NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT NAM ĐẦU TIÊN ĐƯỢC TẶNG THƯỞNG HUÂN CHƯƠNG SAO VÀNG

Nhân kỷ niệm 108 năm ngày sinh và 20 năm ngày mất của bà Nguyễn Thị Thập, cố Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, ngày 9/3/2016, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy Tiền Giang tổ chức hội thảo “Đồng chí Nguyễn Thị Thập- Cuộc đời và sự nghiệp”.

Nhân kỷ niệm 108 năm ngày sinh và 20 năm ngày mất của bà Nguyễn Thị Thập, cố Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, ngày 9/3/2016, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy Tiền Giang tổ chức hội thảo “Đồng chí Nguyễn Thị Thập- Cuộc đời và sự nghiệp”. Hội thảo lần này nhằm tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp và những đức tính cao đẹp của Bà Nguyễn Thị Thập đến những cán bộ, hội viên. Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự cũng đánh giá, ghi nhận những cống hiến lớn lao của bà đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc và giải phóng phụ nữ. Đặc biệt hơn Bà cũng là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên và cho đến nay, người duy nhất được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng- Huân chương cao quý nhất của đất nước. Bà cũng là người con của đất Tiền Giang- người nữ đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên năm 1946 và các khóa sau đó (từ khóa I đến khóa VI).

altBà giữ chức vụ Phó Chủ tịch Quốc Hội từ khóa II đến khóa VI. Phát biểu tại Hội thảo, các tác giả đa số là những đồng chí, đồng nghiệp và học trò của bà đã chia sẻ nhiều kỷ niệm xúc động về cuộc đời riêng cũng như trong sự nghiệp cách mạng của bà, góp phần bồi dưỡng và phát huy tinh thần yêu nước, kiên trung của phụ nữ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với các thế hệ phụ nữ Việt Nam, Bà Nguyễn Thị Thập là một lãnh tụ xuất sắc của phong trào phụ nữ, riêng đối với các thế hệ cán bộ công chức, viên chức Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, bà còn là một trong những người đã có công sáng lập Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ (trước đây là Nhà truyền thống Phụ nữ Nam Bộ). Không chỉ tâm huyết với công tác giáo dục truyền thống nói chung, giáo dục truyền thống phụ nữ Việt Nam nói riêng, Bà còn thường xuyên quan tâm chú ý từng việc nhỏ, góp ý, uốn nắn cho cán bộ phụ nữ đến từng chi tiết, kể cả việc ăn mặc, đi đứng… “Mỹ Hoa nhớ mình là phụ nữ nên phải mặc áo dài; nhất là khi tiếp xúc gặp gỡ với bè bạn quốc tế vì đó là hình ảnh của phụ nữ Việt Nam” qua lời kể của bà Trương Mỹ Hoa- Nguyên Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam tại hội thảo và hình ảnh đôn hậu của bà khi đoàn phụ nữ đến thăm chúc bà sống lâu trăm tuổi, bà chỉ mỉm cười, giơ tay nói “một chút thôi”. Đối với bà Đặng Hồng Nhựt, thành viên Câu lạc bộ 20/10 thì “Má Mười” (từ thân thương để nói về Bà Nguyễn Thị Thập) là người nữ lãnh đạo có “tâm” và có “tầm” qua việc đã chuyển những tài liệu quý về công tác Hội phụ nữ từ tủ sách của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về cho Hội liên hiệp phụ nữ Giải phóng Miền Nam Việt Nam, thể hiện sự lãnh đạo mang tính bao quát, gắn kết hai miền Nam – Bắc.

altVới bà Lê Tuyết Thanh- nguyên Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, người từng có thời gian làm thư ký cho “chị Mười” Nguyễn Thị Thập cho rằng: “… điểm nổi bật ở sự lãnh đạo sáng suốt của chị Mười là cùng Đảng đoàn phụ nữ sớm cử cán bộ có năng lực tham gia lãnh đạo ở các bộ, ngành có đông lao động nữ hoặc có khả năng chăm lo cho quyền lợi của phụ nữ như Ủy ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em, Bộ Công nghiệp nhẹ, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao…”. Là một trong những thành viên của Tổ Sử Phụ nữ Nam Bộ cùng tham dự buổi hội thảo, Bà Trần Thị Kim Anh- nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Phụ Nữ Nam Bộ, là người “Làm thư ký văn phòng cho chị Mười lâu nhất” (tên bài viết trong sách “Nguyễn Thị Thập- người con ưu tú của Nam Bộ thành đồng” do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành) đã kể cho chúng tôi, lớp cán bộ kế thừa của bảo tàng tinh thần tiết kiệm, tính cầu toàn và nguyên tắc làm việc của bà Nguyễn Thị Thập.

Với những bài học về cuộc đời và sự nghiệp của Bà Nguyễn Thị Thập, có thể thấy Bà là người chiến sĩ cộng sản đấu tranh kiên trung, bất khuất, là một tấm gương học tập và rèn luyện không ngừng, một tấm gương phục vụ trọn đời cho sự nghiệp cách mạng và hết lòng với phong trào phụ nữ. Với những cống hiến đó, năm 1985, để ghi nhận công lao đặc biệt của bà, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân chương Sao Vàng- Huân chương cao quý nhất của đất nước và bà là người phụ nữ duy nhất đến nay được nhận phần thưởng cao quý này. Năm 1994, bà được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Bà mất ngày mồng một tháng hai âm lịch năm Bính Tý 1996.

Tài liệu tham khảo:

– Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Tiền Giang – Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam(2016), Nguyễn Thị Thập – Người con ưu tú của Nam Bộ thành đồng, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội

– Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam – Tỉnh ủy Tiền Giang, Kỷ yếu hội thảo “Đồng chí Nguyễn Thị Thập – Cuộc đời và sự nghiệp”, Hà Nội, tháng 3 năm 2016

– Báo Ấp Bắc, số 3413, ra ngày thứ tư 09/03/2016.

– Báo Phụ nữ Việt Nam, số 30(4234) ra ngày 09/03/2016.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 3 năm 2016

Nguyễn Thị Thu Hồng