt Nam qua từng thập kỷ ghi dấu mãi trong tâm hồn người Việt.

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 18 tháng 4 năm 2019

Nguyễn Thị Kim Voanh

(nguồn Áo dài ABC)