NGƯỜI PHỤ NỮ 87 NĂM TUỔI ĐẢNG

Nhân ngày Quốc tế Bảo tàng 18/5, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ giới thiệu đến bạn đọc những người phụ nữ đã góp phần viết nên tám chữ vàng mà Đảng và Bác Hồ đã trao tặng cho phụ nữ Việt Nam. Với chúng tôi, đó là di sản quí giá mà bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã nghiên cứu trong thời gian qua.

Nhân ngày Quốc tế Bảo tàng 18/5, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ giới thiệu đến bạn đọc những người phụ nữ đã góp phần viết nên tám chữ vàng mà Đảng và Bác Hồ đã trao tặng cho phụ nữ Việt Nam. Với chúng tôi, đó là di sản quí giá mà bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã nghiên cứu trong thời gian qua.

Người đầu tiên chúng tôi muốn giới thiệu là bà Phạm Thị Trinh – nguyên Thường trưc Ban Phụ vận Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Trưởng ban Tổ chức Cán bộ, Bí thư Đảng ủy cơ quan TW Hội Liên hiệp Phụ nữ. Đại biểu Quốc hội Khóa II và Khóa III.

altBà Phạm Thị Trinh (tức Lân) sinh ngày 08/3/1914 (tức ngày 22 tháng Chạp năm Quý Mão), là con thứ của cụ Phạm Quang Dinh (gốc Mạc) và bà Võ Thị Vàng, tại xã An Phú (nay là Tịnh Minh) huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Bà là lớp đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam), bà được kết nạp Đảng vào năm 1930.

Ở tuổi 16, ngày 19/01/1930, bà cầm cờ đi đầu, chỉ huy cuộc “biểu tình Truy Điệu Sơn Tịnh”, cuộc biểu dương lực lượng của quần chúng cách mạng của Đảng tại địa phương với hơn 2.000 người tham gia, đối đầu với chính quyền Nam Triều huyện Sơn Tịnh và đã giành thắng lợi. Đến tháng 9/1930 bà thoát ly gia đình hoạt động bí mật.

Tháng 7/1932, bà bị bắt khi cùng một số đồng chí tạm lánh lên núi Hòn Dầu, bị tên Ất làm phản. Cuộc đối đáp giữa bà và Toàn Quyền Đông Dương P.M.A. Pasquier được hai phóng viên đưa tin trên báo Tiếng Dân và Nhân Đạo đã gây tiếng vang trong nước và quốc tế. Trả lời câu hỏi, vì sao còn nhỏ đã theo Cộng sản, ngồi ghế đối diện với tên Toàn quyền, bà dõng dạc đối đáp: “Tôi là người dân mất nước, tôi không muốn ai cai trị nước tôi, tôi không muốn làm người dân nô lệ nên tôi theo Cộng sản”.

Nhà lao Quảng Ngãi năm 1930-1932 là một địa ngục trần gian, chúng thực hiện âm mưu thâm độc tiêu diệt Cộng sản nên đã bắt bớ, tra tấn, tù đày hàng nghìn người. Cũng như các nhà tù đế quốc khác, các tù nhân chính trị đã biến nhà tù đế quốc ở Quảng Ngãi thành trường học cách mạng. Tại nơi đây, bà đã học từ các bạn tù để thoát khỏi mù chữ, học lý luận cách mạng, học ca hát, học tập gương đấu tranh và hy sinh anh dũng của các bậc tiền bối và học làm thơ qua người bạn tù, bạn thơ Nguyễn Chánh- sau này là chồng của bà.

Vào những năm 1934 và 1935, ông Chánh và bà lần lượt mãn hạn được ra tù, bị quản thúc tại quê. Trong lao tù, tình đồng chí, tình bạn thơ dần dần phát triển thành tình yêu lứa đôi. Ngày được trả tự do, với sự tác thành của ông Sáu Trân, bà và ông Nguyễn Chánh nên vợ nên chồng.

Năm 1938, phái hữu lên nắm chính quyền ở Pháp, lại bắt đầu thời kỳ đàn áp đẫm máu cách mạng ở Đông Dương. Cuối năm 1941, do tên Lâm Tài phản bội, bà bị bắt lần thứ hai cùng vợ chồng ông Sáu Trân.

Giam cầm, tra tấn mãi không moi được gì, địch kết án bà 6 tháng tù và giam bà tại nhà lao Quảng Ngãi, cuối năm 1944 bà ra tù. Ngay sau khi ra tù, bà được bổ sung vào “Ủy ban Vận Động Cứu Quốc” tỉnh Quảng Ngãi (tức tỉnh ủy lâm thời). Khi đội Du Kích Ba Tơ thực hiện quyết sách táo bạo xây dựng căn cứ trong lòng dân, chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa, đoàn đại biểu phụ nữ tỉnh do bà dẫn đầu đón và tặng quà cho Đội du kích tại “Bia Lũy”. Hội trưởng Hội Phụ nữ Cứu quốc tỉnh bà Phạm Thị Trinh đã trao thanh gươm tuốt trần cho Chính trị viên Đội Du kích Ba Tơ Nguyễn Chánh – cũng chính là chồng bà.

Ngày 14/8/1945, Nhật đầu hàng Đồng Minh, Tỉnh Ủy ra lệnh tổng khởi nghĩa trong toàn tỉnh. Đội Du kích Ba Tơ và các lực lượng bán vũ trang với gươm giáo, cồng chiêng, trống mõ giành chiến thắng oanh liệt ở Di Lăng, Xuân Phổ, Mỏ Cày, Châu Ổ, Cổ Lũy v.v.. Việt Minh chiếm tòa sứ, ngân hàng, nhà dây thép và các cơ quan quân sự. Cách mạng Tháng 8 ở Quảng Ngãi thành công sớm nhất so với các tỉnh, thành khác (từ ngày 14 đến 16/8/1945).

Ở tuổi 31, ngày 30/8/1945, bà là người phụ nữ duy nhất có mặt trên Chủ tịch đoàn cuộc mít tinh của tỉnh mừng cách mạng thành công và ra mắt Ủy ban Nhân dân Cách mạng tỉnh Quảng Ngãi.

Trong kháng chiến chống Pháp bà là Tỉnh ủy viên, Hội trưởng Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi, rồi hội trưởng Hội Phụ nữ LK5 (1946-1954), vừa là người mẹ tảo tần nuôi dạy chu toàn 5 con, vừa là nguồn động viên, người bạn chiến đấu, người vợ hiền rất mực thủy chung của Tướng Nguyễn Chánh.

Năm 1954, Bà tập kết ra Bắc, liên tục công tác tại Trung ương Hội LHPN Việt Nam, đảm nhiệm các chức vụ Ủy viên Đảng Đoàn, Thường trưc Ban Phụ vận Trung ương Hội, Trưởng ban TCCB, Bí thư Đảng ủy cơ quan Trung ương Hội, Đại biểu Quốc hội Khóa II và III. Bà nghỉ hưu năm 1974.

Tháng 9 năm 1957, tướng Nguyễn Chánh đột ngột từ trần, một mình bà nuôi dạy sáu người con trưởng thành và có những đóng góp tích cực: Nguyễn Chí Trực (sinh năm 1937, Thượng tá Quân đội nhân dân Việt Nam), Nguyễn Tuyết Minh (1938, Phó Giáo sư-Tiến sĩ), Nguyễn Ngọc Sương (1945,Trung tá), Nguyễn Anh Tường (1947, Đại tá), Nguyễn Chí Dũng (1949, công nhân), Nguyễn Chí Hòa (1955, cựu chiến binh Quân chủng Hải quân). Trong 6 người con, bà có cậu con trai Nguyễn Chí Dũng chẳng may bị câm điếc từ nhỏ cho đến khi trưởng thành. Cưới vợ cho con trai, cưới cô con dâu có cùng hoàn cảnh câm điếc như con trai mình, bà làm mẹ chồng cô dâu câm điếc và nhất là khi đã ngoại thất tuần bà một mình, thay cho cặp đôi câm điếc ấy vừa làm bà vừa làm mẹ, lần lượt chăm sóc, nuôi dạy hết sức chu đáo 2 cháu nội cho đến ngày các cháu bà tốt nghiệp đại học.

Bà là một nhà cách mạng – nhà thơ và được bình chọn là một trong 10 nhà thơ nữ tiêu biểu của Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20.

Đoàn công tác của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ ra Hà Nội, đến thăm bà vào một ngày tháng 2/2017, bà mẹ 105 tuổi đời, 87 năm tuổi Đảng không đi lại được nhưng còn khá minh mẫn, cặp mắt linh hoạt khi bà kể về một thời tuổi trẻ gắn bó với phong trào cách mạng, gắn bó với Đảng. Người mẹ, người đảng viên 87 năm tuổi Đảng đã đảm đang vai trò người mẹ, một mình nuôi và dạy 6 người con trưởng thành. Tôi hỏi bà: “ba mất khi mẹ còn rất trẻ, sao mẹ có thể chăm sóc tốt 6 người con và hoàn thành nhiệm vụ công việc?”, bà cười móm mém và nói “đâu có, nhờ Đảng và đông chí hết đó. Đảng cho con của mẹ đi học, tạo việc làm; đồng đội của mẹ thay nhau chăm sóc con mẹ khi mẹ có công tác và thậm chí gửi cho bà con gia đình hai bên nội ngoại nuôi hộ”. Chia tay bà, chúng tôi cầu mong bà luôn mạnh khỏe, với chúng tôi đó là di sản quí, minh chứng hùng hồn cho 8 chữ vàng mà Đảng và Bác Hồ đã tặng cho phụ nữ Việt Nam “Anh hùng- Bất khuất- Trung hậu- Đảm đang”.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 5 tháng 5 năm 2017

Mai Phước Lâm