NỮ TƯỚNG NGUYỄN THỊ ĐỊNH – MỘT PHỤ NỮ HUYỀN THOẠI

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nữ tướng Nguyễn Thị Định (15/3/1920-15/3/2020)

NỮ TƯỚNG NGUYỄN THỊ ĐỊNH – MỘT PHỤ NỮ HUYỀN THOẠI

Lịch sử Việt Nam thật đặc biệt. Những anh hùng đầu tiên của dân tộc phất cờ khởi nghĩa giành quyền độc lập cho dân tộc lại là những người phụ nữ: Hai Bà Trưng, Bà Triệu. Trong cơn nguy biến của triều đại, của dân tộc, lại chính những người phụ nữ đứng ra gánh vác: Thái hậu Trần Thị Dung của nhà Lý với cuộc chuyển ngôi hòa bình từ nhà Lý sang nhà Trần, tổng chỉ huy cả hoàng tộc rút khỏi kinh thành Thăng Long trong cuộc chiến chống quan Mông Cổ; An Tư Công chúa gạt nước mắt sang trại giặc để lui bước quân thù. Trong công cuộc mở cõi của dân tộc Việt về phương Nam ghi dấu ấn và công lao vĩ đại của những bậc anh thư Huyền Trân Công chúa, các bà Ngọc Khoa, Ngọc Vạn. Đặc biệt, trong thế kỷ XX, khi đất nước trong cơn nghiêng ngả, đã xuất hiện rất nhiều những người phụ nữ anh hùng, một trong những người phụ nữ như một huyền thoại ấy chính là nữ tướng Nguyễn Thị Định.

Cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc của dân tộc trong thế kỷ XX ở Việt Nam là cuộc chiến tranh đầy máu và nước mắt. Trong cuộc chiến đấu khốc liệt này đã hằn biết bao gương mặt những người phụ nữ. Chiến tranh là chết chóc, điêu tàn, là đau khổ thì với người phụ nữ, sự đau khổ ấy phải nhân lên rất nhiều lần, bà Ba Định – Nguyễn Thị Định cũng là một người trong số đó. Chồng bà, ông Nguyễn Văn Bích, Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Bến Tre đã bị mật thám đến vây nhà bắt khi bà mới sinh con 3 ngày để rồi sau đó ông bị kết án 5 năm tù đày ra Côn Đảo. Ông đã hi sinh tại Côn Đảo sau đó không lâu.

Tháng 7 năm 1940, chính bà Nguyễn Thị Định và con trai mới 7 tháng tuổi của mình lại bị mật thám lùng bắt và đưa về giam giữ tại Bến Tre. Người mẹ trẻ ấy đã phải gửi lại con nhỏ của mình trước khi bị chính quyền thực dân đưa đi đày ở tỉnh Bình Phước. Năm 1943, bà Nguyễn Thị Định ra khỏi nhà tù của chế độ thực dân và đã ngay kịp thời bắt liên lạc với tổ chức Đảng. Trong cuộc giành chính quyền năm 1945, bà chính là người đi đầu dẫn hàng nghìn người dân tiến vào giành chính quyền ở thị xã Bến Tre. Ngày 23-9-1945, khi nhân dân miền Nam mới được hưởng độc lập tự do hơn 20 ngày, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, tiếng súng kháng chiến lại rền vang trên bầu trời Nam Bộ. Tháng 3-1946, bà cùng với đoàn cán bộ miền Nam vượt biển ra miền Bắc báo cáo với Trung ương Đảng và Bác Hồ về tình hình chiến trường Nam Bộ, xin chi viện đưa được 12 tấn vũ khí về miền Nam. Con đường Hồ Chí Minh trên biển chính thức được thành lập ngày 23-10-1961. Tuy nhiên, chính những con người Nam Bộ quả cảm trong đoàn quân năm ấy của bà Nguyễn Thị Định chính là những người đã “khai sơn, phá thạch” cho con đường huyền thoại này về sau. Năm 1954, bà là Ủy viên Ban Chấp hành Phụ nữ Cứu quốc Nam Bộ, Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Bến Tre.

Sau chiến thắng của quân và dân Việt Nam trên chiến trường Điện Biên Phủ, thực dân Pháp phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán và ký kết Hiệp định Geneve. Sau Hiệp định Geneve, rất nhiều những người kháng chiến tập kết ra miền Bắc. Bà Nguyễn Thị Định đã gửi người con trai duy nhất của mình với người chồng liệt sĩ mà xác còn chưa tìm thấy khi hi sinh ở Côn Đảo ra miền Bắc, bà tình nguyện ở lại miền Nam chiến đấu. Cuộc chia ly này cũng là cuộc chia ly vĩnh viễn giữa bà và người con trai duy nhất ấy. Năm 1960, giữa chiến trường khói lửa khốc liệt ở miền Nam, bà nhận được tin người con trai duy nhất của mình vĩnh viễn ra đi vì trọng bệnh. Phải sau ngày bà từ trần, mẹ con bà lại mới được đoàn tụ bên nhau tại Nghĩa trang Thủ Đức – Thành phố Hồ Chí Minh.

Ở miền Nam, chính quyền Ngô Đình Diệm treo giải thưởng 10 nghìn đồng cho ai bắt hoặc giết được Nguyễn Thị Định. Nhờ sự che chở, đùm bọc của Nhân dân mà bà đã thoát khỏi mọi sự truy lùng, bắt bớ của kẻ thù. Ngày 17-01-1960 đánh dấu bằng sự kiện đồng khởi Bến tre, sau đó lan ra toàn miền Nam. Cuộc đồng khởi Bến Tre bắt đầu từ huyện Mỏ Cày, khi ấy bà Nguyễn Thị Định là Phó Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre – người lãnh đạo chủ chốt của phong trào này. Trong phong trào đồng khởi sôi động ấy đã xuất hiện một đội quân đặc biệt: Đội quân tóc dài. Tên tuổi của bà Nguyễn Thị Định gắn với gắn với phong trào Đồng khởi Bến Tre, với Đội quân tóc dài”. Từ sau Đồng khởi, bà Nguyễn Thị Định lần lượt giữ các chức vụ: Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Mặt trận Giải phóng tỉnh Bến Tre; Khu ủy viên Khu 8; Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam; Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam…

Bà Nguyễn Thị Định và bà Nguyễn Thị Bình

Năm 1965, Bí thư Trung ương Cục miền Nam Nguyễn Chí Thanh đã truyền đạt ý kiến của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh rút bà Nguyễn Thị Định sang công tác bên quân đội và đảm nhiệm cương vị Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Định đã giữ cương vị suốt 10 năm cho đến ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Mười năm bà giữ cương vị Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam là 10 năm khốc liệt của cuộc chiến đấu ở miền Nam. Rất nhiều các hồi ký của những người từng chiến đấu ở chiến trường miền Nam bên cạnh bà Ba Định đều nhớ hình ảnh người nữ tướng vá áo cho chiến sĩ, chăm lo từng giấc ngủ của những người lính trẻ giữa chiến trường.

Phút thư giãn của bà Nguyễn Thị Định giữa chiến trường

Tướng Trần Độ – nguyên Chính ủy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, một người đồng chí cùng đồng ca cộng khổ nơi tuyến lửa với bà đã viết: “Trong các hội nghị tổng kết chiến tranh du kích và các đại hội anh hùng và chiến sỹ thi đua, chị đặc biệt ân cần đối với các nữ đại biểu. Chị hầu như thuộc lòng các bản thành tích và lý lịch của các nữ du kích. Chị chăm lo việc tặng cho các chiến sĩ đó phần thưởng thiết thực trong chiến đấu như súng ngắn, tiểu liên, vải ngụy trang, vải đi mưa…Chị còn quan tâm đến cả những trắc trở trên đường đời riêng tư của các thiếu nữ anh dũng mà xinh đẹp. Chị chú ý nhiều tới những chiến trường gian khổ, hoặc quyết liệt nhất. Những lúc này tình cảm của người chỉ huy cao cấp đồng hóa với tình cảm của một người chị cả trong gia đình, chị yêu thương Bến Tre tha thiết nhưng không cục bộ. Chị tự hào và bênh vực chị em phụ nữ một cách mạnh mẽ và quyết liệt nữa, nhưng chị không biệt phái”.

