NÉT DUYÊN DÁNG CỦA CHIẾC ÁO DÀI VIỆT NAM

NÉT DUYÊN DÁNG CỦA CHIẾC ÁO DÀI VIỆT NAM

Lễ hội Áo dài thành phố Hồ Chí Minh (viết tắt TP.HCM) do Sở Du lịch phối hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố tổ chức hàng năm là một trong những hoạt động văn hóa nhằm tôn vinh nét đẹp truyền thống của tà áo dài Việt Nam cũng như nét đẹp của người phụ nữ trong trang phục của dân tộc.

Có thể nói, Lễ hội Áo dài TP.HCM không chỉ đa dạng về các nội dung hoạt động mà còn phong phú ở hình thức thể hiện đồng thời chuyển tải thông điệp về vẻ đẹp trường tồn của chiếc áo dài. Chiếc áo dài là niềm kiêu hãnh của dân tộc, là di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam – một hình thức không gian văn hóa có giá trị đã được UNESCO công nhận năm 2002.

Bà James Sterson, một sứ giả người Mỹ đã nói rằng: “Không một đất nước nào có một trang phục dân tộc vừa đẹp, vừa truyền thống mà lại có chiều sâu văn hóa như tà áo dài Việt Nam”.

Áo dài thời kỳ khẩn hoang là loại áo năm thân rộng và kín, bằng vải thô đen hoặc lụa đen, cổ thường mở, ít gài nút, tay rộng, quanh chân cổ lót lá sen cho bền. Đây là chiếc áo thường nhật của phụ nữ. Khi làm việc người phụ nữ thường xếp đôi vạt trước và vạt sau cho ngắn lại rồi lấy dây lạt dừa hoặc khăn dài cột quanh thắt lưng để giữ áo được gọn gàng.

Áo tứ thân là áo năm thân bỏ bớt đi nửa tà phía trước, từ cổ xuống đến gấu, mà nguyên nhân có lẽ do tính tiết kiệm của người dân quê. Áo tứ thân phía trước có hai vạt như nhau, không đấu với nhau ở trước ngực, mà thắt vạt trước bụng, không có nẹp tà, mặc với chiếc váy (sau này là chiếc quần), có chiếc thắt lưng được thắt bên trong chiếc áo dài được bỏ múi trước bụng.

Theo cuốn “Camille Paris” có ghi chép về chiếc áo dài vào khoảng cuối thế kỷ XIX, được miêu tả như sau: “Cái áo xẻ ra ở phía trước, từ hông trở xuống. Nó bắt chéo trên xương đòn gánh bên phải và thẳng xuống che phủ đầu gối. Áo khép lại do những khuy bằng đồng nhỏ tròn từ cổ xuống tới ngang hông và từ đó hai tà áo phấp phới đối xứng với tà bên trái. Áo phụ nữ thường để hở cổ cốt phô ra chiếc yếm bao giờ cũng là màu khác hẳn màu áo …”.

Phụ nữ miền Nam thường mặc áo dài đen hoặc nâu đỏ, áo dài đến đầu gối phủ lên chiếc quần lãnh đen, bên trong mặc áo ngắn có túi nhỏ bỏ ra ngoài quần, chứ không mặc yếm, có khi mặc áo nịt lót.

Quần may bằng hàng nhuộm thâm hoặc vải xanh có dải rút cột lại phía trước, nghèo thì vải màu nâu, nhuộm bùn, khá hơn thì là lụa, sang thì lãnh hoa đen, lãnh tía đen bóng nhẩy như có ánh hồng. Đàn bà xứ Bắc trước đó không mặc quần trắng, đàn bà xứ Huế khá giả đôi chút đều mặc quần nhiễu trắng và màu tím thường được dùng nhiều ở Huế. Phụ nữ miền Trung mặc áo dài năm thân, kín cổ, người nhiều tuổi mặc áo nâu đậm. Có người mặc áo mớ ba, nhưng khác miền Bắc là cài nút kín, cổ áo trong cao hơn cổ áo ngoài chút ít để lộ ra 3 màu khác nhau. Tà áo cũng vậy.

