NGƯỜI PHỤ NỮ ĐƯỢC PHỤC VỤ BÁC HỒ TRÊN CÁC CHUYẾN BAY

Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, người phụ nữ Việt Nam luôn là những tấm gương sáng về lòng yêu nước, đức hy sinh, sự cống hiến quên mình cho Tổ quốc. Đã có biết bao tấm gương phụ nữ tiêu biểu cho cuộc “trường chinh” lịch sử đại diện trên các tiền tuyến lớn, hậu phương lớn.

Khi đất nước hoàn toàn thống nhất, truyền thống của người phụ nữ Việt Nam lại được phát huy hơn nữa trên các lĩnh vực trong đời sống xã hội. Ít ai biết rằng, ngành Hàng không dân dụng Việt Nam có một người phụ nữ nhỏ bé đã đóng góp một phần công sức của mình vào sự phát triển của Ngành trong những năm đầu thành lập. Đó là một trong hai nữ tiếp viên đầu tiên của ngành Hàng không dân dụng Việt Nam, bà tên là Nguyễn Phi Phượng (những năm 1960 – 1970 nữ tiếp viên Hàng không thường được gọi là Chiêu đãi viên hàng không).

Ngày 15/01/1956, ngành Hàng không dân dụng Việt Nam ra đời và phải đến 4 năm sau, năm 1960 khi các lớp phi công cách mạng đầu tiên được đào tạo tại Liên Xô và Trung Quốc trở về thay thế dần các phi công nước bạn Trung Quốc giúp Việt Nam, hàng không Việt Nam mới có biên chế tiếp viên trên các chuyến bay. Bà Nguyễn Phi Phượng vinh dự được phục vụ trên các chuyến chuyên cơ chở các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Bác Hồ đi công tác trong nước và nước ngoài từ năm 1960 -1967. Công việc đặc thù này tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn góp phần vào sự thắng lợi của cuộc cách mạng của dân tộc, của hòa bình và thống nhất đất nước. 

 Người con gái Hà Nội 

Năm 1959, khi bà đang học cấp 3 tại trường Chu Văn An – Hà Nội thì Bộ Công An đến trường tuyển dụng. Tháng 10/1959, bà được tuyển vào Cục tình báo thuộc Bộ Công An.

Sau 9 tháng học nghiệp vụ và ngoại ngữ, đến tháng 7/1960, bà được Bộ cho biệt phái sang công tác ở Cục Hàng không và là một trong hai nữ tiếp viên đầu tiên của ngành hàng không còn non trẻ thời đó (người còn lại là bà Lê Kim Thu). Năm ấy nghề tiếp viên hàng không còn mới mẻ, chưa có trường lớp đào tạo học tập nghiệp vụ mà chủ yếu là lòng nhiệt tình trách nhiệm và với phong cách dịu dàng của người phụ nữ Việt Nam cùng sự giúp đỡ của các anh tổ lái là cơ sở để phục vụ hành khách được chu đáo.

Vào ngành 4 tháng với biết bao kỷ niệm của những ngày sơ khai ấy trên mỗi chuyến bay, đến ngày 01/11/1960, bà được cấp trên thông báo ngày mai cùng các anh tổ lái trên chuyến bay IL 14.482 đi phục vụ Bác Hồ sang công tác ở nước bạn Trung Quốc. Niềm vinh dự này thật bất ngờ và quá lớn đối với bà. Nhận nhiệm vụ, bà vừa hồi hộp sung sướng vừa xen lẫn lo âu không biết mình có hoàn thành tốt nhiệm vụ không? Có làm điều gì để Bác không vừa lòng không?

 

Và những chuyến bay đặc biệt

Trong chuyến bay đó, bà được ngồi bên cạnh Bác. Với phong cách giản dị, thân mật của Bác đã xua tan mọi lo âu, bà không còn nghĩ đến vị trí của mình là người phục vụ bên cạnh vị lãnh tụ tối cao của đất nước, mà thấy như đứa cháu bên cạnh người ông, như đứa con bên cạnh người cha thân thương.

Bác hỏi thăm về gia đình và về công việc của bà: “Cháu đã và đang học những gì? Ở trường nào rồi?”.  Bà nhỏ nhẹ đáp “Dạ thưa Bác, cháu đã học sơ qua về nguyên lý bay, kỹ thuật cấp cứu thông thường trên máy bay và cháu còn đang học tiếng Anh nữa”.

Bác nói: “Thế là tốt, cháu học như thế chưa đủ đâu, phải tranh thủ vừa làm vừa học, cần học thêm nhiều ngoại ngữ nữa. Việc học là suốt đời. Bác bây giờ vẫn còn phải học”.

Trên các chuyến bay, bà còn hay đọc báo cho Bác nghe. Bác luôn theo dõi về tình hình miền Nam lúc đó. Có lần Bác hỏi bà: “Cháu có hay hát không?”. Bà thưa với Bác: “Dạ, cháu cũng thích hát nhưng hát không hay lắm ạ”.

Bác bảo bà hát thử cho Bác nghe, bà liền hát bài “Ca ngợi Hồ Chủ Tịch”.

