NGÀY PHÁP LUẬT NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM 9/11  

Trong đời sống xã hội, pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng, vừa là công cụ quản lý nhà nước hữu hiệu, vừa tạo hành lang pháp lý an toàn, tin cậy, thuận lợi cho sự phát triển kinh tế – xã hội. Cùng với việc không ngừng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống trở thành yêu cầu cấp thiết, cần được thực hiện thường xuyên, liên tục và hiệu quả.

Tại Việt Nam, ngày 9/11 hàng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là một ngày kỷ niệm mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với việc xây dựng và phát triển pháp luật, cũng như giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật trong nhân dân.

Ngày Pháp luật Việt Nam được lấy ý tưởng từ ngày 9/11/1946, ngày Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam. Hiến pháp là văn bản pháp luật cao nhất của một quốc gia, thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân, là cơ sở pháp lý cho toàn bộ hệ thống pháp luật. Việc thông qua Hiến pháp 1946 là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử lập pháp của Việt Nam, đánh dấu sự ra đời của một nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Đền năm 2012, Quốc hội đã lựa chọn ngày 9/11 làm Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gọi tắt là Ngày Pháp luật Việt Nam, được ghi nhận trong Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012.

(Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính Phủ)

Ngày Pháp luật có ý nghĩa giáo dục sâu sắc đối với việc đề cao giá trị của pháp luật trong nhà nước pháp quyền, hướng mọi tổ chức, cá nhân tích cực tham gia với hành vi, thái độ xử sự pháp luật đúng đắn, đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân, công dân trong học tập, tìm hiểu pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật. Qua đó góp phần nâng cao ý thức và niềm tin pháp luật, từng bước xây dựng và củng cố các giá trị văn hóa pháp lý trong cuộc sống xã hội. Đây là dịp toàn thể ban, ngành trong cơ quan nhà nước đánh giá lại những kết quả đã đạt được trong công tác xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, Phổ biến giáo dục pháp luật, đưa ra những mặt hạn chế còn tồn trong hệ thống pháp luật qua đó định hướng triển khai các công việc liên quan trong thời gian tới.

Đồng thời, đây còn là mô hình để vận động, khuyến khích, kêu gọi toàn thể nhân dân chung sức, đồng lòng phát huy triệt để tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng tích cực hành động vì sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện nhà nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, một xã hội Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Ngoài ra, Ngày Pháp luật Việt Nam còn tôn vinh, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng, phổ biến giáo dục pháp luật. Do vậy, đây còn là sự kiện chính trị, pháp lý có ý nghĩa nhân văn, ý nghĩa xã hội sâu sắc.

Trong những năm qua, Ngày Pháp luật Việt Nam đã được tổ chức với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thu hút đông đảo người dân tham gia. Các hoạt động được tổ chức nhằm cung cấp cho người dân những thông tin cơ bản về pháp luật, các quy định của pháp luật liên quan đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Đồng thời, cũng là dịp để người dân được tham gia đóng góp ý kiến, phản ánh những vấn đề liên quan đến pháp luật. Ngày Pháp luật Việt Nam có thể được tổ chức dưới các hình thức theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 28/2013/NĐ-CP, cụ thể như: Mít tinh; hội thảo; tọa đàm; Thi tìm hiểu pháp luật; Tuyên truyền, phổ biến pháp luật lưu động; triển lãm; Các hình thức khác theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

Ngày Pháp luật Việt Nam là một ngày kỷ niệm có ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với việc xây dựng và phát triển pháp luật, cũng như giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật trong nhân dân. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về pháp luật, từ đó xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, thượng tôn pháp luật.

Ngày 9/11 được coi là điểm mốc, nhắc nhở, giáo dục ý thức tôn trọng pháp luật để không chỉ là một ngày mà phấn đấu sẽ là ba trăm sáu mươi lăm ngày trong một năm, mọi tổ chức, cá nhân tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật, thực hiện khẩu hiệu “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, mỗi chúng ta bằng những hành động cụ thể, thiết thực, chung tay lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật, góp phần đưa Hiến pháp và pháp luật thực sự thấm sâu vào ý thức và hành động của mỗi người dân, doanh nghiệp, của cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội. Tinh thần đó phải trở thành chuẩn mực thực thi, tuân thủ và văn hóa trong xã hội.

Hưởng ứng Ngày Pháp Luật Việt Nam, vào ngày 09/11/2023, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức trực tuyến, với mục đính đổi mới công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật nhằm thu hút với viên chức, người lao động của đơn vị tham gia tìm hiểu pháp luật một cách chủ động, cung cấp các thông tin pháp luật cần thiết, có khả năng vận dụng cao trong thực tiễn cho viên chức, người lao động, nâng cao kiến thức pháp luật cho viên chức, người lao động, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 09 tháng 11 năm 2023

Hoàng Thị Hồng Ngọc

Phòng Hành chính – Tổng hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *