Từ xa xưa, bình đựng vôi – một đồ vật đơn sơ được làm bằng đất rất gần gũi và không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người dân Việt Nam. Bình đựng vôi ra đời từ rất sớm, người ta làm những bình bằng đất rất to sau đó nung ở nhiệt độ thích hợp để có sản phẩm là những chiếc bình vôi hoàn chỉnh. Hầu hết những chiếc bình vôi đều làm bằng gốm, sứ có tráng men trắng hoặc màu xanh, nâu… trang trí khá đẹp mắt. Bên cạnh đó có những chiếc bình vôi làm bằng đồng thau.
Những chiếc bình đựng vôi rất đa dạng về chủng loại, kích thước, trọng lượng cũng khác nhau, có những bình cầm lọt trong tay nhưng cũng có những bình rất lớn… Để cho phù hợp với mục đích sử dụng, bình vôi có loại chỉ nhỏ bằng quả quýt mang trong người nhưng cũng có loại to bằng quả dừa để trên bàn tiếp khách. Cũng có loại to bằng cối đá để ngoài đình cho cả làng sử dụng quanh năm thể hiện rõ tình làng, nghĩa xóm của người Việt.
Bình đựng vôi chủ yếu là bình có quai xách và không có quai xách. Bình có quai xách thường lớn hơn để thuận tiện cho việc nâng lên đặt xuống và có trang trí cầu kỳ hơn bằng các hoa văn như bát quái, âm dương, dây tơ hồng hình quả cau, cuống cau, lá trầu để nhắc đến chuyện cổ tích “Trầu cau” của người Việt. Bình đựng vôi không có quai xách thường nhỏ và nhẹ, vì không có quai nên phải làm nhỏ và chỉ trang trí sơ sài quanh thân bình.
Về niên đại, màu sắc trang trí của những chiếc bình vôi cũng khá đa dạng và phong phú, có những chiếc mang hình dáng giống chiếc ấm tích hay cái lọ, cũng có những chiếc mang hình quả bí đỏ cao lên hay dẹp xuống, có những chiếc hình dạng lớn mà miệng nhỏ và ngược lại. Qua các tài liệu những chiếc bình vôi có kỹ thuật đơn giản, trang trí sơ sài, xương gốm thô và dày, độ nung thấp, miệng rất rộng đó là những chiếc có niên đại sớm hơn, vì lúc mới sơ khai người ta chưa biết dùng chìa để lấy vôi mà phải dùng ngón trỏ của tay phải để lấy vôi trong bình ra cho nên miệng bình phải lớn thì ngón tay mới lọt vào được và nhất là khi bình gần hết vôi. Đến sau này qua quá trình sử dụng người ta cải tiến sản xuất, biết sử dụng chìa lấy vôi (ban đầu chìa bằng tre và sau này có cả chìa bằng kim loại) thì những chiếc bình vôi được làm miệng rất nhỏ, kích thước lớn, trang trí tinh xảo, xương gốm mịn và mỏng, đề tài trang trí phong phú hơn. Tùy theo ngẫu hứng của các nghệ nhân mà họ có ý tưởng khác nhau nhằm làm cho chiếc bình vôi không chỉ để đựng vôi mà còn để làm trang trí mang tính giá trị cao mà các nghệ nhân muốn gửi gắm tâm tư vào chiếc bình đó.
Xưa, những chiếc bình vôi thường được đặt ở vị trí khá trang trọng trong gia đình. Trong nhà ai cũng phải biết cách quyện vôi. Trước hết người ta đổ nước vào bình sau đó thả cục vôi sống vào, vôi đã được tôi và gặp nước sẽ tan ra và tạo thành khói có độ nóng rất cao từ từ tạo thành một khối vôi loãng sau đó kết thành thứ hồ sền sệt. Vôi có màu trắng như nước da ngọc ngà của cô thiếu nữ. Người ta lấy vôi trong bình ra bằng que dài có dáng như như một chiếc bơi chèo, quệt vào lá trầu têm rồi nhai với cau. Chiếc que dài này người ta gọi là chìa vôi. Tùy theo loại hình bình vôi mà có các loại chìa vôi khác nhau. Bình vôi thường thì dùng chìa bằng tre, bình vôi sang bao giờ cũng dùng chìa vôi bằng kim loại quí. Thân chìa vôi thường đeo thêm một lưỡi dao dùng để rọc trầu. Lúc trước, mỗi một xóm làng ở những vùng quê chỉ có một chiếc bình vôi với hình dáng to lớn để ở nơi công cộng, nhà nào cần thì ra lấy một ít về dùng. Sau này, để cho tiện công việc nhà nào cũng có một bình vôi để riêng trong nhà. Với chất lượng ngày càng cao thì những chiếc bình vôi có kích thước gọn hơn, hiện đại hơn nhưng không kém phần cầu kỳ và hấp dẫn.
Xưa, bình vôi không chỉ đơn thuần là dụng cụ dùng để đựng vôi ăn trầu mà nó còn thể hiện tâm niệm, tâm linh, tín ngưỡng của người dân. Bình vôi được xem như thần giữ của trong gia đình, hay đại diện quyền lực “nội tướng” trong nhà. Với người Việt, nhiều nơi khi đón dâu, bà mẹ chồng có tục cầm bình vôi tránh sang nhà hàng xóm. Điều này ngụ ý rằng “giao lại toàn bộ quyền lực cho con dâu nhưng bà vẫn phải giữ tay hòm chìa khóa” trong nhà. Bình vôi còn được tôn là “ông bình vôi” do vôi để tồn tại lâu ngày cục vôi cứng lại, miệng bít lại và được thờ cúng cũng giống như pho tượng đất nên dân gian tôn thờ là “ông”. Với ý nghĩa mang nhiều triết lý, tâm linh như thế nên khi không còn sử dụng nữa thì người ta không bỏ đi mà thường treo lên gốc cây đa hay để cạnh ngôi đình ở làng với ngụ ý là chúng thuộc món đồ của thần thánh thì trả về cho thần thánh. Thông qua những chiếc bình vôi, ông cha ta đã gửi gắm trọn tâm tình sâu đậm trong đó có tình vợ chồng, anh em, nghĩa làng xóm, láng giềng và cả những nét sinh hoạt văn hoá cộng đồng đặc sắc mang đầy tính nhân văn và triết học của Việt Nam.
Hình ảnh các bình dựng vôi
(hình 1)
– Bình đựng vôi
Gốm miền Trung Việt Nam
Niên đại: Thế kỷ 18-19
Cao: 8,9 cm; Đk.miệng: 1,6cm; Đk.đáy: 5,2cm; cao quai: 4cm
Bình vôi dạng này không có quai mà có núm (hình 1), cổ eo, thân phình, miệng tròn, đáy loe và toàn thân không men, không trang trí hoa văn, xương gốm thô, độ nung vừa phải.
(hình 2)
– Bình đựng vôi
Gốm men nâu Trung Quốc
Niên đại: thế kỷ 18-19
Cao: 16,9cm; đk.miệng: 1,8cm; đk.đáy: 10,3cm Cao quai: 6cm
Bình vôi hình quả cầu (hình 2), có quai xách cách điệu hình cuống cau, men nâu bóng, đế thấp và hơi choãi, xương gốm mịn và mỏng, độ nung khá cao.
(hình 3 )
– Bình đựng vôi
Gốm miền Trung Việt Nam.
Niên đại: thế kỷ 18-19
Cao: 12,3cm; đk.miệng:2,2cm; Đk.đáy: 7,6cm; quai cao:4,5cm
Bình vôi hình quả cầu (hình 3), quai đắp hình rồng, trên bình có trang trí hoa văn vòng tròn đồng tâm, men xanh lam, xương gốm mịn và mỏng, độ nung khá cao.
(hình 4)
– Bình đựng vôi
Gốm sứ Trung Quốc
Niên đại: thế kỷ 19-20 Cao 13cm; đk.miệng: 2cm; đk.đáy: 5cm Quai cao: 4,5cm
Bình hình quả cầu (hình 4), quai đắp nổi hình đầu rồng và trang trí hoa văn cúc dây cách điệu vắt ngang quai. Thân trang trí hoa văn, đế liền với thân, bình được tráng sứ xanh trắng, xương gốm mịn và độ nung cao.
(hình 5)
– Bình đựng vôi
Gốm men lam Trung Quốc
Niên đại: thế kỷ 18-19 Cao: 14,3cm; đk.miệng: 2,1cm Đk. đáy: 9,4cm; quai cao: 4cm
Bình hình quả cầu (hình 5), quai đắp hình con tôm vắt ngang thân và quai có trang trí hoa văn đốt tre, trên bình trang trí hoa văn vòng tròn đồng tâm, men lam, đế thẳng và phẳng, xương gốm mịn và độ nung cao.
(hình 6)
– Bình đựng vôi
Gốm Gò Sành Bình Định
Niên đại: thế kỷ 15 Cao: 8,8cm; đk.miệng: 2cm Đk. đáy: 5,3cm; quai cao: 3cm
Bình hình quả cầu (hình 6), quai hình cuống cau nhỏ đắp nổi trên miệng bình, men da lươn, không trang trí hoa văn, đế thẳng đứng và thấp, xương gốm mịn và mỏng, độ nung cao.
(hình 7)
– Hũ đựng vôi
Gốm men lam Trung Quốc
Niên đại: thế kỷ 18-19
Cao: 6cm; đk.miệng: 4,4cm Đk. đáy: 6,2cm
Hũ đựng vôi hình cầu (hình 7), không quai, miệng loe, cổ eo, thân trang trí hoa văn cách điệu, đế thẳng đứng, xương gốm mịn và mỏng, độ nung cao.
(hình 8)
– Bình đựng vôi
Đồng Việt Nam
Niên đại: đầu thế kỷ 20
Cao: 12cm; đk.miệng: 4cm; đk. đáy: 3cm
Bình hình trụ đứng (hình 8), có nắp, giữa nắp và thân có gắn giây buộc với nhau, miệng hơi loe, thân phình và thuôn dần về đáy, đế phẳng.
(hình 9)
– Bộ ngoáy trầu
Đồng Việt Nam
Niên đại: đầu thế kỷ 20
Cao: 5cm; đk.miệng: 3cm Đk.đáy: 1,8cm; dài chìa: 8cm
Bộ ngoáy trầu gồm ống và chìa (hình 9). Ống hình phểu, miệng loe, đáy thắt, đế choãi, không trang trí hoa văn. Chìa ngoáy hình chữ đinh, phần trên có cán, phần dưới dẹp để khi ngoáy trầu mau mềm. Bộ ống ngoáy này thường sử dụng cho người lớn tuổi, răng yếu hoặc bị gãy và không nhai trầu cứng được.
(hình 10)
– Chìa lấy vôi
Đồng Việt Nam
Niên đaị: đầu thế kỷ 20, Dài: 13cm, ngang: 4cm, Dày: 0,8cm
Chìa có hình dáng giống chiếc gậy cà kheo (hình 10), cán chạm khắc hình đầu rồng. phần thân có dui nhọn để têm trầu, phần dưới lưỡi dẹp thuận tiện cho việc lấy vôi từ trong bình ra.
(hình 11)
– Hộp đựng vôi
Đồng Việt Nam
Niên đại: thế kỷ 20 Cao: 6cm; đk.mịêng: 5cm; đk.đáy: 5,5 cm
Hộp đựng hình ôvan (hình 11) dùng để đựng vôi mang theo bên người khi đi chơi hoặc đi chợ của nhà quý tộc.
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 02 tháng 02 năm 2021
Nguyễn Thị Bích Hoa
Phòng Kiểm kê – Bảo quản