MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG NGUYỄN THỊ THẬP VỚI PHONG TRÀO “BA ĐẢM ĐANG”

Qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đóng góp của những người mẹ Việt Nam rất thầm lặng nhưng có lúc các mẹ chính là những chiến sĩ luôn xung kích trên mọi mặt trận như tham gia đấu tranh chính trị, binh vận hay trực tiếp cầm súng tham gia chiến đấu cùng chồng con trong lực lượng vũ trang. Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thập là một tấm gương tiêu biểu của những người mẹ Việt Nam. Là vợ của liệt sĩ đã hy sinh trong khởi nghĩa Nam Kỳ, mẹ của liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp nhưng mẹ đã động viên người con trai thứ hai vào Nam chiến đấu và anh cũng đã hy sinh.

Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thập tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Tốt, sinh năm 1908 trong  một gia đình nghèo, chất phát và giàu truyền thống yêu nước ở xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Sinh ra trong hoàn cảnh “nước mất, nhà tan”, các phong trào yêu nước đều không giành được thắng lợi hoàn toàn và gia đình bị áp bức, bóc lột nặng nề, mặc dù là thân “nữ nhi” nhưng đã nung nấu trong bà một ý chí đấu tranh mãnh liệt. Khi vừa tròn 12 tuổi thì thân mẫu qua đời, mẹ phải đảm đương việc nhà và chăm sóc các em nhỏ. Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng mẹ vẫn dành thời gian đọc sách viết về cuộc đời hoạt động của các sĩ phu yêu nước. Vấn đề “nam nữ bình quyền” đặt ra trong cách mạng đã có sức hấp dẫn rất lớn đối mẹ.

Năm 1928, mẹ tham gia Nông hội đỏ tại địa phương, với nhiệm vụ thông tin liên lạc. Ba năm sau, mẹ thoát ly gia đình, lên Sài Gòn hoạt động cách mạng, thâm nhập vào cuộc sống của thợ thuyền, công nhân và những người lao động nghèo để tuyên truyền, giác ngộ đồng thời xây dựng cơ sở cách mạng.

Năm 1935, mẹ được bầu làm Ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ, sau đó không lâu mẹ bị thực dân Pháp bắt và giam tại Khám Lớn – Sài Gòn. Mặc dù bị tù đày, tra tấn rất dã man những ý chí cách mạng của người chiến sĩ cộng sản trong mẹ vẫn không hề thay đổi. Một năm sau đó, khi được trả tự do mẹ trở về quê hương tiếp tục tuyên truyền lý tưởng cách mạng, giáo dục xóa bỏ hủ tục mê tín dị đoan, lề thói lạc hậu ở nông thôn và xây dựng cơ sở cách mạng ở khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Năm 1936, mẹ tham gia phong trào Đông Dương đại hội và được phân công trong Ủy ban sưu tập dân nguyện đấu tranh đòi tăng công gặt với địa chủ. Sau nhiều lần đấu tranh, biểu tình mẹ địch bắt và khép vào tội phá rối chính trị. Mẹ bị xử 6 tháng tù, thời gian ở trong tù mẹ vận động chị em trong khám đấu tranh “phản đối vô cớ bắt nhốt người” thắng lợi. Tiếp đó, mẹ vận động các tất cả tù nhân trong khám tham gia bãi thực.

Năm 1940, khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ, dù đã gần đến ngày sinh nở, mẹ vẫn thắt khăn nịt bụng, chỉ huy dân quân, đồng bào trương cờ, biểu ngữ, xông vào cướp đồn địch. Cuộc khởi nghĩa thất bại, chồng mẹ là ông Lê Văn Giác, sinh năm 1902, một chiến sĩ cộng sản bị địch bắt giam ngoài Côn Đảo từ năm 1930, lại bị địch bắt và xử tử hình. Khó khăn chồng chất khó khăn, chồng mất, các con còn nhỏ (con trai đầu 11 tuổi, con gái thứ hai lên 2 và con út mới 8 ngày tuổi), mẹ đành gửi các con nhờ người nuôi, tiếp tục cùng các đồng chí còn lại hoạt động bí mật, gây dựng lại cơ sở cách mạng.

