NGHỆ THUẬT CHẠM KHẮC GỖ NAM BỘ

Nghệ thuật chạm khắc gỗ được coi là loại hình nghệ thuật dân gian tiêu biểu ở Nam Bộ, cũng như một số nghề thủ công mỹ nghệ khác, trong nghệ thuật chạm khắc gỗ ở Nam Bộ còn lưu giữ nhiều dấu tích về nguồn gốc xuất xứ từ những nghệ nhân miền Trung, Bắc vào hành nghề, rồi sau đó truyền nghề rộng khắp. Ở giai đoạn đầu của thời kỳ khai phá, định cư, con người phải tập trung vào việc giải quyết những nhu cầu trước mắt về ăn, mặc. Nhà ở thì chủ yếu để đủ che mưa che nắng, còn việc trang trí, chạm trổ, kiến trúc vẫn chưa đặt thành vấn đề cấp thiết.

Đến khi sản xuất phát triển, đời sống khấm khá, có của ăn, của để, làng xóm được thiết lập ngày một nhiều, thị tứ, thị trấn dần dần mọc lên, thì tầng lớp người giàu có cũng bắt đầu xuất hiện. Đến khoảng đầu thế kỷ XVIII, bộ mặt của xã hội Nam Bộ cũng có nhiều thay đổi theo đà tăng trưởng, sản phẩm làm ra ngày một dồi dào, sự phân hóa giàu nghèo tăng nhanh. Tầng lớp giàu có bao gồm “những người có vật lực” (theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn) những quan chức, điền chủ, thương lái lúc này cũng có những nhu cầu mới về nhà cửa để ở và kho để chứa hàng hóa, lúa gạo.

Ở các lỵ sở, chính quyền phong kiến bắt đầu xây cất dinh thự, cơ quan làm việc cho bộ máy quản lý nhà nước, doanh trại quân đội. Người ta cũng bắt đầu xúc tiến xây đình, dựng chùa ở quy mô lớn. Như vậy, khi kinh tế phát triển đã dẫn đến những nhu cầu to lớn về kiến trúc, xây dựng và đã thu hút lực lượng thợ nề, thợ mộc, thợ đá, thợ chạm gỗ… từ miền Trung (Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi) vào ngày một đông; trong số này, có nhiều thợ mộc có tay nghề cao. Nhiều nhà giàu ở Lục tỉnh đã rước những đội thợ mộc, chạm khắc gỗ từ miền Trung vào xây dựng nhà cửa, đình chùa liên tục trong nhiều năm liền. Chính số thợ này đã truyền nghề cho lớp thợ trẻ mới ở ngay những nơi họ hành nghề. Một trong những địa phương có nghề mộc và nghề chạm khắc gỗ phát triển mạnh mẽ nhất ở Nam Bộ là Thủ Dầu Một, vùng đất mà xưa kia có nhiều tài nguyên gỗ. Cách nay hàng trăm năm, tủ thờ, bàn ghế, nghề gia dụng có chạm trổ đã được sản xuất hàng loạt từ vùng này để bán rộng rãi khắp Nam Bộ.

Năm 1901, Pháp đã thành lập trường Mỹ nghệ thực hành Thủ Dầu Một (nay là trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai) để dạy nghề chạm khắc, bởi ở đây có sẵn một lực lượng đông đảo thợ mộc và thợ chạm khắc gỗ dân gian có tay nghề cao. Tiêu biểu cho tài năng của nghệ thuật chạm khắc gỗ Thủ Dầu Một cuối thể kỷ XIX là hai anh em thợ Đường và thợ Phèn. Tiếp theo đó là các Ông Trương Văn Can, Nguyễn Văn Ba (thầy Ba Điếc), Nguyễn Văn Xù, Sáu Nhồng, Chín Trì,… họ là những người có công đào tạo các thế hệ “thợ thủ” cung cấp cho nhu cầu chạm khắc gỗ ở Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn và cả Nam Bộ từ thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX.

Ngoài Thủ Dầu Một thì Sa Đéc (Đồng Tháp) cũng là một trong những quê hương nổi tiếng của nghề chạm khắc gỗ. Cánh thợ Sa Đéc có những nét riêng về nghệ thuật và phong cách thể hiện. Những công trình điêu khắc của họ hiện còn được lưu giữ ở các đình chùa, một số ngôi nhà xưa ở các tỉnh miền Tây.

Nghệ thuật chạm khắc gỗ của người Việt ở Nam Bộ có nhiều thể loại khác nhau: tượng tròn, chạm lộng, phù điêu.

Nghệ thuật làm tượng tròn ở Nam Bộ ít chú ý đến việc tạc tượng người. Nhiều nghệ nhân thường có sở trường về tạc cầm thú, chim muôn. Do nhu cầu của các đình chùa về tượng thờ càng lúc càng tăng nên nhiều nghệ nhân đã chuyển sang làm tượng người. Ở Nam Bộ số tượng tròn cho đến nay còn được lưu giữ, thờ phụng tại các đình, đền, chùa chiền khá phong phú: đa số là tượng Phật, tượng Bồ Tát, La Hán, Thập vị Minh Vương, tượng Quan Công, tượng Mười hai Bà Mụ, tượng Thiên Hậu, tượng Giáng Trai, Già Lam, Long Vương, Địa Tạng,… Có một nhận xét được nhiều người chia sẻ là ở nhiều ngôi chùa Nam Bộ các nghệ nhân chạm khắc đã để lại cho đời sau những tượng La Hán có phong cách khác biệt so với các vị La Hán ở các chùa phía Bắc: không gân guốc, trầm tư, mà lại đẫy đà, vui tươi, hồn hậu. Bên cạnh tượng người, các nghệ nhân còn chạm khắc tượng các con lân, rồng ở đầu kèo, đầu cột, tượng các con vật mà các vị Bồ Tát, La Hán thường cưỡi,…Phần lớn tượng thờ mang phong cách riêng rất rõ nét của người thợ Việt phương Nam, song bên cạnh đó, không khỏi có một số tượng chịu ảnh hưởng của nghệ thuật Trung Hoa, Ấn Độ, Chăm, Khơ-me.

Chạm Lộng là thể loại đặc sắc nhất trong nghệ thuật chạm khắc gỗ của những nghệ nhân ở đây. Chạm lộng thường được sử dụng trong quá trình tạo tác các bao lam thần vọng, bao lam bàn ghế, trang thờ, rìa hương án ở các đình chùa, bao lam cửa nhà ở, dinh thự, đền miếu. Tác phẩm chạm lộng thường tập trung vào mảng đề tài truyền thống của nghệ thuật dân gian như Tứ linh, Bát tiên, Bát bửu, Thập bát La Hán, Mai điểu, Trúc tước, Liên áp, Tứ thời,… hay các đề tài tôn giáo và cung đình. Tại chùa Giác Viên Quận 11 (chùa được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là di tích Lịch sử – Văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1993), tại đây hiện chùa còn lưu giữ 153 pho tượng cổ lớn nhỏ (đa số được chạm khắc bằng gỗ), 57 bao lam và 60 bức phù điêu. Điển hình là bức bao lam “Bách điểu” được chạm lộng rất đặc sắc, ở  trên tác phẩm đặc sắc ấy, người nghệ nhân đã chạm khắc “đủ mọi giống chim chóc bình thường mà người ta thường thấy ở các sân chim vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bức bao lam này dài 3 mét, phần trên được chạm khắc các “linh điểu” cổ điển như: loan, phụng, trĩ,…sau đó là xuất hiện một “sân chim” Nam Bộ với gần trăm con, mà tư thế không con nào giống con nào.

Phù điêu (chậm nổi) là một loại hình chạm khắc được sử dụng để trang trí các rìa của bàn hương án, hoành phi, liễn đối, các cột cái và bệ tượng tròn…Vào buổi đầu của nghệ thuật chạm khắc gỗ, nghệ thuật chạm nổi không phát triển bằng chạm lộng. Ở thời kỳ này, nghệ nhân thường sử dụng các đề tài quen thuộc như nho sóc, lan điệp, bát tiên, thập bát La Hán, bát bửu, tứ thời, long phụng, tứ linh…nhưng chủ yếu là để trang trí viền quanh cho một tác phẩm trung tâm. Do đó, rất hiếm tác phẩm chạm nổi mang tính nghệ thuật độc lập.

Cho đến giữa thế kỷ XX, chạm nổi phát triển mạnh mẽ hơn, tiến thêm một bước khá dài. Nội dung đề tài được mở rộng hơn, ngoài các đề tài cổ điển, các nghệ nhân còn đưa vào tác phẩm những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của đất nước.

Nghệ thuật chạm khắc gỗ Nam Bộ được hình thành và phát triển như sự nối tiếp liên tục của nghệ thuật điêu khắc truyền thống của dân tộc. Qua những chặng đường phát triển, nghệ thuật chạm khắc gỗ Nam bộ đã tiếp thu những tinh hoa từ các vùng khác kể cả mỹ thuật hiện đại phương Tây để tự mình ngày càng hoàn thiện hơn, đồng thời từng bước sáng lập sắc thái riêng, độc đáo của địa phương, vừa cổ điển vừa hiện đại. Mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc với hình nét của chim muôn, cây trái, làm thỏa mãn tâm cảm của người dân vùng đất mới.

Thanh đà được chạm khắc hình đầu rồng, niên đại hơn 200 năm tại chùa Giác Viên – Quận 11, TP. Hồ Chí Minh

Tượng điêu khắc gỗ thập bát La Hán ở chùa Vĩnh Tràng – Tiền Giang

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 17 tháng 10 năm 2022

 Võ Cư

  Phòng Truyền thông, Giáo dục và Quan hệ Quốc tế

Tài liệu tham khảo:

  1. Nguyễn Tiên Yên, Nghệ thuật chạm khắc bao lam chùa Giác Viên, Tạp chí Mỹ thuật (số 3).
  2. Thạch Phương – Hồ Lê, Văn hóa dân gian người Việt ở Nam Bộ (Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội).