NGUYỄN VĂN LINH VỚI PHONG TRÀO CÁCH MẠNG CỦA PHỤ NỮ SÀI GÒN TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ VÀ TRONG THỜI KỲ ĐỔI MỚI TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH CỐ TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN VĂN LINH (01/7/1915-01/7/2015)

NGUYỄN VĂN LINH VỚI PHONG TRÀO CÁCH MẠNG CỦA PHỤ NỮ SÀI GÒN TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ VÀ TRONG THỜI KỲ ĐỔI MỚI TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

TS. Nguyễn Thị Hiển Linh

Phó Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ

KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH CỐ TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN VĂN LINH (01/7/1915-01/7/2015)

NGUYỄN VĂN LINH VỚI PHONG TRÀO CÁCH MẠNG CỦA PHỤ NỮ SÀI GÒN TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ VÀ TRONG THỜI KỲ ĐỔI MỚI TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

TS. Nguyễn Thị Hiển Linh

Phó Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ

altSài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, vùng đất lịch sử 300 năm gắn liền với bao mồ hôi và xương máu của những thế hệ cư dân Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định; trong đó, có sự góp sức quan trọng của những người phụ nữ trong gia đình Mười Chức trên cánh đồng Nọc Nạn từ những ngày đầu khai phá mảnh đất phương Nam. Tiếp nối truyền thống anh dũng ấy, thế hệ phụ nữ Sài Gòn đã thực hiện một cuộc cách mạng giải phóng phụ nữ một cách sâu sắc đứng lên chống giặc, cứu nước rất can đảm.

Trong kháng chiến chống Pháp, phụ nữ Sài Gòn hăng hái tham gia nông hội, công hội, có mặt trong hàng trăm cuộc biểu tình, bãi công, anh dũng đương đầu với mọi đàn áp của thực dân, buộc chính quyền thực dân phải nhượng bộ và tiến hành những cải cách xã hội ở một số điểm có liên quan trực tiếp đến phụ nữ như:

– Ngày 4/6/1930, tại quận Hóc Môn hàng trăm phụ nữ giương cao khẩu hiệu đòi yêu sách mà báo “Đuốc nhà Nam” thuật lại rằng: “Mấy bà miệng lưỡi hơn đàn ông”.

– Ngày 23/3/1931, nữ công nhân hãng dầu Phú Xuân – Nhà Bè biểu tình đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống đánh đập…

– Trong phong trào Nam Kỳ khởi nghĩa, phụ nữ Sài Gòn rầm rộ đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ kéo dài đến năm 1945 đòi những quyền lợi thiết thân hàng ngày, cụ thể như: ngày 15/4/1944, toàn thể phụ nữ may quần áo cho Nhật ở đường Chaigneau bãi công đòi bồi thường cho những gia đình chết vì bom đạn. Tháng 8/1944, 5.000 phụ nữ làm việc tại các trại lính Nhật ở Chí Hòa và nữ công nhân xưởng giày Đại Nam bãi công đòi tăng lương…

Qua rèn luyện thử thách từ các cao trào dân chủ trong Nam Kỳ khởi nghĩa, đến Cách mạng tháng Tám, phong trào đấu tranh của phụ nữ Sài Gòn từng bước phát triển, từ đó xác lập vị trí của người phụ nữ trong các lĩnh vực của cuộc kháng chiến [4.5].

Khi Xứ ủy Nam bộ mở Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương vào tháng 11/1959 với sự chỉ đạo của Xứ ủy, đứng đầu là Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam Nguyễn Văn Linh- người đã có kinh nghiệm và sự từng trãi chiến đấu tại chiến trường Nam bộ. Năm l949, đồng chí tham gia Thường vụ Xứ uỷ Nam Bộ. Từ năm 1957 đến năm l960, đồng chí là quyền Bí thư Xứ ủy Nam Bộ. Năm 1960, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Trung ương chỉ định làm Bí thư Trung ương Cục và sau đó là Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Đồng chí đã chỉ đạo nhân dân miền Nam chủ động đối phó với tình thế hiểm nghèo của cách mạng miền Nam, bảo tồn lực lượng, kịp thời chuyển hướng đấu tranh, mở ra cao trào Đồng Khởi rộng khắp chiến trường Nam Bộ.

Tháng 10/1961 tại Hội nghị lần thứ nhất Trung ương Cục mở rộng, Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam Nguyễn Văn Linh đã đề xuất phương châm đấu tranh “2 chân – 3 mũi” với sách lược: “vùng rừng núi, căn cứ kháng chiến thì đấu tranh vũ trang là chính, vùng tranh chấp giữa ta và địch thì đấu tranh vũ trang và chính trị là song song. Vùng đô thị tạm chiếm đấu tranh chính trị là chính, có vũ trang hỗ trợ”. Phương châm này được Hội nghị nhất trí tận dụng suốt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ [8].

A. Nguyễn Văn Linh và phong trào đấu tranh của phụ nữ Sài Gòn trong kháng chiến chống Mỹ

I. Phụ nữ Sài Gòn với phương châm “2 chân – 3 mũi”

Thực hiện phương châm “2 chân – 3 mũi” và xem đây là kim chỉ nam cho phong trào đấu tranh cách mạng, phong trào đấu tranh của phụ nữ Sài Gòn liên tục phát triển với sức mạnh mới, sáng tạo ra nhiều hình thức độc đáo, gắn liền với vai trò phụ nữ, trong đó nổi bật nhất là lĩnh vực đấu tranh chính trị.

Năm 1960, có 1500 cuộc đấu tranh chính trị lớn nhỏ kết hợp với các khẩu hiệu, nhằm chống các chính sách của chính quyền Mỹ-Ngụy; trong đó có một số cuộc đấu tranh tiêu biểu:

– 20.000 đồng bào ở bến Chương Dương kết hợp với hàng ngàn bà con ngoại thành chống Mỹ – Diệm đuổi dân ra khỏi nhà, lấy đất xây dựng trung tâm huấn luyện Quang Trung.

– 10.000 người bao gồm cả vợ và mẹ binh lính ngụy bồng con đến quân trường Quang Trung đòi đưa chồng con về nhà, chống bắt lính.

– 5000 học sinh Pétrus Ký và nữ sinh Gia Long bãi khóa, đòi bãi bỏ lệ phí trường công, phản đối bản án tử hình anh Lê Quang Vịnh, Lê Hồng Tư… [5.326]

Giữa năm 1961, địch thực hiện “chiến tranh đặc biệt” áp dụng quốc sách ấp chiến lược với mục đích tách quần chúng ra khỏi lực lượng cách mạng để tiêu diệt phong trào Đồng Khởi đang lan rộng khắp miền Nam. Phụ nữ Sài Gòn dùng đấu tranh chính trị kết hợp với binh vận và vũ trang, diệt ác phá kìm, phá tan từng mảng ấp chiến lược của địch ở vùng Tân Bình, Bình Chánh, Hóc Môn và nhất là ở Củ Chi – “căn cứ địa” cách mạng của Sài Gòn.

Tại nội thành, tầng lớp nữ công nhân, ni cô, nữ sinh sinh viên, nữ trí thức, nữ tiểu thương 36 chợ xuống đường rầm rộ đẩy Mỹ – Diệm vào thế khủng hoảng chính trị, góp phần đưa đến sự sụp đổ của chế độ Ngô Đình Diệm vào tháng 11/1963, làm phá sản chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ. Và sau đó là hàng loạt các cuộc biểu tình của nữ công nhân hãng dệt Vinatexco vào ngày 01/7/1964, hãng dệt Vymytex ngày 9/8/1964, kéo dài trong 3 tháng đòi thủ tiêu sắc luật 18/64 (cấm biểu tình, cấm hội họp, cấm tự do báo chí…) do chính quyền Nguyễn Khánh ban hành. Các cuộc bãi công này đã làm tê liệt gần như toàn bộ hoạt động của thành phố Sài Gòn trong năm đó, buộc Tổng trưởng Lao động phải hứa giải quyết yêu sách của quần chúng. Phong trào đã đánh dấu bước trưởng thành của phụ nữ đô thị Sài Gòn, trở thành một phong trào mang đầy đủ tính giai cấp, tính dân tộc.

Năm 1965, để cứu vãn tình thế sụp đổ của chính quyền Sài Gòn, Mỹ chuyển sang chiến lược “chiến tranh cục bộ” với hơn 40 vạn quân Mỹ và gần 1 triệu quân Ngụy. Sài Gòn giai đoạn này trở thành nơi tập trung những tệ nạn xã hội do lính Mỹ và đồng minh gây ra. Phong trào đấu tranh chính trị của phụ nữ Sài Gòn giơ cao khẩu hiệu: đòi bảo vệ nhân phẩm người phụ nữ Việt Nam, đòi Mỹ cút về nước, chống lập các khu mại dâm công khai…

Những hình thức tập hợp lực lượng của phụ nữ nhanh chóng ra đời như:

– Phong trào “Bảo vệ nhân phẩm và quyền lợi phụ nữ” (6/1966) do bà Phan Thị Của làm hội trưởng, với những buổi hội thảo công khai về bảo vệ văn hóa dân tộc, chống văn hóa đồi trụy của Mỹ. Phong trào thu hút nhiều nữ trí thức có uy tín trong xã hội, lan rộng đến các tỉnh miền Nam.

– Liên đoàn phụ nữ Phật tử (5/1967) đấu tranh cho tự do và hòa bình. Từ phong trào này, Nhất Chi Mai đã tự thiêu đòi hòa bình ở chùa Từ Nghiêm.

Năm 1968-1969, Sài Gòn liên tục diễn ra nhiều cuộc đấu tranh chính trị như: đấu tranh của công nhân bệnh viện Đồn Đất, đấu tranh của 400 phụ nữ tại chợ Trương Minh Giảng, cuộc bãi công của 118 nghiệp đoàn tại đô thành ủng hộ cuộc đấu tranh của công nhân ngành ô tô buýt hưởng ứng tuần lễ để tang Bác… kết hợp với những cuộc đấu tranh thuần về giới như: chống hãm hiếp. Đặc biệt là phong trào đấu tranh chống thuế kiệm ước diễn ra rất sôi nổi, kéo dài mấy tháng liền ở hầu hết các quận, phường, chợ búa, xí nghiệp, xóm lao động ở Sài Gòn và các thị xã, thị trấn khác [3.7].

Trong chiến lược “Việt Nam hóa” chiến tranh, địch dốc sức cho chương trình “bình định cấp tốc” và “bình định đặc biệt” tiến hành đàn áp, bắt bớ khắp nơi. Tại nội thành, phong trào “phụ nữ đòi quyền sống” (01/8/1970) do bà luật sư Ngô Bá Thành làm chủ tịch, thu hút phụ nữ thuộc mọi tầng lớp xã hội, tích cực hỗ trợ các cuộc đấu tranh của nữ công nhân bột giặt Viso, pin Con Ó, sát cánh cùng phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên, giáo chức…đấu tranh đòi Mỹ rút quân về nước, đòi thả tù chính trị, đòi thành lập chính phủ thực sự đại diện cho nhân dân miền Nam. Phong trào vận dụng được 2 mũi chính trị và binh vận một cách hiệu quả là đồng bào Sài Gòn xông vào tận sào huyệt của địch: tòa án, ty cảnh sát các quận, trụ sở Hạ viện, Thượng viện, đại sứ quán Mỹ, đòi thả những người bị giam giữ…[1.2][2.1].

Sau hiệp định Paris, chính quyền Thiệu bị khủng hoảng toàn diện buộc phải tăng cường hành quân càn quét, giành dân, lấn đất, tiếp tục bắt bớ những người yêu nước. Nhiều cuộc biểu tình chống Thiệu và đòi thi hành Hiệp định Paris nổ ra liên tục từ 1973 – 1975 làm náo động cả Sài Gòn: biểu tình ngồi của ni sư và phụ nữ trước Hạ viện (30/9/1974), biểu tình trước chợ Bến Thành (10/10/1974), biểu tình ở Chi Lăng – Phú Nhuận (7/11/1974) phối hợp giữa nữ Phật tử và học sinh, sinh viên… đều được xem là cuộc biểu tình lớn nhất Sài Gòn trong những năm này. Ngoại thành Sài Gòn, phụ nữ đấu tranh chống bắt lính, kết hợp với binh vận, làm hoang mang, rệu rã hàng ngũ binh sĩ địch với việc đào ngũ, rã ngũ hàng loạt.

Từ đầu năm 1975 và đặc biệt trong chiến dịch Hồ Chí Minh, việc phụ nữ lấy đồn địch thường xuyên xảy ra, trở thành cao trào vô hiệu hóa chính quyền địch ở cơ sở. Địch bỏ chạy đến đâu, phụ nữ tham gia cắm cờ và giành chính quyền ở đó: bà Nguyễn Thị Đại đã treo cờ tại dinh quận trưởng Hóc Môn… Nữ công nhân nhà máy tham gia lực lượng tự vệ. Phụ nữ may cờ, làm khẩu hiệu, thông tin liên lạc, dẫn đường cho bộ đội vào thành phố, khi cần thì trực tiếp chiến đấu…

Nói tóm lại, nơi nào khó khăn, nguy hiểm nhất phụ nữ đều có mặt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Phong trào đấu tranh chính trị của phụ nữ hay nói một cách hình ảnh hơn “đội quân tóc dài” của thành phố Sài Gòn trong những năm chống Mỹ là sự kế thừa truyền thống đấu tranh của dân tộc, là quá trình tích lũy kinh nghiệm của chính bản thân phong trào phụ nữ qua nhiều giai đoạn cách mạng, là kết quả của đường lối vận động phụ nữ, của quá trình giáo dục và chỉ đạo phong trào phụ nữ linh hoạt và sáng tạo của tổ chức Đảng, mà cụ thể là Xứ ủy Nam bộ và vai trò của Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam – Nguyễn Văn Linh.

II. Những bài học kinh nghiệm về lịch sử phong trào đấu tranh cách mạng của phụ nữ Sài Gòn

1. Dưới góc độ giới, phụ nữ đã khẳng định vai trò và vị trí trong quá trình đấu tranh cách mạng

Phụ nữ vừa là lực lượng chủ động, vừa là lực lượng nòng cốt trong mọi phong trào đấu tranh. Xét theo giới phụ nữ gần như là lực lượng “độc quyền” và cũng có thể nói là “làm chủ toàn diện” từ khởi xướng, vận động, tổ chức nội dung lẫn hình thức. Lực lượng chính trị của phụ nữ huy động đông đảo, có tổ chức, chuẩn bị chu đáo, được chỉ huy thống nhất. Trong hầu hết các cuộc đấu tranh ấy, luôn luôn có sự hợp thành của 3 lực lượng hỗ trợ nhau:

– Lực lượng đấu tranh trực diện, tức bộ phận xung kích, gồm nòng cốt là đội quân chính trị, trong đó có gia đình binh sĩ ngụy, những người có tinh thần đấu tranh cao, có lý lẽ sắc bén, giác ngộ nhiệm vụ sâu sắc. Bộ phận xung kích còn gồm cả lực lượng bảo vệ, hỗ trợ khi bị đàn áp.

– Lực lượng tiếp viện phòng khi lực lượng xung kích bị khủng bố, bắt bớ thì lực lượng này đến tiếp viện đấu tranh đòi thả những người bị bắt.

– Lực lượng hậu cần, gồm phần lớn những người lớn tuổi ở nhà trông nom con cái, giúp đỡ gia đình những người đi đấu tranh, kể cả việc tiếp tế lương thực khi phải đấu tranh dài ngày.

2. Phụ nữ nắm rất chắc phương châm và phương thức bạo lực chiến tranh nhân dân của Đảng, biết tạo ra những biện pháp đấu tranh thích hợp, coi trọng đấu tranh chính trị, đồng thời biết kết hợp với đấu tranh vũ trang, nên đã huy động được đông đảo mọi tầng lớp nhân dân từ nông dân, học sinh, trí thức, tu sĩ, thậm chí cả binh sĩ ngụy… đứng trong Mặt trận thống nhất chống Mỹ xâm lược.

Phong trào đấu tranh chính trị của phụ nữ phát triển trong mọi điều kiện, mang nhiều màu sắc, dưới nhiều vẻ, giữ vững được thế liên tục. Phụ nữ hăng hái tham gia đấu tranh chính trị, công khai tổ chức thành đoàn thể của giới mình tạo nên sức mạnh bằng những hình thức đấu tranh hợp pháp: xuống đường, biểu tình, tuần hành… Và một hình thức đấu tranh khác của phụ nữ tuy không phổ biến bằng bãi công, biểu tình, nhưng mang dấu ấn phụ nữ rất rõ rệt đó là bãi thị. Bãi thị trở thành một hình thức đấu tranh truyền thống của phụ nữ. Nói đến bãi thị là nói đến các bạn hàng, các sạp hàng không dọn hàng, không ai gánh hàng ra chợ bán, ngay cả người mua cũng không đến chợ.

Việc kết hợp đấu tranh chính trị với vũ trang được tiến hành hết sức linh hoạt, không đơn thuần là hai lực lượng cộng lại một cách đơn giản. Tùy tình hình cụ thể ở từng địa phương, tùy so sánh lực lượng giữa ta và địch, mà có nơi, có lúc quân sự đi trước, lấy tiến công quân sự để tiêu diệt địch, tạo điều kiện thúc đẩy đấu tranh chính trị. Cũng có nơi, có lúc chính trị đi trước phát động quần chúng vùng lên khởi nghĩa, tạo điều kiện phát triển chiến tranh du kích, đẩy mạnh đấu tranh quân sự để tiêu diệt địch.

3. Phụ nữ biết kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị giữa nông thôn và thành thị

Các cuộc đấu tranh chính trị của phụ nữ từ lẻ tẻ, tự phát ở nông thôn, giành quyền lợi thiết thân, chống kềm kẹp, nâng dần lên thành cao trào đấu tranh trực diện với địch, đánh thẳng vào ngụy quyền Sài-Gòn, với những hình thức: tập trung biểu tình, thị uy, kiến nghị có băng rôn, có khẩu hiệu. Mỹ ngụy ra sức đàn áp các cuộc đấu tranh, chúng bắn pháo đón đầu, chặn hậu đoàn biểu tình, đặt súng trường hai bên vệ đường ria từng băng đạn để uy hiếp tinh thần, hoặc bắt từng nhóm phụ nữ phơi nắng suốt ngày, ngâm mình trong những hố nước có mảnh chai…, thế nhưng phong trào vẫn không hề chao đảo. Địch còn khủng bố cho vẽ khẩu hiệu phản động lên nón, áo, phụ nữ phản đối bằng cách lột nón, lộn trái áo cho khẩu hiệu địch vào bên trong. Hoặc trong chiến dịch chống xe lội nước, lực lượng phụ nữ tay không đấu tranh, cùng nhau giăng tay thành từng đoàn cản đầu xe địch, kiên quyết không cho chúng phá hoại hoa màu. làm chậm hẳn binh đoàn hành quân của giặc có đủ xe tăng, đại bác. Phong trào kiên trì nhiều năm tháng, luôn biến hóa, thể hiện trình độ giác ngộ cao, sự thông minh và nhạy bén của phụ nữ.

4. Phụ nữ nắm vững và vận dụng thích hợp khẩu hiệu dân sinh, dân chủ, kết hợp khẩu hiệu chính trị, gắn với quyền lợi của quần chúng trong từng thời kỳ, đi từ ít đến nhiều, từ thấp đến cao, từ tự phát đến tự giác, từ thương lượng đến bạo lực công khai giành thắng lợi lớn hơn về chiến lược.

Khẩu hiệu phù hợp là ngọn cờ huy động quần chúng tốt nhất, nhanh chóng tạo thành cuộc phát động chính trị sâu sắc, quy mô cuộc đấu tranh mở rộng. Đưa khẩu hiệu đúng lúc, kịp thời là một nghệ thuật. Vấn đề khẩu hiệu rất rộng, ngay trong khẩu hiệu chiến lược cũng có khẩu hiệu cho từng thời kỳ cách mạng, có khẩu hiệu quá độ phản ảnh bước quá độ từ thời kỳ này sang thời kỳ khác, cũng có khẩu hiệu trước mắt cho từng cuộc đấu tranh. Khẩu hiệu dân sinh kết hợp với khẩu hiệu chính trị tạo thành thế đấu tranh toàn diện trên nhiều mặt.

5. Phụ nữ kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị với binh vận tạo nên thế mạnh để giành thắng lợi.

Phương pháp đấu tranh sáng tạo, biến hóa thiên kỳ vạn trạng làm cho địch lúng túng, bất ngờ, hoang mang mất tinh thần chiến đấu, đi đến tan rã hàng ngũ. Hình thức phát động đi sát từng ấp, từng giới rồi đến từng gia đình, từng tổ chức, đoàn thể. Phương pháp phát động chú trọng đến bàn bạc, gợi ý, lấy sự kiện ngay tại địa phương cho quần chúng thảo luận, để khi vào trận đấu là mọi sự thông suốt từ trên xuống dưới, hành động thống nhất. Trong các cuộc đấu tranh chống bắt lính, phụ nữ có một vai trò rất quan trọng, sáng tạo ra một hình thức đấu tranh rất hiệu nghiệm: mẹ, vợ, em gái níu người bị bắt lính lại, la khóc, chửi rủa chế độ ngụy quyền, hoặc các bà, các chị kéo nhau ra nằm giữa đường cái, không cho xe chở lính lăn bánh, hoặc kéo lên đồn bót đòi chồng con về.

6. Phong trào đấu tranh chính trị không những đánh trực tiếp vào quân Ngụy mà còn trực tiếp với cả Mỹ.

Phong trào phát triển sôi sục ở những nơi mà Mỹ đóng quân hoặc ở những nơi mà Mỹ hành quân càn quét với khẩu hiệu “Một tấc không đi, một li không rời”. Phong trào đấu tranh chính trị trực diện thực sự là một bất ngờ đối với Mỹ.

“Đội quân tóc dài” tại Sài Gòn trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước dưới sự chỉ đạo của Xứ Ủy Nam bộ và Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam – Nguyễn Văn Linh đã thực hiện hiệu quả cuộc vận động cách mạng sâu sắc và rộng lớn nhất của giới nữ, xuất hiện nhiều tấm gương anh hùng để thế hệ trẻ tự hào và noi theo như: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân – Bà Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Rành, dũng sĩ diệt Mỹ Võ Thị Mô, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Huỳnh thị Lan Khanh….. Sự hy sinh cao cả của họ là chất liệu để chạm khắc nên tâm hồn và phẩm chất đảm đang, trung hậu, anh hùng của phụ nữ Sài Gòn. Niềm tự hào về truyền thống yêu nước, sống hết mình, hy sinh anh dũng cho thành phố thân yêu được nhiều thế hệ phụ nữ Sài Gòn tiếp nối.

B. Nguyễn Văn Linh và phong trào phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh trong thời kỳ đổi mới.

Thành phố Hồ Chí Minh được xem là vùng kinh tế trọng điểm của các tỉnh phía Nam, là nơi có nhiều cơ hội việc làm, kiếm sống, vì vậy đã thu hút lượng lao động di cư từ các tỉnh đến thành phố mưu sinh. Về bình diện giới, trước đây đi làm ăn xa kiếm tiền hoặc đi học được coi là trách nhiệm của nam giới. Ngày nay, phụ nữ đã trở thành một phần quan trọng trong những dòng di dân ra đô thị với số lượng ngày càng tăng và tham gia học tập, nghiên cứu, làm việc ở mọi lĩnh vực như kinh doanh, thương mại, dịch vụ, sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Vì vậy, để phát huy lực lượng lao động hùng hậu này và với truyền thống của phụ nữ Sài Gòn sáng tạo, biến hóa thiên kỳ vạn trạng trong đấu tranh cách mạng vào thực tiễn cuộc sống với vô vàn khó khăn những ngày sau giải phóng. Dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố, phong trào phụ nữ Thành phố đã có những đóng góp tích cực và mang tính đột phá từ khi thực hiện đổi mới cho đến nay.

I. Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh với các phong trào về giới và xã hội.

Sau ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đồng chí Nguyễn Văn Linh giữ chức vụ Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn năm 1975-1976 và 1981-1986.

Với các cán bộ, viên chức Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ các thời kỳ, đồng chí Nguyễn Văn Linh là người góp phần rất lớn cho việc ra đời Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ. Để tổng kết lịch sử phong trào phụ nữ Nam Bộ qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, với cương vị Bí thư Thành ủy đồng chí quan tâm chỉ đạo thành lập Tổ tổng kết Lịch sử phong trào Phụ nữ Nam Bộ (gọi tắt là Tổ sử Phụ nữ Nam Bộ) vào tháng 01/1983 với sự chấp thuận của Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Sau khi thành lập, Tổ Sử phụ nữ Nam Bộ đề xuất và được sự chấp thuận của lãnh đạo Thành ủy, Nhà truyền thống Phụ nữ Nam Bộ được thành lập vào ngày 29/4/1985, là tiền thân của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ – bảo tàng về giới đầu tiên được thành lập, được xây dựng từ sự quyên góp, vận động kinh phí của Tổ sử Phụ nữ Nam Bộ, của các cá nhân, tổ chức đoàn thể xã hội. Đây là một bảo tàng được thành lập theo phương thức xã hội hóa đầu tiên ở Việt Nam. Năm 1988 cuốn sử “Truyền thống cách mạng của phụ nữ Nam Bộ thành đồng” do Tổ Sử Phụ nữ Nam Bộ chủ biên ra đời và giới thiệu đến công chúng cả nước. Nhân dịp cuốn sách xuất bản, đồng chí đã viết:

“…phải ra sức phát huy truyền thống vinh quang của người xưa mà đưa phong trào Phụ nữ Nam Bộ và Việt Nam vượt qua khó khăn, tiến lên những bước ngày càng tốt đẹp hơn.

Ngày nay, trong công cuộc xây dựng hòa bình, phụ nữ cần nối tiếp truyền thống chăm lo gia đình, hòa thuận, no ấm, chăm lo giáo dục cho con cháu có tình thương, hiếu thảo, lễ nghĩa, cần cù, thuận hòa trong anh em, đoàn kết với xóm làng”.

Năm 1986, với cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Nguyễn Văn Linh chủ trương thực hiện “đổi mới” toàn diện đất nước với những việc cần làm ngay: sau Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI, Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai thực hiện đường lối đổi mới, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế – xã hội, khuyến khích mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh tạo việc làm (theo quan niệm mọi hoạt động tạo ra thu nhập hợp pháp đều được coi là có việc làm). Với mục tiêu phấn đấu nâng mức thu nhập của các tầng lớp nhân dân lao động, nhằm tạo điều kiện để nhân dân có đời sống vật chất, tinh thần ngày một tốt hơn, Thành phố đã thực hiện các chương trình đào tạo lao động có trình độ cao, vừa đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố và khu vực, vừa tạo nguồn xuất khẩu lao động. Tăng cường đầu tư và đẩy mạnh xã hội hóa công tác dạy nghề, xây dựng các trung tâm đào tạo dạy nghề trình độ cao, gắn với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố….

Kế thừa phong trào thi đua 5 tốt của Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam tại Đại hội lần thứ nhất vào tháng 3/1965 và phong trào giáo dục động viên phụ nữ cả nước tham gia cách mạng xã hội chủ nghĩa, xây dựng chủ nghĩa xã hội do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động năm 1976, phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh dưới sự dẫn dắt của Hội liên hiệp Phụ nữ thành phố đã tích cực tham gia hai cuộc vận động “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình”“Nuôi dạy con tốt, góp phần hạn chế trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học” được đề ra tại Đại hội phụ nữ lần V (1982- 1987). Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ VI (1987) đã quyết định chuyển hướng hoạt động của Hội: tăng cường giáo dục xây dựng “người phụ nữ mới”, động viên các tầng lớp phụ nữ thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng, trọng tâm là 3 chương trình kinh tế lớn. Chăm lo quyền lợi phụ nữ và trẻ em. Hướng dẫn và giúp đỡ phụ nữ xây dựng gia đình văn hóa mới, tăng cường đoàn kết với phụ nữ thế giới, đấu tranh vì độc lập dân tộc dân chủ và tiến bộ xã hội, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đổi mới phương thức hoạt động của Hội. Hai cuộc vận động này tiếp tục được duy trì gắn với các nhiệm vụ của phụ nữ trong thời kỳ đổi mới từ 1986 cho đến nay.

Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh lại bừng lên với khí thế cách mạng, hòa mình trên con đường phát triển của dân tộc gắn liền với những nhiệm vụ, chủ trương đổi mới của Đảng. Năm 1988, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh góp ý kiến về kinh nghiệm chỉ đạo: “Người phụ nữ mới” trong đó gợi mở ra nhiều vấn đề:

Về kinh tế: đáp ứng nhu cầu vốn, tín dụng cho phụ nữ nghèo được coi là mũi nhọn của chương trình xoá đói giảm nghèo của các cấp Hội Phụ nữ, là một trong những biện pháp thiết thực và hiệu quả nhất giúp phụ nữ từng bước cải thiện đời sống và thoát khỏi nghèo đói. Phong trào “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo” và hoạt động “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế” mở ra cơ hội cho phụ nữ nghèo có vốn sản xuất làm ăn, vừa nâng cao đời sống kinh tế, vừa tạo thêm nhiều sản phẩm cho xã hội, giải quyết gánh nặng trong việc chi ngân sách cứu trợ thường xuyên đối với các hộ nghèo. Thông qua các lớp tập huấn, phụ nữ tiếp cận với cách làm ăn mới trong cơ chế thị trường, biết đầu tư, quản lý có hiệu quả, tăng thu nhập, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng.

Về xã hội: hoạt động giúp phụ nữ không chỉ giải quyết vấn đề dân sinh mà còn có giá trị nhân văn sâu sắc. Phong trào có tác động mạnh mẽ đến việc phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc đó là tình đoàn kết, tương thân tương trợ, lòng nhân ái biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau trong cộng đồng. Từ thực tiễn của phong trào đã tạo ra ngày càng nhiều nhân tố tích cực cho xã hội.

Do đó, các phong trào của Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh trong thời kỳ “Đổi mới” đã giúp cho hàng triệu phụ nữ được cung cấp kỹ năng và vốn để phát triển sản xuất, tạo việc làm nhằm xây dựng cuộc sống no ấm, hạnh phúc. Có thể nói, với phương châm tăng trưởng kinh tế một cách bền vững đi đôi với xóa đói giảm nghèo và giải quyết tốt các vấn đề xã hội trên cơ sở phối hợp giữa các cấp chính quyền và các ban – ngành – đoàn thể, với tinh thần năng động, sáng tạo; Thành phố Hồ Chí Minh có điều kiện đi đầu trong cả nước về giải quyết các vấn đề xã hội và đã thành công. Nhiều phong trào của thành phố như: xóa đói giảm nghèo, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương… đem lại những kết quả tích cực về kinh tế, chính trị, có sức lan tỏa, trở thành phong trào rộng khắp cả nước. “Dám nghĩ, dám làm” phụ nữ Thành phố đi đầu trong nhiều hoạt động xã hội, giải quyết các vấn đề xã hội bằng đặc thù hoạt động của giới mình, khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong các chương trình trợ vốn, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo [7].