Năm 1945, sau bao nhiêu năm xa cách, mẹ con mới đoàn tụ bên nhau thế nhưng nỗi đau lại ập tới, tháng 5/1954, người con trai cả là anh Lương Văn Thuận, sinh năm 1925, một xã đội trưởng liên xã Long Hưng – Long Hòa đã anh dũng hy sinh trong một trận càn của giặc. Người con trai thứ hai là anh Lê Văn Quang, sinh năm 1940, cũng tiếp nối sự nghiệp cách mạng của gia đình nên tham gia chiến đấu tại chiến trường Đông Nam Bộ và anh dũng ngã xuống trên quê hương giàu truyền thống cách mạng như người cha và anh trai của mình.

Cả cuộc đời cống hiến cho cuộc đấu tranh cách mạng, hiến dâng cho Tổ quốc chồng và hai con trai, trong Hồi ký “Qua những chặng đường” mẹ đã viết những dòng chữ vô cùng cảm động: “Trong chiến đấu một mất, một còn với kẻ thù tàn bạo và hung hãn nhất thế giới là đế quốc Mỹ, toàn dân ta không có gia đình nào không ít nhiều gánh chịu mất mát hy sinh, để giữ lấy sống còn, giành lại độc lập, thống nhất cho Tổ quốc. Gia đình tôi cũng trong hoàn cảnh ấy”[1].

Có thể thấy, sự hy sinh cho gia đình và Tổ quốc của Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thập đã khắc họa nhân cách sống cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Với những công lao đóng góp vào công cuộc giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, ngày 17/12/1994, mẹ Nguyễn Thị Thập được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Cuộc đời và sự nghiệp của Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thập luôn là tấm gương tiêu biểu về phẩm chất “Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang” của phụ nữ Việt Nam. Phẩm chất và những đóng góp to lớn của Mẹ là di sản và luôn được các lớp thế hệ phụ nữ học tập, noi theo.

Trong suốt những năm tháng cả nước tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thập được giao trọng trách Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khóa II và III (1956-1974). Trên cương vị là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thập cùng với tập thể lãnh đạo đề ra những chủ trương chỉ đạo sáng tạo, phù hợp với tình hình của đất nước, tổ chức nhiều hoạt động, phong trào thi đua sôi nổi của phụ nữ thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước, có sức lan tỏa, lôi cuốn toàn thể phụ nữ từ thành thị đến nông thôn hăng hái tham gia. Trong đó, phong trào “Ba đảm đang”[2] (tháng 3/1965) được đánh giá là cao trào cách mạng của phụ nữ, một mốc son trong lịch sử tổ chức và hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Việt Nam cũng như phong trào phụ nữ Việt Nam.

Phong trào “Ba đảm đang” gồm ba nội dung chính: Đảm nhiệm sản xuất thay thế chồng con đi chiến đấu; Đảm nhiệm gia đình để chồng con yên tâm chiến đấu; Đảm nhiệm sẵn sàng phục vụ chiến đấu khi cần. Phong trào “Ba đảm đang” được phát triển sâu rộng và vững chắc, nhanh chóng lôi cuốn hàng triệu phụ nữ ở miền Bắc tham gia thi đua với phụ nữ miền Nam, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Trên khắp các mặt trận: công nghiệp, nông nghiệp, nghiên cứu khoa học, y tế, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật… Trong việc đảm nhiệm gia đình, nuôi dạy con cái, trong luyện tập quân sự, phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, đâu đâu cũng thấy xuất hiện những đơn vị, cá nhân phụ nữ ưu tú lập được thành tích vẻ vang.

