NGHỀ CHẰM NÓN LÁ

Có nhiều câu hỏi về nguồn gốc của chiếc nón đan bằng lá đơn sơ ấy có lịch sử từ khi nào? Tổ nghề là ai? Những câu hỏi này đến nay vẫn không ai trả lời được. Nhiều tài liệu cho rằng chiếc nón lá xuất hiện ở Việt Nam vào thế kỉ thứ 13, đời nhà Trần. Theo các nghiên cứu của các nhà khoa học, hình ảnh tiền thân của chiếc nón đã được chạm khắc trên trống đồng Ngọc Lũ, trên thạp đồng Đào Thịnh vào khoảng 2500 – 3000 năm về trước.

“Tôi chưa về con sông quê em

Ngắm em chằm nón buổi đầu tiên

Bàn tay xây lá, tay xuyên chỉ

Mười sáu vành, mười sáu trăng lên”

Trong đoạn thơ “Người con gái chằm nón” bài thơ của Nguyễn Khoa Điềm, chiếc nón lá hiện lên rất tự nhiên, gần gũi. Hình ảnh người con gáivới chiếc nón lá dịu dàng, bình dị đã làm tôn lên vẻ đẹp củaphụ nữ Việt, là cảm hứng nghệ thuật của bao văn nhân, nghệ sĩ cũng như đã đi vào thơ ca, nhạc họa của biết bao thế hệ.Chiếc nón lá không chỉ là vật dụng thiết thân, người bạn thủy chung với người lao động dùng để đội đầu che mưa, che nắng khi ra đồng, đi chợ, là chiếc quạt xua đi những giọt mồ hôi dưới nắng hè gaygắt, mà còn là vật làm duyên, tăng nét nữ tính của người phụ nữ.

Có nhiều câu hỏi về nguồn gốc của chiếc nón đan bằng lá đơn sơ ấy có lịch sử từ khi nào? Tổ nghề là ai? Những câu hỏi này đến nay vẫn không ai trả lời được. Nhiều tài liệu cho rằng chiếc nón lá xuất hiện ở Việt Nam vào thế kỉ thứ 13, đời nhà Trần. Theo các nghiên cứu của các nhà khoa học, hình ảnh tiền thân của chiếc nón đã được chạm khắc trên trống đồng Ngọc Lũ, trên thạp đồng Đào Thịnh vào khoảng 2500 – 3000 năm về trước. Dù có nhiều giai thoại, trải qua nhiều sự biến đổi dưới nhiều hình thức khác nhau, từ chiếc nón hình tròn ở miền Bắc xưa đến nón tròn dẹt, nón quai thao và nón chóp Huế. Nón dạng hình chóp vành rộng, tròn,giữa lòng có đính một vòng nhỏ đan bằng tre, hoặc trúc vừa đủ ôm khít đầu người đội, có dây đeo làm bằng vải để giữ trên cổ. Đây là nón hiện được sử dụng phổ biến bởi mặt tạo khối vững vàng, vừa nâng cao được hiệu quả thẩm mỹ, vừa có chiều sâu để phục vụ được việc che mưa, che nắng nhiều hơn và trở thành một món đồ không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của người Việt từ bao đời nay.

Trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt, nghề chằm nón thủ công truyền thống vẫn được duy trì và tồn tại truyền nghề từ đời cha mẹ, sau đó đến đời con cháu, cứ thế truyền từ đời này sang đời khác cho đến ngày nay. Trên đất nước ta cả ba miền Bắc, Trung, Nam đều có nhiềulàngnghề làm nón lá nổi tiếng và mỗi loại nón ở từng địa phương đều mang sắc thái riêng.

Ở miền Bắc nổi tiếng làm nón với làng nón Chuông nằm ở huyện Thanh Oai, Hà Nộilà loại nón bền đẹp vào loại nhất ở vùng đồng bằng Bắc Bộ; Nón Lai Châu của đồng bào Thái; nón Cao Bằng của đồng bào Tày sơn đỏ; Nón Thanh Hoá có 16-20 vành.

Dọc miền Trung có nón Ba Ðồn (Quảng Bình), làng nón Hạ Thôn, xã Quảng Tân, huyện Quảng Trạch, Quảng Trị. Đến cố đô Huế lại phát triển mạnh mẽ với nhiều làng nón như Dạ Lê, Phú Cam, Đốc Sơ… Đặc trưng của sản phẩm nón lá Huế không chỉ là những chiếc nón thông thường mà còn là một tác phẩm nghệ thuật, độc đáo nhất trong đó là nón bài thơ. Ở Quảng Nam có làng nón Duy Xuyên; Quế Minh nón được làm ra mỏng nhẹ và dáng thanh thoát. Làng nón Gò Găng, Thuận Hạnh, Phú Gia ở Bình Định có lịch sử lâu đời chuyên sản xuất nón Ngựa cao cấp cung ứng cho triều đình, quan lại, phú gia vào thời phong kiến, ngày nay tùy nhu cầu của khách hàng các làng có thể làm ra những chiếc nón đơn giản hoặc tinh tế cao cấp.

Miền Nam có những xóm nghề, làng nghề chằm nón như: làng Tằm Lanh, xã Trung lập Thượng, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh; Ở Tây Ninh có làng nón ấp An Phú, An Hòa (Trảng Bàng); Làng nón lá Ninh Sơn (Thị xã Tây Ninh), nón được làm có độ bền cao, khi gặp mưa vẫn thẳng, không bị dúm lại như các loại nón khác; Nón ở ấp Thới Tân A, huyện Thới Lai(thành phốCần Thơ) nón lá thành phẩm sẽ được quét một lớp dầu bóng pha với xăng nhằm chống thấm nước, tăng độ bóng, độ bền cho sản phẩm. Đây là đặc điểm giúp nón lá Thới Lai được ưu chuộng rộng rãi trên thị trường. Làng nón ở thị trấn Long Hồ, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long lá nón được làm bằng lá mật cật(loại cây nhỏ, thấp có lá xòe rộng như lá cọ, mọc thành từng đám ở Tây Ninh, Phú Quốc, Cà Mau. Mỗi cây mật cật chỉ có 1 lá non và được người ta chọn để làm nón) và cây trúc là nguyên liệu chính để làm nón. Riêng làng nón Hòa Bình (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang), thì sử dụng lá buông để chằm nón.Những làng nghề này đã tạo ra các sản phẩm công phu cũng là một trong những điểm thu hút khách du lịch.

Không có mô tả.

Ảnh Hoàng Dung

Các làng nghề chằm nón rất phát triển vào những năm sau giải phóng, sản phẩm làm ra vào thời gian này bán rất chạy, vì rẻ và tiện dụng. Cho nên, số hộ làm nghề chằm nón ngày càng tăng. Nhưng thời gian gần đây, cuộc sống ngày càng hiện đại, người dân ít sử dụng nón lá, thì số hộ gia đình tham gia chằm nón trong các làng nghề ngày càng ít.

Nghề chằm nón lá có nhiều công đoạn, nhưng việc chằm nón đòi hỏingười thợ ở các làng nghề phải có sự chăm chỉ, cần mẫn và sự khéo léo của đôi bàn tay. Cho nên, nhân lực trong các làng nghề chủ yếu là phụ nữ, nam giới có chăng chỉ làm mô, vót vành… Vì thế, nghề chằm nón được coi là nghề dành riêng cho phụ nữ.Phụ nữ làm nghề có nhiều độ tuổi khác nhau, làm nhiều công việc khác nhau, nên khi làm nghề thì thời gian tham gia vào công việc cũng không giống nhau. Hiện nay, nghề chằm nón lá có giá thành không cao, nhưng cũng tạo ra thu nhập ổn định cho người làm nghề. Đây cũng là công việc phù hợp cho chị em làm vào thời điểm nông nhàn hay tận dụng những giờ rảnh rỗi để kiếm thêm thu nhập cho gia đình.

Chiếc nón lá vừa đẹp, vừa bền được hoàn thành, là cả một nghệ thuật và công phu của những nghệ nhân, đòi hỏi sự tỉ mỉ trong từng công đoạn của quy trình sản xuất, cần rất nhiều nguyên liệu, vật dụng cũng như công sức và thời gian. Vật dụng làm nón gồm: lá, chỉ nylon, tre (hoặc trúc, giang), dầu bóng, dây đeo… Dụng cụ để chằm nón gồm các loại như: Mác: dùng để vót niềng; Kéo: dùng để cắt tỉa lá; Kim: dùng để xỏ lá và chằm; Lò than: dùng để hơ nóng lá khi vuốt; Miếng gang hoặc sắt: dùng để kê lá vuốt cho thẳng; Cục vải: dùng để vuốt lá; Mô nón (còn gọi là khuôn, khung) được làm từ loại gỗ nhẹ, mái cong đều hình chóp. Mô chằm được ghép bởi những thanh gỗ theo hình chóp, kích thước bằng chiếc nón lá. Trên mỗi thanh gỗ được khắc sâu xuống 16 vạch theo khoảng cách ngắn dần từ dưới lên trên đỉnh chóp. Để hình dáng của chiếc nón lá sau này cân đối, đẹp mắt, vừa ý, người thợ làm mô nón cần giữ được kỹ thuật tạo dáng, khoảng cách giữa các vành và độ tròn của vành… như một thứ gia bảo cha truyền con nối, theo một thẩm mĩ dân gian “hay mắt” mà thật ra là cả một tỉ lệ thích hợp đã được nhiều đời và nhiều vùng kiểm nghiệm “thuận mắt ta ra mắt người”.

Một chiếc nón lá hoàn hảo được làm ra, người thợ phải tỉ mỉ từ khâu chọn lá, phơi lá, vuốt lá. Lá làm nón tùy mỗi vùng miền và tùy làng nghề có thể dùng lá dừa, lá mật cật, lá buông, lá cọ… Lá phải non vừa độ, gân lá phải xanh, màu lá phải trắng xanh. Một chiếc nón đạt tiêu chuẩn phải có màu trắng xanh với những gân lá vẫn còn màu xanh nhẹ, mặt lá phải bóng, khi nón đan lên phải nổi những gân lá màu xanh đẹp mắt.Sau khi chọn được lá nón tốt, người thợ phải mang tàu lá nón đi được luộc chín, phơi và vuốt thẳng, bằng cách dùng một miếng gang (sắt)đặt trên bếp lò được đốt nóng, lửa phải vừa độ, không nóng quá, không nguội quá. Sau đó, đặt lá lên dùng cục vải vuốt cho đến khi thẳng bóng, nhưng không được để lá bị ngả vàng và đem phơi rồi ủ khô sao cho luôn giữ màu xanh-trắng tự nhiên.Để làm đươc điều đó, người thợ phải biết sử dụng lực đôi tay, đồng thời biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa tay đè và tay vuốt. Lá sau khi vuốt xong được cắt xéo góc với cùng độ dài là 50cm, rồi kết lại từng xâu.

Ngoài lá nón, vành nón cũng là bộ phận hết sức quan trọng của chiếc nón. Vành nón chính là xương sống của nón.Với cây mác sắt, những người thợ làm nón chuốt từng nan tre (nhiều làng nghề dùng cây trúc, hoặc cây giang) sao cho tròn đều, bóng bẩyvà có đường kính rất nhỏ, thường chỉ lớn hơn que tăm một chút. Mỗi cái nón sẽ có 16 nan tređược uốn thành những vòng tròn. Vòng to nhất có đường kính khoảng 50cm, những vòng tiếp theo càng lên đỉnh càng nhỏ dần, vòng nhỏ nhất chỉ bằng đồng xu. Những vòng ấy sẽ được đặt vào mô theo những vạch khắc sẵn bằng gỗ hình chóp theo vị trí từ dưới lên và từ lớn đến bé. Vành nón phải đều tăm tắp, không được méo mó, xộc xệch thì mới tạo ra được những chiếc nón đẹp.

Sau công đoạn xếp vành lên mô là công đoạn xây (có nơi gọi là lợp) lá trên mô.Công đoạn này rất quan trọng, đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm mới xoay lá đều, đẹp. Mỗi chiếc nón gồm có từ 2 hoặc 3 lớp lá, tùy từng làng nghề. Những chiếc lá được xếp ngay ngắn lên mô nón.Khi xây lá, người làm phải thật sự khéo léo và đều tay để những chiếc lá không bị chồng lên nhau hay xô lệch. Sau đó, người thợ sẽ dùng một cái vành, chụp lên bên ngoài mô nón để giữ cho lá nằm cố định, giúp người thợ chằm được dễ dàng.

