MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG ĐẶNG THỊ BÌA

Hàng ngàn người Mẹ đã tiễn con ra trận để giữ vững mảnh đất và bầu trời Việt Nam. Trong số những người Mẹ Việt Nam Anh hùng như thế có Mẹ Đặng Thị Bìa (1921-2007) ở ấp Trạm Bơm, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi. Mẹ được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng ngày 17/12/1994.

Hai cuộc kháng chiến trường kỳ Pháp và Mỹ của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20 đã mang lại nền độc lập cho nước nhà, nhưng cũng để lại những hy sinh mất mát cho hàng triệu gia đình. Trong đó, những người Mẹ là người thấm thía nỗi đau nhiều nhất. Hàng ngàn người Mẹ đã tiễn con ra trận để giữ vững mảnh đất và bầu trời Việt Nam. Trong số những người Mẹ Việt Nam Anh hùng như thế có Mẹ Đặng Thị Bìa (1921-2007) ở ấp Trạm Bơm, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi. Mẹ được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng ngày 17/12/1994.

Mẹ vốn mồ côi từ nhỏ, cha mẹ mất sớm. Mẹ sống trong sự đùm bọc của bà con trong xóm nghèo. Tuy sống bằng nghề nông, nhưng gia đình Mẹ không có ruộng để làm. Do vậy, Mẹ đã phải tần tảo làm ruộng thuê, làm nghề tráng bánh tráng để nuôi sống 10 người con (6 gái, 4 trai) nhỏ dại. Mẹ và chồng giác ngộ cách mạng rất sớm. Mẹ vận động bà con góp tiền, ủng hộ cho cách mạng ngay trong phong trào Nam kỳ khởi nghĩa.

Những năm kháng chiến chống Pháp 1947-1948, gia đình Mẹ nuôi quân, gánh gạo lên An Nhơn Tây tiếp tế cho bộ đội. Kháng chiến chống Mỹ, Mẹ động viên các con lên đường cứu nước. Anh Phan Văn Oai, con trai cả, sinh năm 1942, tham gia bộ đội chủ lực với chức vụ Trung đội phó Đại đội 24 đóng ở Quảng Đức, hy sinh ngày 09/01/1969 tại Quảng Đức. Anh Phan Văn Cường, sinh năm 1944, con trai thứ của Mẹ tham gia du kích xã năm 1961, hy sinh năm 1964 tại Tân Phú Trung khi đang trên đường công tác bị lọt vào ổ phục kích của địch. Năm 1963, Mẹ cho chị Phan Thị Ren, sinh năm 1940, tiếp bước truyền thống gia đình, tham gia cách mạng. Chị là nhân viên giao bưu của huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Chị bị phục kích tại Đức Hòa, hy sinh ngày 20/2/1969. Mẹ còn có người con rễ là bộ đội chủ lực tiểu đoàn Quyết Thắng thuộc Trung đoàn Gia Định, hy sinh năm 1972.

altNăm 1969, có thể nói là năm bão giông với cuộc đời Mẹ. Chỉ cách nhau có một tháng, Mẹ lần lượt nhận tin hy sinh của con trai và con gái. Ngày anh Oai mất, Mẹ vẫn chưa nguôi ngoai niềm thương tiếc. Ngày đồng đội của chị Ren cho Mẹ biết tin, trời đất như đổ sập dưới chân Mẹ. Nỗi tiếc thương như vết thương lở loét cứ khoét sâu thêm vào da thịt Mẹ nhức buốt không vơi. Trong cái oi nồng nắng hè ở vùng bưng nghèo, nhận giấy báo tử các con với dòng chữ hy sinh tại mặt trận phía Nam, lòng Mẹ quặn thắt vì không nhận được xác từng núm ruột thân yêu của mình. Đêm đêm trong ánh sáng vàng nhạt của chiếc đèn dầu, loại đèn “hột vịt”, bấc tròn, bóng cũng tròn như cái trứng vịt. Loại đèn ít tốn nhiên liệu và cũng tối tăm nhất trong họ đèn dầu và cũng là chiếc đèn duy nhất trong căn phòng, Mẹ ứa nước mắt khóc thầm bên tờ giấy báo tử ố vàng dường như càng bạc màu hơn. Mẹ nhớ các con của Mẹ. Mẹ day dứt vì các con của Mẹ ra đi trong cô quạnh. Ngọn đèn mà mỗi khi đêm về với bóng tối dày đặc, bên ánh sáng leo lét đã thức cùng Mẹ bao đêm sàng gạo, may vá áo quần cho con trẻ và làm ám hiệu an toàn cho bộ đội, du kích trú ẩn trong chính ngôi nhà của mình. Ngọn đèn ấy và bóng Mẹ đã nhập thành một quầng sáng cùng nhau chiến đấu giữa chiến trường đạn bom khói lửa. Mẹ đã tự nguyện trói buộc đời mình trong trách nhiệm được mặc định của xã hội để các con của Mẹ được tự do trong biển trời cao rộng. Và ngọn đèn ấy đã được chị Phan Thị Rẻn, sinh năm 1956, người con gái thứ 8 trao tặng Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ cùng với chiếc áo bà ba màu tím và chiếc khăn len đội đầu màu xanh tro đậm.

altChiếc áo ba ba và chiếc khăn len mang đến cho chị Rẻn những tháng ngày thân thương, cảm giác gần gũi và ấm áp khi ở bên Mẹ. Với chị Rẻn, chiếc áo bà ba gắn liền với hình ảnh người phụ nữ Nam Bộ đôn hậu, mạnh mẽ, trung kiên trong hai cuộc chiến tranh giữ nước. Hình ảnh chiếc áo cổ tròn, thân áo phía sau may bằng một mảnh vải nguyên, thân trước gồm hai mảnh, ở giữa có hai dải khuy cài chạy dài từ trên xuống. Áo xẻ tà vừa phải ở hai bên hông. Nút áo bà ba theo kiểu truyền thống là nút bấm gắn liền với hình ảnh altcủa Mẹ mãi mãi lung linh dệt nên trang sử hào hùng của dân tộc. Với chị đó là những kỷ vật gợi nhớ những khoảnh khắc mang tính kỷ niệm, là ngày vui, là những lúc sóng gió, lúc thấy lòng đầy bão giông, lúc tưởng chừng như đứt lìa xa cách, Mẹ lại cố gắng nuôi dưỡng tình yêu con trong tình yêu quê hương dạt dào.

Bảo tàng đón nhận chiếc áo ba ba với một tình yêu về Mẹ. Tình yêu đó đến một cách tự nhiên, sự tin tưởng và tràn ngập yêu thương về một người Mẹ. Chính tình yêu ấy sẽ là bài ca vang vọng trong trưng bày của bảo tàng khi giới thiệu đến công chúng.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 3 năm 2018

Nguyễn Thị Hiển Linh