NGƯỜI MẸ SỐNG QUA 3 THẾ KỶ

Đó là Bà mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Viết, sinh năm 1892 và mất ngày 18 tháng 6 năm 2011. Mẹ hưởng thọ 119 tuổi.

Quê mẹ ở làng Tuyên Bình, Kiến Tường. Những năm sau ngày đất nước giải phóng, mẹ sống cùng vợ chồng người cháu nội Nguyễn Văn Bình, là con trai của liệt sĩ Nguyễn Văn An và chị Phan Thị Thép trong căn nhà giữa đồng Đồng Tháp Mười, thuộc ấp cả Gừa. xã Tuyên Bình Tây, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An.

Vùng Tháp Mười xưa là vựa cá tôm của vùng Nam Bộ, vào mùa nước lụt, nước dâng cao 4 đến 5 mét, ngập lụt bờ kênh, xung quanh là đồng nước; cá tôm từ thượng nguồn về sinh sôi. Thiên nhiên đã ưu đãi ban tặng cho Tháp Mười và con người nơi đây nguồn cá dồi dào. Vào khoảng cuối tháng 11 Âm lịch khi nước lụt rút cũng là lúc cá ăn không xuể, người dân vùng Tháp Mười và các vùng ở Nam Bộ phải bỏ vào lu ủ để làm phân tưới cây. Lái cá từ các nơi tụ về mua cá, ướp muối rồi phơi khô, hoặc làm mắm chở lên Sài Gòn và các vùng lân cận để bán.

Trong số những lái cá từ miệt Tháp Mười lên, có nghĩa binh Nguyễn Văn Dành- người tham gia phong trào Cần Vương, vì thất thời lui về quê mưu sinh đã làm trái tim thiếu nữ làng An Hòa, Thủ Thừa phải rung động:

“Mình như lá, em lại như nem.

Lựa ngày nào tốt cưới em cho rồi”.

Năm 21 tuổi, mẹ theo chồng về cả Rưng, xã Tuyên Bình, quận Tuyên Bình, (Kiến Tường ) nay là ấp cả Gừa, xã Tuyên Bình Tây, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An. Thời đó, vùng Đồng Tháp Mười còn hoang vu, nhưng tiếng súng, tiếng tàu Tây quần trên sông rạch đã phá tan cuộc sống thanh bình của làng quê nghèo Đồng Tháp.

Sinh sống ở quê chồng, mẹ tiếp tục buôn bán cá, mẹ tự học cách đan đệm, đan giỏ xách bằng cọng bàng rồi bơi xuồng ra Mộc Hóa, Bình Châu cách đó hơn chục cây số để bán nuôi con.

Người Mẹ sống qua 3 thế kỷ sinh được 10 người con (tám trai, hai gái). Người mẹ vùng quê Đồng Tháp Mười quần quật lo từng bữa ăn cho gia đình nên mẹ không biết chữ và các con của mẹ cũng không được đến trường học cái chữ cho đến nơi đến chốn với người đời.

Năm 1952, đứa con trai đầu lòng của mẹ là anh Nguyễn Văn Liễng tham gia công an xã Tuyên Bình. Ngày 17 tháng 11 năm 1953, mẹ nhân được hung tin, con trai đầu Nguyễn Văn Liễng bị Tây bố bắn chết, hy sinh khi mới 37 tuổi và để lại 3 người con, 2 gái và 1 trai.

Nối gót anh trai, các con của mẹ là Nguyễn Văn Anh, Nguyễn Văn Kiểng, Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Văn Yến lần lượt được mẹ tiễn lên đường tham gia cách mạng. Các con trai lần lượt thoát ly, mẹ được chính quyền xã đưa vào diện “quan tâm đặc biệt” và buộc mỗi tháng đi “học tập” một tuần tại trung tâm quận Tuyên Bình (Kiến Tường).

Năm 1960, liệt sĩ Nguyễn Văn Tao hy sinh khi đang trên đường đi công tác từ Tuyên Bình ra Mộc Hóa. Một năm sau, chồng mẹ mất do những vết thương từ phong trào Cần Vương tái phát. Năm 1962, liệt sĩ nguyễn Văn Kiến hy sinh và một năm sau đó, năm 1963 mẹ lại nhận tin liệt sĩ Nguyễn Văn Trị hy sinh.

