MưỜI Thoa trong ký Ức đỒng đỘi

Hình ảnh Mười Thoa không bao giờ phai mờ trong tâm trí ông Đỗ Tiến Lực, Nguyên Chủ tịch UBND Quận 2. Trước khi đến với cách mạng, anh  là công nhân hãng Shell. Từ con đường của một “công nhân quý tộc” với tiền lương rất cao, anh đã từ bỏ cuộc sống tiện nghi, tham gia lực lượng võ trang Thành đoàn, thuộc cánh công nhân đô thị là một bước ngoặc lớn trong cuộc đời anh. Bước ngoặc ấy in đậm dấu ấn của Mười Thoa. Một buổi sáng yên bình sau chiến tranh, trên tầng lầu cao nhìn khắp thành phố, anh không khỏi chạnh lòng nhớ đến những người con gái năm nào, đẹp như tinh hoa của đất trời bị ngã gục, xa lìa khỏi cuộc sống một cách tàn bạo. Những bông hoa ấy vĩnh viễn nằm lại trong nhà tù, nơi cánh rừng, dòng sông… Anh ngậm ngùi kể:

“Sau Mậu Thân, địch phản công dữ dội.  Phong trào học sinh sinh viên ở nội đô đang gặp nhiều khó khăn. Hàng loạt cơ sở bị vỡ. Nhiều đồng chí lảnh đạo đã bị bắt. Tôi nhận nhiệm vụ về Bến Tre xây dựng căn cứ Thành Đoàn. Đó là những ngày vô cùng khốc liệt, luôn đối mặt với hiểm nguy và cái chết. Kỳ lạ thay, chính trong những ngày ấy, hình ảnh Mười Thoa trở về trong ký ức, mang lại cho tôi sự động viên rất lớn. Tôi lại nhìn thấy Mười Thoa với vẻ đẹp trong trẻo và nụ cười rạng rỡ giơ tay dìu những bước chân đầu tiên của tôi đến với tổ chức “Thanh niên công nhân”. Khi tôi là công nhân hãng dầu Shell Nhà Bè, Mười Thoa và những người bạn khác của chị hay ghé lại nhà cậu mợ tôi. Mãi sau này tôi mới biết họ đang bàn cách đưa chất nổ vào nội thành  để tổ chức những trận đánh. Và cũng mãi sau này tôi mới biết, tôi chính là đối tượng Mười Thoa theo dõi, uốn nắn, thuyết phục, giới thiệu tôi vào tổ chức “Thanh niên liên phường”. Và chị đã dẫn dắt tôi đi…. Trong căn cứ, hay tin chị bị bắt vào tù, tôi thầm hứa: “Mười Thoa ơi, trong tù chị hãy  yên tâm, vì Chín Lực, thằng em của chị sẳn sàng có mặt nơi nào ác liệt, khó khăn nhất”. Tôi chợt rùng mình, nghe đau thắt ở ngực khi nghĩ đến những ngón đòn tra tấn tàn bạo của địch trong tù. Vẻ đẹp mong manh của những người con gái như Mười Thoa làm sao chịu đựng nổi. Tôi vừa đau xót vừa khâm phục khi nghĩ đến chị. Nhiều lần tôi tự hỏi, nếu rơi vào hoàn cảnh của chị, tôi không biết mình có chịu đựng nổi như chị đã từng chịu đựng không ?!…”

               Câu hỏi bỏ ngõ ấy khiến những người còn sống hôm nay thấy mình mang món nợ quá lớn với những người đã hy sinh cho Tổ quốc. Đó còn là món nợ trước vẻ đẹp, trước tuổi thanh xuân của đồng đội bị chiến tranh tước đoạt. Món nợ ấy nhắc người còn sống biết rõ mình hơn trong dòng chảy khắc nghiệt của cuộc sống hiện tại. Chị Trương Mỹ Lệ (Tư Liêm)- Nguyên Phó Ban Tổ chức Thành ủy kể: “Ấn tượng sâu sắc của tôi về Mười Thoa là vẻ đẹp phúc hậu, dịu dàng, thùy mị của cô gái lớn lên vùng cây lành trái ngọt Cái Bè. Với vẻ đẹp ấy, Mười Thoa dễ thuyết phục những người đồng chí của mình. Đi đến đâu, chị cũng được quần chúng tin yêu, đồng đội quý mến. Sự gượng nhẹ, mềm mỏng của chị khiến trong lòng chúng tôi gợn lên nỗi lo: “Một cô gái yếu đuối, xinh đẹp, mong manh như vậy lỡ rơi vào tay kẻ thù làm sao chống đỡ nổi”. Nỗi lo của chúng tôi trở thành sự thật. Thật ra, khi dấn thân vào con đường cách mạng, chúng tôi hiểu tù đày, cái chết luôn kề bên. Nhưng Mười Thoa không yếu đuối. Cô gái đẹp, dịu dàng, mong manh ấy trước kẻ thù vô cùng cứng cỏi, kiên định. Vì vậy mà Mười Thoa hy sinh… Từ lúc biết, công tác chung cho đến khi Mười Thoa hy sinh, tôi chưa nghe chị kể về chuyện tình yêu của mình. Người yêu thương, yêu mến Mười Thoa thì nhiều lắm. Ai mà không yêu chị ấy cho được. Ngay cả những lớp đàn em phong trào HSSV nhỏ tuổi hơn cũng có người đem lòng yêu mến chị nhưng vào lúc đó, mới ngoài 20 mà Mười Thoa đã là Ủy viên BCH Thành Đoàn. Trách nhiệm và áp lực trên đôi vai chị nặng lắm. Có lẽ vì vậy mà chuyện tình yêu chị chưa dám nghĩ tới. Hoặc có nghĩ tới thì chị giấu trong lòng, chưa kịp thố lộ với ai…

