NGÀY TRUYỀN THỐNG SINH VIÊN HỌC SINH 9 THÁNG 01

Nhìn dòng xe tấp nập của đường phố, dòng người nối tiếp, thấp thoáng tà áo dài trắng tinh khôi tung bay trong gió với nụ cười duyên dáng, mái tóc dài phủ bờ vai buổi sáng ấy, đọng lại trong tôi những năm tháng thời học sinh – sinh viên ngồi ghế nhà trường thật đẹp, ngây thơ hồn nhiên với kỷ niệm khó phai trong lòng.

Nhìn dòng xe tấp nập của đường phố, dòng người nối tiếp, thấp thoáng tà áo dài trắng tinh khôi tung bay trong gió với nụ cười duyên dáng, mái tóc dài phủ bờ vai buổi sáng ấy, đọng lại trong tôi những năm tháng thời học sinh – sinh viên ngồi ghế nhà trường thật đẹp, ngây thơ hồn nhiên với kỷ niệm khó phai trong lòng.

Giờ đây rời ghế nhà trường, mỗi người một nơi với cuộc sống riêng, vội vã trong đô thị nhộn nhịp, tôi bồi hồi suy nghĩ, để có những kỷ niệm đẹp ấy, là sự hy sinh của ông cha, của bao thế hệ cho tổ quốc ngày càng phát triển như hôm nay. Năm nào cũng vậy, tháng 01 đầu năm luôn nhắc mọi người nhớ đến “Ngày truyền thống sinh viên học sinh Việt Nam” và sự hy sinh của Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Ơn (9/1/1950 – 9/1/2018).

Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Ơn, sinh ngày 14/4/1931 và hy sinh vào ngày 9/01/1950. Thuở nhỏ, Trần Văn Ơn học tiểu học ở thị xã Mỹ Tho; sau đó, cùng gia đình về Sài Gòn và sống tại Hòa Hưng. Mẹ là bà Huỳnh Thị Tữu và cha là ông Trần Văn Nghĩa, là một nhân sĩ có tinh thần yêu nước. Hầu hết các anh chị của Trần Văn Ơn đều tham gia hoạt động cách mạng. Khi Cách mạng tháng Tám bùng nổ, học sinh Trần Văn Ơn đã bước vào tuổi 15, cái tuổi đã biết nhận thức được thời cuộc và lý tưởng cách mạng.

Tháng 8/1945, Trần Văn Ơn thi đậu vào lớp năm thứ nhất, bậc cao đẳng tiểu học tại trường Pétrus Ký. Đến năm học 1948-1949, Trần Văn Ơn thi đỗ bằng đệ nhất cấp Pháp. Năm 1949-1950, Trần Văn Ơn được đặc cách lên lớp Ban tú tài. Trần Văn Ơn là một học sinh chăm ngoan, hiếu nghĩa lễ độ với cha mẹ, thầy cô. Từ năm 1947, anh tham gia vào phong trào học sinh yêu nước của trường. Anh là hội viên mật của Đoàn học sinh kháng chiến nội thành, tham gia vào các hoạt động chống thực dân Pháp và chính quyền thân Pháp.

Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, phong trào đấu tranh chính trị của các tầng lớp nhân dân Sài Gòn nổ ra rầm rộ khắp nơi, trong đó có phong trào đấu tranh của học sinh – sinh viên. Ngày 9/01/1950, Đoàn thanh niên Cứu Quốc và Đoàn học sinh, sinh viên Sài Gòn- Gia Định- Chợ Lớn đã vận động trên 10.000 nhân dân; trong đó, đông đảo nhất là học sinh sinh viên, xuống đường biểu tình đòi đảm bảo an ninh cho học sinh, sinh viên học tập, trả tự do cho những học sinh, sinh viên bị bắt và mở lại trường học. Đoàn biểu tình đã kéo đến Nha học chính và Dinh thủ hiến bù nhìn để đưa yêu sách. Bọn cảnh sát và lính lê dương ra tay đàn áp dã man đoàn biểu tình, tình hình trên đã làm dòng người biểu tình phẫn nộ và bùng nổ thành cuộc xung đột. Những người biểu tình dùng mọi thứ vũ khí có trong tay chống trả quyết liệt với lính Pháp, lính Âu Phi và công an Bình Xuyên.

Trần Văn Ơn – người thanh niên tiêu biểu cho lòng yêu nước và ý chí đấu tranh bất khuất của học sinh, sinh viên, sau khi dũng cảm hứng chịu những xô đẩy và dùi cui để che chở cho các em học sinh nhỏ tuổi hơn, anh đã bị trúng đạn. Trong lúc đang cùng một người bạn khiêng nữ sinh Tạ Thị Thâu của trường Gia Long bị bọn cảnh sát ngụy đánh ngất, Trần Văn Ơn đã bị trúng đạn và hy sinh lúc chưa tròn 19 tuổi.

Tin Trần Văn Ơn mất đã ngay lập tức gây náo động trong giới học sinh sinh viên Sài Gòn, trở thành tâm điểm và đồng loạt các tờ báo lớn của Sài Gòn đã đưa tin. Tại Sài Gòn, ngày 12/01/1950, đám tang anh Trần Văn Ơn đã biến thành cuộc biểu tình thị uy của trên 5 vạn người đứng trên các hè phố tiễn đưa anh.

Trước linh cữu của Trần Văn Ơn là hương án có 2 câu viết bằng máu của học sinh:

“Chết vì tổ quốc, chết mà vẫn sống,

Sống kiếp Việt gian, ô nhục muôn đời”.

Với sự kiện lịch sử đó, noi gương và ghi nhận tinh thần đấu tranh bất khuất của anh Trần Văn Ơn và học sinh – sinh viên trong những ngày đầu kháng chiến, Đại hội toàn quốc Liên đoàn thanh niên Việt Nam lần thứ nhất tháng 2 năm 1950 tại Việt Bắc đã quyết định lấy ngày 9 tháng 01 hàng năm làm “Ngày truyền thống học sinh – sinh viên” và Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ V (22-23/11/1993) tại Thủ đô Hà Nội đã quyết định đồng thời lấy ngày 9 tháng 01 làm “Ngày truyền thống của Hội Sinh viên Việt Nam”. Truyền thống vẻ vang đó đã được các thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam kế thừa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và trở thành bất diệt.

​Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 9 tháng 01 năm 2018

Đào Thị Hồng Quyên