Khi triều đình Huế bắt buộc phải ký hòa ước Patenôtre năm 1884, văn hóa phương Tây được dịp truyền bá trên đất nước ta. Song song với những cuộc đánh dẹp nghĩa quân, người Pháp mở trường quốc ngữ, cùng với chữ Nho và dần dần thêm cả chữ Pháp. Tuy vậy, ở thời kỳ đầu của chính sách “khai hóa”, nhân dân ta vẫn giữ được những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc.

Từ năm 1913 trở về sau, khi cuộc khởi nghĩa của Hoàng Hoa Thám thất bại, kết thúc một giai đoạn đấu tranh bằng vũ lực thì người Pháp đã dùng văn minh vật chất để “khai hóa văn minh cho người Annam”. Sự cải cách bộ áo dài trong giai đoạn này nằm ở màu sắc, theo báo Phong Hóa số 4, tháng 7 năm 1932 viết: “… Cái áo vân tàu, cái quần lĩnh bưởi đã bị các cô chon chặt, mà cả áo hàng thân, cái quần tơ bóng cũng bị các cô ruồng bỏ, nhường chỗ cho cái quần trắng, áo lam”. Có lẽ ý niệm đầu tiên trong việc cải cách áo dài phụ nữ là ở sự lựa chọn màu sắc tươi vui hơn những màu nâu và đen. Song song với việc trút bỏ chiếc quần thâm để mang quần trắng, màu áo được phụ nữ ưa chuộng là màu xanh dương.

Năm 1934, sự cải cách chiếc áo dài chuyển sang lĩnh vực kiểu áo do họa sĩ Cát Tường vẽ kiểu, gọi là áo “Le Mur”. Chiếc áo được may thuôn theo dáng người, kích dài xuống, không hở lườn, kín đáo và nhã nhặn hơn, vạt dài và tà cong. Chỉ có chút thay đổi là ở chỗ cắt trên vai, đường cổ và them “volant” ở cổ tay. Áo màu nhạt nên phải viền màu sậm cho nổi mình áo lên. Đại khái thì áo mới chẳng khác xưa mấy, nó chẽn và dài hơn, thướt tha đấy song vẫn không lụng thụng. Cổ áo được cách tân: cổ bánh bẻ, cổ lưỡi dao và cổ viền, tay áo kiểu lưỡi chàng, kiểu quả tim, kiểu đuôi tôm và kiểu thắt cổ bâu. Có áo dài kiểu cổ và áo hai màu khác nhau, có viền xung quanh tà áo rất được phụ nữ ưa chuộng.

Tuy nhiên, kiểu áo “Le Mur” chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn vài ba năm, vì nó lai Tây quá nhiều và không được đông đảo người dân hưởng ứng. Do cuộc đấu tranh về quan điểm thẩm mỹ để bảo vệ cái đẹp giản dị, thanh nhã dân tộc, chiếc áo dài truyền thống lại được phục hồi.

Năm 1939, chiếc áo dài Le Mur quay về với dạng quen thuộc cũ, có ít nhiều cải tiến, cổ áo đứng cao từ 1 – 2 phân, tay thẳng, may liền vải, cổ tay hẹp, viền nhỏ. Có kiểu ở cửa tay gấu, nẹp, cài cúc đều viền vải khác màu thành đường nẹp rộng khoảng 0,5cm gọi là áo lai nẹp. Có loại gấu áo vê tròn lẳn, không gập. Phụ nữ ở thành thị, người nhiều tuổi mặc áo dài cổ cao từ 1 – 2 phân, góc thẳng. Các cô gái trẻ thường mặc áo cổ cao từ 4 – 7cm, bên trong hồ vải cứng, góc tròn như hiện nay. Vạt áo lượng, tà khép. Các bà mặc quần đen, các cô thường mặc quần trắng.

Năm 1945, lịch sử đất nước có những thay đổi lớn lao. Cách mạng tháng Tám thành công, sau đó là cuộc kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ đã có tác động mạnh mẽ và sâu sắc đến đời sống văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Năm 1954 là thời kỳ của kiểu áo dài tà rộng, eo thắt, dài chấm gót, cổ cao, có lót hồ cứng, ống tay hẹp, mặc phổ biến với đôi guốc cao gót.

