NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM VÀ QUYỀN TỰ DO NGÔN LUẬN TRÊN BÁO CHÍ CỦA CÔNG DÂN

Hàng năm vào Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6 các hoạt động kỷ niệm, chào mừng diễn ra sôi nổi trên khắp cả nước. Trong lịch sử báo chí Việt Nam, từ những năm 60 thế kỷ XIX đã có “Gia Định báo” và một số báo lần lượt ra đời tại Sài Gòn, Hà Nội và một vài địa phương khác. Những năm đầu thế kỷ XX, hàng loạt tờ báo của người Việt Nam được xuất bản, tập hợp nhiều nhà văn, nhà báo, nhà trí thức theo từng nhóm nhỏ nhưng có các khuynh hướng chính trị khác nhau, nên không thể tập hợp vào chung một tổ chức thống nhất.

Đến ngày 21/6/1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), báo “Thanh niên” do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, ra mắt số đầu tiên thì dòng báo chí cách mạng Việt Nam mới bắt đầu hình thành. Từ khi có báo “Thanh niên”, báo chí Việt Nam giương cao ngọn cờ cách mạng, nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam và chỉ rõ phương hướng đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo chí cách mạng Việt Nam từ tờ báo đầu tiên – Báo Thanh niên xuất bản ngày 21/6/1925, qua mỗi thời kỳ cách mạng 1925 – 1930, 1930 – 1945, 1945 – 1954, 1954 – 1975, 1975 – 1986, 1986 – đến nay, đều có sự phát triển mạnh mẽ.

Ngày 2/6/1950, Chính phủ chính thức quyết định cho thành lập Hội “Những người viết báo Việt Nam” (Hội Nhà Báo Việt Nam ngày nay). Đến tháng 7/1950, Tổ chức Báo chí quốc tế (OIJ) nhóm họp ở Phần Lan đã công nhận Hội những người viết báo Việt Nam là thành viên chính thức của tổ chức. Tháng 2/1985, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Ðảng ra quyết định số 52 ngày 5/2/1985 lấy ngày ra số đầu tiên của báo Thanh Niên làm ngày Báo chí Việt Nam (21/6/1925) nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí.

Ngày 21/6/1985, lần đầu tiên giới báo chí cả nước tổ chức Lễ kỷ niệm ngày Báo chí Việt Nam và kỷ niệm 60 năm Báo Thanh Niên xuất bản số đầu tiên. Ðây là ngày lễ không chỉ của riêng giới báo chí mà là ngày lễ của nhân dân cả nước, vì báo chí là sự nghiệp của toàn dân. Ngày 21/6/2000, nhân kỷ niệm 75 năm ngày Báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý gọi ngày Báo chí Việt Nam là ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Với nhiều người, ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 có ý nghĩa quan trọng và to lớn. Ngày 21/6 cũng là dịp để những người làm báo nhớ về lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người luôn nhấn mạnh vai trò quan trọng và tác động to lớn của báo chí, Người coi “Văn hóa là một mặt trận”, “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Ngoài ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cho rằng, phẩm chất đạo đức, năng lực của người làm báo là yêu cầu không thể thiếu để báo chí xứng đáng với vai trò vị trí quan trọng trong công cuộc cách mạng chung của đất nước.

Sau ngày thống nhất đất nước, báo chí ở nước ta đã phát triển khá nhanh cả về số lượng và chất lượng, hình thành hệ thống thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình rộng khắp cả nước. Nội dung thông tin của báo chí ngày càng phong phú, hiệu quả, hình thức đẹp, sinh động và hấp dẫn. Báo chí đã quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời báo chí cũng là vũ khí sắc bén chống lại các thế lực thù địch của cách mạng, đấu tranh chống tiêu cực bảo vệ lợi ích của nhân dân.

Trong thời kỳ hội nhập và đổi mới, cùng với sự bùng nổ của mạng xã hội và truyền thông số, luật báo chí có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng trong việc quản lý, giám sát và điều chỉnh hoạt động của báo chí truyền thông trên các nền tảng số. Bảo vệ quyền tự do báo chí và quyền tiếp cận thông tin của công chúng trong môi trường mạng.

Tại Điều 11 Luật Báo chí 2016 quy định về quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Theo đó, báo chí có vai trò trước hết là để thỏa mãn nhu cầu thông tin của xã hội. Thông qua báo chí, người dân có thể phát biểu ý kiến, nguyện vọng của mình về các vấn đề trong đời sống, thể hiện sự giám sát và phản biện của mình.

Trong thời đại bùng nổ thông tin ngày nay, vai trò tích cực của cộng đồng truyền thông đã thúc đẩy quá trình xã hội hóa các hoạt động giám sát và phản biện xã hội. Và mọi công dân đều có quyền tự do ngôn luận trên báo chí, nó được xem là một trong những quyền cơ bản được Hiến pháp thừa nhận và bảo vệ. Tuy nhiên, tự do cũng phải nằm trong khuôn khổ của pháp luật, điều này nhằm hạn chế việc lợi dụng để xâm phạm lợi ích Nhà nước, cá nhân và tổ chức.

Dù ở thời kỳ nào, những đóng góp quan trọng, những thành tựu nổi bật của đội ngũ những người làm báo trong 99 năm qua đã làm sáng ngời truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng. Là mục tiêu, là động lực phấn đấu, tôi rèn bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội của những người làm báo, xứng đáng với sự tin yêu, kỳ vọng của Nhân dân, góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam giàu tính chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại vì lợi ích của đất nước và Nhân dân.

Hình 1:  Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ chúc mừng Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 6 năm 2024

Võ Cư

Phòng Truyền thông, Giáo dục và Quan hệ Quốc tế

 

  • Tài liệu tham khảo:
  1. TS Nguyễn Thị Trường Giang (2020), Giáo trình lịch sử báo chí, Nxb Đại học Quốc Gia Hà Nội.
  2. Luật báo chí 2016, Nxb Thông tin và Truyền thông.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *