LIỆT SĨ PHẠM THỊ MÃNH – NGƯỜI ĐOÀN VIÊN ANH HÙNG

LIỆT SĨ PHẠM THỊ MÃNH – NGƯỜI ĐOÀN VIÊN ANH HÙNG

Hòa chung không khí sôi nổi của tuổi trẻ cả nước thi đua lập thành tích chào mừng Tháng Thanh niên và hướng tới kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2020). Trải qua 89 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã phát huy tốt tinh thần xung kích, cống hiến nhiều cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng và Nhà nước.

Đầu năm 1965, sau Đại Hội Đoàn Thanh niên Nhân dân cách mạng lần thứ nhất ở miền Nam đã phát động phong trào “Năm xung phong chống Mỹ cứu nước”, phong trào đã cuốn hút hàng triệu đoàn viên và thanh niên tham gia bằng những hoạt động cụ thể, góp phần đưa sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước phát triển mạnh mẽ, giành được những thắng lợi to lớn của dân tộc. Để dành được thắng lợi đó đã có rất nhiều người đã ngã xuống và phần lớn trong số ấy đều đang độ tuổi 20.

Trong phong trào thanh niên tham gia lực lượng Thanh niên xung phong phục vụ chiến trường có chị Phạm Thị Mãnh – người đoàn viên đã hy sinh thân mình để bảo vệ thương binh. Chị Phạm Thị Mãnh (Chín Mãnh), sinh năm 1947 tại xã Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Vào tháng 12/1965, đội Thanh niên xung phong 1265 – đội “Bình Giã chiến Thắng” Bà Rịa – Long Khánh được thành lập, chị Mãnh đã tham gia vào đội và trực tiếp phục vụ cho Sư đoàn 5 quân giải phóng Miền, làm nhiệm vụ “tiếp đạn – chuyển thương”, phục vụ cho Trung đoàn pháo Biên Hòa, Trung đoàn Bộ Binh 33… hoạt động chủ yếu ở chiến trường Biên Hòa, Long Khánh, Bà Rịa… Đây là chiến trường địch tập trung đánh phá rất ác liệt, chúng phong tỏa gắt gao, cắt đứt các nguồn cung cấp vũ khí, lương thực, thực phẩm… nên cực kỳ khó khăn gian khổ, thiếu cơm, thiếu muối kéo dài, phải ăn lá bép, củ bụp, măng le, rêu đá…thay cơm.

Sống tập thể trong một môi trường quân đội, chị Mãnh luôn tự giác, gương mẫu về mọi mặt, hết lòng yêu thương giúp đỡ đồng đội và sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ khó khăn về mình. Chị được các đồng đội rất quý mến. Chị đã tham gia trong các trận đánh nổi tiếng như: sân bay Biên Hòa, kho Bình, kho xăng Nhà Bè, sân bay Vũng Tàu, Suối Vàng… Trong phục vụ cho bộ đội chiến đấu, chị luôn là một đội viên thanh niên xung phong dũng cảm trong phục vụ, và là người dẫn đầu tiểu đội bò dưới làn đạn của địch vào trận địa, tiếp đạn cõng thương binh, tử sĩ…

Trong phục vụ trận đánh Bình Sơn, Long Thành, Biên Hòa ngày 19/6/1969 địch phản công quyết liệt bằng xe tăng, pháo binh và máy bay vào trận địa của ta nên bộ đội bị thương vong rất nhiều, Chị Mãnh cùng Đội 1265 chuyển thương binh trong điều kiện trời đêm tối, mưa tầm tã, người ướt sũng, bụng đói vượt vòng vây của địch về căn cứ núi Mây Tàu. Khi đến “Cầu Xéo, Ngãi Giao, Châu Đức, Bà Rịa” đơn vị lọt vào ổ phục kích của địch, chúng nã vào đội của chị một loạt mìn Clây-mo, Trung đội 1 đi đầu hy sinh tại chỗ, 7đội viên thanh niên xung phong, đồng đội cùng cáng thương với chị hy sinh, riêng chị Mãnh bị thương nặng. Lúc bấy giờ còn anh thương binh nằm trên võng, quân địch tràn tới, chị nói một cách kiên quyết: “Anh phải cố gắng bò ra phía sau có anh em Thanh niên xung phong cứu anh” . Trong lúc anh thương binh còn do dự không muốn chị ở lại một mình, chị nói dứt khoát “Anh phải bò ra ngay, anh là cán bộ chỉ huy tiểu đoàn, anh phải sống, còn tôi phải cản chúng nó lại”. Nói xong chị cố gắng hết sức còn lại đứng dậy đi về phía địch đứng thẳng dang 2 tay trong tư thế chặn quân địch, địch nhìn thấy liền tập trung hỏa lực về phía chị. Chị Chín Mạnh hy sinh ngày 20/6/1969, khi vừa tròn 22 tuổi. Hình ảnh hy sinh oanh liệt của chị mãi mãi là hình tượng sáng ngời khí thế tiến công của người chiến sĩ cách mạng, sẵn sàng chiến đấu đến giọt máu cuối cùng, cống hiến tuổi xuân cho Tổ quốc… Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã vinh danh và truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho chị vào ngày 23 tháng 02 năm 2010.

Tưởng nhớ đến Chị – lớp lớp thế hệ đoàn viên, thanh niên sinh viên, học sinh thành phố Hồ Chí Minh bằng sức trẻ và lòng nhiệt huyết, phát huy truyền thống yêu nước, bằng những hành động, việc làm thiết thực, bằng sự năng động, sáng tạo, tinh thần xung kích tình nguyện của tuổi trẻ hôm nay, chúng ta – những bạn trẻ hôm nay sẽ mãi giữ vững ngọn cờ tiên phong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc, trong công tác thanh niên; tiếp tục nêu cao tinh thần xung kích, tình nguyện trong mọi hoạt động, cùng chung tay góp sức để xây dựng quê hương đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp văn minh hơn.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 16 tháng 3 năm 2020

Phạm Tuấn Trường ​

Phòng Tuyên truyền- Giáo dục – Quan hệ Quốc tế