Năm 1963, hình ảnh chiếc áo dài hở cổ của bà Trần Lệ Xuân được coi là cải cách tiêu biểu cho giai đoạn này. Áo được khoét rộng hai bên, nên cổ áo không có đường hò ngang, thêm vào đó, người ta cài nữ trang trên đường hò dọc để giữ áo ngay ngắn, không sứt ra khi người mặc cử động mạnh. Dần dần, lối hở cổ được biến hóa đi đôi chút như khoét rộng xuống lưng cho hở theo hình trái tim, hoặc thành cổ tròn, cổ vuông …, hoặc kéo fermeture phía sau, có khi áo dài không có tay, để hở trần cả vai.

Sau năm 1968, phong trào chiếc áo dài “mini” lại xuất hiện với những chi tiết thay đổi: tà áo rất hẹp, vạt ngắn đến đầu gối, hoặc phủ đầu gối, tay raglan, chứ không nối ở giữa khuỷu tay như trước, cổ thấp xuống từ 1 – 3 phân, lai áo từ 3 – 5cm, tay ống loa cùng kích thước với lai áo. Tà áo được xẻ cao, bên trong không mặc áo cánh nên để hở một khoảng eo độ 3 – 5cm.

Từ 1971 – 1972, xuất hiện model quần patte hoặc cigar-patte, mặc với áo dài trông thiếu vẻ tha thướt, mềm mại vốn có nên chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn.

Từ sau năm 1975, chiếc áo dài được tôn vinh và trở thành quốc phục của người Việt Nam. Sự cải tiến trang phục áo dài trong giai đoạn này chủ yếu nhằm vào trang trí vạt áo dài với những nét vẽ hiện đại, cách tân đầy màu sắc, hoặc nằm ở sự cải tiến về chất liệu vải. Bên cạnh đó, cũng có sự cải tiến về hình dáng chiếc áo dài theo lối Đông – Tây, tuy nhiên, sự cải tiến này chỉ nhằm để trình diễn thời trang mà thôi.

Những năm 1980 là thời kỳ của những chiếc áo dài thêu, với nhiều mẫu hoa, chim, cây lá từ ngực xuống tới vạt bằng vài sore, Suisse đủ màu, tùy theo lứa tuổi.

Đến những năm 1990, những chiếc áo dài tà rộng, vạt dài tới gót, nhấn “pince”, cổ áo cao hoặc với nhiều dạng cổ khác nhau như trẹt, tròn … Áo dài hiện đại ngày nay thường được may bằng gấm, thổ cẩm, tơ lụa, in hoa văn 3D, vẽ tay…. với nhiều biến tấu. Như vậy, chiếc áo dài với hình dáng truyền thống vẫn luôn được ghi nhận và trở thành trang phục của mọi người phụ nữ trong các dịp lễ hội, cưới xin, đi học hay đi làm. Áo dài đã làm toát lên được sức sống chung của nền văn hóa Việt Nam và luôn trường tồn cùng lịch sử dân tộc.

Lễ hội Áo dài TP.HCM được tổ chức thường niên sẽ là một sự kiện văn hóa quan trọng để mọi người tự hào, tôn vinh nét văn hóa truyền thống của dân tộc, đồng thời để chuyển tải một thông điệp đến người dân, du khách trong nước và bạn bè quốc tế, đó là: “Ca ngợi nét đẹp duyên dáng và tinh khôi của chiếc áo dài Việt Nam qua mọi thời đại”. Từ ý nghĩa sâu sắc này, cũng hướng đến tạo tiền đề cho một lễ hội du lịch văn hóa uy tín, một sản phẩm du lịch văn hóa mang nét đặc trưng riêng biệt của TP.HCM trong tương lai, góp phần xây dựng TP.HCM trở thành điểm đến thân thiện, an toàn và hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 05 tháng 03 năm 2020

Hồ Ngọc Phương