Ngày 17-4-1974, bà được phong quân hàm Thiếu tướng và là nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Sau ngày đất nước thống nhất, nữ tướng Nguyễn Thị Định lần lượt giữa nhiều chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước: Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước…Trên cương vị của mình, bà Ba Định – Nguyễn Thị Định đã có nhiều đóng góp trong công tác thương binh, liệt sĩ, công tác đền ơn áp nghĩa…Đặc biệt, bà đã lặn lội tới nhiều nơi trong cả nước để tìm chứng cứ minh oan, trả lại danh dự cho rất nhiều người.

Trang 1, 4 Lệnh số 21 ngày 16/4/1974, phong quân hàm cấp thiếu tướng cho bà Nguyễn Thị Định. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.

Ngày 26-8-1992, trái tim của vị nữ tướng huyền thoại Nguyễn Thị Định ngừng đập. Sinh thời, bà Nguyễn Thị Định nhận được rất nhiều tình cảm quý mến, quý trọng của các tầng lớp Nhân dân, của bạn bè quốc tế. Nhà văn Trầm Hương trong cuốn Sen hồng trong bão táp viết về đám tang bà: “Tiễn bà đi không chỉ là những bậc lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước mà còn có quần chúng nông dân từ những miền đất nước xa xôi năm nào đã từng cưu mang, che chở bà; những người nông dân từng được bà cởi trói từ ngọn triều Đồng khởi, những cô cấp dưỡng trong rừng sâu, anh bộ đội từ miền Bắc “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” có mặt ở cánh rừng miền Đông, từng được bà vá áo, được bà chia sẻ viên thuốc sốt rét, miếng tê giacs chống sốt, những cặp vợ chồng cán bộ đưa con cháu đến viếng “Bà Ba” vì cuộc sống hạnh phúc của họ ngày hôm nay là do bà tác hợp, có cả những người được minh oan, cứu sống sinh mệnh chính trị…”. Còn nhớ, có lần tôi ra thắp nhang viếng bà tại Nghĩa trang Thành phố Hồ Chí Minh ở Thủ Đức, cùng lúc tôi nhìn thấy một người phụ nữ dáng vẻ lam lũ nói giọng miền Tây vừa khóc rưng rức vừa bái lia lịa trước mộ bà và nói: Gì Ba ơi, con về đây! Tôi có hỏi thì bà nói bà từ Bến Tre lên. Thấy bà xúc động tôi cũng không kịp hỏi nhiều.

Có một người phụ nữ cũng nổi tiếng không kém bà Nguyễn Thị Định là bà Nguyễn Thị Ngọc Tốt (Nguyễn Thị Thập), nguyên Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam, nhà lãnh đạo cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ ở Mỹ Tho năm 1940. Trong tác phẩm “Từ đất Tiền Giang” viết về bà Nguyễn Thị Thập, nhà văn Đoàn Giỏi cho biết, năm 1967, con trai bà Nguyễn Thị Thập hy sinh ở chiến trường miền Nam. Đại sứ nước Cộng hòa Dân chủ Đức ở Việt Nam đã đến chia buồn cùng bà Nguyễn Thị Thập. Đại sứ đi xe đến phố Hàn Thuyên rồi để xe đó đi bộ lại nhà bà. Ông đại sứ ôm theo một bó hoa trắng để chia buồn với bà và trao cho bà một bức thư do ông tự tay viết bằng tiếng Việt.

 

“Kính gửi đồng chí Nguyễn Thị Thập.

Chị Thập rất kính mến.

Trong cuộc đời của chúng ta, nghèo túng và đói khổ, áp bức và khinh rẻ, tra tấn và tù đày, căm thù và tranh đấu đã làm cho chúng ta trở nên khắc khổ và cứng rắn. Nhưng tình cảm của chúng ta, trái tim của chúng ta không vì thế mà khô cằn và mòn mỏi, khiến chúng ta không cảm thấy xúc động mỗi khi bị mất những người thân yêu nhất, hoặc trước những nỗi đau thương của bè bạn, những nỗi thống khổ của con người mà không để cho đau thương lôi cuốn.

Tôi rất xúc động khi các bạn Việt Nam thân mến cho tôi biết tin đau đớn là người con thân yêu của đồng chí đã mất.

Xin đồng chí cho phép tôi được gởi tới đồng chí, người chị rất kính mến, lời chia buồn thành thật của tôi. Tôi nghiêng mình trước nỗi đau thương của đồng chí, nỗi đau thương của người mẹ.