Vừa hát được một câu, Bác ra hiệu ngừng lại và bảo bà hát bài gì về miền Nam. Bà suy nghĩ một lát rồi thưa với Bác:

  • Cháu hát bài “Câu hò bên Bến Hiền Lương”.

Hát xong, Bác vỗ tay khen hay, bà rất sung sướng và cảm động. Cho đến tận bây giờ, mỗi lần hát bài này, bà như lại thấy Bác ở bên cạnh đang vỗ tay khích lệ bà.

Đến Vũ Hán (Trung Quốc), máy bay hạ cánh để lấy thêm xăng dầu. Khi Bác xuống sân bay vào nhà ga nghỉ tạm, đoàn thiếu nhi Trung Quốc niềm nở ra đón và quàng chiếc khăn quàng đỏ vào cổ Bác.

Khi lên máy bay, Bác tặng chiếc khăn đó cho bà và nói: “Cháu giữ lấy sau này có gia đình, có con thì cho các cháu quàng làm kỷ niệm”.

Nhớ lời Bác, bà cất giữ khăn cẩn thận và về sau hai người con của bà đều được kết nạp vào Đội Thiếu Niên Tiền Phong và đều quàng chiếc khăn vô cùng vinh dự đó của Bác.

Đến Bắc Kinh, Bác nói với đồng chí Vũ Kỳ – Bí thư của Bác cho bà được vào ở nhà khách cùng với các anh Bí thư, bác sĩ và bảo vệ của Bác, còn các anh tổ lái ở khách sạn để hàng ngày ra sân bay kiểm tra máy bay.

Sáng nào bà cũng dậy sớm pha cà phê để Bác uống. Sau khi uống cà phê và đọc báo xong, Bác dẫn cả đoàn đi bách bộ quanh vườn nhà khách. Hàng ngày, Bác đều nhắc đồng chí Vũ Kỳ gọi điện sang khách sạn hỏi thăm tình hình sức khỏe và ăn nghỉ của các anh tổ bay.

Những ngày ở nước bạn tuy ăn uống rất thịnh soạn nhưng Bác vẫn nhớ món canh cá chua ở quê nhà. Một hôm, Bác hỏi bà: “Ở nhà cháu có hay nấu ăn không?”.

“Dạ thưa Bác, có ạ”- bà đáp.

Bác nói: “Ngày mai, cháu nấu canh chua cá quả nhé”.

Thế là hôm sau, bà nói chị cấp dưỡng mua những thứ để nấu món đó. Bác ăn khen ngon. Bữa ăn nào bà cũng được ngồi cạnh Bác và được Bác gắp thức ăn cho bà.

Bác bận trăm công ngàn việc nhưng lúc nào cũng quan tâm đến từng việc nhỏ, đến mọi người kể cả những người phục vụ bên cạnh Bác.

Cuối năm 1964, sau khi lập gia đình, bà được chuyển về làm việc tại phòng vé quốc tế (số 25 Tràng Thi, Hà Nội), tuy không còn được phục vụ bên Bác nhưng những tối chủ nhật trong Phủ Chủ Tịch có chiếu phim, Bác lại nói đồng chí Vũ Kỳ gọi điện thoại cho bà vào cùng xem với Bác và các anh trong phủ.

Nhớ lời Bác dạy, từ ngày đó bà luôn tranh thủ mọi điều kiện và thời gian để học tập thêm văn hóa, ngoại ngữ, nghiệp vụ, nhất là khi về công tác tại phòng vé, vì phòng vé phải tiếp xúc với khách hàng nhiều nước, cả tư bản và xã hội chủ nghĩa, nên ngoài tiếng Anh, bà còn học thêm tiếng Pháp và tiếng Nga để tiếp xúc với khách ngày càng tốt hơn, không phải thông qua phiên dịch. Phòng vé quốc tế khi đó bà phụ trách có 15 người, ngoài việc phục vụ các chuyến bay của Hàng Không Việt Nam, mọi người còn làm đại lý cho bảy Hãng hàng không quốc tế khác. Vì vậy, việc học tập nâng cao nghiệp vụ và ngoại ngữ luôn được đặt lên hàng đầu.

Với những đóng góp đó, năm 1984 bà được cấp trên tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng II và Huân chương chiến công hạng III. Đến năm 1989 thì bà nghỉ hưu và cùng gia đình chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh sinh sống.

Đến nay, dù đã nhiều năm trôi qua nhưng bà vẫn còn nhớ như in những kỷ niệm về Bác Hồ. Những lời ân cần khuyên bảo của Bác luôn động viên bà và tạo một nội lực trong sự nghiệp phục vụ ngành hàng không cũng như hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao để luôn xứng đáng là người Đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam, là con cháu của Bác Hồ kính yêu.

Bà Nguyễn Phi Phượng – trên chuyến bay với Bác Hồ

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 10 năm 2023

                                                                   Hồ Ngọc Phương

                                                            Phòng Kiểm kê – Bảo quản

Tài liệu tham khảo:

  1. Viết theo lời kể của bà Nguyễn Phi Phượng (năm 2003).
  2. “Câu chuyện về nữ tiếp viên đầu tiên của Việt Nam” – Cục hàng không Việt Nam ngày 30/11/2015 (https://caa.gov.vn)
  3. Tư liệu và hình ảnh: Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ

                                     

                                               

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *