LỜI DẠY CỦA BÁC HỒ VỀ THANH NIÊN

Kỷ niệm 66 năm Ngày truyền thống Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (15/10/1956-15/10/2022), các thế hệ cán bộ Đoàn viên, Hội viên luôn ghi nhớ và thấm sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thanh niên. Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn do các thanh niên”[1].

Vì vậy, theo Bác thì thanh niên có một vị trí hết sức đặc biệt trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Trong thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”[2]. Là một lãnh tụ vĩ đại, có tầm nhìn xa trông rộng, hơn ai hết, Người thấu hiểu vai trò vô cùng to lớn của lực lượng thanh niên trong sự nghiệp cách mạng, trong công cuộc bảo vệ, xây dựng, kiến thiết nước nhà bởi chính Người cũng đã từng trải qua một thời thanh niên vô cùng sôi nổi. Chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành với ý chí và tấm lòng yêu nước nhiệt thành đã từng bước trở thành lãnh tụ Hồ Chí Minh – người chiến sĩ Cộng sản chiến đấu không ngừng nghỉ cho độc lập dân tộc và giải phóng thuộc địa. Thanh niên trong tư tưởng của Người là lực lượng trẻ, khỏe, đông đảo trong xã hội; họ là “người chủ tương lai của nước nhà”.

Nhưng để làm được điều đó, để phát huy hết vai trò và sức mạnh của thanh niên thì trước hết phải tiến hành giáo dục thanh niên một cách toàn diện và chu đáo. Hiểu sâu sắc tầm quan trọng của vấn đề này, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hết sức quan tâm đến thế hệ trẻ. Người luôn chăm lo giáo dục thanh niên, mạnh dạn giao nhiệm vụ và từng bước dìu dắt họ tham gia đấu tranh cách mạng. Bác Hồ luôn theo dõi chặt chẽ và khen thưởng kịp thời những cố gắng về mọi mặt của thanh niên, Bác viết rất nhiều thư khen ngợi bộ đội, dân công, thanh niên xung phong.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên căn dặn phải ra sức đoàn kết, tập hợp thanh niên thành một mặt trận rộng lớn. Theo Người, đoàn kết tập hợp thanh niên là mặt công tác lớn, một nhiệm vụ rất quan trọng của Đoàn. Người yêu cầu tổ chức đoàn phải nghiên cứu tìm ra những hình thức và phương pháp thích hợp để đoàn kết và tổ chức thanh niên một cách rộng rãi và vững chắc. Các hình thức và phương pháp đó vừa thu hút rộng rãi thanh niên tham gia nhưng phải được định hướng vững chắc, nghĩa là có mục tiêu phấn đấu rõ ràng, có tính ổn định và triển vọng phát triển. Theo Người, muốn củng cố và phát triển Đoàn phải liên hệ rộng rãi và chặt chẽ với các tầng lớp thanh niên. Phải quan tâm đến đời sống công tác, học tập của thanh niên và tất cả đoàn viên phải gương mẫu. Trong công tác xây dựng Đoàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn lưu ý về việc phải phát triển đoàn viên về số lượng đồng thời phải coi trọng việc nâng cao chất lượng.

Là người sáng lập và rèn luyện Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Người luôn chú trọng vấn đề tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên và công tác đoàn. Người căn dặn: “Chi bộ phải chăm lo xây dựng Đoàn thanh niên cho thật tốt”, đồng thời: “Trung ương và các cấp đảng bộ địa phương phải chăm sóc hơn nữa đến công tác thanh niên” trong đó, vấn đề quan trọng là chăm lo công tác xây dựng Đoàn để “phát huy tác dụng tiên phong của Đoàn về mọi mặt”. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn rất coi trọng vai trò của nhà nước trong công tác thanh niên.

Trước lúc đi xa, Bác đã gửi gắm tình yêu thương, sự quan tâm đến thế hệ thanh niên Việt Nam qua những lời dặn dò trong Di chúc: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ”. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”[3].

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác thanh niên, Đảng và Nhà nước ta luôn dành cho thế hệ trẻ Việt Nam sự quan tâm hết sức đặc biệt. Đánh giá cao về sự cống hiến to lớn của thanh niên, đồng thời khẳng định phải tăng cường nhiệm vụ giáo dục đạo đức cho thanh niên. Trong Báo cáo Chính trị của Ban
Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, Đảng ta nêu rõ: Đối với thế hệ trẻ, thường xuyên giáo dục chính trị, truyền thống, lý tưởng, đạo đức và lối sống; tạo điều kiện học tập, lao động, giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tại Hội nghị Ban
Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ II (Khoá 7) về công tác thanh niên trong thời kỳ mới, Đảng ta đã chỉ rõ:“sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, đất nước bước vào thế kỷ XXI có vị trí xứng đáng trong cộng đồng thế giới hay không, cách mạng VN có vững bước theo con đường chủ nghĩa xã hội hay không phần lớn thuộc vào lực lượng thanh niên, vào việc bồi dưỡng, rèn luyện thế hệ thanh niên, công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc”. Tại phiên họp toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6, đồng chí Đỗ Mười – nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nói: “Thanh niên có phát triển thì dân tộc mới trường tồn”. Đây là một khẳng định đúng đắn và khách quan có giá trị tư tưởng cao trong chặng đường phát triển của thanh niên trong thời kỳ mới.

Bác Hồ đã đi xa, nhưng tư tưởng và những lời chỉ dạy của Người về giáo dục đạo đức cho thanh niên mãi mãi soi sáng, dẫn dắt các thế hệ thanh niên Việt Nam hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, góp phần vào thắng lợi trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển đất nước. Thanh niên Việt Nam học tập và thấm nhuần sâu sắc những chỉ dạy của Người, để xây dựng lý tưởng cách mạng và niềm tin, tạo nên sức mạnh để nguyện “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”.

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 17 tháng 10 năm 2022

Phạm Tuấn Trường

Phòng Truyền thông – Giáo dục và Quan hệ quốc tế

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, t.275

[2]Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1958, t.1, tr.69

[3] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15, tr 612