Mong rằng niềm tự hào về người con anh hùng của đồng chí đã hiến dâng tất cả cho vinh quang và chiến thắng của nhân dân mình, sẽ giảm bớt nỗi đau thương cho người mẹ dũng cảm.

Hà Nội, ngày 3-11-1967

Rất kính mến,

VOLVGANG BERGOL

Đại sứ nước C.H.D.C Đức”.

Bà Nguyễn Thị Định là một tướng quân lừng lẫy ấy, nhưng ít ai biết rằng đằng sau con người với vẻ mặt can trường, đôn hậu ấy là cả một nỗi khổ tâm về đời tư. Người chồng đầu tiên của bà hy sinh ngoài Côn Đảo. Con trai duy nhất của bà mất vì bệnh trên miền Bắc. Người chồng sau của bà, một chiến sĩ cách mạng cũng ít có dịp đoàn tụ vợ chồng bởi chiến tranh khốc liệt cứ kéo họ đi. Người viết đã có lần về thăm căn cứ Tà Thiết ở Lộc Ninh, Bình Phước, vào thăm căn hầm mà bà Nguyễn Thị Định ở, làm việc và lãnh đạo quân sự ở miền Nam khi ấy. Hướng dẫn viên đã thuyết minh rằng ông muốn lên gặp bà phải thông báo trước, phải đợi từ đầu dốc xa để đợi vì công tác bảo mật, bảo đảm an toàn trong chiến khu. Có hôm, ông xách mấy con gà lên và đứng đợi đến tối nhưng vẫn không gặp được bà vì công việc khẩn trương của chiến tranh. Gần tối, ông gửi lại gà cho bà và buồn bã ra về. Sau này, khi đất nước đã thống nhất, dù giữ nhiều trọng trách quan trọng và công tác rất bận rộn, nhưng bà cũng đã cố gắng chu toàn, trách nhiệm với gia đình. Bà lặn lội về Đại Điền (Bến Tre) đón bà mẹ chồng đã hơn 70 tuổi, đang sống với những người cháu nhỏ dại trong túp lều bằng lá, bữa đói bữa no về nhà chung sống. Ngày 05 tháng 12 năm 2019, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tổ chức tọa đàm về 60 năm Đồng khởi Bến Tre. Chiều tối muộn ngày 04 tháng 12 năm 2019, tôi lại ra mộ thắp nhang viếng bà. Nhìn lên di ảnh bà, tôi thấy ánh mắt bà cười. Cả đời bà đã hy sinh vì dân vì nước, cả đời bà xa chồng, xa con thì giờ đây bà đang đoàn tụ với con trai của mình, người con trai mà khi bà nghỉ hưu đã bốc cốt quẩy theo hành trang đem về miền Nam.

Bà Nguyễn Thị Định sinh ngày 15-3-1920, tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Năm 1936, khi vừa tròn 16 tuổi, được sự dìu dắt của người anh trai, bà Nguyễn Thị Định đã tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1938, bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ đó cho đến hết cuộc đời mình, bà Nguyễn Thị Định đã giành tất cả sức lực, trí tuệ và cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Nhân dân, cho lý tưởng cao đẹp mà suốt cả cuộc đời bà đã trung thành cho đến hơi thở cuối cùng.

Từ năm 1968, bà Nguyễn Thị Định đã được nhà nước Liên Xô trao giải thưởng Hòa bình quốc tế Lênin. Sau khi bà qua đời 3 năm, ngày 30/8/1995, bà Nguyễn Thị Định đã được Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Nhân dân Hát Môn, Phúc Thọ, Hà Nội đã lập bàn thờ và rước bài vị của bà vào thờ đền thờ Hai Bà Trưng. Sinh thời, năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về bà: “Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam là cô Nguyễn Thị Định, cả thế giới chỉ có nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật vẻ vang cho cả miền Nam, cho cả dân tộc ta”. Cuộc đời bà Nguyễn Thị Định là một huyền thoại, bà là người rất xứng đáng tiêu biểu cho phụ nữ Nam Bộ mà Đảng và Bác Hồ đã trao tặng: Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang. ​

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 3 năm 2020

TS. Vũ Trung Kiên

​Giảng viên Học viện Chính trị Khu vực II