Nhằm đưa phong trào “Ba đảm đang” lên một tầm cao mới, ngày 19/2/1966, Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thập cùng Ban thường trực Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Việt Nam ra chỉ thị về việc tổ chức Đại hội “Ba đảm đang” và bình bầu những người xuất sắc trong phong trào nhằm biểu dương thành tích, sơ kết và rút kinh nghiệm cho việc chỉ đạo phong trào.

Để khích lệ phong trào của phụ nữ hai miền Nam – Bắc hoạt động ngày càng sôi nổi, ngày 8/3/1966, Chủ tịch Nguyễn Thị Thập thay mặt Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động chị em hai miền thi đua thực hiện “Ba đảm đang” với tinh thần quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Hội Liên hiệp phụ nữ Giải phóng miền Nam cùng giao ước thi đua thực hiện nhiệm vụ do yêu cầu của cách mạng đề ra cho Hội trong tình hình mới. Cuộc thi đua yêu nước của phụ nữ hai miền Nam – Bắc đã được hưởng ứng sâu rộng và bước đầu đã giành được thắng lợi.

Trong Hội nghị về phong trào Ba đảm đang, mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thập đã phát biểu:“Từ khi đế quốc Mỹ leo thang ra miền Bắc, chúng khơi bùng lên ngọn lửa căm thù đã âm ỉ cháy từ lâu trong lòng nhân dân và phụ nữ miền Bắc. Lời kêu gọi cứu nước thiêng liêng của Hồ Chủ tịch đáp ứng đúng tình cảm và nguyện vọng cao quý của phụ nữ miền Bắc muốn góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất  tổ quốc. Chính vì thế mà hàng triệu chị em trong các tầng lớp phụ nữ, từ miền xuôi đến miền núi và tận các hải đảo xa xôi, đã hưởng ứng phong trào “Ba đảm đang” với một khí thế sôi nổi chưa từng thấy. Phong trào mới phát động không đầy hai tháng đã có gần 2 triệu phụ nữ tình nguyện đăng ký ba đảm đang. Lời kêu gọi “ba sẵn sàng” của thanh niên và lệnh tòng quân, tái ngũ được chị em nhiệt liệt ủng hộ”[3].

Trong suốt quá trình thực hiện phong trào “Ba đảm đang”, Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thập đã đi đến nhiều tỉnh thành ở miền Bắc vận động các tầng lớp phụ nữ tham gia phong trào và trực tiếp tham dự, phát biểu chỉ đạo tại Đại hội “Ba đảm đang” ở các ngành, nghề khác nhau… “Nhìn lại một năm tôi rất vui mừng chị em ngành đường sắt trưởng thành nhanh chóng trong phong trào “Ba đảm đang”.  Từ chị em phục vụ ở các ga, tàu đến các chị em sản xuất trong xí nghiệp, trên công trường, từ chị em công tác chuyên môn đến chị em phục vụ gián tiếp như y tế, cấp dưỡng, giữ trẻ, đều lập nhiều thành tích xuất sắc…” (Trích Bài phát biểu của Đồng chí Nguyễn Thị Thập tại Đại hội Ba đảm đang trong Ngành Đường sắt 1/6 đến 3/6/1966)[4].

Bà Nguyễn Thị Thập (hàng đầu, bìa trái) với các đại biểu dự Hội nghị phụ nữ “Ba đảm đang” ngành đường sắt năm 1966. Ảnh: sưu tầm.

Tại Đại hội “Ba đảm đang” Ngành Công Nghiệp nhẹ (23-25/6/1966), Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thập đã phát biểu: “Thành tích của phụ nữ ta ở cả hai miền Bắc Nam, chẳng những làm cho phụ nữ ta hết sức tự hào mà cả dân tộc ta cũng rất tự hào, thế giới vô cùng khâm phục. Phong trào “Ba đảm đang”ở miền Bắc được Đảng và Nhà nước đặc biệt hoan nghênh và ủng hộ. Chỉ hơn một năm thôi Hội đã làm nên những sự việc vĩ đại, phong trào phụ nữ lớn mạnh chưa từng có và chưa bao giờ địa vị, vai trò phụ nữ được xã hội coi trọng như lúc này. Trong năm qua, hết sức vinh dự cho phụ nữ chúng ta là trên 60 đoàn đại biểu phụ nữ các nước, các nhà văn, nhà báo, điện ảnh nước ngoài đã đến Trung ương Hội để tìm hiểu phong trào “Ba đảm đang” và học tập kinh nghiệm. Với tinh thần cách mạng và hành động anh hùng, phụ nữ Việt Nam ngày nay đã trở thành niềm tự hào của phụ nữ của phụ nữ thế giới”[5].

Có thể nói, phong trào “Ba đảm đang” đã đáp ứng được nguyện vọng, nhu cầu và khả năng cách mạng của phụ nữ, từ đó có sức lan tỏa mạnh mẽ, lôi cuốn đông đảo các tầng lớp phụ nữ từ thành thị đến nông thôn tích cực tham gia với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.

Phong trào “Ba đảm đang” trở thành một trong những biểu tượng cao nhất của phong trào thi đua yêu nước ở miền Bắc trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, là biểu hiện sinh động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Với thành tích đặc biệt xuất sắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Đảng và chính phủ tặng phụ nữ Việt Nam 12 chữ vàng: “Phụ nữ Việt Nam dũng cảm, đảm đang, chống Mỹ, cứu nước” vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20/10/1966. Gần 60 năm trôi qua nhưng phong trào “Ba đảm đang” vẫn in sâu trong tâm trí của mọi người về một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Trong suốt 18 năm (1956-1974) đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đồng thời đảm nhiệm cương vị Phó Chủ tịch Quốc hội liên tục trong 21 năm từ khóa II đến khóa VI (1960-1981), Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thập được đánh giá là một cán bộ lãnh đạo có tầm nhìn, đưa ra nhiều sáng kiến về công tác tổ chức cán bộ, luôn quan tâm sát sao chỉ đạo phong trào và xây dựng đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ Hội. Đặc biệt, mẹ đã đóng góp tiếng nói của Hội Phụ nữ – đại diện cho giới nữ vào việc sửa đổi Hiến pháp năm 1960 và xây dựng một số văn bản pháp luật trong thời kỳ này, góp phần xây dựng hình ảnh và phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, đáp ứng thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước và hội nhập quốc tế.

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 10 năm 2023

Nguyễn Thị Kim Voanh

                            Phòng Truyền thông – Giáo dục – Quan hệ Quốc tế

Tài liệu tham khảo:

  • Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Tiền Giang trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam. (2016). Nguyễn Thị Thập – Người con ưu tú của Nam Bộ thành đồng. Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật.
  • Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ. (2008). Nguyễn Thị Thập cuộc đời và sự nghiệp. Tp. Hồ Chí Minh: NXB Văn Nghệ.
  • Nguyễn Thị Thập, Đoàn Giỏi. (1982). Hồi ký Qua những chặng đường. Hồ Chí Minh: NXB Phụ nữ.
  • Các bài tham luận, phát biểu của bà Nguyễn Thị Thập ở các kỳ Đại hội phụ nữ thuộc Tư liệu Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ.
  • https://hoilhpn.org.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/khi-phach-nguoi-con-gai-song-tien-nguyen-thi-thap-36511-4529.html

     

[1] Nguyễn Thị Thập, Đoàn Giỏi. (1982). Hồi ký Qua những chặng đường. Hồ Chí Minh: NXB Phụ nữ.

[2] Ban đầu có tên gọi là phong trào “Ba đảm nhiệm” , sau đó được Chủ tịch Hồ Chí Minh đổi tên thành “Ba đảm đang”

[3] Trích Tham luận Về phong trào Ba đảm đang của bà Nguyễn Thị Thập – Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam (20-04-1966), Tư liệu Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ.

[4] Tư liệu Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ.

[5] Tư liệu Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *