NGÀY QUỐC TẾ THIẾU NHI 1/6 – NGÀY HỘI TOÀN DÂN VÌ TRẺ EM

Ngày Quốc tế thiếu nhi 01/6, tại Việt Nam còn gọi là ngày Tết thiếu nhi, từ lâu đã được coi như một ngày hội lớn của trẻ nhỏ. Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em – Văn kiện pháp lý Quốc tế đầu tiên đề cập toàn diện đến các quyền trẻ em dựa trên nguyên tắc trẻ em có quyền được chăm sóc, bảo vệ và giúp đỡ đặc biệt. Từ ngày 15/5 đến ngày 30/6 hàng năm được coi là tháng “Hành động vì trẻ em Việt Nam”.

Phạm Tuấn Trường

Ngày Quốc tế thiếu nhi 01/6, tại Việt Nam còn gọi là ngày Tết thiếu nhi, từ lâu đã được coi như một ngày hội lớn của trẻ nhỏ. Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em – Văn kiện pháp lý Quốc tế đầu tiên đề cập toàn diện đến các quyền trẻ em dựa trên nguyên tắc trẻ em có quyền được chăm sóc, bảo vệ và giúp đỡ đặc biệt. Từ ngày 15/5 đến ngày 30/6 hàng năm được coi là tháng “Hành động vì trẻ em Việt Nam”.

Ngày Quốc tế thiếu nhi bắt nguồn từ một sự kiện lịch sử buồn và khó quên của nhân loại. Sự kiện xảy ra vào những năm 1942-1944. Rạng sáng ngày 01/6/1942, phát xít Đức bao vây làng Lidixơ Tiệp Khắc), chúng bắt đi 173 người đàn ông, 196 người phụ nữ và trẻ em. Tại đây, chúng tàn sát 66 người và đưa 104 trẻ em vào trại tập trung, hơn 88 em đã chết trong phòng hơi độc, 9 em khác bị đưa đi làm tay sai cho bọn phát xít. Hai năm sau, ngày 10/6/1944, chúng lại bao vây thị trấn Oradua (Pháp). Chúng dồn hơn 400 người vào trong một nhà thờ; trong số đó, có rất nhiều phụ nữ và hơn 100 trẻ em rồi phóng hoả đốt cháy toàn bộ nhà thờ đó. Đó là những tội ác không thể tha thứ của bọn phát xít khiến toàn nhân loại căm phẫn tột cùng và đau xót cho những đứa trẻ vô tội.Để tưởng nhớ đến hàng trăm trẻ em vô tội đã bị Đức Quốc Xã sát hại nhẫn tâm, năm 1949 Liên đoàn Phụ nữ dân chủ Quốc tế đã quyết định lấy ngày 01/6 hàng năm làm ngày quốc tế bảo vệ thiếu nhi, đòi chính phủ các nước phải nhận trách nhiệm về quyền và đời sống của thiếu nhi, đòi giảm ngân sách quân sự để tăng ngân sách giáo dục, bảo vệ và chăm sóc thiếu niên, nhi đồng. Từ đó đến nay, tổ chức phụ nữ thanh niên các nước đã chính thức lấy ngày này làm ngày biểu dương lực lượng đấu tranh chống lại các thế lực xấu gây chiến tranh để bảo vệ hạnh phúc cho các bà mẹ và trẻ em trên toàn thế giới.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tình thương yêu, sự quan tâm và chăm sóc đặc biệt cho sự nghiệp trồng người. Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em là trách nhiệm của nhà nước, gia đình và xã hội.

Ở nước ta, ngay sau khi giành được độc lập, ngày 01/6 và Tết Trung thu (15/8 âm lịch) hàng năm đã thật sự trở thành ngày hội vui chơi tưng bừng của thiếu nhi cả nước. Ngày Quốc tế Thiếu nhi đầu tiên (1/6/1950) diễn ra trong giai đoạn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đang trải qua thời kỳ cam go ác liệt nhất, nhưng Bác Hồ kính yêu vẫn luôn nghĩ tới thiếu nhi cả nước.

Bác viết: “Bác thương các cháu lắm, Bác hứa với các cháu rằng đến ngày đánh đuổi hết giặc Pháp, kháng chiến thành công, Bác cùng Chính phủ và các đoàn thể sẽ cố gắng làm cho các cháu dần dần được no ấm, được vui chơi, được học hành, được vui sướng…”.

Cụ thể hơn, nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Đội thiếu niên Tiền Phong tháng 5/1961, Bác gửi đến thiếu nhi cả nước 5 lời dạy thiêng liêng:

“Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào

Học tập tốt, lao động tốt

Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt

Giữ gìn vệ sinh thật tốt

Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”

Cho đến hôm nay, thiếu nhi cả nước vẫn xem đó là mục tiêu để phấn đấu, là tiêu chuẩn để đánh giá đội viên tiêu biểu của Đội. Cũng ngay trong lá thư này, Bác ân cần nhắc nhở thiếu niên nhi đồng: “Mai sau các cháu sẽ là người chủ của nước nhà. Cho nên ngay từ rày, các cháu cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng để chuẩn bị trở nên người công dân tốt, người cán bộ tốt của nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

Nhớ ơn Bác, toàn thể thiếu nhi Việt Nam nguyện cố gắng học tập, tu dưỡng và rèn luyện thật tốt, trở thành con ngoan, trò giỏi để xứng đáng là Cháu Bác Hồ Chí Minh” như Người hằng mong đợi.

Hết lòng thương yêu và ân cần dạy bảo thiếu nhi, Bác Hồ rất tin tưởng xác định trách nhiệm trọng đại của thiếu nhi đối với tương lai đất nước. Trong thư gửi học sinh vào tháng 9 năm 1945, Bác đã viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”.

Tuy Bác đã đi xa nhưng những lời căn dặn, hành động, tình cảm của Bác sẽ mãi mãi khắc sâu trong tâm trí thiếu niên, nhi đồng nói riêng và mỗi người dân Việt Nam nói chung.

Chính sách pháp luật của Việt Nam về trẻ em ngày càng được hoàn thiện và nhìn chung là tiến bộ. Luật Trẻ em đã quy định 25 điều về quyền trẻ em, thuộc 4 nhóm quyền: quyền sống còn, quyền được bảo vệ, quyền được phát triển, quyền được tham gia. Quyền trẻ em là tất cả những gì trẻ em cần có để được sống, lớn lên lành mạnh và an toàn. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã từng khẳng định: “Chăm sóc, bảo vệ trẻ em, tạo môi trường sống tốt, lành mạnh là một nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm để phát triển đất nước bền vững”.

Hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em”. Các tổ chức và cá nhân hãy đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội và đến từng gia đình, cộng đồng dân cư về các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp để bảo vệ trẻ em kịp thời, hiệu quả, nhất là phòng, chống xâm hại tình dục và bạo lực trẻ em trong gia đình; đăng tải các thông điệp và khẩu hiệu truyền thông của Tháng hành động vì trẻ em; truyền thông về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111), các địa chỉ tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em và các địa chỉ cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, an sinh xã hội tại địa phương.

Bảo đảm kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh cho trẻ em. Chủ động thực hiện các giải pháp, hoạt động phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Thường xuyên rà soát, kiểm tra, phát hiện và có biện pháp khắc phục kịp thời những nơi nguy cơ trẻ em bị tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông, tai nạn rơi, ngã. Vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ Quỹ Bảo trợ trẻ em, hỗ trợ trẻ em là nạn nhân của xâm hại, bạo lực. Thăm, tặng quà, học bổng và hỗ trợ khám, chữa bệnh cho trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em mồ côi và trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Đã thành thông lệ, tháng 6 hàng năm – Tháng Hành động “Vì trẻ em” để thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tuyên truyền, phổ biến, vận động cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án, xây dựng các công trình và vận động nguồn lực cho trẻ em.Với chủ đề“Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em” cùng các thông điệp cụ thể về bảo vệ trẻ em, Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu từ ngày 01/6 đến ngày 30/6 với các hoạt động trọng tâm như: tổ chức thăm, tặng quà trẻ em tại các cơ sở trợ giúp xã hội, trao học bổng cho các em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6; triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe trẻ em như nâng cao dinh dưỡng cải thiện thể chất con người, đặc biệt là dinh dưỡng trẻ em; tổ chức hoạt động vui chơi an toàn, lành mạnh và hướng dẫn, tập huấn cho các em kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích, đặc biệt là nạn đuối nước trẻ em thông qua các lớp huấn luyện kỹ năng, năng khiếu miễn phí trong dịp hè; tổ chức các hội thi, hoạt động truyền thông tuyên truyền về đề tài “Phòng, chống bạo lực gia đình”, tọa đàm “Lắng nghe tiếng nói trẻ em”. Qua đó nhằm thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tuyên truyền, phổ biến, vận động cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án, xây dựng các công trình và vận động nguồn lực chăm lo cho trẻ em trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, kịp thời, bảo vệ trẻ em trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em, giáo dục trẻ em là công việc thường xuyên và liên tục, toàn diện và lâu dài. Hãy để trẻ em được hưởng thụ quyền lợi chính đáng và có điều kiện để vươn tới ước mơ cao đẹp. Con người ai cũng có những trải nghiệm và tuổi thơ khác nhau, nhưng những ngày Tết thiếu hay tết Trung thu luôn khắc ghi những kỷ niệm êm đềm về tuổi thơ trong sáng. Dù ta có đi đâu làm gì, vẫn luôn nhớ về tuổi thơ ấy. Do vậy, hãy dành cho trẻ nhỏ những ký ức thật đẹp đẽ về tuổi thơ, hãy để cho các cháu được vui chơi, được tận hưởng niềm hạnh phúc của mình.

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 17 tháng 6 năm 2022

Phạm Tuấn Trường

Phòng Truyền thông – Giáo dục và Quan hệ quốc tế