NỮ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

Ngày 3/9/1945, chỉ một ngày sau khi đọc Bản tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị một trong sáu nhiệm vụ cấp bách cần phải thực hiện ngay là “…tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu” để bầu ra Quốc hội.

Nguyễn Thị Hiển Linh

Ngày 3/9/1945, chỉ một ngày sau khi đọc Bản tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị một trong sáu nhiệm vụ cấp bách cần phải thực hiện ngay là “…tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu” để bầu ra Quốc hội.

Sau quá trình chuẩn bị khẩn trương của Chính phủ lâm thời, ngày 6/01/1946 đã diễn ra cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên trong cả nước, thực sự tự do, thực sự dân chủ, thể hiện sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân quyết tâm bảo vệ nền độc lập và xây dựng chủ quyền mới- chế độ dân chủ cộng hòa. Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đánh dấu một mốc son trong lịch sử dân tộc, khẳng định thể chế dân chủ của một quốc gia độc lập “của dân, do dân, vì dân” đầu tiên ở Đông Nam Á; trong lần đầu tiên ấy, phụ nữ chính thức được cầm lá phiếu bầu, bình đẳng với nam giới về quyền bầu cử và ứng cử.

Năm 2016, năm kỷ niệm 70 năm hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam. Trong chặng đường dài 70 năm qua, Quốc hội đã trải qua 13 khóa hoạt động với nhiều đóng góp to lớn vào sự phát triển của đất nước ở thế kỷ 20, những năm đầu thế kỷ 21 và những năm sắp tới. Lịch sử hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam gắn liền với tiến trình lịch sử của cách mạng Việt Nam. Mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước, Quốc hội đã có những đóng góp to lớn vào việc khẳng định thể chế và ghi dấu ấn phát triển của mình trong từng giai đoạn lịch sử của dân tộc. Trong đó, có sự đóng góp quan trọng của những nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam trên các lĩnh vực, đặc biệt là các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới.

Với gần 51% dân số, chiếm tỷ lệ hơn 50,6% lực lượng lao động, dù ở vị trí nào, phụ nữ cũng đều thể hiện rõ bản lĩnh, trí tuệ của mình, kể cả ở các cương vị quan trọng của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt tại cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất là Quốc hội, trong những hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước các thời kỳ, ở đâu cũng có sự đóng góp tích cực của những phụ nữ ưu tú là đại biểu của nhân dân. Mỗi nhiệm kỳ Quốc hội có một đặc thù riêng, với những thách thức và trách nhiệm, song mỗi giai đoạn phát triển của Quốc hội Việt Nam đã ghi nhận những bước trưởng thành của nữ đại biểu Quốc hội. Việc tăng cường tỷ lệ nữ tham gia vào các cương vị lãnh đạo trong các cơ quan dân cử, đặc biệt là Quốc hội để thực hiện quyền lập pháp, giám sát và ra quyết định là một đòi hỏi khách quan của sự phát triển xã hội.

Bước vào thời kỳ đổi mới, việc nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của phụ nữ trong cơ quan quyền lực Nhà nước luôn gắn liền với sự phát triển của đất nước và được xem xét dưới góc độ của giới cùng với việc tạo điều kiện cho phụ nữ vươn lên đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhằm giúp giới trẻ và phụ nữ tại Thành phố Hồ Chí Minh hiểu biết sâu về những đóng góp của người phụ nữ Việt Nam trong lĩnh vực tham chính về chính trị, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ thực hiện tổ chức trưng bày chuyên đề “Nữ đại biểu Quốc hội” giới thiệu những gương mặt tiêu biểu, những kỷ niệm đáng nhớ của một số nữ đại biểu Quốc hội. Hình ảnh về những nữ đại biểu Quốc hội là những minh chứng sống động cho sự đổi mới của đất nước, đổi mới hoạt động Quốc hội, là niềm tự hào về chính sách bình đẳng giới của Việt Nam so với các nước trong khu vực Châu Á cũng như trên thế giới.

Bước vào thế kỷ mới, đất nước đứng trước nhiều thuận lợi và những khó khăn, thách thức mới. Việc tăng cường vai trò của nữ đại biểu trong thời kỳ mới là xu thế phát triển tất yếu nhằm phát huy nội lực, tiềm năng sáng tạo của nguồn nhân lực cống hiến cho xã hội. Từ sự quan tâm của Quốc hội, nữ đại biểu Quốc hội đã thể hiện rất rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong từng nhiệm kỳ. Là một bộ phận của đại biểu Quốc hội nên khó có thể tách riêng những đóng góp của nữ đại biểu trong đóng góp chung của Quốc hội đối với sự phát triển và tiến bộ của đất nước, nhưng các đại biểu nữ đã cùng với đại biểu nam đóng góp trí tuệ trong việc ban hành Hiến pháp, các đạo luật và pháp lệnh, quyết định những chính sách trọng đại của đất nước. Đóng góp vào việc thực thi chính sách, pháp luật trên các cương vị là những người đứng đầu hoặc có vai trò quan trọng trong các hoạt động bảo đảm quyền con người, quyền công dân có chú ý đến bình đẳng giới của cơ quan, tổ chức và từng địa phương. Đóng góp trực tiếp vào công cuộc xoá đói giảm nghèo, thực hiện các mục tiêu xã hội thông qua việc tự nâng cao trình độ, năng lực, tham gia tích cực và có hiệu quả vào các phong trào quần chúng, các hoạt động quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực, góp phần nâng cao vị thế quốc gia trong khu vực và thế giới.

Với những quy định về quyền phụ nữ và bình đẳng nam nữ trong các bản Hiến pháp, Quốc hội Việt Nam đã tạo dựng cho phụ nữ Việt Nam địa vị pháp lý rõ ràng là người chủ đất nước, có đầy đủ mọi quyền như nam giới, nhưng được quan tâm hơn vì phụ nữ là người mẹ, người thầy đầu tiên của con người, tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ phấn đấu vươn lên. Cùng với sự phát triển không ngừng của Quốc hội trong xu thế hội nhập khu vực và thế giới, sự tiến bộ và phát triển toàn diện của phụ nữ Việt Nam tiếp tục được củng cố và nâng cao hơn trong những năm tới, đặc biệt khi Quốc hội xem xét và thông qua Luật Bình đẳng giới trong năm 2006 là cơ sở pháp lý quan trọng và có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển và tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, tạo điều kiện cho phụ nữ Việt Nam nối tiếp truyền thống “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” trước đây và “năng động, sáng tạo, trung hậu, đảm đang” trong thời kỳ đổi mới đất nước để đóng góp trí tuệ và công sức vào sự nghiệp CNH – HĐH đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh; vì sự tiến bộ và phát triển của phụ nữ Việt Nam trong thế kỷ XXI.

Nhân kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên của cả nước (1946 – 2016), kỷ niệm 86 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20/10 (1930 – 2016) và kỷ niệm 11 năm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11(2005-2016) và chào mừng Đại hội Đại biểu Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ X, nhiệm kỳ 2016-2021 khai mạc vào ngày 18/10/2016; được sự chấp thuận của Ban giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Nữ đại biểu Quốc hội”. Phòng trưng bày chuyên đề chính thức khai mạc vào lúc 9 giờ ngày 18 tháng 10 năm 2016 và mở cửa đón khách tham quan đến hết ngày 30/01/2017.

Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ trân trọng kính mời quí quan khách đến tham dự lễ khai mạc trưng bày và tham quan phòng trưng bày. Đây là chuyên đề mới được nghiên cứu từ những tháng cuối năm 2015 cho đến nay; Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ trân trọng giới thiệu và mong nhận được sự đóng góp ý kiến của quí quan khách để bổ sung, hoàn thiện chuyên đề nhằm phục vụ tốt hơn cho quí khách trong thời gian sắp tới.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 14 tháng 10 năm 2016

Nguyễn Thị Hiển Linh

alt

10 nữ đại biểu Quốc hội đầu tiên 1946

alt

Bà Nguyễn Thị Thập, một trong 10 nữ đại biểu Quốc hội đầu tiên

alt

Bà Ngô Thị Huệ, một trong 10 nữ đại biểu Quốc hội đầu tiên