MÁ NĂM KIỂU

Đến nhà thăm má Năm bệnh, chúng tôi không ai dám nói ra, nhưng ai cũng ngẩm hiểu rằng, chúng tôi sắp mất má, mất đi một trang tư liệu lịch sử gắn với phong trào đấu tranh cách mạng của phụ nữ Nam Bộ.

altĐến nhà thăm má Năm bệnh, chúng tôi không ai dám nói ra, nhưng ai cũng ngẩm hiểu rằng, chúng tôi sắp mất má, mất đi một trang tư liệu lịch sử gắn với phong trào đấu tranh cách mạng của phụ nữ Nam Bộ.

Má là Đoàn Thị Kiểu tên thật là Cao Ngọc Quế, bà sinh ngày 8/11/1927 tại xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang trong một gia đình hành nghề thuốc Đông Y và có truyền thống yêu nước. Cha của bà, ông Cao văn Kỳ tham gia cách mạng và phụ trách Đông y miền tại tỉnh Tiền Giang. ​

Xuất thân trong một gia đình nghèo, đông con trên vùng đất cách mạng của tỉnh Tiền Giang. Bà là con gái thứ năm trong gia đình có bảy anh chị em. Khi còn là học sinh trường sư phạm Mỹ Tho, bà đã tham gia tổ chức phụ nữ Tiền Phong (Đoàn Nguyễn Thị Minh Khai). Ra trường bà làm giáo viên dạy cấp I và tiếp tục tham gia phong trào phụ nữ.

Tháng 5/1945, sau khi anh ruột của mình là liệt sĩ Cao Văn Hạp – ông cũng là giáo viên dạy học tại Bến Tre, bị đich bắt và xử bắn, do sợ lộ tung tích, gia đình cho bà thoát ly, tham gia hoạt động cách mạng. ​

Từ năm 1946 đến năm 1952, bà là Đoàn trưởng phụ nữ xã Phú An Hòa, quận An Hóa, tỉnh Mỹ Tho (nay là Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) và lần lượt giữ các nhiệm vụ: thư ký Ban chấp hành phụ nữ tỉnh Mỹ Tho, Đoàn trưởng Phụ nữ thị xã Mỹ Tho, cán bộ quân dân chính tỉnh Mỹ Tho. ​

Từ năm 1952 đến năm 1954, bà bị địch bắt và sau khi được trả tự do, bà tiếp tục tham gia cán bộ Ban binh vận Trung ương Cục miền Nam từ năm 1954 đến năm 1962. Năm 1962, bà tiếp tục bị địch bắt lần thứ hai và được trả tự do sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đỗ, năm 1964 bà được giao nhiệm vụ cán bộ Ban binh vận Trung ương Cục miền Nam.

Năm 1968, bà bị địch bắt lần thứ ba và trao trả vể Lộc Ninh vào ngày 6/3/1974. Từ năm 1974 đến năm 1985, bà là cán bộ Ban tổ chức Trung ương Cục miền Nam và lần lượt giữ các nhiệm vụ Phó ban, rồi Trưởng ban quản trị khung trường Chính trị Đoàn, chuyên viên Tiểu ban Ban vận động Trung ương phụ trách nghiên cứu công tác Ban vận động Thành phố. ​

Năm 1984, trong lúc chuẩn bị nghỉ hưu, bà được Ban tổ chức Trung ương chuyển về công tác tại Nhà truyền thống Phụ nữ Nam Bộ. Năm 1985, bà nghỉ hưu và giữ nhiệm vụ Giám đốc Nhà truyền thống Phụ nữ Nam Bộ từ năm 1985 – 1986 và tham gia cộng tác viên với Nhà truyền thống Phụ nữ Nam Bộ, sau này là Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ cho đến năm 1993. ​

Quảng thời gian hoạt động cách mạng, bà đã ba lần bị địch bắt và tù đày qua các nhà lao: Catinat, đề lao Gia Định, Thủ Đức, Phú Lợi, Chí Hòa và Côn Đảo. Dù bị địch tra khảo rất dã man, bà vẫn một lòng không khai báo, thủy chung với đồng đội, đồng chí, một lòng kiên trung với Đảng nên ra tù bà lại tiếp tục được giao những nhiệm vụ khó khăn. Là người từng được giao nhiệm vụ biệt phái ra Côn Đảo đón tiếp các cựu tù chính trị trở vê nên hơn ai hết bà hiểu và trân trọng giá trị tự do và hiện vật trong lao tù. ​

Trong những ngày đầu Nhà truyền thống phụ nữ Nam Bộ mở cửa đón khách, bà với tư cách vừa là người đi sưu tầm hiện vật, vừa là người quản lý, các hiện vật của Bảo tàng được bà nâng niu và trân trọng giới thiệu đến công chúng qua từng câu chuyện và cách thức trưng bày. Mặc dù, giữ vai trò giám đốc Nhà truyền thống Phụ nữ Nam Bộ trong một thời gian rất ngắn nhưng những đóng góp của bà với tư cách là cộng tác viên của Bảo tàng phụ nữ Nam Bộ rất lớn. Năm 2011, ở tuổi 84, lưng đã còng, bà vẫn miệt mài nhấc từng bước chân trên các bậc thang của nhà trưng bày Bảo tàng để giúp chúng tôi xác định từng hiện vật gắn với từng con người để viết lý lịch hiện vật. Vết thời gian không xóa được ký ức của bà, nhất là khi bà được nhìn và làm việc với hiện vật, với những câu chuyện gắn liền với lịch sử đấu tranh của dân tộc. Bà từng dạy chúng tôi, những viên chức của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ hiện nay: “Những hiện vật của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ rất đặc biệt. Đó là những hiện vật thấm máu của những nhân chứng, những con người làm nên lịch sử trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ… Chiến tranh chống đế quốc đã qua rồi, ta đang trên đường tiếp tục thực hiện mục đích lý tưởng của mình là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Tôi tin bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ góp phần hiệu quả trong sự nghiệp giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ”. ​

Không chỉ giúp cho Bảo tàng, bà còn là thành viên tích cực của đội văn nghệ cựu nữ tù chính trị, tù binh thành phố và tham gia các cuộc biểu diễn của đội tại các tỉnh, thành. ​

Hôm nay, khi chỉ còn vài tiếng đồng hồ đưa tiễn bà về nơi an nghỉ cuối cùng, Quận ủy Quận 3 long trọng tổ chức lễ trao tặng Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng trước linh cữu của bà. Đó là sự ghi nhận quá trình phấn đấu, hy sinh và một lòng trung thành với Đảng, với cách mạng của má, người dì của chúng tôi. Với tôi, bà không chỉ là má Năm như chúng tôi thường gọi, bà con là người thầy chỉ dạy cho tôi biết cần phải làm gì khi mới về nhận nhiệm vụ tại Bảo tàng.

Tiễn biệt má, chắc phải lâu lắm, chúng con mới có thể quên được hình bóng của má. Kính chào má Năm Kiểu, kính chào Dì với tất cả lòng kính trọng và thương yêu sâu sắc. ​

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 22 tháng 9 năm 2015 ​

Nguyễn Thị Thắm – Giám đốc