NGHI THỨC VÀ ĐẶC TRƯNG TẾT THANH MINH Ở NAM BỘ

Thanh Minh là tiết thứ năm trong “nhị thập tứ khí” và đã được người phương Đông coi là một lễ tiết hàng năm. “Theo đúng nghĩa đen, Thanh là khí trong, còn Minh là sáng sủa. Thanh Minh là khí trong trẻo và sáng sủa”

Nguyễn Thị Thu Hồng

Thanh Minh là tiết thứ năm trong “nhị thập tứ khí” và đã được người phương Đông coi là một lễ tiết hàng năm.

“Theo đúng nghĩa đen, Thanh là khí trong, còn Minh là sáng sủa. Thanh Minh là khí trong trẻo và sáng sủa” [2, tr.103].

Khi tiết Xuân Phân qua, tiết Xuân Phân đến trước tiết Thanh Minh, những mưa bụi của trời xuân đã hết, bầu trời trở nên quang đãng, khí trời trong trẻo và cảnh trời sáng sủa. Người xưa đã mượn cảnh đất trời mà đặt tên cho đệ ngũ tiết khí trong năm, do đó có tên gọi tiết Thanh Minh để ghi lấy thời gian trong đẹp nhất của năm. Tiết này thường bắt đầu trong tháng ba hoặc muộn lắm là đầu tháng tư âm lịch tuỳ từng năm.

“Tiết Thanh Minh được coi là một lễ tiết, tức là một ngày Tết có cúng lễ. Nhân ngày Thanh Minh tới, người Á Đông, nhất là Trung Hoa và Việt Nam có tục ăn tết Thanh Minh…

…Người Việt Nam ta tuy không hoàn toàn ăn tết Thanh Minh như người Tàu, nhưng cũng nhân ngày tết này rủ nhau đi viếng mộ gia tiên, và cũng làm lễ cúng gia tiên sau cuộc tảo mộ” [2, tr.104].

Về sơn bia cũng rất phức tạp, vì trong hoành phú thường có hai huyệt của hai ông bà hoặc có khi ba huyệt cho một ông hai bà, dù cho ai còn sống huyệt cũng phải làm sẵn cùng một lúc với người chết trước, vì vậy trên bia cũng phải ghi tên, do đó khi sơn cũng phải đặc biệt chú ý sơn màu đỏ, đối với người Hoa thì cái họ là bất tử nên lúc nào cũng phải sơn đỏ, tên người chết sơn xanh cho có sự phân biệt ai còn ai mất.

Cả trẻ em cũng theo cha mẹ đi tảo mộ, trước là để biết dần những ngôi mộ của gia tiên, sau là bố mẹ muốn tập hợp cho chúng sự kính trọng tổ tiên qua tục viếng mộ.

Thường người ta đi tảo mộ từ sáng sớm cho đến gần trưa.

Bên cạnh những ngôi mộ được trông nom săn sóc, có vàng hương hoặc thêm bó hoa đặt dưới chân hương, còn có những ngôi mộ vô thừa nhận.

Thông thường, người ta chỉ tảo mộ vào tiết Thanh Minh để nhân dịp trời quang mây tĩnh sửa sang cho ngôi mộ được khang trang hợp với tiết trời, và sau đó kính mời hương hồn tổ tiên về hưởng lễ con cháu cúng trong dịp này; nhưng cũng có nhiều nơi người ta không đi tảo mộ vào tiết Thanh Minh, mà người ta cử hành lễ tảo mộ vào những dịp khác, như trước và sau ngày Tết. Nhưng “dù lệ tảo mộ vào ngày nào thì việc đi tảo mộ để thăm nom lại mồ mả gia tiên cũng là việc hay. Nghĩ đến gia tiên tức là nghĩ đến gốc, tưởng đến nguồn” [2, tr.108].

Cúng lễ trong Tết Thanh Minh

Truyền thống lấy sự thờ cúng tổ tiên làm trọng, mỗi tuần tiết đều có cúng lễ. Tết Thanh Minh cũng là một dịp để con cháu sửa lễ cúng gia tiên sau khi viếng mộ về. Cũng có những nhà sửa lễ mang ra mộ cúng, nhưng đó chỉ là cúng riêng một ngôi mộ nào, và sau đó người ta vẫn cúng ở bàn thờ tổ tiên và khấn tất cả gia tiên nội ngoại về phối hưởng.

Cũng trong ngày lễ Thanh Minh, người ta thường cúng mặn, nghĩa là có làm cỗ, hoặc nếu không làm cỗ thì cũng có đĩa xôi, con gà cùng với hương hoa, trà rượu, vàng mã. Vàng mã đem “hoá” sau lễ cúng. Và đồng thời với việc cúng tổ tiên, có cúng Thổ Công như trong mọi dịp.

Trước Thanh Minh một ngày để đi cúng mộ người ta đã chuẩn bị một bộ tam sinh, giấy ngũ sắc, nhang, đèn, giấy tiền, vàng bạc, quần áo giấy…và các loại bánh trái, thức ăn, thức uống khác tuỳ sở thích của mỗi nhà, nhưng bánh bò, bánh bao không nhân thường đuợc sử dụng nhất; bộ tam sinh dùng để tế trong các đại lễ ngày xưa là ba con vật: bò, heo, dê; còn đối với tết Thanh Minh người ta châm chước, thay bằng heo, gà, khô mực; ngày nay tuỳ theo tập quán của mỗi địa phương và hoàn cảnh của mỗi gia đình, người ta chọn bộ tam sinh cũng khác nhau, nhưng heo thì không thể thiếu, nhà giàu thì dùng cả con heo để cúng tế và mời cả họ hàng thân tộc cùng ăn, nhà nghèo thì một miếng thịt heo luộc, một con khô mực nhỏ, hai quả hột vịt hoặc con cua, con tôm luộc gì đó cũng đủ lễ cúng.

Dùng giấy năm màu ở đây là tượng trưng cho ngũ hành: kim, mộc, thủy, hoả, thổ; nay con cháu đem năm màu phủ lên mộ cũng như đem đến năm hành để xây dựng chỗ ở cho tổ tiên của mình được vĩnh hằng. Sau khi dán giấy xong mọi người cùng tề tựu phía trước bia mộ để dâng hương cúng tế, người lớn tuổi tế trước kế đến là con cháu tiếp tục tế theo thứ tự, mọi ngừơi đều mời tổ tiên của họ về chung vui trước để hưởng lộc sau phù hộ cho con cháu được thuận hoà và làm ăn phát đạt. Khi cúng tổ tiên, người Hoa cũng có một phần lễ vật để cúng thổ địa được đặt phía trái góc mộ để cầu thổ địa phù hộ cho được bình an, đất đai yên ổn. Trong khi cúng tổ tiên, người chủ nhà (hoặc trưởng tộc) phải dâng trà, dâng rượu ba lần và sau cùng là đốt vàng bạc, quần áo giấy…để biểu lộ sự cung phụng trước khi mời tổ tiên yên nghỉ. Sau cùng là đồ ăn thức uống, các thứ cúng tế tổ tiên được dọn ra, mọi ngừơi quây quần ăn uống ngay trước mộ. Việc ăn uống ngay trước mộ tổ tiên cũng mang ý nghĩa đoàn kết gắn bó, cùng ăn, cùng làm, để cùng nhau xây dựng sự nghiệp. Đây là một nét văn hóa đặc trưng của người Nam Bộ. Cũng có một số trường hợp của một vài gia đình sau khi cúng bái tổ tiên, họ không ăn uống ngay trước mộ mà lại dọn về nhà tổ chức tiệc tùng ngay trước bàn thờ gia tiên.

Những gia đình có người mới chết với lễ Thanh Minh: theo cổ tục tang lễ của người Việt, những người mới chết cho đến “đầu tuần bách nhật”, mỗi khi tuần tiết sóc vọng, con cháu đều có cơm canh sửa lễ cúng.

Trong ngày lễ Thanh Minh, tang chủ cũng có lễ cúng riêng những người mới chết, ngoài lễ cúng gia tiên. Những người mới chết, bài vị còn được con cháu đặt thờ riêng cho tới “tuần bách nhật” (lễ cúng một trăm ngày), nhưng cũng có nhiều gia đình cho đến ngày “địa tường” (hết giỗ) mới thờ chung vào bàn thờ tổ tiên.

Hội Đạp Thanh

“Đạp thanh” nghĩa là giày xéo lên cỏ xanh.

Nhân lúc trời quang mây tạnh sau tiết Xuân Phân, lòng con người như bừng thức dậy, người ta rủ nhau đi tới những nơi mênh mông bát ngát cỏ mọc xanh rì chỉ có không khí trong trẻo và tươi sáng. Rồi người ta nghĩ đến gia tiên, người ta rủ nhau đi thăm mộ và cũng là dịp để tài tử giai nhân ngựa xe như nước, áo quần như nêm khoe hồng phô tía, dẫm lên những đám cỏ xanh rì.

Theo nhà nghiên cứu Toan Ánh: “có lẽ ý nghĩ đầu tiên của người ta trong tiết Thanh Minh là chú trọng tới việc tảo mộ, rồi về sau kẻ văn nhân mới vẽ thành hội Đạp Thanh” [2, tr.104].