Giai đoạn chằm (hay còn gọi là khâu) nón là phần quan trọng nhất. Để làm nên một chiếc nón bền, đẹp đòi hỏi người khâu phải có đôi tay khéo léo giữ cho các lớp lá trên nón không rách và giúp chiếc nón được phẳng, không tạo nên nếp nhăn hoặc lồi lõm. Người thợ bắt đầu chằmnónbằng kim và chỉ nylon dẻo mỏng như sợi chỉ, có độ dai, màu trắng trong suốt. Người thợ cầm kim cũng phải thật mềm mại, mỗi mũi kim phải thẳng, đều như thêutừ trong ra ngoài, khoảng cách giữa những mũi kim vừa phải, không xa quá, không lộ chân kimvà giấu đi được những mối chỉ nối thì mới tạo ra sản phẩm chiếc nón đẹp.Những đường kim mũi chỉ lên xuống nhịp nhàng sẽ gắn chặt lá nón và vành lại với nhauvà xoay tròn để làm sao lá đầu chóp nón cho khéo để chiếc nón lá được thẩm mỹ, thể hiện cái “hồn” của người thợ vào trong nón lá.

Quy trình cuối cùng là nức vành, đây là công đoạn khá quan trọng, người thợ sẽ vót 01 cọng nan có thân dẹp gọi là cây tiến, cặp vào vành nón số 16 để khi nức, vành nón được tròn và chắc chắn, nón sử dụng được lâu bền.Ngoài ra, người thợ còn trang trí bên trong của chóp nón bằng chỉ thêu màu đỏ, xanh, hồng,… hình ngôi sao hay hình cái bông để tăng thêm nét đẹp cho sản phẩm của mình.Chiếc nón hoàn thành xong được quét một lớp dầu bóng để chiếc nón không bị mốc, tăng độ bền lâu và thêm tính thẩm mĩ. Quai nón được buộc đối xứng ở hai bên. Quai nón thường làm từ nhung hoặc lụa với nhiều màu sắc khác nhau: cam, đỏ, hồng, tím…để làm tăng thêm nét duyên cho người đội. Người thợ sau khi làm xong thường sẽ trang trí lên nón những bài thơ bên trong hoặc những hình vẽ mỹ thuật bên trên hay thêu chỉ đẹp mắt.

Không có mô tả.

Ảnh Nguyễn Quốc Huy

Trong cuộc sống hiện đại hóa hiện nay, những người thợ thủ công trong các làng nghề vẫn tỉ mỉ, khéo léo từng ngày làm nên những chiếc nón lá đẹp, bền với lòng nhiệt huyết yêu nghề, yêu cái đẹp mộc mạc của chiếc nón lá. Họ vẫn đang âm thầm níu giữ lấy cái nghề làm nên nét đặc sắc quê hương – giữ lấynhững giá trị cốt lõi về văn hóa nón lá Việt Nam. Đặc biệt, nón lá đãgóp phần tôn vinh vẻ đẹp, nét duyên dáng, sự bình dị của người phụ nữ Việt Nam.Giờ đây, nón lá Việt Nam không chỉ phổ biến trong nước mà còn được giới thiệu trên thị trường quốc tế. Hiện nay,nhằm thu hút khách du lịch đồng thời quảng bá nền văn hóa nước nhà, nhà nước đang đẩy mạnh đầu tư để duy trì và phát triển các làng nghề trở thành hình mẫu du lịch lý tưởng trong tương lai.Chắc hẳn khi đặt chân đến dải đất hình chữ S, cầm trên tay một chiếc nón lá, mỗi du khách sẽ có những ấn tượng và trải nghiệm thú vị./.

Tp.Hồ Chí Minh, ngày 16 tháng 8 năm 2021

Nguyễn Thị Vân Huệ

Phòng Nghiên cứu- Sưu tầm- Trưng bày