               Nhiều nhân vật góp phần làm nên lịch sử sau chiến tranh, dự phần vào công việc viết lại những trang sử. Đứng truớc những bộn bề cũ và mới, những thành công và rào cản, người ấy thêm có dũng khí để vượt qua chính mình khi nhớ về quá khứ. Quả là ngày ấy, Mười Thoa đã hy sinh cho ông được sống. Câu chuyện của một đồng chí trong tù đã đi theo suốt cuộc đời ông Phạm Chánh Trực (Năm Nghị)- Nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM. Trong ký ức của ông, Mười Thoa là một cô gái đẹp, vui tính, lạc quan; rất mềm mỏng, nhẹ nhàng. Chị không giận ai được lâu. Chị tạo cảm giác yên tâm, ấm áp cho những người cùng làm việc. Chị có giong hát rất hay và hay ca hát.

               Mười Dũng (bí danh của ông Phạm Chánh trực lúc đó) làm sao quên được, khi ông bị đánh đập dưới lầu thì trên tầng một, Mười Thoa bị vây bủa bở những tên “đồ tể”. Chúng khai thác chị rất kỹ, bởi có người chiêu hồi, khai rõ chức danh chị: Ủy viên Ban chấp hành kiêm Chánh văn phòng Thành Đoàn. “Biết rõ Mười Dũng Không?”. Mười Thoa kiên quyết nói không dù chị biết rất rõ những người chỉ huy, từng đồng chí. Lúc đó, Mười Dũng là Phó Bí Thư Thành Đoàn. Chúng đánh chị rất dữ dội. “Biết mà không khai”. Đó là nguyên nhân vì sao chúng đã tra tấn Mười Thoa cho đến chết. Vào một đêm tháng 11 năm 1970, trong căn phòng thẩm vấn đầy dụng cụ tra tấn, Mười Thoa hy sinh. Chị hy sinh cho đồng đội mình được sống. Người còn sống đang tiếp nối công việc các chị còn bỏ dở. Ông Phạm Chánh Trực sau khi ra tù, chợt thấy lòng sâu thẳm hơn trước cái chết của những cô gái trẻ. Ông viết bài thơ gửi đến những người đang sống nói về cái giá của hòa bình, còn những người đang sống cảm nhận ông đang thắp nên nén hương lòng gửi đến những người chết trẻ.

TÊN EM CÒN ĐÓ

Như một nén hương cho linh hồn PHƯƠNG – THOA – THÁI.

Ba người con gái Đảng yêu ơi!

Chết thật rồi sao? Vĩnh biệt rồi!

Lũ bán nước kia – quân tội ác!

Máu đào đẫm ướt tuổi đôi mươi.

Gương mặt nào hôm qua sáng tươi,

Suốt ngày ròn rã tiếng ai cười,

Trên đường phố hay trong rừng thẳm

Buổi gặp nhau vang tiếng hát ai?

Em đi năm ấy tuổi còn thơ
Cô gái nhà quê dáng ngẩn ngơ

Phố lớn chó săn xe mắc cửi

Giao liên xuất sắc chẳng ai ngờ

Bỏ bút nghiên theo núi sông

Khi trên đường nhựa lúc băng đồng

Mấy năm lặn lội gầy cơ sở

Bám chặt thành đô vẫn vẹn lòng

Em đi năm ấy tóc còn xanh

Xóm nghèo quê mẹ mái nhà tranh

Gái mười bảy tuổi, không son phấn

Lòng vẫn ước mơ giải phóng thành.

40 năm sau ngày Mười Thoa hy sinh, tình cờ đến thăm nhà nữ sĩ Hàn Xuân- người chị gái của nhà báo Vân Trang, một cơ sở cách mạng nội thành, tôi không khỏi ngỡ ngàng nhìn thấy di ảnh một người con gái trẻ, trông quen quen trên bàn thờ. Hỏi ra, tôi mới được bà Hàn Xuân cho biết, nguời con gái trong ảnh là Mười Thoa. Bà kể: “Hồi ấy, nhà tôi ở Đakao là nơi Mười Thoa hoạt động. Nhiều đêm tôi canh cửa cho cô ấy in truyền đơn, viết báo cáo gửi về trên. Trong đáy lòng, tôi xem Mười Thoa như con gái của mình, hết lòng che chở. Đó là một đứa con gái đẹp, ngoan hiền. Khi hay tin Mười Thoa bị bắt, tôi cho người dò tìm tin tức. Bảy ngày sau, tôi mới hay tin Mười Thoa bị đánh đến chết, bị chúng thủ tiêu. Thương đứa con gái mới 24 tuổi đã hy sinh vì dân vì nước mà tôi đã lập bàn thờ cho cô ấy tới giờ…”.

Trong ký ức đồng đội, đồng bào; người thân; Mười Thoa vẫn không chết…

                                       Tp. Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 7 năm 2012

                                                                 Trầm Hương