“Thanh Minh trong tiết tháng Ba

Lễ là tảo mộ hội là Đạp Thanh” [Truyện Kiều, Nguyễn Du)

Từ “đạp thanh” trong câu thơ: “Lễ là tảo mộ, Hội là đạp thanh” có rất nhiều cách giải nghĩa khác nhau, ví dụ: “Sau tiết Xuân phân 15 ngày có tiết Thanh minh tục có hội Đạp thanh, là đi tảo mộ xéo lên cỏ xanh (theo Bùi Khánh Diễn); “Đạp thanh là giẫm lên cỏ xanh, người tảo mộ ở ngoài đồng cỏ đông như hội nên gọi là hội Đạp thanh” (theo Nguyễn Quảng Tuân) v.v…

Đặc trưng của Tết Thanh Minh

Với đạo lý uống nước nhớ nguồn, từ xa xưa Tết Thanh Minh đã trở thành lễ hội quan trọng, thiêng liêng, đi sâu vào tiềm thức của người Việt Nam

Tết Thanh Minh mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, phản ánh nét đẹp tâm linh, đặc trưng truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, đạo hiếu của người Phương Đông nói chung, Việt Nam nói riêng. Thanh Minh tuy không phải là cái tết lớn, nhưng lại gắn liền với đạo đức, với bổn phận con người, bổn phận của con cháu phải tưởng nhớ công lao của tổ phụ, của những người đi trước, đây chính là ngày giỗ tổ chung để mọi người có dịp báo hiếu, trả nghĩa, gọi là đền đáp nghĩa một phần nào cái ơn sinh thành tạo dựng của tổ tiên, của những người quá cố. Thông qua việc cúng viếng trong tết Thanh Minh, người Việt Nam gửi gắm tình cảm biết ơn đối với tổ tiên. “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” và vì “Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn, nước có nguồn mới bể rộng sông sâu”. Trong mỗi gia đình, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên dần dần trở thành đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, thành “đạo hiếu”. Đạo hiếu là cái gốc của mỗi con người. Công cha, nghĩa mẹ như núi cao, nước nguồn cho nên phải hiếu thảo với cha, mẹ khi còn sống, thành kính, biết ơn, tiếc thương khi cha, mẹ khuất núi về với tổ tiên. Lòng hiếu thảo là giá trị đạo đức quý báu của người Việt Nam.

Việc bày tỏ tình cảm, lòng hiếu đạo của con cháu đối với ông bà tổ tiên trong tết Thanh Minh qua những nghi lễ cúng viếng, tảo mộ là một biểu hiện của tính tôn ti, có trên có dưới, có trước có sau. Ngoài ra, việc cúng lễ trong tết Thanh Minh còn là dịp để người phụ nữ thể hiện vai trò, sự đảm đang của mình trong việc nấu nướng, chuẩn bị các lễ vật dâng cúng tổ tiên.

Một đặc trưng nữa của phong tục tết Thanh Minh không thể không nhắc đến là tính cố kết cộng đồng và tính kế tục của lịch sử. Văn hóa Việt Nam tuy lỏng lẻo ở mối quan hệ dòng tộc, song đạo hiếu lại phát triển mạnh mẽ ở quy mô gia đình hạt nhân như một quy luật bù trừ. Khi cúng lễ tổ tiên trong tết Thanh Minh, một mặt con người hướng về quá khứ, định hướng cho hiện tại (giáo dục truyền thống gia đình, đạo lý làm người cho con cháu) và mặt khác đã chuẩn bị cho tương lai. Đường dây thế hệ mà cũng là đường dây đạo lý sẽ luôn liên tục nối tiếp, phát triển.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 08 tháng 02 năm 2022

Nguyễn Thị Thu Hồng

Phòng Truyền thông – Giáo dục – Quan hệ quốc tế

Tài liệu tham khảo:

1. Đào Duy Anh (tái bản 1998), Việt Nam Văn hoá sử cương, NXB Đồng Tháp

2. Toan Ánh (1998), Tìm hiểu phong tục Việt Nam qua tết lễ hội hè, NXB Văn nghệ, Tp.HCM.

3. Phan Kế Bính (2011 – tái bản), Việt Nam phong tục, NXB Văn học, HàNội.

4. Chu Xuân Diên (1999), Cơ sở văn hoá Việt Nam, Nhà Xuất bản Tp.HCM, Tp. Hồ Chí Minh.

5. Chu Xuân Diên (2004), Mấy vấn đề về văn hoá và văn học dân gian Việt Nam, Nhà Xuất bản Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh.