MAN THIỆN HOÀNG HẬU- NGƯỜI MẸ CỦA HAI NỮ TƯỚNG ĐẦU TIÊN TRONG LỊCH SỬ

Mỗi năm đến Ngày Quốc tế Phụ nữ 8 tháng 3, phụ nữ Việt Nam luôn nhắc đến cuộc khỡi nghĩa Hai Bà Trưng năm 40 Sau Công nguyên. Hai Bà Trưng là những người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam đã phất cờ khởi nghĩa đánh đuổi quân xâm lược phương Bắc, mở đầu cho những cuộc đấu tranh giành độc lập trường kỳ của dân tộc ta. Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng có một danh tướng là thân mẫu của Hai Bà. Nhưng ít ai biết rằng, bà mẹ của Hai Bà Trưng cũng là một bà mẹ anh hùng. Lòng yêu nước, chí khí quật cường của Hai người con gái đã được mẹ nuôi dạy và nung nấu từ thưở bé.

Sau khi khởi nghĩa thành công, bà được phong là Man Hoàng hậu. Man Hoàng hậu tên thật là Trần Thị Đoan, quê ở làng Nam Nguyễn, tổng Cam Giá, trấn Sơn Tây (nay là thôn Nam An – huyện Ba Vì – Hà Tây). Theo truyền thuyết thì bà thuộc dòng dõi cháu Vua Hùng. Chồng bà, ông Trưng Định làm Lạc tướng ở đất Mê Linh, cũng thuộc dòng dõi Hùng Vương. Hùng Định (Trưng Định) là một người khảng khái có tinh thần yêu nước, thương dân và được mọi người nể phục. Bà Man Thiện hạ sinh được 3 người con, một người con trai mất sớm; bà sinh đôi hai cô con gái: người chị là Trưng Trắc và em là Trưng Nhị. Mấy năm sau, Lạc tướng Hùng Định qua đời, bà Man Thiện phải một mình lo cày cấy, tằm tang nuôi dạy hai cô con gái. Bà mời hai vợ chồng ông Đỗ Năng Tế: ông giỏi võ nghệ, bà giỏi công dung về dạy hai chị em bà Trưng Trắc – Trưng Nhị, với mong muốn hai con sau này trở thành những người kiệt xuất, làm rạng rỡ tổ tiên, non sông.

Năm 19 tuổi, Trưng Trắc kết duyên cùng Thi Sách – quan huyện Chu Diên. Mưu đồ việc lớn, Thi Sách khởi binh chống Tô Định nhưng thua nước cờ. Tô Định lại cất binh đánh thành Chu Diên trước. Thế tình hình giặc mạnh, Thi Sách khuyên Trưng Trắc trở về xây thành lũy phòng tại Hát Môn và một mình chống cự, song do “quan phòng sơ xuất” nên thành phá, Thi Sách bị Thái thú Tô Định sát hại. Trước tình hình đó, hai chị em Trưng Trắc chiêu binh đánh đuổi Tô Định.

Trước hành động kiên định và ý chí phục thù của hai cô con gái, bà Man Thiện gấp rút chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa. Dựa vào lòng tôn kính và hoài vọng của nhân dân vào các Vua Hùng và uy tín của Lạc tướng đất Mê Linh, bà đi các nơi liên kết với các quan lang, thủ lĩnh địa phương chiêu mộ anh hùng hào kiệt, tuyển chọn dân binh cho khởi nghĩa. Mặt khác, bà còn vận động dân đẩy mạnh canh nông, tích tụ lương thực thực phẩm, bí mật luyện tập binh mã chờ ngày khởi nghĩa.

Mùa xuân năm Canh Tý (năm 40 sau Công nguyên), khởi nghĩa thành công, Hai Bà Trưng đóng đô ở Mê Linh. Bà Man Thiện lui về Nam Nguyễn, nay thuộc Cam Thượng, Ba Vì làm chỗ dựa cho hai con.

Ba năm sau, Mã Viện đem quân xâm lược nước ta, thế mạnh, người đông, Hai Bà Trưng lui về Cấm Khê. Được tin con bị vây hãm, bà Man Thiện tổ chức thuyền chiến, đưa quân bản bộ theo sông Hồng vào sông Đà đánh úp sau Cấm Khê. Trên đường đi, quân Hán đuổi đánh tập hậu. Nguy cơ thất bại, bà gieo mình xuống sông. Đó là ngày mùng 10 tháng Chạp. Quân lính tìm vớt thi hài bà, an táng bà ở khu đất cao trong đồn Nam Nguyễn cũ gọi là gò Mả Dạ – lập miếu thờ bà, tục gọi là Miếu Mèn.

Ngày nay, xuôi về cánh sông Hồng, ở Gò Mả Dạ, nằm trên đường quốc lộ 11A, tại Miếu Mèn là nơi lập miếu thờ chính bà Man Thiện và đình Nam An cũng là nơi thờ tự bà. Ở Miếu Mèn có hai câu đối được viết lên thể hiện tình cảm dành cho người mẹ tôn kính của Hai Bà Trưng là hai người con gái của mẹ, đã viết:

Kiếm cung song mỹ quang từ phạm

Trở đậu thiên thu hiểu lệnh danh

Tạm dịch:

Sáng gương mẹ, hai gái kiếm cung

Nổi tiếng con, nghìn thu hương khói.

Hát từ đỉnh suất bằng di giáo

Thạch động di lai hiển địa hình

Tạm dịch:

Đền Hát ghi nhớ công ơn mẹ dạy

Động xưa còn dấu, nổi tiếng đất thiêng.

Tình cảm chất chứa trong hai câu đối đã cho chúng ta thấy được hình ảnh một người mẹ tôn kính trong lòng của Hai Bà Trưng là một người mẹ vĩ đại. Một người mẹ như bao bà mẹ khác vừa hiền hậu, thủy chung, yêu chồng thương con và giàu lòng yêu nước. Người mẹ đã truyền dạy lòng yêu nước, quật cường và đã cống hiến cho đất nước những người con anh hùng kiệt xuất trong lịch sử Việt Nam. Người mẹ đã chỉ dạy và góp phần viết tên Hai người con gái của mình trong lịch sử Việt Nam những ngày đầu lập quốc.

Qua câu truyện kể trên đã cho chúng ta thấy được hình ảnh người phụ nữ thời nay và thời xưa được tôn thờ, nhắc đến như một truyền thống tốt đẹp, cao cả lưu truyền từ đời này sang đời khác. Người phụ nữ chung thủy một lòng vì chồng, vì con và giàu lòng yêu nước. Tất cả những điều đó, các bà mẹ, chị em phụ nữ xưa – nay rất xứng đáng được tôn vinh với tám chữ vàng “Anh hùng – Bất khuất – Trung Hậu – Đảm đang” mà Đảng và nhà nước ta trao tặng cho phụ nữ Việt Nam. Truyền thống cao đẹp đó sẽ được tiếp sức và truyền lửa cho các thế hệ mai sau.

Tp. Hồ Chí Minh , ngày 03 tháng 3 năm 2021

Đào Thị Hồng Quyên

Phòng Truyền thông – Giáo dục và Quan hệ quốc tế