Cùng với khí thế của các tỉnh thành Nam Bộ chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, trong lúc chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công con trai út của mẹ là Nguyễn Văn Dẫu hy sinh tại Mỹ Tho. Ngày 23 tháng 3 năm 1968, mẹ nhận tin “kép”- hai người con trai Nguyễn Văn Anh và Nguyễn Văn An hy sinh ngay tại mảnh đất quê hương trong một trận chiến đấu chống càn.

Bảy người con trai của mẹ hy sinh, trong đó có hai liệt sĩ đến nay vẫn chưa tìm ra hài cốt làm lòng mẹ luôn khắc khoải, thầm lặng chịu đựng. Mẹ tiếp nhận tin tức con hy sinh không phải bằng những giọt nước mắt mà bằng chính trái tim vĩ đại của người mẹ.

Đằng sau hình bóng của một Bà mẹ Việt Nam anh hùng với chiều cao tầm 1,55 mét và cân nặng 37 ki-lô-gram, ít ai biết thời kháng chiến, người mẹ ấy nhiều đêm thắp đèn cặm cụi làm việc đến gà gáy canh hai mới đi ngủ. Nhiều người thắc mắc không hiểu sao lúc thì mẹ treo một cái đèn lồng, lúc lại hai, ba cái; cái treo trước cửa nhà, cái để ở bộ ván. Thấy lạ, nghi ngờ mẹ, lính đóng ở đồn Cả Rưng truy hỏi, mẹ thản nhiên đáp chờ cháu đi chơi về khuya mà chúng đâu biết rắng mẹ làm tín hiệu cho Việt minh vào làng vào ấp.

Bà mẹ Việt Nam, một bà mẹ chồng đã hai lần đứng ra làm đám cưới cho con dâu Phan Thị Thép. Thương cảnh hai chị em Phan Thị Thép và Phan Thị Mãnh mồ côi cha mẹ, mẹ Viết hỏi cưới chị Thép cho con trai Nguyễn Văn Trị và nhân nuôi luôn em gái chị Thép là chị Phan Thị Mãnh tại nhà. Bốn năm sau ngày cưới, con trai mẹ Nguyễn Văn Trị hy sinh, thương con dâu sớm khuya vò võ một mình, mẹ lại đứng ra tác hợp cho chị Phan Thị Thép và con trai thứ chín- anh Nguyễn Văn An, em kế của anh Nguyễn Văn Trị. Để tang chồng 3 năm, chị Thép lấy anh Trị theo như ý nguyện của mẹ và sinh thêm cho mẹ Trần Thị Viết 3 đứa cháu nội. Năm 1973, anh An hy sinh, mẹ đón con dâu và 5 đứa cháu nội về chung sống cùng mình.

Mẹ Trần Thị Viết được tổ chức Sách Kỷ lục Việt Nam công nhận là người phụ nữ cao tuổi nhất Việt Nam năm 2010. Sau đó, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh đã lập hồ sơ gởi sang tổ chức Guinness thế giới để xác lập kỷ lục. Nhưng do tuổi cao, sức yếu, mẹ đã qua đời vào ngày 18 tháng 6 năm 2011, hưởng thọ 119 tuổi. Mất 7 người con hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, gia tài mẹ để lại cho đời với gần 500 con cháu, sinh sống chủ yếu ở hai tỉnh Long An, An Giang và hình ảnh người Mẹ, người Bà đầy ngưỡng mộ và tự hào của các thế hệ mai sau.

Trái tim người Mẹ Việt Nam anh hùng đã ngừng đập và yên nghĩ sau nhiều năm làm lụng vất vả nuôi con, chăm lo cho kháng chiến. Tiếc rằng, Mẹ không thể sống thêm một năm nữa để kịp nhận kỷ lục Guinness người phụ nữ cao tuổi nhất thế giới.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 8 tháng 11 năm 2018

Nguyễn Thị Thắm

(Tham khảo tư liệu Bảo tàng tỉnh, các bài báo tỉnh Long An)