Kế thừa và phát huy những yếu tố tích cực từ phong trào “Người phụ nữ mới”, phụ nữ Thành phố tiếp tục chủ động thực hiện tốt các mục tiêu kinh tế – xã hội của Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ VII (1992), Đại hội VIII (1997), Đại hội IX (2002), Đại hội X (2007) Hội LHPN TPHCM đổi mới phương thức hoạt động, tiếp tục thực hiện 2 cuộc vận động lớn của Hội, xây dựng củng cố các cấp Hội theo hướng tinh gọn, chất lượng, đa dạng hóa các hình thức tập hợp phụ nữ, chú trọng đào tạo bồi dưỡng cán bộ Hội, liên kết với các ngành đoàn thể để giải quyết vấn đề về giới, tăng cường và mở rộng hoạt động hữu nghị vì hòa bình, bình đẳng và phát triển của phụ nữ. Từ năm 1986 đến nay, các chương trình đều có mục tiêu, nội dung và biện pháp cụ thể, phụ nữ Thành phố tích cực thực hiện các cuộc vận động: “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình” đến “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, cần kiệm xây dựng đất nước”, vận động “Phụ nữ tích cực nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật”;.. Từ phong trào “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo” đến chương trình “Hỗ trợ phụ nữ tạo việc làm, tăng thu nhập”, “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình” và mô hình “nhóm phụ nữ tín dụng – tiết kiệm” được tổ chức thực hiện ngày càng đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả thiết thực, nhanh chóng đi vào cuộc sống, không ngừng đổi mới và từng bước nâng cao về chất, giúp phụ nữ hội nhập công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước. [9] Phong trào góp phần thúc đẩy, khuyến khích tinh thần học tập, rèn luyện, phấn đấu vươn lên của phụ nữ, xuất hiện nhiều những gương điển hình tiên tiến trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, mà tiêu biểu số lượng những phụ nữ đạt giải giải Kovalepxcaia, Bông hồng vàng cùng các danh hiệu: Anh hùng Lao động, chiến sĩ thi đua, bà mẹ nuôi dạy con tốt … Số phụ nữ tham gia vị trí lãnh đạo trong cấp uỷ, chính quyền, các ngành và các cơ quan dân cử ngày một tăng hơn, trên cơ sở khẳng định trình độ năng lực và sự rèn luyện về phẩm chất đạo đức, đồng thời qua đó đã khẳng định sự tiến bộ và xu thế vươn lên của phụ nữ trên nhiều lĩnh vực…

II. Những bài học kinh nghiệm của phụ nữ trong các phong trào về giới và xã hội.

Từ thực tiễn phong trào phụ nữ Thành phố, các chính sách xã hội đã để lại nhiều bài học thiết thực về phát huy nội lực, về công tác tuyên truyền vận động, về đào tạo cán bộ phong trào và xây dựng các mô hình. Thông qua các phong trào và nhiều chương trình hoạt động, Hội Phụ nữ các cấp đã huy động được sự tham gia đông đảo của mọi tầng lớp phụ nữ. Hiệu quả từ các chương trình của Hội Phụ nữ là nhịp cầu đưa phụ nữ lại gần nhau hơn, tác động tích cực vào sự chuyển biến nhận thức, tư tưởng của xã hội trong việc nhìn nhận vai trò người phụ nữ. Trong đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh có vai trò là động lực thúc đẩy phong trào phụ nữ phát triển, góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của thành phố.

Đổi mới tư duy mở rộng giao lưu trong xu thế toàn cầu hoá, giúp phụ nữ Thành phố có cơ hội mở mang trí tuệ, nhận thức, nâng cao ý thức, trách nhiệm cộng đồng, xây dựng lối sống văn minh… tinh thần năng động, sáng tạo, tự tin hơn; ý thức pháp luật được nâng cao hơn; cách nhìn nhận mang tính thực tiễn được đề cao. Kinh tế phát triển, thu nhập của nhân dân tăng, làm cho mức sống vật chất và nhu cầu hưởng thụ văn hóa được nâng cao, bình đẳng giới ngày càng thiết thực thì vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội có nhiều thay đổi trong mối quan hệ giới theo hướng có lợi cho sự phát triển và hòa nhập của thành phố [6].

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

A.Tài liệu gốc của chính quyền Sài Gòn lưu giữ tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ

1. Công điện số 5614/CSĐT/S3/P31/B1/K ngày 21.10.1970 của Nha Cảnh sát quốc gia đô thành Sài Gòn về “Hoạt động phong trào phụ nữ đòi quyền sống”.

2. Phiếu gởi số 871/CSĐT/S3/P31/B1/K ngày 15.2.1971 cho Trưởng ty Cảnh sát quận 3 về việc “Bà Ngô Bá Thành vận động các gia đình có thân nhân đi lính tranh đấu đòi chồng con”.

3. Báo cáo tổng kết: “Tình hình phong trào phụ nữ miền Nam trong năm 1969” – Tiểu ban LSPTPNTW” – TLK 724, 34 trang.

4. Báo cáo gửi đồng chí Nguyễn Thị Thập, ngày 12 tháng 5 năm 1967 của Ban Nghiên cứu Đảng Trung ương, TLK 423, 10 trang.

B- Sách và các ấn phẩm khác

5. Phụ nữ Nam bộ thành đồng- Tổ sử phụ nữ Nam Bộ, năm 1989, 542 trang.

6. Phụ nữ và bình đẳng giới trong đổi mới ở Việt Nam, NXB Phụ nữ, Hà Nội 1996, trang 280-285

7. Nghị quyết phụ vận của Đảng – Động lực thúc đẩy phụ nữ trong tình hình mới, Lê Bình- Phụ nữ thành phố ngày 25/9/1993 (1- 4 trang)

8. www.cpv.org.vn/cpv “Tiểu sử Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh”. 9. www.phunu.hochiminhcity.gov.vn “Một số phong trào trọng tâm đã qua và đang thực hiện.