LỊCH SỬ VÀ Ý NGHĨA CỦA NGÀY QUỐC TẾ HẠNH PHÚC 20 THÁNG 3

Ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 là ngày để cả thế giới quan tâm đến vấn đề cốt lõi: “Làm sao để tìm được thật nhiều niềm vui trong cuộc sống?”

Ngày Quốc tế hạnh phúc khởi nguồn từ nhu cầu về một cách tiếp cận tăng trưởng kinh tế cân bằng, hợp tình hợp lý, nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững, xóa nghèo và phấn đấu vì hạnh phúc và sự thịnh vượng cho tất cả mọi người và xuất phát từ nguyện vọng mỗi người hãy chọn cho mình một quan niệm đúng về hạnh phúc, quan tâm đến vấn đề cốt lõi nhất trong sự tồn tại là làm sao tìm được thật nhiều niềm vui trong cuộc sống, làm lan tỏa những điều tốt đẹp nhất

Ngày Quốc tế hạnh phúc khởi nguồn từ nhu cầu về một cách tiếp cận tăng trưởng kinh tế cân bằng, hợp tình hợp lý, nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững, xóa nghèo và phấn đấu vì hạnh phúc và sự thịnh vượng cho tất cả mọi người và xuất phát từ nguyện vọng mỗi người hãy chọn cho mình một quan niệm đúng về hạnh phúc, quan tâm đến vấn đề cốt lõi nhất trong sự tồn tại là làm sao tìm được thật nhiều niềm vui trong cuộc sống, làm lan tỏa những điều tốt đẹp nhất.

Việc Liên Hiệp Quốc chọn ngày 20 tháng 3 là “Ngày Quốc tế hạnh phúc” vì đây là ngày đặc biệt trong năm – khi mặt trời nằm ngang đường xích đạo – nên trong ngày này có độ dài ngày và đêm bằng nhau – là biểu tượng cho sự cân bằng, hài hòa của vũ trụ. Cũng là biểu tượng của sự cân bằng giữa âm và dương, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa ước mơ và hiện thực….

Bởi vậy ngày 20 tháng 3 – Ngày Quốc tế hạnh phúc cũng truyền tải thông điệp rằng: “Cân bằng, hài hòa là một trong những chìa khóa để mang đến hạnh phúc”.

Ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2589/QĐ-TTg ngày 26 tháng 12 năm 2013 phê duyệt Đề án: “Tổ chức các hoạt động nhân ngày Quốc tế hạnh phúc 20 tháng 3 hàng năm”.

Điều đó mang ý nghĩa lớn lao nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển an sinh xã hội, xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ và hạnh phúc; nâng cao nhận thức của toàn xã hội về ngày Quốc tế hạnh phúc, để từ đó có hành động cụ thể, thiết thực xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc của người Việt Nam; kêu gọi sự hợp tác, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đối nước các hoạt động nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3).

Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, người Việt Nam luôn hướng tới một cuộc sống hòa bình, no ấm, hạnh phúc. Mỗi người dân đều mong muốn có một cuộc sống thực sự hạnh phúc cho bản thân, gia đình. Vậy hạnh phúc đến từ đâu? Rất nhiều người cho rằng hạnh phúc không có công thức, hạnh phúc đến từ những điều đơn giản nhất trong cuộc sống hàng ngày của mỗi con người.

Đời sống kinh tế của người Việt Nam càng ngày càng được cải thiện, hầu hết người dân đều đã được ăn no, mặc ấm, rất nhiều người đã vươn tới việc ăn ngon, mặc đẹp. Đời sống tinh thần của người dân cũng được nâng cao hơn, nhất là với người dân ở các thành phố lớn. Thế nhưng, theo nhiều nhà nghiên cứu, quá trình đô thị hóa cũng lấy đi của gia đình người Việt Nam khá nhiều điều quan trọng để duy trì hạnh phúc. Có thể thấy rõ nhất đó là thời gian bên nhau, dành cho nhau giữa các thành viên trong gia đình ít đi rất nhiều. Bữa cơm gia đình với đầy đủ thành viên quây quần sum họp như trước có lẽ là mơ ước của nhiều gia đình ngày nay.

Trong các gia đình truyền thống xưa, gia đình nào cũng vậy, không phân biệt giàu nghèo, trong một mâm cơm, có món nào ngon con cháu cũng mời ông bà ăn trước, nhưng người lớn tuổi lại thường gắp miếng ngon ấy cho người bé nhất trong nhà. Tình cảm gia đình ấm áp, hạnh phúc cứ thế lớn lên trong tâm hồn trẻ thơ, nền giáo dục đó xuất phát từ ý thức nhường nhịn, sẻ chia, kính trên nhường dưới.

Cũng có một thực tế là ngày càng nhiều căn bếp được trang bị những đồ dùng đắt tiền, tiện nghi nhất phục vụ cho việc nấu nướng, song ít khi được đỏ lửa bởi bữa ăn chung trong nhà ít diễn ra. Nhiều người, nhất là thế hệ trẻ ngày nay đơn giản cho rằng bữa cơm gia đình không quá quan trọng đến thế, ăn ở đâu cũng được, ăn ngoài quán thì càng tiện, về nhà không cần lo lắng xem ăn gì, ai dọn rửa bát đũa…

Nếu như bếp lửa nguội lạnh thì lòng người cũng sẽ lạnh theo. Ngược lại, nếu có càng nhiều bữa cơm gia đình ấm áp, tình yêu thương sẽ sưởi ấm căn nhà, từ đó nó sẽ lấn át, giảm bớt những xung đột, mâu thuẫn gia đình. Bữa cơm gia đình sum họp cũng chính là bữa cơm gia đình, chính là cái cớ, đường dẫn đến nhiều điều hạnh phúc. Ngày nay, cuộc sống đã đủ đầy hơn nhưng con người cũng đã đánh mất nhiều điều hạnh phúc, thay vào đó là sự lo âu, hoảng sợ, hoang mang, ngờ vực tăng lên rất nhiều…

Ngày nay, cuộc sống vật chất đã đầy đủ hơn nhưng con người Việt Nam không hạnh phúc bằng nhiều năm về trước. Đó là do chúng ta đã mất dần những mối giao cảm vốn có với con người, thiên nhiên và xã hội… để có được cuộc sống hạnh phúc thực sự trong thế giới hiện đại này, con người cần phải cân bằng các mối quan hệ với thiên nhiên, với con người, cân bằng giữa vật chất bên ngoài với thế giới nội tâm bên trong, cân bằng lại sự rung cảm trước cái đẹp.

Liên hợp quốc khi chọn ngày 20 tháng 3 là Ngày quốc tế hạnh phúc cũng mong muốn truyền tải đến người dân toàn thế giới một thông điệp rằng: “Cân bằng, hài hòa là một trong những chìa khóa mang đến hạnh phúc”.

Tp.Hồ Chí Minh, ngày 9 tháng 3 năm 2019

Hồ Ngọc Phương