MỒNG 5 THÁNG 5 – TẾT ĐOAN NGỌ

MỒNG 5 THÁNG 5 – TẾT ĐOAN NGỌ

Giữa chốn thành thị giao thông tấp nập, không khí sáng sớm hôm nay, người dân dậy sớm rộn ràng, đông đúc để chuẩn bị đón Tết . Sau Tết Nguyên Đán, có lẽ ” Tết Đoan Ngọ ” là cái Tết sum họp đầm ấm và có nhiều tục lệ gắn kết với đời sống của người dân. Vào ngày này, con cháu dù làm ăn xa xôi mấy cũng cố thu xếp để về sum họp gia đình.

Người Việt Nam còn gọi Tết Đoan Ngọ là “Tết giết sâu bọ” vì trong giai đoạn chuyển mùa, chuyển thời tiết, dịch bệnh dễ phát sinh. Chính vì điều đó, dân gian có nhiều tục trừ trùng phòng bệnh.

Theo phong tục xưa, đúng ngọ (tức là 12 giờ trưa), người dân ở các vùng thôn quê rủ nhau đi hái lá. Dân gian quan niệm rằng đây là thời khắc tốt nhất, lá cây cỏ hái được vào giờ này có tác dụng chữa bệnh rất tốt như: diệt bệnh ngứa ngoài da, tiêu các bệnh về đường ruột hay dùng khi cảm mạo, đem những lá thuốc này nấu nước xông giải cảm rất tốt.

Bên cạnh đó, thành phố thì không nhiều vườn tược, cỏ cây như ở vùng nông thôn, người dân ở đây có lệ đi mua lá thuốc nhân dịp mồng 5. Cũng chính vì lẽ đó, những người buôn bán từ quê ra đều mang theo đủ thứ loại lá bày bán. Các sản phẩm bày bán rất đa dạng, phong phú phục vụ nhu cầu người mua như: Lá được xắt nhỏ, phân từng loại riêng biệt hay các loại lá được buộc thành bó người đi chợ chọn lấy những lá có mùi vị ưa thích mua về, mang dùng khi nhà có người ốm đau. Đúng ngọ ngày mồng 5, lại đem ra phơi khô rồi bọc lại để trong tủ thuốc gia đình, hay treo bó lá trước cửa nhà theo phong tục tiêu trừ sâu bọ.

Theo phong tục xưa, người ta còn có nhiều tục như: nhuộm móng chân, móng tay, tục treo ngải cứu để trừ tà v.v…Tuy nhiên, phần lớn các tục lệ này nay đã được bãi bỏ, chỉ còn giữ lại tục tắm nước lá và tục đi hái lá thuốc.

Bên cạnh việc hái lá tiêu trừ sâu bọ, theo phong tục truyền thống sáng sớm tết Đoan Ngọ mọi người còn có việc chuẩn bị mua ruợu nếp cái và các loại hoa quả đúng mùa để thắp hương. Sau đó sẽ ăn các loại này để nhằm diệt sâu bọ trong bụng.

Vào thời khắc này, trái cây, hoa lá bắt đầu đơm hoa kết trái mong một mùa bội thu. Vì vậy, hoa quả là thứ đồ cúng không thể thiếu. Ngoài ra còn có những món ăn khác tùy theo tập quán của từng địa phương. Cũng giống như việc ăn chè trôi nước vào Tết Nguyên tiêu, ăn bánh trung thu vào đêm Rằm Tháng Tám. Và một trong những món ăn không thể không nhắc đến trong dịp Tết giết sâu bọ đó là món bánh ú tro. Vốn tục lệ đó đã trở thành nét đặc trưng văn hóa ẩm thực có ý nghĩa sâu sắc. Bánh tro là hội tụ đủ các đặc tính giúp trung hòa cơ thể lại vừa là món ăn thanh nhiệt tốt, dễ tiêu.

Món bánh ú lá tre khá đơn giản, ít nguyên liệu nhưng đòi hỏi người làm bánh phải có sự tỉ mỉ, khéo léo và kiên nhẫn. Nếu như bánh tét, bánh ít gói bằng lá chuối, bánh dừa gói bằng lá dừa nước thì bánh ú lá tre sẽ được gói bằng lá tre, một loại cây gắn liền với hình ảnh hiên ngang của dân tộc Việt Nam. Ở nhiều nơi, bánh ú lá tre còn được gọi là bánh ú nước tro vì được sử dụng nước tro để làm bánh. Những chiếc bánh nhỏ xinh này luôn được mọi người yêu thích vừa ngon và nhìn cũng rất vui mắt. Bánh có hình chóp, nhỏ hơn bánh ú, bên trong là nếp cùng với đậu xanh và có vị ngọt thanh.

Ngoài bánh ú tro, một món ăn thuần túy mang đậm chất dân dã và ý nghĩa của Tết diệt sâu bọ nữa là cơm rượu nếp miền Nam. Ở các tỉnh miền Nam, cơm rượu nếp được gọi là cơm rượu. Cơm rượu không để rời mà viên thành từng viên tròn trước khi ủ. Món cơm rượu ở miền Nam thường có nước tiết ra và cũng được pha thêm nước đường, rất ngon nếu ăn kèm với xôi vò.

Cũng từ đó, trong bữa cơm sum họp vui đùa, nói chuyện cùng nhau, chúng ta lại được nghe những câu chuyện sự tích về các loài bánh mà ông bà kể cho các cháu nghe và hiểu về phong tục tập quán của người Việt Nam. Năm nay lại là năm nhuần, chúng ta sẽ lại được trở về quê hương, về bên mái ấm gia đình và cùng ông bà đón Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5 thật ấm áp và ý nghĩa. ​

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 25 tháng 6 năm 2020

Đào Thị Hồng Quyên

Phòng Truyền Thông- Giáo dục và Quan hệ quốc tế