NGÀY QUỐC TẾ BẢO TÀNG 18 THÁNG 5 VÀ THÔNG ĐIỆP NĂM 2020 “BẢO TÀNG VÌ SỰ BÌNH ĐẲNG: ĐA DẠNG VÀ HÒA NHẬP”

altHội đồng Bảo tàng Quốc tế (International Council of Museums-ICOM), được thành lập năm 1946, theo sáng kiến của ngài Chauncey J.Hamlin (1881-1963), nhà hoạt động bảo tàng nổi tiếng của Mỹ, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Bảo tàng Mỹ và là Chủ tịch đầu tiên của Hội đồng Bảo tàng Quốc tế (ICOM) từ năm 1946 đến năm 1953. Trụ sở của ICOM đặt tại Thủ đô Paris (Cộng hoà Pháp). Ngôn ngữ chính thức được sử dụng tại các cuộc họp của ICOM là tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha. Hội đồng Bảo tàng Quốc tế là tổ chức phi chính phủ của những người làm công tác bảo tàng trên toàn thế giới, với mục tiêu cao cả là thúc đẩy sự phát triển khoa học bảo tàng và những vấn đề liên quan đến công tác quản lý và hoạt động bảo tàng; tạo điều kiện cho các bảo tàng và những người làm công tác bảo tàng trên thế giới trao đổi và hợp tác nghề nghiệp; phổ biến kiến thức và nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tàng; đào tạo cán bộ; bảo tồn di sản văn hoá và đấu tranh chống buôn bán trái phép tài sản văn hoá… ICOM cũng là cơ quan tư vấn của UNESCO và giúp đỡ thực hiện các chương trình về bảo tàng của tổ chức này. Hiện nay, ICOM có trên 30.000 thành viên là tổ chức và cá nhân tại 137 quốc gia và vùng lãnh thổ, có 117 uỷ ban quốc gia và 31 ủy ban quốc tế, liên minh với 7 tổ chức khu vực và liên kết với 17 tổ chức quốc tế. Việt Nam gia nhập Hội đồng Bảo tàng quốc tế từ năm 2002 và đã thành lập “Hội đồng Bảo tàng Việt Nam” (ICOM Việt Nam).

Việc bảo tàng Việt Nam tham gia Hội đồng Bảo tàng Quốc tế là bước tiến mới của hệ thống bảo tàng Việt Nam, phù hợp với xu thế hội nhập của đất nước trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá, tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống bảo tàng Việt Nam hoà nhập với bảo tàng thế giới, là môi trường để bảo tàng Việt Nam học tập, nâng cao hiểu biết, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động bảo tàng với các nước; đồng thời tư cách là thành viên của Hội đồng Bảo tàng Quốc tế, hệ thống bảo tàng Việt Nam từng bước có tiếng nói, đóng góp vào hoạt động của tổ chức quốc tế này.

Hội nghị toàn thể ICOM lần thứ 12 họp vào tháng 5 năm 1977 tại thành phố Lê-nin-grát, nay là thành phố Xanh Pê-téc-bua (Liên bang Nga), theo sáng kiến của Liên Xô, ICOM đã quyết định lấy ngày 18/5 hàng năm là “Ngày Quốc tế Bảo tàng (International Museum Day – IMD). Ngày Quốc tế Bảo tàng hàng năm được tổ chức vào ngày 18 tháng 5, có thể trong một ngày hoặc kéo dài cuối tuần, một tuần với phương châm: Bảo tàng là một phương tiện quan trọng của giao lưu văn hóa, làm giàu nền văn hóa và phát triển hợp tác lẫn nhau, hiểu biết và hòa bình giữa các dân tộc và nâng cao nhận thức của công chúng về vai trò của bảo tàng trong sự phát triển của xã hội.

Nhằm không ngừng đa dạng hoá, nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động bảo tàng, từ năm 1992, ICOM quyết định hàng năm chọn một chủ đề cụ thể cho ngày Quốc tế Bảo tàng để các bảo tàng trên thế giới cùng nhau hành động.

Ngày Quốc tế Quốc tế Bảo tàng năm 1992 có chủ đề “Bảo tàng và Môi trường”, ngày Quốc tế Bảo tàng năm 2006 có chủ đề “Bảo tàng và thế hệ trẻ”, ngày Quốc tế Bảo tàng năm 2009 với chủ đề “Bảo tàng và Du lịch”, ngày Quốc tế Bảo tàng năm 2010 với chủ đề “Bảo tàng vì sự hài hoà xã hội”, ngày Quốc tế Bảo tàng năm 2011 có chủ đề “Bảo tàng và ký ức”, ngày Quốc tế Bảo tàng năm 2012 có chủ đề “Bảo tàng trong một thế giới đang thay đổi: thách thức mới, nguồn cảm hứng mới”, ngày Quốc tế Bảo tàng năm 2013 có chủ đề “Bảo tàng (Ký ức + sáng tạo) = Biến đổi xã hội”, năm 2014 “Sưu tập bảo tàng tạo lập sự kết nối”; chủ đề năm 2015 là “Bảo tàng vì một xã hội bền vững”, năm 2016 là “Bảo tàng và cảnh quan văn hóa”, năm 2017 là “Bảo tàng và lịch sử: Chia sẻ những câu chuyện chưa kể tại bảo tàng”, năm 2018 là “Bảo tàng kết nối số- Cách tiếp cận mới, công chúng mới” và năm 2019 là “Bảo tàng là một trung tâm văn hóa: Tương lai của truyền thống”.

Năm nay, kỷ niệm Ngày Quốc tế bảo tàng 18/5/2020, Hiệp hội Bảo tàng quốc tế (ICOM) khuyến khích các bảo tàng hướng hoạt động tới chủ đề “Bảo tàng vì sự bình đẳng: Đa dạng và hòa nhập” (Museums for Equality: Diversity and Inclusion). Với chủ đề này mục đích nhằm tôn vinh sự đa dạng của bảo tàng cùng cán bộ chuyên môn làm việc tại bảo tàng. Đa dạng hóa các hoạt động bảo tàng cũng chính là nhấn mạnh vai trò quan trọng hiện nay là tạo ra những tải nghiệm có giá trị cho các nhóm khách tham quan, từ những học sinh, sinh viên, chuyên gia, nhà nghiên cứu đến những nhóm khách tham quan là người khuyết tật. Đối với mỗi bảo tàng, cần phát triển những điểm mạnh để tạo sự khác biệt và thu hút khách tham quan đến với bảo tàng mình. Sự khác biệt có thể từ các sưu tập đặc biệt của bảo tàng, các chủ đề có tính sáng tạo, các nội dung cập nhật với sự phát triển của xã hội, các chương trình giáo dục trải nghiệm phù hợp với những nhóm học tập. Ngày Quốc tế bảo tàng cũng là cơ hội để quảng bá cho vai trò quan trọng của bảo tàng trong quá trình phát triển xã hội. Một số mục tiêu lớn mà tổ chức ICOM muốn hướng đến như: Truyền thông cho các bảo tàng như tác nhân chính trong sự phát triển của xã hội; Nâng cao vai trò của đa dạng và hòa nhập trong các thiết chế văn hóa; Thúc đẩy trao đổi văn hóa như một chất xúc tác cho hòa bình giữa các dân tộc; Thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Với chủ đề năm nay, ICOM khuyến khích các bảo tàng cùng tham gia kỷ niệm ngày Quốc tế Bảo tàng năm 2020 để cùng tạo ra sự kết nối chung cho tương lai và truyền thống.

Nhằm tuyên truyền sâu rộng đến công chúng trong và ngoài nước về giá trị lịch sử, văn hóa của đất nước nói chung, của vùng miền Nam bộ nói riêng và những giá trị đóng góp về giới của phụ nữ miền Nam, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ xác định các mục tiêu cần thực hiện lâu dài, đó là: Đổi mới nội dung, hình thức trưng bày và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong trưng bày nhằm thu hút công chúng đến tham quan Bảo tàng để góp phần phát huy giá trị di sản văn hoá đến công chúng; Đổi mới, đa dạng hoá các hoạt động, đưa bảo tàng tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn đối với công chúng, từng bước nâng cao thương hiệu của bảo tàng; Đổi mới, mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ, đáp ứng nhu cầu đa dạng của công chúng; Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch; Đổi mới chương trình, nội dung và phương thức đào tạo nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực bảo tàng.

Bảo tàng Phụ Nữ Nam Bộ cũng đã có quá trình nghiên cứu, chuẩn bị từ 2019 đến nay Bảo tàng đã thực hiện dự án “Ứng dụng kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong trưng bày bảo tàng tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ (giai đoạn 1)” nhằm nâng cao năng lực quản lý hiện vật, khả năng lưu trữ, trình diễn hiện vật theo phương pháp hiện đại bằng công nghệ 3D và thực tế ảo và hỗ trợ khách tham quan tương tác và trải nghiệm mô hình bảo tàng ba chiều (3D) thông qua thiết bị trình diễn hologram kết hợp ứng dụng phần mềm bảo tàng tương tác thông minh 360O trong trưng bày bảo tàng số, hỗ trợ công nghệ thực tế ảo (VR)… Tiếp tục thực hiện thí điểm ứng dụng kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong trưng bày bảo tàng tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ (giai đoạn 2) trong năm 2020 các phòng trưng bày chuyên đề “Hình tượng phụ nữ trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam”. “Làng nghề truyền thống”, “Chợ xưa ở miền Nam”,.. năm 2021, thực hiện nội dung và mỹ thuật trưng bày phòng “Truyền thống Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ”.

Với mong muốn góp phần trong tiếng nói chung trong hệ thống bảo tàng mang bảo tàng đến gần hơn với công chúng. Hy vọng trong tương lai, bảo tàng sẽ có nhiều cách tiếp cận và thu hút nhiều hơn nữa sự quan tâm của công chúng với bảo tàng. Muốn thực hiện tốt những mục tiêu trên thì đội ngũ nguồn nhân lực bảo tàng trước hết phải được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức để ngày một nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công tác và trên hết là sự yêu nghề, yêu ngành để có thể cống hiến dài lâu cho sự nghiệp bảo tàng.

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 17 tháng 5 năm 2020

Nguyễn Thị Thu Hồng

PhòngTruyền Thông, Giáo dục và Quan hệ quốc tế