LỄ TẠ VÀ KHÁNH THÀNH KHU MỘ CÔ BA ĐỊNH

Nhân kỷ niệm 60 năm ngày Bến Tre Đồng khởi (17/01/1960-17/01/2020), 10 giờ sáng ngày 05 tháng 01 năm 2020 tại Nghĩa trang Thành phố, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh, Ban Tương tế Bến Tre tỉnh Bình Dương phối hợp cùng Ban công tác phía Nam Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và gia đình Nữ tướng Nguyễn Thị Định tổ chức lễ Tạ – Khánh thành tôn tạo khu mộ cô Ba Định, tên gọi thân thương mà các thế hệ phụ nữ Việt Nam dành cho bà.

altNăm 2016, nhâ dịp kỷ niệm 90 năm thành lập Hội tương tế Bến Tre tại Bình Dương đã khánh thành Đền thở Tiền hiền, tổ chức rước tượng Bác Hồ, tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nữ tướng Nguyễn Thị Định (gọi thân mật cô Ba Định) về thờ trong Đền. Hai năm nay, mộ cô Ba Định đang trong tình trạng xuống cấp, Hội Tương tế Bến Tre tỉnh Bình Dương đã họp bàn và đưa ra quyết định cần tôn tạo, làm mới hoàn toàn nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cô Ba Định (15/3/1920-15/3/2020), 60 năm ngày Bến Tre Đồng khởi (17/01/1960-17/01/2020) và 45 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2020). Lễ Tạ – Khánh thành khu mộ Nữ tướng Nguyễn Thị Định- Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thể hiện tấm lòng, sự biết ơn của con cháu và các thế hệ với cô Ba Định.

Sau Hiệp định Genève, đế quốc Mỹ nhảy vào miền Nam Việt Nam với âm mưu chia cắt lâu dài Việt Nam, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ. Chính quyền Ngô Đình Diệm, dưới sự bảo trợ của Mỹ, từ năm 1955 đã liên tiếp mở các chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng”, liên tục đánh phá ác liệt vào những vùng có phong trào cách mạng của quần chúng phát triển mạnh. Ngày 6/5/1959, chính quyền Diệm ban hành Luật số 10/59, cho phép lập Tòa án Quân sự đặc biệt tử hình bất kỳ ai “đe dọa an ninh quốc gia” hoặc tham gia vào tổ chức cộng sản, dưới chính sách độc tài, phát xít của Mỹ-Diệm, một bầu không khí tang tóc, ngột ngạt bao trùm khắp miền Nam.

Để đối phó với âm mưu thủ đoạn của đế quốc Mỹ và tay sai, tháng 1/1959, Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị lần thứ 15, xác định con đường phát triển của cách mạng Miền Nam. Sau cuộc họp tháng 7-1959), Nghị quyết 15 được thông qua và khẳng định: nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Miền Nam là giải phóng Miền Nam; nhiệm vụ trước mắt là đánh đổ tập đoàn thống trị Ngô Ðình Diệm, tay sai của đế quốc Mỹ; phương pháp cách mạng và phương thức đấu tranh là dùng bạo lực cách mạng, từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang; dự kiến xu hướng phát triển từ khởi nghĩa của nhân dân tiến lên cuộc đấu tranh vũ trang trường kỳ.

Dưới ánh sáng Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, sự lãnh đạo của Đảng bộ Bến Tre mà người chỉ huy trực tiếp là đồng chí Nguyễn Thị Định (sau là Phó Tư lệnh Quân giải phóng Miền Nam), ngày 17/1/1960, cuộc Đồng Khởi của quần chúng nhân dân xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày đã rung tiếng chuông báo hiệu và lôi kéo sức mạnh của Nhân dân đứng lên phá thế kềm kẹp của địch. Từ Bến Tre, làn sóng đồng khởi nhanh chóng lan ra các tỉnh Mỹ Tho, Long An, Trà Vinh, Bạc Liêu, Rạch Giá, Kiến Phong… Trong phong trào đồng khởi sôi động ấy đã xuất hiện một đội quân đặc biệt: Đội quân tóc dài. Tên tuổi của bà Nguyễn Thị Định gắn với gắn với phong trào Đồng khởi Bến Tre, với “Đội quân tóc dài”. Từ sau Đồng khởi, bà Nguyễn Thị Định lần lượt giữ các chức vụ: Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Mặt trận Giải phóng tỉnh Bến Tre; Khu ủy viên Khu 8; Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam; Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam…

Năm 1965, Bí thư Trung ương Cục miền Nam Nguyễn Chí Thanh đã truyền đạt ý kiến của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh rút bà Nguyễn Thị Định sang công tác bên quân đội và đảm nhiệm cương vị Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Sau ngày đất nước thống nhất, nữ tướng Nguyễn Thị Định lần lượt giữ nhiều chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước: Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước… Trên cương vị của mình, bà Ba Định – Nguyễn Thị Định đã có nhiều đóng góp trong công tác thương binh, liệt sĩ, công tác đền ơn áp nghĩa… Trong công cuộc đổi mới đất nước, bà Nguyễn Thị Định đã có nhiều đóng góp trong công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 07 tháng 01 năm 2020

Nguyễn Thị Thắm