“NGƯỜI CHẾT ĐI CÙNG NGƯỜI SỐNG DẬY”

Từ đám giỗ biệt động Sài Gòn năm 2013

Từ đám giỗ biệt động Sài Gòn năm 2013

Theo ý nguyện của cố Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu), cứ đúng ngày mùng 6 Tết Âm lịch, cán bộ chiến sĩ Biệt động Sài Gòn từ nhiều nơi về ngôi nhà 14 Nguyễn Ư Dĩ, phường Thảo Điền Quận 2 dự lễ giỗ Biệt động Sài Gòn. Những người còn sống không thể quên cột mốc Tết Mậu Thân, chỉ sau một đêm, gần trăm chiến sĩ Biệt động tham gia đánh vào các mục tiêu đầu não của chính quyền Sài Gòn vĩnh viễn không trở về, để lại nỗi day dứt đến cuối đời trong lòng người chỉ huy: “Năm đội biệt động với tổng số 88 đồng chí đã đơn độc chiến đấu trong lòng địch. Với lực lượng ít ỏi, vũ khí bộ binh nhẹ, phải đánh trả máy bay, xe thiết giáp, pháo binh và chống chọi với số quân địch nhiều gấp mấy chục lần. Vậy mà anh em vẫn ngoan cường bám trụ, đánh đến viên đạn cuối cùng và người cuối cùng. Tất cả 88 đồng chí trung kiên đều ra đi, hầu hết hy sinh và số ít sa vào tay giặc, những tin tức đau lòng làm tất cả chúng tôi đều xót xa”. Cứ ngày mùng 6 tết hàng năm, không đợi mời, các cựu biệt động tề tựu đông đủ ở ngôi nhà người anh hùng, chỉ để gặp nhau, rưng rưng nhớ lại và thắp nên nén hương tưởng niệm cho đồng đội đã nằm xuống. Sau lễ tưởng nhiệm, nhóm cựu nữ biệt động Sài Gòn mời tôi cùng về nhà chị Lại Thị Kim Túy, thường được goi là Sáu Tý. Tôi đi theo chị vì câu chuyện của những nữ biệt động có nhiều màu sắc cuộc đời, luôn cuốn hút tôi.

Chị Tý mở bữa tiệc cơm rau. Bàn tròn của những người phụ nữ ngày xuân lại nhắc những ngày Mậu Thân máu lửa. Chị Bảy Sợi ngậm ngùi nói: “Mấy ngày nay nghe báo đài nhắc chuyện Mậu Thân tôi nhớ, thương quá. Sau mấy đợt Mậu Thân, lực lượng mình tổn thất dữ quá. Thủ trưởng của tôi, ông sáu Ngay đánh Mậu Thân về chết ở Ba Thu…”. Chị Tý nắm lấy tay chị Bảy Sợi, mắt sáng lên, phấn khích hỏi lại: “Sáu Ngay, sáu Ngay nào, có phải…”. “Thì Sáu Ngay đó chớ còn đâu nữa”. Chị Tý nghẹn ngào: “Sau những ngày Mậu Thân, em đi tìm ảnh. Đâu ngờ…”. Gương mặt in dấu một thời xuân sắc của chị bần thần. Chị Tý nói: “Không bao giờ em quên những ngày Mậu Thân ác liệt. Cả đơn vị chỉ còn em sống sót trở về. Nơi chôn mấy mươi đồng đội của em bây giờ ở đâu, em cũng không biết nữa. Sau hòa bình, em tìm lại chỗ cũ nhưng tất cả đều đổi thay, không còn dấu vết gì…”. Chị Bảy Sợi nói: “Nghe nói có tấm bia gì đó, ở phường Tân Thới Hòa, đâu em tới đó coi”. Sáy Tý nói: “Em sẽ đi”. Không khí buổi tiệc đầu xuân lắng đọng ký ức những người còn sống, nhớ về những người đã nằm xuống. Từ hôm ấy, chị Tý đi tìm và đã gặp…

Người chết đi cùng người sống dậy

Chị Tý gọi điện cho tôi, xúc động báo tin: “Chiều 22, tháng 2 này (nhằm 13 âm lịch Quý Tỵ), phường Tân Thới Hòa tổ chức giỗ biệt động cho 38 chiến sĩ hy sinh trong Mậu Thân 1968. Đó là đội biệt động của chị năm đó. Tìm được, chị mừng lắm, em đi dự nghen!”. Làm sao tôi từ chối lời đề nghị nghĩa tình của chị. Và thật cám ơn chị Tý, bởi qua cầu nối của chị, tôi được dự một đám giỗ vô cùng xúc động…

Tôi được gặp ông Lưu Thiên Vân- một chiến sĩ cánh quân Hoa vận, từng tham gia Mậu Thân. Ông chân thành nói: Nhiều thanh niên người Hoa năm ấy đã nghe theo lời kêu gọi của lực lượng cách mạng, tòng quân, tham gia chiến đấu. Tại nơi mảnh đất chúng ta đứng đây, có gia đình người Hoa, cả 4 anh em đều hy sinh. Mẹ Trương Thuận Khuê ở Bình Trị Đông- một bà mẹ người Hoa đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Còn nhiều người Hoa đã nằm xuống quanh khu vực này, trong Mậu Thân năm 1968, cho đến nay cũng chưa xác định tên tuổi. Đó là một điểm khuyết, nỗi trăn trở cho Ban Hoa vận chúng tôi”.

Lúc đầu, chị Sáu Tý chỉ định đến thăm lại nơi đồng đội hy sinh, thắp hương tưởng niệm nhưng người sống còn biết rất ít về những ngày lịch sử Mậu Thân, ngay nơi mảnh đất họ đang đứng mà chị phải lên tiếng. Chị nói chỉ mới mấy mươi năm mà lịch sử đã sai lệch. Năm đó, khu vực này còn là đồng hoang, nhà cửa thưa thớt. Là giao liên cho đội 3 biệt động, có nhiệm vụ dẫn cánh quân Phân khu II, hướng Tây Nam vào nội đô Sài Gòn. Từ chiều 29 tết, chúng tôi từ xã Mỹ Hạnh, Đức Hòa, Long An hành quân khẩn cấp về hướng Sài Gòn. Đó là một cuộc hành quân thần tốc, các chiến sĩ lội qua cánh đồng bưng lác, qua các con rạch, súng trên vai, khí thế ngất trời. Đi suốt đêm như vậy mà không ai mệt mỏi, đúng ra là không cho phép mình mệt mỏi, bởi chậm một chút là bị đồng đội bỏ lại phía sau. Sau đêm Mậu Thân, địch phản công dữ dội. Chúng tôi được lệnh bám trụ lại đây, để tiếp tục đưa quân vào nội đô chiến đấu. Trong suốt 13 ngày đêm bám trụ nơi đây chiến đấu, chúng tôi đã được bà con nuôi giấu, che chở. Ngày bám vào dân, đêm chúng tôi bung ra diệt ác phá kềm. Riêng đơn vị biệt động chúng tôi do anh Sáu Ngay chỉ huy đã chiến đấu đến phút cuối cùng, vì chúng tôi được lệnh bám trận địa, chờ làm nhiệm vụ dẫn đường đưa đại quân vào chiến đấu. Đại quân không vào được, 38 đồng đội của tôi đã hy sinh. Tôi còn nhớ cảnh máy bay trên trời gọi hàng, phía dưới bộ binh, pháo binh tập trung hỏa lực vào nơi chúng tôi đóng quân. Chú Sáu Ngay kêu gọi chiến sĩ xung phong, mở đường máu rút ra nhưng tất cả các con đường đều bị vây bủa. Trong khói lửa ngập trời, tôi nhìn thấy các anh lao ra và ngã xuống.

Tấm bia còn thiếu nhiều tên liệt sĩ

Đứng trước tấm bia, chị Tý nghẹn ngào nói: “Còn thiếu rất nhiều tên liệt sĩ. Trận chiến đấu ấy, có đến 38 đồng chí hy sinh. Các anh tôi biết là… không được khắc tên ở đây”. Chị nhắc tện những liệt sĩ. Người nằm xuống 45 năm sống dậy trong ký ức người còn sống. Lăng đi một lúc, chị ngậm ngùi: “Sau trận đánh, địch phản công ác liệt. Là phụ nữ, chị cải trang thành thường dân, mất hết giấy tờ, chạy giặc. Nhờ vậy mà chị thoát ra ngoài. Các anh ở lại, chiến đấu và hy sinh gần hết. Anh Sáu Ngay chỉ huy trận ấy. Thoát khỏi vòng vây, chị không còn được gặp lại đồng đội. Mãi đến Tết Quý Tỵ này, qua chị Bảy Sợi, chị mới biết anh Sáu Ngay hy sinh”. Tôi không dừng đựợc câu hỏi: “Sao mãi đến bây giờ chị mới quay lại?”. Chị Tý nói trong nước mắt: “Sau trận chiến 5 ngày, chị tìm cách quay lại. Xác các anh đã sình lên. Một khung cảnh thật thê lương. Tất cả đều tan hoang, điêu tàn sau trận chiến. Chị vận động đồng bào, vội vàng chôn xác các anh, rồi phải ra đi, lao vào nhiệm vụ mới. Hòa bình, chị có trở về chốn cũ, thăm lại đồng đội trong trận đánh năm xưa. Nhưng chị không tìm ra dấu vết, bởi khung cảnh đổi thay nhiều quá!”. Chị Tý thở dài: “Thời gian…”. Vì không muốn thời gian phủ mờ lên xương máu những người đã nằm xuống, mà chị Tý quyết tâm đi tìm. Sau khi nghe nói người chỉ huy trận đánh là đội trưởng Sáu Ngay đã hy sinh, chị tự nhận lấy trách nhiệm bổ sung tên tuổi những chiến sĩ đã nằm xuống, ngay nơi tấm bia chị đứng. Chị kết nối với thân nhân những liệt sĩ, từ Đức Hòa, nơi cánh quân của chị xuất phát, tiến về Sài Gòn.

Tôi gặp trong lễ giỗ tưởng niệm những giọt nước mắt người mẹ, người vợ, người con của các liệt sĩ. Đó là dì Phạm Thị Riếm, vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Nhanh; chị Lê Thị Thanh- con gái đầu liệt sĩ Lê Văn Lịch; bà Trần Thị Giạnh- vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Kê… Sau khi nghe chị Tý báo tin, không hẹn mà các dì các chị mang gạo nếp, hùn nhau làm bánh, để đúng ngày 13.1 âm lịch năm 2013 đặt trên nấm mồ yên nghĩ của các liệt sĩ hương vị quê nhà. Người còn sống suốt mấy mươi năm mới biết nơi chồng, con, người thân mình đã nằm xuống. Dì Phạm Thị Riếm rưng rưng nước mắt: “Mấy mươi năm rồi, tôi thấy như chồng tôi mới vừa ngã xuống hôm qua thôi…”. Dì Nguyễn Thị Tách- chị liệt sĩ Nguyễn Văn Tưởi chân chất bày tỏ: “Hôm nay tới được nơi em trai mình hy sinh, vui mà buồn, bởi đâu có xa xôi gì, từ xã Tân Mỹ Đức Hòa xuống đây, mà đến 45 năm ròng rã chúng tôi mới được biết. Khi đi chiến đấu, em trai tôi mới 21 tuổi, đẹp trai, rất ngoan hiền. Tôi cho em tiền, nó không lấy, tôi khóc. Em tôi giận nói: “Em đi nếu chết cho Tổ quốc là mang về vinh quang, sao chị lại khóc?!”. Tôi lau nước mắt, cười cho em yên tâm. Nhưng rồi mãi đến hôm nay…”. Mãi đến hôm nay, người chết đi cùng người sống dậy có mặt trong ngày lễ tưởng niệm. Bên tấm bia còn thiếu nhiều tên liệt sĩ, người còn sống sẽ nhớ lại để ghi thêm, để cùng nhắc thế hệ hôm nay về những tấm lòng son vì đất nước. Khi Tổ quốc cần, thế hệ cháu con sẽ tiếp bước cha ông, sẵn sàng đem dòng máu đỏ giữ quê hương.

“Những người chết vì Tổ quốc/ Không thể nào vô danh”

Tôi xin mượn lời thơ của đại tá Khưu Ngọc Bảy- nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 962 khi viết về những đồng đội đã ngã xuống, chưa tìm được hài cốt, tên tuổi. Vâng, những tấm bia ở nghĩa trang xin đừng ghi “Liệt sĩ vô danh”. Các anh chị đều có tên tuổi, quê hương, có cha mẹ, người thân, có cả cuộc đời khi dấn thân cho Tổ quốc. Và khi các anh chị nằm xuống, cuộc đời với đau khổ, hạnh phúc, ước mơ, hoài bão được gởi vào lòng đất. Ở những nơi chiến tranh ác liệt, nhiều nấm mồ liệt sĩ còn bị bom dội đến mấy lần, tan hoang; người ngã xuống còn phải chết nhiều lần, thì mộ chí, tên tuổi làm sao không thất lạc. Vi lẽ đó mà người sống còn phải đi tìm… Một năm qua, chị Lại Thị Kim Túy đã miệt mài đi tìm và đã cung cấp cho phường Tân Thới Hòa thêm danh sách liệt sĩ. Các anh phần lớn quê ở Đức Hòa, thuộc đội biệt động vùng 3 cánh Tây Nam Phân khu II. Vì lẽ đó, năm nay giỗ 38 biệt động có thêm nhiều người mẹ, người chị ở ấp Bàu Công, xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa đến dự. Những người ẹm người chị ấy mang theo gà, bánh tét, bánh ít- những món ăn ngày các mẹ các chị tiễn con em mình ra chiến trường trong mùa xuân năm 1968…

Hương vị khoanh bánh tét chuối ngọt ngào trong miệng mà sao mắt tôi cay!

Tp.Hồ Chí Minh, ngày 29 tháng 4 năm 2014

Trầm HươngÂÂÂÂ